A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

30 năm âm thầm đóng góp cho quê hương

Ăn lương của Chính phủ Pháp để làm việc cho... Việt Nam, Giáo sư Đỗ Đình Chiểu được hưởng một qui chế đặc biệt như thế. Nhưng đó chưa phải là điều đặc biệt duy nhất về con người này. Vị Giáo sư khả kính trở về từ nước Pháp, từng là phu khuân vác, từng bị những tên lính da đen đá đít khi còn nhỏ...

Trở về từ khi đất nước còn khó khăn 

 Giáo sư Đỗ Đình Chiểu

Người ta hay nói về sự trở về của Việt kiều. Có những người trở về khi đất nước đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Có những người trở về khi đất nước còn đầy gian khó. Giáo sư Vật lý Đỗ Đình Chiểu (Đại học Monperlier – Pháp) thuộc mẫu người thứ hai. Ông trở về đất mẹ chỉ vài năm sau khi đất nước trải qua cuộc chiến tranh dài đằng đẵng. Ngày ấy, đất nước còn muôn vàn gian khó. Những ngành khoa học Việt Nam cũng thế. Và ông đã ghé vai cùng các đồng nghiệp để gánh vác những khó khăn ấy. Tính đến giờ, tròn 30 năm ông đi lại giữa 2 nước Pháp – Việt. Một phần ba thế kỷ, và những đóng góp cho quê hương của ông, cũng dày dặn như quãng thời gian ấy. Nhưng cái tên Đỗ Đình Chiểu, vẫn còn là cái tên xa lạ với nhiều người. Lý do giản dị, ông luôn làm việc một cách thầm lặng.

Một trong những câu chuyện mà nhiều người nhắc đến khi nói về Giáo sư Đỗ Đình Chiểu, là việc ông tặng chiếc máy chiếu hình cho Viện Vật lý hồi năm 1979. Mặc dù điều kiện đi lại giữa Việt Nam và Pháp hồi ấy còn chưa thuận lợi, nhưng Giáo sư Đỗ Đình Chiểu đã cất công mang chiếc máy đó cùng rất nhiều sách, tài liệu quí về vật lý từ Pháp trở về. Trong suốt một thời gian dài, chiếc máy chiếu projector lúc đó là một tài sản cực kỳ quý của Viện Vật lý.

Thời gian đầu, mỗi năm Giáo sư Đỗ Đình Chiểu chỉ về Việt Nam 1 - 2 tháng để tham gia giảng dạy tại các trường đại học trong nước, cộng tác với các Viện Khoa học của Việt Nam. Khoảng chục năm trở lại đây, hầu như năm nào ông cũng dành một nửa thời gian làm việc tại Việt Nam. Ông giảng dạy ở nhiều trường đại học trong nước, hợp tác với Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng như Viện Vật lý Việt Nam. Ông làm việc mà không nhận một đồng thù lao nào. Thời gian gần đây, khi Việt Nam chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân, những chuyến trở về của ông ngày càng dày hơn.

Tôi rất băn khoăn tại sao Giáo sư Đỗ Đình Chiểu có thể “xẻ đôi” con người mình, nửa cho Việt, nửa cho Pháp. Ông cho biết, đã từ lâu, ông được Chính phủ Pháp trả lương để làm việc giúp Việt Nam.

Vị Giáo sư khả kính trở về từ nước Pháp có một tuổi thơ đầy cơ cực. Vốn sinh ra tại Hà Đông (cũ) trong một gia đình Nho giáo, cha Đỗ Đình Chiểu luôn quyết cho con học nên người. Nhưng những biến loạn của thời cuộc, rồi cha cậu đột ngột qua đời khiến cậu bé rơi vào cảnh bơ vơ, rồi bị người Pháp bắt làm phu khuân vác. Nhiều lần cậu bé Chiểu bị những tên lính da đen coi thường, đánh đập. Nghĩ đến người cha, nghĩ đến giấc mơ ngồi trên ghế nhà trường để thực hiện nguyện vọng của cha, lại nghĩ về nỗi nhục của “một thằng phu” mất nước, khiến cậu bé nung nấu ý chí phải phấn đấu vươn lên. Giữa lúc đầy khó khăn ấy, người anh trai của cậu bé Chiểu trở về từ phương Nam. Khi ấy, ông là một quan chức trong Nha học chánh, nhờ vậy, cậu bé Chiểu lại được cắp sách đến trường.

Đỗ Đình Chiểu thi vào trường Chasseloup Laubat (trường dành cho con Tây và con em quan chức người Việt tại Sài Gòn) với diện đỗ vớt, do môn tiếng Pháp còn kém. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, nhờ sự rèn luyện mỗi ngày, tiếng Pháp của cậu bé đã không thua kém bất kỳ học sinh nào. Trường Pháp, ngôn ngữ trong trường hoàn toàn là tiếng Pháp, nhưng không khó để Đỗ Đình Chiểu chinh phục trong một thời gian ngắn. Cậu bé Chiểu đã vượt tất cả bạn bè trong lớp, ba lần thi nhảy cóc thành công, để rồi mất chưa đầy sáu năm, cậu hoàn thành chương trình tú tài toàn phần.

Thành tích xuất sắc ấy khiến Đỗ Đình Chiểu nhận được một suất học bổng đi du học Pháp. Tại đây, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về Vật lý năm 1972. Một điều Giáo sư Đỗ Đình Chiểu cho rằng mình rất may mắn là được học tập, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của những người thầy nổi tiếng như các Giáo sư Louis Neel (giải Nobel vật lý năm 1970 về từ học), Pierre Gilles de Gennes (giải Nobel năm 1991). Trong gian phòng khách của ngôi nhà trên phố Hồng Mai tại Việt Nam, bức ảnh của những người thầy luôn được ông treo ở vị trí trang trọng.

Vị Giáo sư “khăn đóng, áo dài”

Nghiên cứu vật lý hạt nhân, nhưng những năm gần đây, Giáo sư Đỗ Đình Chiểu dành nhiều thời gian tìm hiểu văn hoá Việt Nam. Tại Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc tổ chức tại Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua, chính ông đã đọc một tham luận về sự tương đồng giữa vật lý và đạo Phật. Điều bất ngờ nhất trong buổi lễ đó, là ông cùng phu nhân diện bộ khăn đóng áo dài theo đúng truyền thống dân tộc Việt. Ông tâm sự, mặc áo dài, để thấy mình là người Việt.

Giáo sư Đỗ Đình Chiểu đặc biệt quan tâm đến giáo dục thế hệ trẻ. Những chuyến trở về Việt Nam khiến ông hiểu thêm về những thay đổi trong giới trẻ ngày nay, ông trăn trở: “Gần đây, đạo đức của giới trẻ có nhiều biểu hiện đi xuống. Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ". Ở những nước phát triển phương Tây, sự dư thừa về vật chất khiến một bộ phận giới trẻ chỉ lo hưởng thụ.

Kinh Bắc/ Đại đoàn kết

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu