A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bác sĩ Quỳnh Kiều- người có tấm lòng vàng

Bà là người xây dựng chương trình Project Việt Nam, khám chữa bệnh, phẫu thuật miễn phí mang lại nụ cười cho hàng trăm trẻ em nghèo ở quê nhà.

Bác sĩ Quỳnh Kiều

Bác sĩ Quỳnh Kiều còn được gọi là “người đem lại nụ cười cho trẻ em nghèo”, vì các chuyến trở về, đoàn bác sĩ đều tổ chức phẫu thuật cho hàng trăm trẻ em mắc chứng hở hàm ếch. Bà được bầu chọn là Người phụ nữ xuất sắc nhất năm 2004 của bang California, nơi bà và gia đình đang sinh sống. Cũng năm 2004, bà được được Hội Y khoa Mỹ tặng giải thưởng Niềm hãnh diện về nghề nghiệp vì các đóng góp của bà cho sức khoẻ cộng đồng tại Mỹ.

Từ ngày 2/11 đến ngày 15/11, niềm vui lại đến với những trẻ em nghèo thuộc các tỉnh Trà Vinh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc, khi bác sĩ Quỳnh Kiều, Việt kiều Mỹ, dẫn đầu đoàn bác sĩ trở về Việt Nam khám bệnh miễn phí trong chương trình “Medical Mission Fall 2008”, một phần của chương trình lớn mang tên “Project Việt Nam” (Dự án Việt Nam) do bà đứng đầu. Ngoài ra, đoàn còn có các buổi huấn luyện nghiệp vụ cho bác sĩ tại Kiên Giang, Nha Trang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hải Phòng và các bệnh viện nhi ở Hà Nội và TP HCM.

Project Vietnam đã ra đời được tròn 12 năm, là kết quả của quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi của bác sĩ Quỳnh Kiều, người Việt nổi tiếng với tấm lòng nhân hậu tại California (Mỹ). Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ có những chương trình tài trợ để giúp đỡ trẻ em nghèo. Bác sĩ Quỳnh Kiều đã nắm lấy cơ hội đó và xây dựng Project Việt Nam, một chương trình khám chữa bệnh mặt, giúp đỡ trẻ em nghèo tại quê nhà. Suốt từ năm 1996 đến nay, mỗi năm, bác sĩ Quỳnh Kiều cùng một đoàn bác sĩ, nhân viên y tế trở về Việt Nam để giải phẫu, khám bệnh ở vùng xa xôi và giúp đào tạo nhân viên y tế về nhi khoa.

Do nguồn tài chính hạn chế, Project Việt Nam sẽ không thể thực hiện nếu không có sự tham gia của những bác sĩ tình nguyện. Bằng uy tín của mình, mỗi chuyến trở về, bác sĩ Quỳnh Kiều đã thuyết phục được nhiều giáo sư, bác sĩ danh tiếng cùng nhiều nhân viên y tế từ khắp nơi trên thế giới tham gia chương trình khám chữa bệnh miễn phí này. Do đó, đoàn khám chữa bệnh do bác sĩ Quỳnh Kiều dẫn đầu, luôn là một đoàn bác sĩ “đa quốc gia”. Và điều đặc biệt, họ phải chi trả phần lớn chi phí đi lại và sinh hoạt trong suốt thời gian diễn ra chương trình khám, chữa bệnh. Trong số những tình nguyện viên này, bác sĩ Steve Ringer, giáo sư ĐH Harvard, giám đốc Khoa sơ sinh Bệnh viện Brigham & Women's Hospital tại Boston. Ông đã sang Việt Nam cùng phái đoàn Project Vietnam khoảng 20 lần.

Để chuẩn bị cho chuyến khám chữa bệnh đầu tháng 11 này, ngay từ tháng 9, Project Vietnam đã có buổi dạ tiệc gây quỹ hoạt động để chuẩn bị cho chương trình “Medical Mission Fall 2008”. Trong chương trình này, Project Việt Nam đã thu được 30.000 USD (khoảng 500 triệu đồng). Theo bác sĩ Quỳnh Kiều, số tiền này sẽ được dùng để mua những máy trợ thở trẻ sơ sinh tặng cho các bệnh viện Việt Nam.

Không chỉ dừng lại ở việc khám chữa bệnh, phẫu thuật miễn phí cho trẻ em nghèo Việt Nam, bác sĩ Quỳnh Kiều còn góp phần nâng cao nhận thức của nhiều người trong nước đối với việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Trong những lần trở về Việt Nam, bác sĩ Quỳnh Kiều nhận ra rằng tại các bệnh viện Việt Nam, ngay cả những bệnh viện trung ương, hầu như không có những chiếc máy trợ thở cho trẻ em sơ sinh. Đó là lý do cướp đi sinh mạng nhiều trẻ em Việt Nam ngay khi mới chào đời. Từ năm 2005 đến nay, bác sĩ Quỳnh Kiều đã xây dựng chương trình “Hơi thở cho em”. Mỗi chuyến trở về khám chữa bệnh, bà đều có những hoạt động gây quỹ để mua máy trợ thở tặng cho các bệnh viện.

Một trong những hoạt động góp phần thay đổi nhận thức về chăm sóc sức khoẻ trẻ sơ sinh là tiêm vitamin K. Trước đây, trẻ em Việt Nam không được tiêm vitamin K nên nhiều em có nguy cơ bị xuất huyết não và nội tạng khác nhau, có thể gây tử vong hoặc bại não. Bác sĩ Quỳnh Kiều đã làm việc với Bộ Y tế, viện Nhi Trung ương để thực hiện những chương trình mẫu về tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh. Sự thành công của chương trình này khiến Bộ Y tế đi đến quyết định tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh và đã trở thành một chương trình quốc gia.

Theo bác sĩ Quỳnh Kiều, ban đầu, nhiều người Mỹ gốc Việt e dè khi tham gia hoạt động của đoàn, nhưng hiện giờ, những bác sĩ, nhân viên y tế Việt kiều luôn chiếm đa số trong đoàn. Điều đó góp phần tạo nên những thành công to lớn của Project Việt Nam. Khi mới bắt đầu, Project Việt Nam thường trở về Việt Nam một, hai lần mỗi năm, giờ con số đó tăng lên ba lần./.

(Theo Đại đoàn kết)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu