A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

2 tiến sĩ Việt kiều đóng góp ý kiến nâng cao chất lượng nông sản Việt

TS. Nguyễn Quốc Vọng (Việt kiều Úc) và TS. Nguyễn Thanh Mỹ (Việt kiều Canada) đều cho rằng việc ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới sẽ giúp tăng năng suất, chất lượng tốt, an toàn, giá rẻ, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt; bảo đảm sự phát triển bền vững cho nông nghiệp Việt Nam.

Chiều 7/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt”.

Đây cũng là một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao 2016 với chủ đề “Thực phẩm – nông sản sạch” do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức từ ngày 6 - 9/10.

 TS. Nguyễn Quốc VỌng

Tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Thứ nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm, đây là yêu cầu của cả thế giới. Bởi vậy, nếu Việt Nam không chặt chẽ trong vấn đề này thì không thể cạnh tranh được với các nước khác trên thế giới. Mặc dù, Việt Nam đã có tiêu chuẩn VietGAP, TS.Vọng đề nghị nên có thêm VietGAP phiên bản 2 với nhiều quy định chặt chẽ hơn để phù hợp với xu thế hiện tại vì phiên bản đầu ra đời cách đây khá lâu. Thứ hai là thách thức từ biến đổi khí hậu, TS. Vọng cho rằng Việt Nam nên chuyển dần về cơ cấu cây trồng. Thị trường rau quả của thế giới lớn hơn rất nhiều so với lúa gạo ( năm 2015, thị trường nhập khẩu rau quả của thế giới gần 100 tỷ USD, trong khi đó thị trường gạo khoảng 17 tỷ USD). Việt Nam lại là nơi phù hợp trồng nhiều loại giống cây trồng, nên rau quả sẽ là thị trường rất tiềm năng.

“Công nghệ cao trong nông nghiệp không nhất thiết phải là công nghệ tiên tiến nhất, đắt tiền nhất hay nổi tiếng nhất, mà là công nghệ mang lại năng suất cao nhất, chất lượng tốt nhất, an toàn với giá rẻ nhất để thỏa mãn yêu cầu của thị trường”, TS. Vọng cho biết.

Theo ông, người nông dân Việt Nam nên sản xuất theo chuỗi giá trị: Xác định thị trường người tiêu thụ, chọn giống, canh tác, sau thu hoạch, đóng gói, bảo quản, xuất hàng. Ở mỗi giai đoạn đều áp dụng những công nghệ phù hợp.

 TS. Nguyễn Thanh Mỹ

Còn TS. Nguyễn Thanh Mỹ cho rằng những thách thức trong chuỗi giá trị nông nghiệp của Việt Nam bao gồm: lạm dụng nhiều chất bảo vệ thực vật khiến nông sản thiếu chất lượng, ô nhiễm môi trường; việc canh tác còn nhỏ lẻ, phí phạm lao động, tài nguyên đất và nguồn nước; hơn 40% nông sản hư hỏng do thu hoạch, vận chuyển và tồn kho không đúng quy trình, phương pháp đóng gói, bao bì; nhiều tầng lớp thương lái và trung gian làm giảm thu nhập cho nông dân; nông sản và thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, TS Mỹ cho biết, việc sử dụng công nghệ thông tin tiến tiến như điện toán đám mây (CTT) Internet vạn vật (IOT) sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho chuỗi giá trị nông nghiệp, cụ thể: Vật tư đầu vào sẽ biết chọn lọc phân bón thông minh, thuốc trừ sâu vi sinh và thảo mộc; khi canh tác ứng dụng CTT-IOT quản lý, phân phối nước và phân bón để tăng năng suất và giảm khí nhà kính; CTT-IOT trong chế biến và bảo quản, đóng gói với công nghệ đóng gói bao bì khí cải tiến (MAP) và khí cải tiến cân bằng (EMAP) để giảm lượng hư hỏng và thực phẩm; phát triển thương mại điện tử và hệ thống để phân phối nông sản và thực phẩm; người tiêu dùng có thể ứng dụng Internet và thiết bị di động để truy xuất nguồn gốc, chống giả, thông tin sản phẩm và thanh toán trực tuyến.

Bài toán đặt ra là làm thế nào để thuyết phục người nông dân sử dụng những công nghệ này vào sản xuất để họ thấy được cái lợi lâu dài. Để làm được điều này cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành, sở nông nghiệp với chính quyền địa phương để đưa thông tin rõ ràng tới người nông dân.

Thủy Nguyên


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu