Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những người góp phần gìn giữ tiếng Việt và hồn Việt ở nước ngoài

Họ có thể là những giáo viên còn trẻ hay là những người đã có nhiều năm gắn bó với nghề giáo. Nhưng đặc điểm chung của những thầy cô giáo người Việt ở nước ngoài này là sự nhiệt tình, tận tậm với các bạn nhỏ, với niềm mong muốn giữ gìn tiếng Việt và văn hóa Việt cho những thế hệ trẻ kiều bào.

Những thầy cô giáo về tham dự Khóa tập huấn tiếng Việt năm 2016 này ở nhiều độ tuổi khác nhau, người trẻ nhất mới 24, người cao tuổi nhất cũng đã gần 70. Trong số đó, có người được đào tạo nghiệp vụ sư phạm, có người chỉ là giáo viên không chuyên và dù lớp học của họ còn nhỏ, còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất nhưng với tấm lòng, sự quyết tâm, họ đang nỗ lực truyền tải tiếng Việt và cả văn hóa Việt không chỉ đến với các thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài, mà cả bè bạn quốc tế.

 “Duyên” đến với nghề giáo

“Thay vì chờ đợi các em học sinh từ Lào về Việt Nam học tiếng Việt thì tôi đã chủ động sang đó để vừa dạy các em đọc hiểu về ngôn ngữ mẹ đẻ, vừa truyền đạt các phong tục tập quán của Việt Nam”, cô giáo trẻ Lê Thị Phương Anh - người mới có hơn 2 năm dạy học tại trường mẫu giáo và tiểu học Hoàng Oanh ở tỉnh Savanakhet, Lào – tâm sự.

Phương Anh là một trong những giáo viên được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ sư phạm. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, cô đã giảng dạy ở một ngôi trường có nhiều thiếu nhi Việt kiều học tập, tuy nhiên vì tuổi còn nhỏ, các em chỉ học được vài tháng là bỏ học. Nhận thấy khó khăn ấy, cô giáo trẻ đã chủ động liên hệ với người bạn thân là Việt kiều tại Lào để tìm hiểu xem có ngôi trường hay khu vực nào đang cần người dạy tiếng Việt. “Hai năm dạy học tại trường Hoàng Oanh đã để lại cho tôi những kỷ niệm đáng nhớ, đặc biệt là thời gian cùng các em nhỏ nơi đây. Tôi tin với niềm đam mê dành cho nghề giáo, không chỉ tôi mà các thầy cô khác sẽ nỗ lực làm tốt sự nghiệp ‘trồng người’ cao cả này”, Phương Anh chia sẻ.

Khác với Phương Anh, thầy Nguyễn Văn Lực (Thái Lan) đã đến với việc dạy tiếng Việt từ hơn 40 năm trước. Không được đào tạo chuyên môn, nhưng qua những năm tháng dạy học thực tế, thầy đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm giảng dạy phù hợp với địa bàn Thái Lan. Thầy Lực kể: “Thời gian đất nước ta ở giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cộng đồng bà con ta tại Thái Lan mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng hết sức mình để hỗ trợ cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Việc dạy và học tiếng Việt xuất phát từ lòng yêu nước, mong muốn giữ gìn cội nguồn dân tộc của bà con Việt kiều. Thời đó chỉ là thế hệ anh dạy cho thế hệ em, ông bà, cha mẹ dìu dắt con cháu học tiếng Việt. Cái duyên đưa tôi đến với việc dạy tiếng Việt bắt đầu chỉ đơn giản như vậy”. Hiện tại, thầy Lực dạy 16 em học sinh có độ tuổi khác nhau, thường các buổi học vào buổi tối. Thầy cũng thường xuyên động viên các gia đình Việt kiều xung quanh cho con em mình đi học. Những niềm vui nho nhỏ như khi thấy học sinh của mình hát được những bài hát tiếng Việt, cũng là sự khích lệ để thầy tiếp tục công việc của mình.

Cô Lê Thị Minh Trang (CH Séc) đến với việc giảng dạy tiếng Việt thông qua cô giáo của mình khi lớp dạy tiếng Việt tại Trung tâm Thương mại Sapa đang cần giáo viên. “Thế hệ trẻ ở Séc có một thuận lợi là các em được nghe và sử dụng tiếng Việt nhiều nên kỹ năng nói của các em tốt. Tuy nhiên, chúng tôi cần phải dạy và chỉnh sửa ngữ pháp, các dấu câu, thanh điệu cho các em. Việc dùng dấu câu, dấu thanh là một vấn đề khó nhưng cũng hết sức quan trọng trong giảng dạy tiếng Việt. Tôi luôn nhấn mạnh với các em rằng đó là nét đặc trưng của ngôn ngữ tiếng Việt”, cô Minh Trang chia sẻ.

Dù mỗi cô giáo, thầy giáo đến với nghề dạy học bằng những mối duyên khác nhau, nhưng sự nhiệt huyết, yêu trẻ, mong muốn giữ gìn tiếng Việt, cội nguồn văn hóa dân tộc đã giúp họ vượt những khó khăn để truyền đạt kỹ năng và kiến thức tốt nhất tới các em học sinh của mình.

Mang hồn Việt đến với các thế hệ trẻ

Trước khi là thầy, cô giáo của những đứa trẻ khác, họ đã là thầy, cô giáo của những đứa con đáng yêu của mình. Nhờ vậy, con em của họ mặc dù lớn lên ở nước ngoài nhưng vẫn hiểu nhiều về đất nước, con người Việt Nam. Mắt ánh lên niềm vui ấm áp, chị Phạm Thị Thu Hương (CHLB Đức) mô tả mình đã hạnh phúc như thế nào khi lần đầu tiên nghe con gái bé bỏng nói “Con yêu mẹ” bằng tiếng Việt.

Hiện tại, con gái chị không chỉ nói tiếng Việt tốt mà cháu còn tích cực tham gia công tác cộng đồng, dạy tiếng Việt cho các em nhỏ Việt kiều gần khu vực của mình. Chị Thu Hương cho biết: “Tôi từng gặp một số em đã tham gia chương trình Trại hè Việt Nam. Các em có chia sẻ khi tham gia Trại hè thấy các bạn cứ trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt, rồi đến các địa điểm đều được nghe thuyết minh bằng tiếng Việt mà mình không thể hiểu hết, điều đó khiến mong muốn học tiếng Việt của các em cao hơn. Tôi từng có kinh nghiệm giảng dạy ở Việt Nam, hiện tại nhận thấy nhu cầu cần thiết về học tiếng Việt của cộng đồng nên tôi dự định sẽ mở một trung tâm dạy tiếng Việt tại Đức”. Chị Thu Hương cũng cho biết chị rất thích điểm mới trong việc dạy tiếng Việt hiện nay là đã xây dựng các trình độ khác nhau như các ngoại ngữ khác. Việc phân chia các cấp bậc như vậy sẽ khiến việc giảng dạy dễ dàng hơn, học sinh cũng biết mình đã đạt được trình độ nào và các em có thể tự học như học một ngoại ngữ.

Trường Hoàng Oanh (Lào) có 4 lớp học tiếng Việt, trong đó học sinh lớp 1 và lớp 2 phần nhiều là học vần, học đọc và tập viết; khi các em lên lớp 3 và lớp 4 sẽ tăng cường học nghe và đọc hiểu. Để khuyến khích các em học tiếng Việt, hàng năm, trường Hoàng Oanh đều tổ chức thi học sinh giỏi môn tiếng Việt cho học sinh lớp 2 và lớp 3. Trường cũng tổ chức các buổi ngoại khóa tham quan như đến thăm tượng đài của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Savanakhet, kể các câu chuyện liên quan về Người để nuôi dưỡng sự hiểu biết cho các em về lịch sử đất nước. Vào ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, Phương Anh cùng các thầy cô giáo trường Hoàng Oanh lại dạy cho các em học sinh những tiết mục văn nghệ với câu hát, điệu múa truyền thống của dân tộc, hay cách làm những bông hoa đào, hoa mai trang trí trong ngày Tết... Những hoạt động đó không chỉ giúp trẻ em Việt kiều đến gần hơn và yêu thích phong tục của dân tộc, mà còn thu hút cả học sinh người Lào yêu thích văn hóa Việt Nam.

Khoảng 10 năm nay, cô giáo Nguyễn Lan Hương (CHLB Đức) bận bịu với việc giảng dạy tại các trung tâm tiếng Việt do cộng đồng người Việt thành lập ra. Cô Hương có niềm say mê với văn hóa, lịch sử nước nhà. Cô thích thú với sự chân quê trong những câu thơ của Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận; say mê vẻ thướt tha của tà áo dài; thấu hiểu những câu chuyện lịch sử dân tộc; yêu thích khám phá vẻ đẹp của đất nước và đôi khi ngâm nga những câu hát dân ca. Niềm đam mê văn hóa dân tộc của cô đã được truyền tới cho con cái và cả những cô cậu học sinh của cô. “Để tạo sự thú vị cho việc học, các tiết học của chúng tôi không đơn điệu chỉ là học theo các giáo trình, mà còn học qua những bài hát, vần thơ, trò chơi, điệu múa quê hương… Nhằm khuyến khích các em sử dụng nhiều tiếng Việt hơn, chúng tôi luôn suy nghĩ tạo nên các hoạt động vừa ý nghĩa, vừa tạo sự thích thú cho các em. Chẳng hạn, các em sẽ viết thiếp tặng bố mẹ, kể chuyện về gia đình, bản thân bằng tiếng Việt. Khi các em đưa những bưu thiếp ấy về tặng bố mẹ thì họ rất vui mừng. Những tin nhắn cảm ơn nhận được từ họ đã khiến lòng tôi ấm áp hơn rất nhiều và tôi hạnh phúc với công việc giảng dạy của mình”, cô Hương chia sẻ.

Việc dạy tiếng Việt cũng gắn liền với tình hình thời sự trong nước. Không chỉ các em nhỏ trong nước mới biết đồng dao Nu na nu nống Hoàng Sa – Trường Sa, mà các em ở Đức cũng được dạy và đọc thuộc lòng. Cô Lan Hương cho tôi xem những bức ảnh chụp lại trang giấy các em nắn nót ghi bài đồng dao, bên cạnh là bản đồ Việt Nam tô màu đỏ thắm do các em tự tay vẽ. Ý thức về chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, tình yêu đất nước được cô nuôi dưỡng cho các em từ những vần thơ, bài hát thân thương của quê hương.

Bốn phương tụ hội về đây

Xa xôi gần lại giữa ngay phố nhà

Tha hương lòng vẫn thiết tha

Câu vần tiếng Việt đậm đà hồn quê…

Những câu thơ đã được cô giáo Lan Hương viết ra khi về Việt Nam tham dự Khóa tập huấn tiếng Việt lần này cũng là tiếng lòng của những thầy cô từ nhiều nước đang cần mẫn giảng dạy và gìn giữ tiếng quê mẹ. Không chỉ là dạy tiếng Việt, mà họ đang đưa cả nét văn hóa Việt, tâm hồn Việt ra nước ngoài.

Nguyên Trang

 


Các tin khác

Tin tiêu điểm