A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tết trong tim tôi

Cái Tết ngày xưa của tuổi thơ tôi khoanh nhỏ trong nhà và trong khu phố. Không khí ngày Tết hiện dần theo những sửa soạn từ cả tháng trước, mỗi ngày càng gây thêm một sự náo nức...


Má tôi bắt đầu bằng chương trình quét lại vôi tường nhà hay không, câu hỏi này còn bỏ ngỏ, nhưng quét mạng nhện thì nhất định phải làm. Trước khi đưa Ông Bà Táo về trời, nhà cửa phải sạch sẽ. Thế là mọi ngóc ngách trong nhà đều được quét dọn lau chùi sạch sẽ. Rồi người nhà, quấn một cái khăn bông lên đầu che kín tóc, cầm cái chổi mịn đã được cột chắc vào một cây gậy dài khoảng hai thước tây, quét mạng nhện trong các phòng, giăng trên trần và trong các góc trần. Thỉnh thoảng họ hét toáng lên khi con nhện to xù đen sì rớt xuống sàn nhà. Một người khác vội vàng cầm một cái chổi khác đập. Tôi sợ nhất là bị nhện cắn. Con nhện bò lên chân rất nhẹ nhàng, không cảm thấy được, nhưng khi bị nó chích cho một cái thì ôi thôi, vết nhện chích sưng vù, rất ngứa ngáy, có khi cả tháng không hết ngứa và không lành hẳn, còn để lại cái sẹo to tròn nữa chứ.

Quét mạng nhện xong thì đến giai đoạn lau chùi bàn thờ, đánh đồ đồng bàn thờ cho bóng. Công việc này trước kia do hai anh tôi đảm nhiệm, nhưng khi hai anh qua đời tại Khe Sanh thì má tôi thuê người đàn ông thường vào mùa trước Tết, vừa rảo trên các phố vừa rao “đồ đồng đây, đánh bóng đây”. Ông ấy ngồi phịch ngay trên bệ cửa trước nhà, rút trong một cái túi vải đeo trên lưng, nào là giẻ rách, thuốc chùi bóng, bàn chải, ông kẹp các đồ vật giữa hai đầu gối hay hai chân, ngồi đánh say sưa cho đến khi mọi thứ, lư đồng, chân nến, lư hương, bộ ly nước, bát chuông... đều bóng loáng, vàng óng lên. Má tôi hậu đãi, mời ông tách trà nóng và cho ông thêm tiền “đi xe”.
Bàn thờ là phải đẹp, có năm, má tôi thay vải rèm đỏ mới phủ trang thờ bà cô, các bình hoa bằng nhựa phai màu, đen vì bụi suốt năm tháng cũng được vứt vào thùng rác. Nhang đèn cũng thay mới, thơm phức.

Bàn thờ yên ổn rồi thì không quên đặt bánh chưng và định ngày kho cá. Má tôi thường hay đặt một lúc hai chục cặp bánh chưng để đem biếu quà Tết. Bánh chưng gói thật to, vuông vắn, lá dong xanh buộc chỉ đỏ, rất đẹp, đúng là tượng hình cho quả đất “vuông”. Ba ngày trước, chị bếp kho hai con cá lóc thật khô để dùng trong ba ngày Tết, cho ông Táo bà Táo nghỉ ngơi, khỏi phải lao động vất vả. Má tôi kho cá với bí quyết là lót dưới đáy nồi một lớp thơm xắt khoanh tròn, trước khi cho cá, nước màu, nước mắm, muối, hạt tiêu vào ướp, cho nên nồi cá kho của má tôi là ngon nhất đời, vừa mặn mà, vừa ngọt lịm rất thanh tao.

Đám con cái thì chỉ lo “ăn diện” ba ngày Tết, chạy đôn chạy đáo tìm quần áo mốt mới, hay ra thợ may đặt may áo mới, cái gì cũng mới, áo mới, quần mới, giầy dép mới. Ba tôi đi chợ mua hai gói phong bao đỏ, cho bà một cái, tôi một cái, lì xì ngày Tết. Má tôi kỹ đến mức ra nhà băng đổi tiền mới cho vào phong bao. Thường thì, phong bao của má “phồng” hơn phong bao của ba, làm cho chúng tôi trợn mắt hí hửng khi nhận phong bao. Con nít thường hay dễ bị dụ, hễ cứ chơi bầu cua cá cọp, đổ xí ngầu, đánh bài rút... là chúng tôi nướng hết tiền lì xì cho bọn người cái, rồi chạy về nhà khóc lóc, má ơi mất hết tiền lì xì rồi!

Công việc của ba tôi thì đơn giản hơn: mua bánh pháo. Ba tôi lái xe ếch bà vào Chợ Lớn đặt pháo. Tùy theo túi tiền mà nhà làm pháo kết dây pháo tạch tạch đùng hay tạch tạch tạch tạch đùng, nhiều pháo đại ít pháo tiểu. Thường thì ba tôi đặt một dây pháo dài 25 thước, treo từ trên lầu bốn, chỗ bàn thờ tổ tiên ngó ra, xuống tới tận lề đường. Một phút sau Giao Thừa thì ba tôi châm ngòi pháo. Ui chao, nó nổ điếc lỗ tai, rung rinh cả tim, mà nổ cả nửa tiếng dài, xác pháo đỏ hồng vương vãi đầy trước cửa. Thật không có gì đẹp bằng xác pháo Tết và xác pháo đón dâu.

Đốt pháo xong, năm nào cũng vậy, ba tôi đèo tôi đi Lăng Ông hái lộc xin xâm. Ba tôi mặc nguyên bộ đồ vét tây, tôi xúng xính trong bộ quần áo mới. Đêm khuya tiết trời hơi man mát lành lạnh, nhưng trong Lăng Ông thì ấm hẳn vì nhang đèn sáng rực bốc khói nghi ngút ngào ngạt. Tôi cũng quỳ cũng lạy, xóc bó xâm cho đến khi một cây xâm rớt ra. Tiếng xóc xâm của mọi người chung quanh nghe rất vui tai, rất nhịp điệu. Bỏ lại quẻ xâm trong bình, đặt lên chiếu, để cho người khác xóc, tôi nhớ số quẻ đi xin lá xâm. Nhưng đọc lá xâm tôi nào có hiểu gì đâu.

Dù các bảng treo cấm bẻ ngắt cành cây lủng lẳng nhiều chỗ trong Lăng Ông, nhưng ba tôi bất chấp, bẻ một nhánh nhỏ, đưa cho tôi cầm, đem về nhà cắm trên bàn thờ cho có phúc có lộc. Loanh quanh hồi lâu trong Lăng Ông, trời sáng dần, ba tôi chở tôi về nhà xông đất, ba tôi là con dê, dương, đi trước, tôi là con rồng nhỏ, âm, đi sau. Mở cửa vào nhà thì má tôi đã đứng chờ sẵn, nhận cành lộc và chúc Tết ba tôi rồi lì xì cho tôi. Uống trà nóng, khai hộp mứt đủ loại. Sướng quá! Mãi đến chín mười giờ Mồng Một Tết mọi người trong nhà mới thức dậy đầy đủ, ai cũng được phong bao lì xì, tươi hớn hở.

Kỷ niệm tuổi thơ nay chỉ còn trong ký ức. Ở hải ngoại, những năm tôi buồn, biết là Tết nhưng cố tình quên Tết. Còn những năm vui thì cũng háo hức ăn Tết một mình. Kiếm ra mua được một cái bánh chưng, một gói mứt hạt sen để ăn Tết là được rồi. Ở Paris người Việt tổ chức Tết kín đáo hơn, ít vui hơn người Trung Hoa. Họ làm rầm rộ hơn, múa lân, đánh trống diễu hành trên đường phố trong quận 13 Paris, làm cho dân sở tại cũng vui lây, biết là châu Á đang đón nàng Xuân về năm mới.

Tết ở Việt Nam rơi vào mùa Đông bên Âu châu - tháng Một hoặc tháng Hai. Tháng Giêng là tháng lạnh nhất, nhưng cũng vì thế mà nhiều đêm trời trong xanh, sao phủ sáng kín trời, dù lạnh cắt da, ngồi trong nhà ấm, nhớ Tết buồn muốn khóc. Tết rơi vào tháng Hai Dương lịch thì đỡ buồn hơn, vì hoa Xuân bắt đầu đâm chồi nảy lộc, màu hoa vàng của những bụi forthysia làm cho đỡ nhớ những nhành hoa mai, những cây hoa prunus trổ bông hồng làm đỡ nhớ hoa đào trong nước.
Nhân một chuyến đi xuyên Việt từ Bắc chí Nam, tôi thấy không khí sửa soạn đón Tết khá giống nhau. Tết mà không có cái bánh chưng hay đòn bánh tét thì không phải là Tết. Tháng Chạp ta, khi xe chạy trên quốc lộ số 1, qua các làng xóm dọc hai bên đường, nhiều nhà cúng Rằm tháng Chạp, to thì có con gà luộc, nhỏ thì có chén cơm chén canh, nhang đèn hàng mã không thiếu. Nhiều em trai, em gái, đi lượm củi, cành cây gẫy, bó lại thành bó, chở đằng sau xe đạp, đem về chất đống trước hiên nhà, phơi cho khô, để mẹ chụm củi nấu bánh chưng.

Lúc xe ngang qua Tam Điệp, anh tài xế nhắc tôi, cô còn nhớ không, vua Quang Trung nghỉ quân ở đây này, cho quân lính ăn Tết trước khi tấn công đạo quân nhà Thanh và chủ tướng của họ, Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống... ở Thăng Long. Tam Điệp không xa Hà Nội ngày nay là mấy, chỉ hơn một trăm cây số, quân lính đi bộ thì khoảng bốn ngày là tới “Thăng Long thành”. Ai đó có kể cho tôi nghe chuyện cái bánh đa. Bánh đa được sáng tạo theo ý muốn của Quang Trung Nguyễn Huệ, nhà vua muốn có một loại lương khô, làm bằng gạo thay cơm, vừa nhẹ vừa no, vừa dễ sử dụng. Cái bánh đa tráng bằng bột gạo phơi khô, nướng lên ăn cũng ngon, mà nhúng nước cuộn lại ăn cũng ngon. Bánh đa vào trong bụng, hút nước, nở thêm ra làm cho no. Lại còn có loại bánh đa để ăn mặn, hay bánh đa ngọt có thêm vừng (mè) trắng hay vừng (mè) đen. Thế là đủ tiêu chuẩn. Hay thật!

Buồn nhất là phải “ăn” ba ngày Tết trong khách sạn tại Việt Nam. Mọi khách sạn đều chưng những chậu hoa mai, hoa đào treo lủng lẳng nhiều phong bao lì xì mầu đỏ và phong linh đỏ vàng rực rỡ.

Nhưng cũng chỉ có thế thôi. Họ cúng cuối năm, bầy đầy trước bàn thờ ông Địa, trên sàn nhà nào là bánh chưng, bánh tét, gà luộc, xôi gấc, xôi đậu xanh, ngũ quả, chả giò.., thuê cả đoàn múa lân đến múa trước cửa, nhưng sau đó thì các nhân viên và chủ khách sạn ăn Tết với nhau, còn khách thì không biết Tết là gì. Khách du lịch từ các nước về đúng vào dịp Tết cũng buồn thơ thẩn, vì nhà nhà ăn Tết, nghỉ hoạt động cả tháng, không ai nhận hàng đặt, mọi hoạt động, di chuyển đều chậm lại, hết vé tàu, hết vé máy bay, tài xế xe nhỏ đòi tăng lương phụ trội Tết. Tết mà cô!

Tôi vẫn bâng khuâng mỗi khi đến Tết, có khi muốn về, có khi chẳng buồn về. Nhưng má tôi giục về thắp nén hương và đem cho má bó hoa lay ơn đỏ đặt lên mộ má…

Mathilde Tuyet Tran (Đức)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu