A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tết với những truyền thống Dân tộc

Tết là những ngày lễ truyền thống và văn hóa của Dân tộc Việt Nam. Cứ mỗi khi Xuân về Tết đến, dù đang ở nơi rất xa xôi này, tôi vẫn tưởng như hương vị Tết quê nhà tỏa lan, len lỏi trong không gian… hay chính nỗi nhớ tràn ngập trong lòng với những cảm xúc bồi hồi về quê hương và những kỷ niệm xưa cũ thân thương đã khiến tôi tưởng ra như vậy?



Xuân về Tết đến dù đang ở nơi đâu vẫn tưởng như
hương vị Tết quê nhà lan tỏa 
 

Tết có nhiều ý nghĩa nhớ về cội nguồn, một cách định vị dòng giống, một phương cách thay đổi bỏ cũ đổi mới, có những cái cũ đã bỏ đi, có những cái đã thay đổi, và có những cái vẫn còn mãi với thời gian. Bánh chưng, bánh giầy là một trong những tượng trưng cho ngày Tết Nguyên Đán. Đã lâu lắm rồi, tôi còn nhớ như in trong óc… Năm đó là năm Ất Dậu nhằm những ngày cuối tháng Chạp, khoảng 29 Tết, mẹ tôi và cô tôi cùng nhau gói bánh chưng. Tuy không có kinh nghiệm nhưng được cái khéo tay, cho nên bánh gói xong cũng khá đều và vuông vức. Lạt buộc đã được nhuộm màu đỏ chói làm cho chiếc bánh càng thêm nổi bật. Vì nấu nhiều bánh để chia cho họ hàng, không có nồi lớn, cả cái thùng đựng dầu hỏa vẫn không đủ chỗ, bác tôi phải nhờ đến thợ rèn đục ngay cái thùng phuy (tonneau) ra làm hai rồi lấy phần dưới làm nồi nấu bánh. Vậy mà khi sắp bánh vào thùng cũng vừa vặn không thừa, không thiếu. Thùng bánh được bắc lên cái lò đặc biệt rồi mới chụm củi mồi cho cháy. Sau đó, mẹ tôi gọi ba anh chị em tôi lại giao nhiệm vụ. Mẹ tôi căn dặn: “Ăn cơm xong, các con chia nhau ra canh thùng bánh chưng nầy cho mẹ, mẹ đã vất vả suốt ngày nay rồi. Nếu thấy củi cháy gần hết thì mang củi đến chụm vào lò nha!”. Chị tôi được phân công canh từ 6 giờ chiều cho đến 10 giờ đêm. Tôi phải canh từ 10 giờ đêm cho đến 2 giờ sáng, còn anh tôi phải canh từ 2 giờ cho đến 6 giờ sáng. Tuy không nói ra, nhưng trong bụng tôi phấp phỏng sợ hãi - sợ bị ma nhát. Đến phiên tôi phải canh chừng nồi bánh, tôi thủ sẵn quyển tiểu thuyết của Pháp được dịch sang tiếng Việt “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” của nhà văn nổi tiếng Pháp Alexandre Dumas để xem với mục đích xua đuổi tà ma… Cuối cùng, giây phút mong chờ cũng đến, bánh được vớt ra, mùi lá gói thơm ngào ngạt tỏa lan một góc sân… Mẹ tôi bảo: “Bánh nầy phải để lên bàn thờ tổ tiên cúng đã”… Về sau này, khi tôi đã ở một phương trời xa lắc, cái mùi lá bánh năm đó, không khí thân thương của gia đình bên bếp lửa đượm nồng ấm cúng đó vẫn mãi ám ảnh tôi. Đó là kỷ niệm về bánh chưng dành cho ngày Tết mà tôi không thể nào quên được mỗi khi Tết gần đến.



Bánh chưng, bánh giầy - nhớ những cái Tết tưng bừng

Nhắc đến bánh chưng, bánh giầy, tôi lại tưởng nhớ đến Vua Hùng - vị vua đầu tiên của nhà nước Văn-Lang với câu chuyện cổ tích về bánh chưng, bánh giầy mà hồi nhỏ chúng tôi cứ vòi bà kể, nghe mãi mà vẫn không chán:

Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, Vua có ý định truyền ngôi cho các con. Nhân dịp đầu Xuân, Vua mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng: "Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho". Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình giành được ngai vàng. Trong khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương, là Tiết Liêu (còn gọi là Lang Liêu) tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ, nhưng vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ, nên rất lo lắng không biết làm thế nào…

Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: "Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành." Tiết Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là bánh chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là Bánh giầy. Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái. Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Ôi thôi, đủ cả sơn hào hải vị, nhiều món ngon lành. Hoàng tử Tiết Liêu thì chỉ có bánh giầy và bánh chưng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, thì Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của bánh giầy - bánh chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi lại cho Tiết Liêu. Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh chưng và bánh giầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.



Hoa đào mùa Xuân đánh thức những nỗi nhớ khôn nguôi
trong lòng người xa xứ
 

Nhắc đến Tết Nguyên Đán, lại nhớ chuyện vua Quang Trung đánh thắng quân nhà Thanh bên Tàu vào đúng dịp Tết, nên ngày trước đã có câu hát: “Mặc tối đêm âm thầm, mặc quân nhà Thanh ăn Tết, quân Nam tiến băng mình tràn qua sông rừng… Vua Quang Trung trên mình voi cao luôn thúc ba quân…”. Nhờ chiến thuật tập trung quân, đánh mau dứt điểm của vua Quang Trung cho nên quân Nam ta đánh trăm trận trăm thắng. Biết được chỗ yếu của quân Thanh đang mải vui Tết, vua Quang Trung đôn đốc quân sĩ ra sức đi nhanh, không ngủ lại đêm nên chỉ có vài ngày đã ra đến Thăng Long, ồ ạt tấn công giành lấy chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa. Về đời sau này, tuy trong trận Mậu Thân 1968 ta không toàn thắng, nhưng nhờ có trận đó buộc Mỹ phải ngồi vào bàn hội nghị để đi đến những ngày giải phóng đất nước vào năm 1975.

Bánh chưng, bánh giầy cùng những cái Tết tưng bừng trong không khí độc lập gợi nhắc đến lòng tự hào của một Dân Tộc tuy bé nhỏ nhưng đã bao lần chiến thắng quân xâm lược, cho dù đó là những đế quốc to nhờ vào sự hy sinh cao cả và ý chí đại đoàn kết, quyết thắng của toàn dân Việt Nam. Ngày nay, chúng ta được hưởng Tết trong hòa bình cũng nhờ Tổ tiên ta biết giữ một nền văn hóa đặc thù, tuy nước ta ngàn năm sống dưới sự đô hộ của phương Bắc, lúc nào cũng lăm le đồng hóa dân ta, nhưng nhờ ý chí quật cường, sắt đá của ông cha nên đã giữ được độc lập cho đến ngày nay. Âu đó cũng là một tinh thần bất khuất của dòng máu oai hùng Lạc-Việt.

California, ngày 01 tháng 01 năm 2010
Hoài Việt (Hoa Kỳ)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu