A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tết xa nhà

Mỗi dịp Tết về, người VN mình ở nước ngoài thường tổ chức đón Tết như là cách để nhớ về quê hương, cội nguồn, nhớ về người thân yêu ở quê nhà và cũng để thắp lên hình ảnh Việt trong lòng bè bạn quốc tế nơi họ sinh sống.



Chị Hường (người mặc áo dài đen đứng giữa) chụp ảnh cùng
Đại sứ Việt Nam tại Brazil Nguyễn Thạc Dĩnh 


Dù ở đâu - Italia hay Brazil, mỗi khi bóc những tờ lịch cuối năm tôi lại thấy bâng khuâng khi nghĩ sắp đến Tết Nguyên Đán VN và nỗi nhớ quê hương trong không khí những ngày chuẩn bị đón Tết lại ập đến. Nhớ cảnh chợ Tết rực rỡ hoa đào và các loại hoa Xuân. Nhớ không khí ngày Tết phảng phất mùi thơm của nén hương thắp trên các ban thờ tổ tiên quyện cùng mùi thơm của mâm ngũ quả và mùi vôi tường nhà vừa quét để kịp đón Tết. Nhớ cảnh các mẹ, các chị tất tưởi đi chợ sắm Tết, dù nghèo đến mấy cũng cố sắm cho con bộ quần áo mới. Nhớ những ngày Tết thuở cơ hàn, mua hoa tươi về cắm là một điều không phải nhà nào cũng làm được như bây giờ. Tôi vẫn nhớ khi còn bé, vào những đêm trước Giao Thừa, bố tôi thường cắt hoa ở cây hồng vườn nhà để cắm lọ hoa trên bàn thờ tổ tiên. Có năm sương muối rơi nhiều, cây hồng khẳng khiu, giữ được lá trên cành còn khó chứ nói gì đến hoa. Bố tôi loay hoay mãi mới cắt được vài cành hồng với vài nụ hoa sài đẹn để thắp hương. Tôi là cái đuôi của bố tôi nên bố làm gì cũng lẽo đẽo theo sau. Sau những lần như thế, tôi đã cầu khấn trời đất trong suốt cả năm mong thời tiết thuận hoà, không bị sương muối để cây hồng nở những bông hoa thật đẹp cho bố tôi cắt vào thắp hương bàn thờ tổ tiên vào dịp Tết.



Bữa cơm Việt Nam đãi thị trưởng thành phố Belo Horizonte tại nhà chị Hường ở Brazil 


Rồi nỗi xúc động khi được nghe tiếng bố mẹ qua đầu dây ở bên kia nửa vòng trái đất khi tôi gọi để chúc mừng bố mẹ trong những ngày Tết năm trước. Đôi khi đợi mãi mới gọi được vì đường dây liên lạc vào dịp Tết thường quá tải nhưng đến khi nghe thấy tiếng bố mẹ ở đầu dây bên kia, tôi lặng đi, thổn thức không nói nên lời.

Xa VN hơn chục năm nhưng nỗi nhớ nhà thì chẳng bao giờ vợi đi mà tăng theo năm tháng. Có thể quanh năm bươn chải với cuộc sống, nỗi nhớ nhà thường bị các mối lo âu đời thường lấn át nhưng mỗi khi Tết đến - Tết của sum họp, các con dù ở nơi đâu xa xôi cũng cố về thăm và chúc Tết bố mẹ, thì nỗi nhớ đó lại da diết hơn bao giờ hết. Nhất là khi mình đã bước sang tuổi bốn mươi thì mỗi khi bước sang năm mới, các con mình trưởng thành thêm một tuổi nhưng ở nơi quê nhà bố mẹ lại già đi một tuổi. Chính vì thế nên mỗi dịp Tết đến, ngoài nỗi bâng khuâng nhớ nhà còn đượm cả đôi chút ân hận không được ở nhà để chúc thọ hay để chăm sóc bố mẹ những lúc ốm đau, bù đắp phần nào những vất vả nhọc nhằn mà bố mẹ đã trải qua để nuôi ta khôn lớn, trưởng thành.

Xa quê, mỗi người có cách thể hiện khác nhau nhưng chắc chắn là mọi người, dù ở đâu cũng hướng về quê hương, bản xứ. Một trong sự thể hiện đó là việc tổ chức đón Tết Nguyên Đán ở nước ngoài. Gia đình VN nào cũng cố làm cái gì đó để có hương vị quê hương tùy theo điều kiện của mình.



Mâm cỗ Tết nhà chị Hường tại Brazil 


Ở Brazil, Tết Nguyên Đán thường rơi vào tháng Hai - tháng của vũ hội hoá trang Carnevale. Thời gian này, nhạc vũ hội Samba ầm ầm khắp nơi không làm tôi bớt đi nỗi nhớ da diết những bản nhạc mừng Xuân quê nhà. Để biết về các tin phóng sự đón Tết ở VN, những NVNONN như tôi phải vào mạng internet xem và thường cũng chỉ xem vội xem vàng vì lúc VN đón Giao Thừa, bên Brazil đang là buổi chiều và trong giờ làm việc. Khác với các nước ở châu Âu hay Bắc Mỹ nơi có nhiều cộng đồng người Việt, ở Brazil chỉ có khoảng 300 người nên việc tổ chức Tết Nguyên Đán không rầm rộ như các nước khác. Ở Belo Horizonte chỉ có mỗi mình là người Việt và cả thành phố chỉ có một cửa hàng bán đồ châu Á của người Nhật nên hàng hoá không được đầy đủ như ở các nước khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có Tết Việt ở Brazil. Năm nào tôi cũng cố gắng sắm một cái Tết mang hương vị VN cho gia đình. Trong mâm cỗ Tết nhà tôi bao giờ cũng có bánh chưng  xanh. Ở đâu tôi cũng cố làm bánh chưng cho bằng được vì bánh chưng gắn liền với Tết và gắn liền với những kỷ niệm của tôi thời thơ ấu.



Khung cảnh ngày Tết ở Brazil tại nhà chị Hường
cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ…
 


Do ở Brazil chỗ tôi khó kiếm các đồ VN nên tôi đã lo sắm gạo nếp, đỗ xanh mang từ bên Italia sang mỗi khi có dịp đi công tác. Lá để gói bánh chưng thì quả là một vấn đề. Tôi nhớ hồi ở bên Italia đặt lá chuối, lá dong từ bên Paris về với giá khá đắt đỏ: 7 euro một gói lá cho 2-3 cái bánh. Thường tôi nhận làm bánh chưng cho mọi người nhưng quả thực không dễ dàng vì ngoài các bạn VN còn có các bạn nước ngoài đến dự. Họ thì chẳng làm sao cảm nhận được hết ý nghĩa của Tết cổ truyền VN, cũng như chúng ta dù ở nước ngoài lâu năm đi chăng nữa cũng không thể thấm được không khí Giáng sinh hay năm mới lịch tây bên các nước châu Âu. Nhưng đã là bạn thì ai chẳng muốn biết về văn hóa của bạn mình nên hay mời nhau mỗi dịp Lễ, Tết.

Trước lạ sau quen, thành cái lệ. Những ngày sau tết Tây, các bạn Italia lại hỏi bao giờ đến Tết VN để đến dự. Khi biết tôi sang Brazil, các bạn Italia hơi buồn vì Tết không còn ai gói bánh cho “cả làng” nữa và không còn các buổi đón Tết Nguyên Đán cả tây lẫn ta cùng hát vang lời hát “Việt Nam Hồ Chí Minh” và dập dìu trong tiếng nhạc “Con kênh xanh xanh” nữa. Còn các bạn Brazil của tôi thì mừng vì sẽ biết thêm phong tục tập quán của một đất nước châu Á khác, ngoài văn hóa Nhật Bản và Trung Hoa đã được biết đến từ lâu. Bên Brazil, cây chuối được trồng khắp nơi nên có thể xin được lá chuối để gói bánh mà không phải mua. Lạt để buộc bánh chưng được thay bằng dây thừng tước nhỏ và khuôn bánh chưng được biến từ hộp giày nên bánh chưng gói ra cũng vuông vắn chẳng khác gì bánh chưng ở VN. Nhiều năm, bận việc ở xa, đêm 30 mới về nhà, gói bánh đến tận nửa đêm mới đặt nồi áp suất lên bếp ga để năm mới cả nhà có bánh chưng ăn. Cả đêm tôi cứ ngồi gật gù ở đi-văng trông nồi bánh chưng vì chỉ sợ nước chảy tràn ra làm tắt lửa và ga ra thì sẽ nguy hiểm cho cả nhà. Mọi người thì được ngủ trong mùi bánh chưng thơm lừng tỏa ra từ bếp. Sáng hôm sau, nhìn thấy chồng con ăn ngon lành là mình quên đi nỗi mệt nhọc do cả đêm mất ngủ trông nồi bánh chưng. Rồi sau đó lại bươn bả đi làm vì hiếm khi Tết trùng vào ngày thứ Bảy hay Chủ nhật.



Một góc quê hương trong ngôi nhà chị Hường 


Hoa đào thì chẳng nơi nào có hết, kể cả Italia lẫn Brazil. Nhiều khi chỉ tìm được những cành cây có búp, nụ thế là đem thẳng về nhà, cắm vào lọ cạnh lò sưởi cho nảy mầm, nhú lá. Nếu có thời gian thì cắt vài bông hoa đào bằng giấy hoặc bằng vải, vài quả bóng bay vào, trông cũng vui mắt và có màu sắc quê hương. Có năm tôi hỳ hụi mang một cành cây về thì thấy trong bếp đã có cành to hơn cắm ở bàn. Thì ra chồng tôi nhìn thấy cây giống cây vợ mình mang về năm trước nên bẻ luôn một cành rất to mang về để vợ trang trí Tết. Thế là Tết năm ấy, nhà có hai cành “đào”. Nhà đã chật lại càng chật hơn nhưng thật ấm cúng, bạn bè đến cứ khen là có nhiều cành cây đâm lộc trong khi ngoài trời tuyết phủ trắng xóa, các cây trụi lá.

Ngoài bánh chưng, hoa đào, tôi còn sắm mâm ngũ quả và cả câu đối đỏ do tôi hoặc con gái tôi viết lên vải đỏ. Có năm, các bạn đến đông hơn 70 người, cả Brazil, Italia, Pháp, Anh... nên tôi đã phải tổ chức ở sân. Năm ấy dự báo thời tiết là sẽ mưa nên tôi đã phải lo thuê cắm rạp để chống mưa. Vất vả và tiền thuê cũng khá tốn kém nhưng không thể không làm vì với số lượng khách lớn như vậy không thể tổ chức trong nhà được. Để mang lại không khí Tết Việt, tôi đã cho vẽ trên tường xung quanh vườn những hình ảnh VN thân thuộc đời thường như một ấm chè bên cạnh cành hoa đào, hoa sen, cảnh làng quê VN với dãy tre xanh bao bọc và với người dân đang cày cấy trên cánh đồng hay những danh lam thắng cảnh VN như: Chùa Một Cột, Vịnh Hạ Long…

Khách nước ngoài đến dự Tết nhà tôi cảm thấy như đang được sống trong một góc VN, được xem và được giải thích về các hình ảnh trên tường, tất cả đều được vẽ trên nền phông màu xanh tượng trưng cho nước, về tầm quan trọng của đất và nước đối với người nông dân VN, về từ đất nước trong tiếng Việt, hay ngắm hoa sen do con gái tôi tự tạo ra ở bể bơi tượng trưng cho các hồ sen ở VN. Được nghe giới thiệu về cách pha chè với giọt sương đọng trên lá sen cùng với các công dụng của sen trong ẩm thực VN. Ngửi mùi thơm của nén hương trầm trên mâm ngũ quả, được uống nước chè hoa sen do đích thân tôi, con gái tôi cùng mấy bạn cháu mặc áo dài hoặc áo tứ thân đi mời trong tiếng nhạc du dương của các làn điệu quan họ. Được nghe truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giày”, “Sự tích trầu cau”, ăn các món ăn dân tộc như nem, măng, thịt đông, bánh chưng... trong mâm cỗ được điểm hình trang trí bằng hoa quả như hoa đu đủ, các hình điêu khắc các con vật quý như lân, chim công, phượng bằng dưa hấu, đèn bằng quả dứa mà tôi đã học được qua sách vở mang từ VN sang. Khách còn được nghe tôi giới thiệu về các phong tục tập quán trong ngày Tết Nguyên Đán, sự khác nhau giữa lịch âm và lịch dương, phong tục đi chúc Tết ra sao, việc mừng tuổi cho các cụ hay các cháu bé trong gia đình như thế nào...



Hình ảnh quê hương luôn hiện hữu trong ngôi nhà của chị

Những phần giới thiệu về Tết không chỉ riêng ở trong nhà tôi cho bạn bè nước ngoài đến dự mà còn được mở rộng ở các trường học bên Italia khi tôi đi dạy học về văn hoá VN cho 3000 học sinh Italia trước khi tôi sang Brazil. Và hơn nữa là được giới thiệu cho các đại sứ cũng như các cơ quan ngoại giao tại Thủ đô Brazilia khi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Brazil mời tôi đến giúp Đại sứ quán tổ chức đón mừng năm mới VN năm 2009.

Mỗi dịp Tết về, người VN mình ở nước ngoài thường tổ chức đón Tết như là cách để nhớ về quê hương, cội nguồn, nhớ về người thân yêu ở quê nhà và cũng để thắp lên hình ảnh Việt trong lòng bè bạn quốc tế nơi họ sinh sống.

Lê Thị Bích Hường (Brazil)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu