A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tết của người Việt trên xứ sở Kanguroo

... Tôi hỏi các con về tình hình đón năm mới của cộng đồng người Việt Nam ở Australia bây giờ có gì khác với thời kỳ chúng tôi ở Canberra? Các con tôi cho biết người Việt bây giờ đón Tết với tình cảm háo hức, phấn khởi và "hoành tráng" lắm, hơn trước đây...

Đã gần mười năm tôi mới có dịp trở lại Australia thăm các con học tập tại thành phố Melbourne, bang Victoria. Tôi đến Melbourne đúng dịp Tết Nguyên đán, Xuân Kỷ Sửu năm 2009 của dân tộc Việt Nam. Tôi hỏi các con về tình hình đón năm mới của cộng đồng người Việt NamAustralia bây giờ có gì khác với thời kỳ chúng tôi ở Canberra? Các con tôi cho biết người Việt bây giờ đón Tết với tình cảm háo hức, phấn khởi và "hoành tráng" lắm, hơn trước đây. Tôi hỏi vì sao? Các con tôi nói cộng đồng người Việt ở Australia làm ăn rất thành đạt, tuyệt đại đa số có cuộc sống vật chất và tinh thần sung túc, hạnh phúc; quan trọng hơn, người Việt ở đây rất phấn khởi và tự hào rằng trong hơn mười năm qua, họ về Việt Nam nhiều lần hơn, ở Việt Nam thời gian dài hơn, thấy được đất nước đổi thay từng ngày, ngày càng phát triển đi lên, cuộc sống của nhân dân trong nước ngày càng được nâng cao. Họ càng gắn bó với quê hương xứ sở và luôn hướng về cội nguồn. Để chứng minh nhận xét của mình là đúng, các con tôi dẫn tôi đi thăm những trung tâm có cộng đồng người Việt sinh sống đông đúc nhất ở Footscray, Richmond, Springvail.



Một góc hội chợ tết Canh Dần của người Việt ở Australia
 

Nói về cộng đồng người Việt Nam ở Australia, ở đây có gần hai mươi vạn người, đa số sang định cư từ sau năm 1975, sống chủ yếu ở Sydney, bang New South Wale; Melbourne, bang Victoria; Brisbane, bang Queensland và ở các thành phố khác như Adalaid, Perth... Cộng đồng người Việt có vai trò có ý nghĩa trong đời sống xã hội nước Australia. Con em họ học giỏi và thành đạt ở nhiều trường Đại học, nhất là ngành y học. Trước đây, nhiều người trong số họ còn có mặc cảm với Tổ quốc nơi sinh thành ra họ. Thời gian trôi đi, nhất là từ sau khi Chính phủ Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới, nhiều người đã trở về Tổ quốc để thăm gia đình, họ hàng, quê hương; dần dần họ về với mục đích không chỉ thăm thân, du lịch mà thiết thực hơn, họ tìm kiếm các cơ hội làm ăn, kinh doanh, đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế. Trong số đó, có không ít người thành đạt, xây dựng gia đình và ở lại Việt Nam lâu dài. Từ sau khi có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó điểm cơ bản nhất là coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, kêu gọi kiều bào ta hướng về Tổ quốc và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ trở về quê hương tham gia xây dựng đất nước, Nhà nước cũng đã ban hành Luật cho phép Việt kiều được mua nhà ở Việt Nam, thủ tục cấp thị thực nhập cảnh hết sức dễ dàng, nhanh chóng v.v.... Những chính sách này đã tạo niềm tin, lòng phấn khởi trong cộng đồng người Việt định cư ở nước ngoài, tình cảm hướng về Tổ quốc trong họ ngày càng trở nên mãnh liệt. Có thể nói, đến bây giờ, không còn gì trở ngại đối với bất cứ ai muốn đóng góp công sức của mình vào công cuộc xây dựng đất nước.

Ở Australia, nhân dân tổ chức đón năm mới vào ngày mồng 1-1 Dương lịch hàng năm như ở các nước châu Âu, vì vậy họ không cảm nhận gì về ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam, không có ngày nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Tuy vậy, người Việt ở Australia vẫn tổ chức Tết theo phong tục truyền thống như ở quê mình.



Mai vàng "nở rộ" gợi lên hình ảnh rất Việt Nam tại một góc hội chợ Tết Footscray ở Melbourne, Australia 

Trở lại với chuyến thăm những trung tâm có đông cộng đồng người Việt sinh sống ở thành phố Melbourne, tôi nhận ra ngay rằng bà con đón Tết không chỉ ở gia đình, mà còn ở các khu công cộng đông người Việt ở Richmond, Footscray, Spinglvail... ở đây giống như một xã hội Việt Nam thu nhỏ. Nơi đây không chỉ là những chợ bán tạp hóa hàng ngày mà còn là nơi hội họp, quần tụ đón giao thừa mỗi khi Tết đến... Đã từ nhiều năm nay, Tết của người Việt ở Australia giống như một bản sao của những ngày đón Xuân truyền thống ở Việt Nam. Đến đây, tôi cảm nhận rằng đối với mỗi người Việt Nam, dù ở đâu, Tết Nguyên đán luôn là thời khắc sum họp đầm ấm, thân thương sau một năm lao động, học tập miệt mài bên gia đình và hướng về cội nguồn. Những ai không có điều kiện thưởng thức hương vị Tết ở quê hương, gia đình thường gửi gắm tình cảm qua những cuộc điện thoại, e.mail "chát" để giãi bày nỗi lòng nhớ nhung, hay những tấm thiếp mừng Xuân và những món quà "lì xì". Ở Richmond, Footscray, Springvail, người Việt đón Tết vô cùng rộn rã, có mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, các loại bánh trái, mứt bày la liệt. Ấn tượng nhất là đến thăm chợ Hoa, đến đây tôi như lạc vào rừng hoa với muôn vàn sắc màu tươi thắm đủ các loại hoa hồng, hoa cúc, lay-ơn, đào, các loại phong lan khoe sắc màu sặc sỡ, thấp thoáng những cành mai vàng treo đầy phong bao lì xì đỏ... Tôi ngỡ mai vàng trồng đâu đó ở Australia, say sưa ngắm sao mà giống như ở thành phố Hồ Chí Minh hay bất cứ nơi nào ở miền Nam nước ta, liền mạnh bạo hỏi chủ nhân của hàng loạt chậu mai vàng về nguồn gốc xuất xứ. Ai dè, chị chủ hàng nói chúng em phải "ordered" (đặt hàng) ở thành phố Hồ Chí Minh trước đó từ hai, ba tháng vì còn phải làm việc với Vietnam Airlines (Hàng không Việt Nam) để thuê chở. Thật là kỳ công nhưng bù lại chị được đền đáp xứng đáng vì đó là quà từ quê hương. Đến gian trưng bày cây cảnh, tôi ngây ngất ngắm những chậu cây tùng, cây bách với dáng đứng thẳng vút, lá nhọn và có màu bạc như phủ sương. Thấy tôi đứng ngắm say sưa, anh chủ hàng niềm nở giới thiệu: tôi thích chơi các loại cây này vì chúng toát lên vẻ đĩnh đạc, hiên ngang như thách đố mọi phong ba bão táp, chứa chan cái khí phách oai phong hào hùng của ông cha ta. Anh chủ hàng còn nói cây cảnh là một loại hình nghệ thuật để con người gửi gắm tâm trọng nỗi lòng, ký thác hoài bão và ý chí, và còn nói nhiều nữa mà tôi không nhớ hết.

Tình cờ trò chuyện với chị Q. H., tôi được biết chị là một Việt kiều gốc Hà Nội, theo gia đình di cư vào Nam năm 1954 khi chưa đầy một tuổi, sang định cư từ trước năm 1975. Chị xây dựng gia đình với một tiến sĩ hóa học người Australia, có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, con cái thành đạt. Tôi cảm nhận ở chị, tuy đã xa quê hương gần bốn chục năm nhưng vẫn "thuần khiết" Việt Nam. Chị nói giọng Hà Nội khá chuẩn và vẫn giữ vẻ thanh lịch của người Tràng An. Tôi ngạc nhiên hỏi sao chị nói được giọng Hà Nội, chị cho biết khi sống ở Sài Gòn trước đây, trong gia đình bố mẹ chị bắt con cái nói theo giọng Hà Nội. Chị luôn tự hào mình là người Việt Nam, chị đã dạy các con ý thức về đất nước, truyền thống của dân tộc Việt Nam qua các ngày lễ văn hóa, ngày Tết, đặc biệt là nền văn hóa giầu tính nhân văn, giầu lòng yêu nước của con người Việt Nam, dạy con nói tiếng Việt và gần như thành quy định, các con khi về nhà phải nói với nhau bằng tiếng Việt. Năm nào chị cũng tổ chức Tết Nguyên đán theo truyền thống cổ truyền Việt Nam cho chồng và các con. Gia đình chị về Việt Nam nhiều hơn so với những năm sau giải phóng, chính những chuyến thăm, này đã truyền cho các cháu những giá trị truyền thống Việt Nam.



Thăm chợ hoa ở Tp. Mebourne, bang Victoria

Đến thăm nhà chị M. H., một doanh nhân thành đạt không chỉ về lĩnh vực kinh doanh mà cả về hoạt động xã hội. Tôi quen chị từ ngày còn ở Canberra. Mẹ chị, một cụ già gần 80 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, vẻ lanh lợi, minh mẫn, đón tiếp chúng tôi rất thân tình. Cụ nói đêm Giao thừa, gia đình cụ cũng như mọi gia đình Việt Nam ở Australia đều giữ truyền thống Tết Việt Nam, sắm mâm ngũ quả, chuẩn bị bữa cơm Tết, cúng tổ tiên, đón Giao thừa. Sáng Mồng Một đi "xông nhà", thăm hỏi họ hàng, người thân và sau đó đi chùa, cầu Phật phù hộ cho một năm thịnh vượng, nhiều may mắn. Nhà chùa cũng chính là nơi người Việt tập trung đông đúc, không chỉ cầu phúc mà còn là một dịp hiếm có trong một năm có những cuộc giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ những thông tin về tình hình làm ăn, xây dựng những mối quan hệ cộng đồng với quê hương, đất nước. Tiếp xúc với mấy anh, chị Việt kiều trí thức, họ nói trong những ngày Tết Nguyên đán, trong tâm khảm người Việt ở nước ngoài vẫn sâu nặng lời căn dặn của tổ tiên: "Mồng Một nhà cha. Mồng Hai nhà mẹ. Mồng Ba Tết thày". Đây là một truyền thống vô cùng quý báu, đầy tính nhân văn và tri ân trong đời sống con người Việt Nam... Có tiếp xúc mới hiểu, mới cảm nhận được nỗi niềm của những người con đất Việt xa xứ. Cuộc sống vật chất đầy đủ, sung sướng đến mấy thì sâu thẳm trong tâm hồn của mỗi người vẫn ẩn hiện hình bóng quê hương, nơi "chôn nhau cắt rốn", nơi có gia đình, người thân, bạn bè, hàng xóm và cả ký ức của một thời tuổi trẻ... những nỗi niềm ấy đôi khi không thể nói bằng lời. Đâu đó đã có những nỗi lo thầm kín, có khi day dứt rằng với sự xa cách quá lớn về không gian và thời gian, Tết với thế hệ thứ ba, thứ tư của những người con đất Việt xa quê sẽ chỉ là hoài niệm, là dấu ấn mờ trong tâm trí, chỉ còn là những tấm thiếp "Happy New Year" (Chúc mừng Năm Mới) gửi về từ nơi xa xôi ngàn dặm.

Sau khi thăm cộng đồng về nơi ở các các con ở ký túc xá, vì là sinh viên còn phải học hành nên không khí Tết không rộn ràng như ở cộng đồng, nỗi nhớ quê hương da diết lại ùa về tâm trí tôi. Cảm giác hoài niệm tràn về như một cuốn phim đang hiện lên trong trí nhớ, nào là cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng nghi ngút, nào là thời khắc giao thừa đi "xông nhà" cha mẹ để nhận được những lời chúc và được "lì xì"... Đến đây, tôi mới thấu hiểu nỗi niềm của người xa quê, làng quê thân yêu luôn luôn là nơi vẫy gọi ta về khi Tết đến Xuân sang... khiến lòng ta rộn ràng, bồi hồi.

Hoàng Bích (Australia)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu