A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tản mạn chuyện Tết ở xứ sở Bạch Dương

Năm nào cũng vậy, cứ đến những tháng cuối năm, khi mùa Đông thực sự bắt đầu, khi tuyết rơi dày đặc và nhất là khi đường phố ngập tràn sắc xanh của thông, cũng là lúc bất kể người Việt xa quê nào cũng thấy lòng lâng lâng, bồi hồi nhớ Tết quê, nhớ gia đình. Mùa Đông Nga, cũng là mùa mà ai cũng háo hức về quê hương.

Thông – Cây “báo Xuân” của người Nga

Giống như chợ hoa Tết ở Việt Nam không thể thiếu đào, quất, mai…, cứ bắt đầu từ ngày 15/12 hàng năm, trên khắp nước Nga, “Chợ thông” bắt đầu hoạt động. Được biết ở Matxcơva năm nay, chính quyền tổ chức 400 điểm bán cây thông. Tuy số lượng thông được chuẩn bị nhiều hơn năm ngoái, nhưng giá thông năm nay đắt hơn so với năm trước khoảng 15-20%. Riêng ở Matxcơva, người ta đã vận chuyển khoảng 2 triệu cây thông từ các vườn ươm mang về thành phố. Không riêng gì ở thủ đô, trên khắp các thành phố thuộc liên bang Nga, cứ ở đâu tập trung đông người như bến tàu, sân ga, vỉa hè của đường phố lớn, người ta đều trưng bày rất nhiều thông cho khách hàng thoải mái lựa chọn.



Chợ thông 


Cây thông với Tết của người Nga có ý nghĩa rất thiêng liêng. Nó biểu trưng cho mùa Xuân, cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc Nga. Vì vậy, cũng giống người Việt đi chọn đào, quất ngày giáp Tết, người Nga thường có thói quen đi chọn mua thông đặt trong phòng khách. Không nhiều dáng, thế như đào, quất ở Việt Nam, nhưng một cây thông đẹp là cây có tán rộng, gốc to, khỏe, thu nhỏ dần lên trên theo hình chóp nón và tất nhiên, cây thông càng to, cao càng đắt bởi giá mỗi mét chiều cao được tính khoảng 500 rúp (khoảng 16 đôla).

Việc trang trí cây thông được người Nga quan tâm đặc biệt. Nhiều gia đình cả nhà quây quần bên cây thông. Cũng có nhiều cặp vợ chồng trẻ, chờ con đi ngủ mới trang trí để tạo bất ngờ cho bọn trẻ vào buổi sáng hôm sau. Trên mỗi cây thông, họ thường lắp những bộ đèn nháy nhiều màu sắc, những quả bóng thủy tinh lung linh, những ngôi sao tỏa sáng với mong muốn không gian ngày Tết luôn vui tươi và mang lại sự may mắn cho một năm mới.

Gần cuối tháng 12 dương lịch, không khí Tết tràn ngập trên các nẻo đường, ngõ phố. Băng rôn, biểu ngữ tràn ngập các nơi. Các cửa hàng trang hoàng lộng lẫy. Mỗi thành phố thường lập ra vài điểm vui chơi công cộng. Ở đó, người ta thường cẩu những cây thông thật to, thật đẹp từ rừng mang về và trồng ở vị trí trang trọng nhất. Để trồng được những cây thông như vậy, hàng chục công nhân môi trường phải làm việc rất tích cực. Trồng xong, lại trang trí các loại bóng điện màu từ gốc đến ngọn, đảm bảo đêm giao thừa cây thông luôn lung linh đủ các sắc màu, tô điểm thêm vẻ đẹp của thành phố và làm ấm lòng người dân Nga trong cái giá lạnh của mùa Đông.

Ấm cúng mâm cỗ Nga đêm giao thừa

Đêm giao thừa hàng năm, người Nga cũng có phong tục làm cỗ đón tất niên mời họ hàng, người thân, bạn bè đến nhà mở sâm-panh (champagne), chúc nhau những điều tốt lành nhất cho một năm mới. Người Việt luôn là những vị khách mời đặc biệt của họ bởi mối quan hệ tình cảm, gắn bó sâu sắc giữa hai dân tộc, hai quốc gia. Mặc dù thiếu mùi hương trầm, thiếu hương vị của bánh chưng, giò lụa, canh măng… nhưng được đón Tết cùng các gia đình ở Nga, ai cũng có cảm giác không khí Tết tràn ngập gian phòng và đâu đó thấp thoáng bóng dáng Tết Việt…, thấy hình ảnh mẹ, chị của mình trong dáng đi tất bật, nụ cười hiền hậu, tươi tắn và sự hiếu khách của những người phụ nữ Nga. Khi đó, lòng lại nao nao nhớ Tết quê nhà…



Hòa cùng không khí Tết ở xứ sở Bạch Dương 


Trong ngày Tết, người phụ nữ Nga luôn háo hức muốn trổ tài tháo vát, nội trợ của mình. Chính vì vậy, họ dành cả ngày vất vả, chăm chút để làm ra những mâm cỗ vô cùng thịnh soạn. Mâm cỗ Nga được bày biện rất đẹp mắt, vì người Nga nổi tiếng chú trọng hình thức. Riêng cốc, đĩa, chén bao giờ cũng phải thật sạch, thật đẹp. Mỗi loại đồ uống lại dùng một cốc khác nhau, vì vậy trên bàn thường bày la liệt cốc: cốc rượu Vodka, cốc uống nước sốc, cốc uống rượu uytki, cốc uống rượu vang… Rồi cơ man nào là đĩa, thìa, dĩa sáng choang. Mâm cỗ ngày Tết thường có vài chục món, và không thể thiếu món salad. Người vợ đảm đang thường làm mấy loại salad khác nhau, salad rau, salad nấm, salad cá, rồi dưa chuột muối, cà chua muối…

Phong cách ăn của người Nga mang đặc trưng của người phương Tây. Thường thì các món nguội được bày ra trước: giò các loại khác nhau, thịt hun khói, cá hun khói…, chủ nhà chỉ trổ tài nấu nướng ở các món ăn nóng. Những món nóng này được tiếp thêm nhiều lần trong bữa ăn như khoai tây hầm thịt, thịt bò bít tết, thịt nhồi bắp cải hấp, cá bỏ lò… Đặc biệt, súp củ cải đỏ, súp bắp cải khoai tây (thường được gọi là Salanca) và bánh mì đen là hai món không thể thiếu trong mâm cỗ mặn Nga. Để thưởng thức được hết các món ăn ngày Tết của Nga, chủ - khách phải lai rai vài tiếng đồng hồ, vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả, đến khi ngà ngà hơi men thì vừa nhảy, vừa hát và cùng nhau nghe Tổng thống chúc Tết…

Sau tiệc mặn, bữa cỗ của người Nga thường kết thúc bằng tiệc ngọt với các loại bánh khác nhau, trong đó bánh gatô và kẹo sôcôla là thứ không bao giờ thiếu bởi người Nga rất thích ăn đồ ngọt tráng miệng cùng với nước trà đen.

Và khi hơi men đã đủ làm ấm lòng người, sắc mặt đã hồng lên để đón một mùa Xuân mới, mọi người khoác lên mình những bộ cánh đẹp nhất, lội tuyết, vừa đi vừa hát cùng nhau tới quảng trường, nơi có cây thông lớn để đón giao thừa. Hòa trong những bản nhạc vui rộn rã, các điệu nhảy dân tộc rộn ràng, đám trẻ bốc tuyết ném nhau rồi cùng nhau trượt trên những cầu trượt bằng băng tuyết.

Ăn Tết bạn, bồi hồi nhớ quê hương

Năm nào cũng vậy, cứ đến những tháng cuối năm, khi mùa Đông thực sự bắt đầu, khi tuyết rơi dày đặc và nhất là khi đường phố ngập tràn sắc xanh của thông, cũng là lúc bất kể người Việt xa quê nào cũng thấy lòng lâng lâng, bồi hồi nhớ Tết quê, nhớ gia đình. Mùa Đông Nga, cũng là mùa mà ai cũng háo hức về quê hương. Những người có điều kiện kinh tế đã sắp xếp công việc từ nhiều tháng trước, cho thuê lại gian hàng, cố tranh thủ bán nốt những mẻ hàng cuối cùng để về quê. Thường thì vào đầu tháng một dương lịch hàng năm, khi tháng 12 cao điểm phục vụ Tết đã qua cũng là lúc bà con ta về Việt Nam nhiều nhất.

Năm nay cộng đồng người Việt ở Nga tuy có khó khăn hơn, nhưng ở các thành phố xa thủ đô, bà con vẫn háo hức về quê ăn Tết nhiều hơn những năm trước. Tại các thành phố này, người Việt thường sống tập trung theo từng kí túc xá, kẻ đi người ở thật lưu luyến. Tuy làm ăn vất vả quanh năm, nhưng khi về nước, ai cũng muốn mua những gói kẹo, chai rượu ngon nhất về cúng tổ tiên và làm quà cho người thân ở quê nhà. Những người không có điều kiện về nước thường vẫn rủ nhau đến chúc mừng, sẻ chia, và ai cũng có một món quà nho nhỏ dành tặng cho những người về quê.



Bà con kiều bào vui đón Tết ở Nga 


Tết âm lịch của Việt Nam thường chậm với Tết Tây khoảng 2 tháng. Nhưng thường thì Tết dương lịch người Nga nghỉ mấy ngày, vì vậy người Việt cũng nghỉ bán hàng để vui Tết cùng người Nga. Ở các kí túc xá, bà con cũng cắt băng rôn, biểu ngữ, các cháu thanh thiếu niên tập văn nghệ, tổ chức các trò chơi vui nhộn, tiệc mặn, tiệc ngọt đón Tết rất vui vẻ. Không chỉ riêng ngày Tết cổ truyền, giờ đây, khi điều kiện sống đã khá lên, những ngày Tết dương lịch, cứ vào đến kí túc xá của người Việt ở Nga, người ta đã thấy không khí Tết ngập tràn, mùi hương trầm ngào ngạt hòa với mùi bánh chưng thơm nức, tiếng lợn kêu eng éc của thợ làm giò chả. Chị em phụ nữ người xé măng khô, người ngâm măng, ngâm gạo nếp. Và các cháu nhỏ cầm bóng bay chạy khắp hành lang...

Tuy không có đào, quất, mai nhưng ngày Tết nhà ai cũng mua về một cành thông, trang trí đèn nháy thật đẹp. Một phong tục không thể thiếu, trên mỗi ban thờ của từng gia đình đều được chăm chút rất kĩ lưỡng. Không có nải chuối xanh, quả phật tử, quả đu đủ, quả thanh long như ở quê hương, trên mâm quả được thay bằng lê, táo, cam quýt. Bên cạnh có bánh chưng, con gà trống luộc, hoa hồng, hoa cúc, vàng mã… tạo nên một ban thờ tổ tiên vẫn đậm đà bản sắc quê hương.

Tại các kí túc xá, người Việt thường tổ chức “tiệc mặn” đón Tết theo từng nhóm. Bây giờ ở Nga đã có những “đại gia đình Việt” với số nhân khẩu lên tới vài chục người, họ thường tổ chức ăn Tết theo gia đình. Rồi những hội đồng hương, mỗi nhóm thường vài chục đến hàng trăm người, cho nên không khí rất nhộn nhịp. Dù ăn tiệc đông người hay ít người, mâm cỗ Tết ở đâu cũng có đủ giò, chả, nem, thịt gà, măng, miến, bánh chưng xanh…, thậm chí cả nem chua.

Khi tiệc mặn đã tàn, chương trình vui văn nghệ thường được tổ chức chung cho toàn thể kí túc xá. Những MC không chuyên khuấy động không khí bằng những bản nhạc Rock và Rap do các cháu thanh niên thể hiện, những bài hát quan họ, bài hát trữ tình do các bác, các cô biểu diễn. Các cháu thiếu nhi thường hát tốp ca những bài hát về Tết xen kẽ với những trò chơi dân gian và hiện đại… Tất cả những thứ ấy đã làm vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương và xua đi những mệt nhọc, lam lũ của cả năm trời vất vả chợ búa.

Rất tiếc năm nay tại Matxcơva, những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phân biệt chủng tộc, bài xích người nước ngoài lại xuất hiện sau cái chết của một cổ động viên đội Spatac. Vì vậy người Việt được cảnh báo không tập trung ở những chỗ đông người, và cộng đồng ta ở đây sẽ đón Tết cùng người thân, bè bạn trong những không gian thuần Việt. Những kẻ cực đoan chỉ là thiểu số, còn phần đông người Nga rất hiếu khách, có lòng nhân hậu, và nhất là ngày Tết, ai cũng muốn được vui và mang lại niềm vui cho người khác… Vì vậy, ở các thành phố khác trên khắp liên bang Nga, nơi tập trung đông người Việt Nam sinh sống, người Việt  luôn giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình và vẫn luôn hòa chung niềm vui đón Tết với người Nga và các dân tộc khác sống trên đất Nga. Đêm giao thừa, cộng đồng người Việt cũng từng đoàn lội tuyết đến các điểm vui chơi công cộng, chụp ảnh kỉ niệm, trượt băng, xem ca nhạc rất hòa đồng và đầy tình thân. Hy vọng rằng, sang một năm mới, cộng đồng người Việt ở Nga sẽ vượt qua những khó khăn trước mắt để có nhiều niềm vui, hạnh phúc và gặp nhiều thuận lợi trong công cuộc mưu sinh xứ người… 

Ngô Tiến Điệp (LB Nga)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu