A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tâm thế doanh nhân trong Tuyên ngôn độc lập và Tư tưởng Hồ Chí Minh

Từ những bài học phát triển đất nước trong quá trình lịch sử của nhân dân Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao tâm thế của các thành phần giai cấp trong xã hội, trong đó dân buôn và tư sản dân tộc đều trở nên chủ nhân chân chính của nước nhà.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ giới công - thương Hà Nội trong “Tuần lễ Vàng”
ngày 18/9/1945 tại Bắc Bộ Phủ

Trọn cuộc đời hy sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng và giành độc lập tự do cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều  các thể loại chính luận, tố cáo, tuyên truyền, báo cáo, văn kiện… Người còn sáng tác văn, thơ, truyện, hồi ký…, ngòi bút triết luận sắc sảo, thức cảm tinh tế trải bày tấm lòng yêu nước, đau đớn trước hiện tình bi thảm của mọi lớp người, các giai cấp trong xã hội Việt Nam và các dân tộc bị áp bức, bóc lột dưới chế độ thực dân, phong kiến. Hồ Chí Minh khai mở, kêu gọi mọi người đoàn kết, đấu tranh, đòi quyền sống, mưu cầu hạnh phúc và giành độc lập, tự do, bình đẳng cho các dân tộc trên hành tinh. Hồ Chí Minh đề cập tới mọi mặt tri thức nhân sinh, khái niệm vũ trụ trong hệ triết học, tư tưởng, văn hóa, kinh tế, xã hội, văn học nghệ thuật… Trong toàn bộ gia tài đó, bản Tuyên ngôn độc lập với hai trang cô đọng, trở thành tác phẩm bất hủ, được ghi nhận thuộc vài áng hùng văn vĩ đại trong dòng lịch sử tư tưởng, triết học của nhân dân các dân tộc Việt Nam.

Thế kỷ 20, nước Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược, không có tên trên bản đồ thế giới. Năm 1945, dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập. Tại vườn hoa Ba Đình, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, một thiên anh hùng ca bất tuyệt khẳng định giai đoạn lịch sử hào hùng và oanh liệt của nhân dân các dân tộc Việt Nam.

Về Tuyên ngôn độc lập, tác giả Trần Dân Tiên đánh giá: "Bản Tuyên ngôn độc lập là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam. Nó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Nó mở ra một kỷ nguyên mới dân chủ cộng hòa."

Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm ảnh hưởng sâu rộng, thức tỉnh hàng muôn triệu con người trong quá trình phát triển, tiến hóa của nhân loại. Xã hội loài người hàng nghìn năm sống dưới chế độ quân chủ chuyên chế, trải qua những giai đoạn mà cuộc sống của một con người, một cộng đồng dân tộc hết sức mỏng manh, họ dễ bị chu diệt trước tham vọng của một vài vị hoàng đế hoặc thế lực ngông cuồng và hoang bạo đem quân đi tàn sát, đồng hóa. Bản đồ thế giới luôn thay đổi trước sức mạnh, cường quyền và bạo ngược.

Năm 1776, cách mạng Mỹ thành công, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, bản Tuyên ngôn độc lập ghi nhận và khẳng định chân lý: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng… quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Năm 1789, Cách mạng Pháp thành công, bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền tiếp tục nhấn mạnh, mở rộng chân lý hiển hiện đó.

Giá trị nhân văn cao cả, nhận thức mới của xã hội loài người ghi nhận trong hai bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và Pháp, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn ngay phần mở đầu, bổ sung giá trị pháp lý và tư tưởng trong bản Tuyên ngôn độc lập của mình : "Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".

"Suy rộng ra…" mang tâm thức, giá trị nhân văn và pháp lý toàn nhân loại, soi rọi, khai mở đến từng cộng đồng dân tộc.

Ngài giám đốc trường Đại học Tổng hợp Băng-Đung (Indonesia) khi trao bằng Tiến sỹ danh dự, đánh giá cao ý nghĩa thời đại và tầm thức toàn cầu của bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đó là một đạo luật mới của nhân dân thế giới khẳng định quyền tự do, độc lập bất khả xâm phạm của các dân tộc bị áp bức".

Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện bao hàm những giá trị về triết học, pháp lý, tư tưởng và triết học… một số sự kiện lớn, hiện tình đau khổ của dân tộc được ghi nhận. Hồ Chí Minh không quên vạch trần tội ác của bọn thực dân, phát xít đối với tất cả mọi thành phần giai cấp trong xã hội Việt Nam, Người khẩn thiết: "Hơn 80 năm nay, thực dân Pháp… chúng bóc lột dân ta… làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên…".

Sáng ngời một chân lý hiển hiện, đó là một trong số những tội ác của kẻ thù khi định kìm hãm dân buôn và nhà tư sản dân tộc.

Từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc phân tích trên căn bản nhận thức xác đáng, hiện thực cuộc sống của mọi tầng lớp, giai cấp và con người Việt Nam trong bài Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ, Người viết rõ mối quan hệ hết sức biện chứng cùng hoàn cảnh bi thảm chung của các thành phần trong xã hội: "Không có tỷ phú người An Nam… nếu nông dân chỉ sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì đời sống của địa chủ cũng chẳng có gì là xa hoa; nếu thợ thuyền không biết mình bị bóc lột bao nhiêu thì chủ lại không hề biết công cụ để bóc lột của họ là máy móc, người thì chẳng có công đoàn, kẻ thì chẳng có tơrớt. Người thì nhẫn nhục chịu số phận của mình, kẻ thì vừa phải trong sự tham lam của mình. Sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu. Điều đó không thể chối cãi".

Nhận định của Nguyễn Ái Quốc trùng với nhiều bài viết của trí thức, thân hào, nhà cách mạng yêu nước như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can… Họ đều kết tội kẻ thù xâm lược, kêu gọi tiến hành cách mạng giành độc lập, tự do và chấn hưng dân tộc theo phương pháp, hiểu biết riêng của từng người.

Năm 1930, tình hình cách mạng trong nước có chuyển biến tích cực, Nguyễn Ái Quốc kịp về nước vận động các tổ chức, Đảng cách mạng thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam, Người soạn thảo các văn kiện Sách lược vắn tắtChương trình tóm tắt … và Điều lệ vắn tắt… được Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua và ghi rõ: "Đảng lôi kéo tiểu tư sản, trí thức và trung nông về phía giai cấp vô sản, Đảng tập hợp hoặc lôi kéo phú nông, tư sản và tư bản bậc trung…”, “Được vào Đảng… các giai cấp khác và người đảng phái khác ".

Năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bắt đầu, thời cơ thuận lợi đã đến, cách mạng Việt Nam cần phải tập hợp mọi thành phần giai cấp, thống nhất toàn bộ lực lượng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nguyễn Ái Quốc khẩn thiết kêu gọi: "Đảng không nên đưa ra những đòi hỏi quá cao… phải ra sức tổ chức Mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi… không những chỉ có nhân dân lao động mà gồm cả giai cấp tư sản dân tộc… Đối với tư sản dân tộc, Đảng phải có thái độ khéo léo, mềm dẻo phải hết sức lôi kéo họ và giữ họ ở trong mặt trận…".

Đầu năm1941, thời cơ lịch sử đã đến, Nguyễn Ái Quốc về nước, viết lời kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, giai cấp trong xã hội, Người trân trọng, tha thiết:

"Hỡi các hiền nhân, chí sỹ!

Hỡi các bạn sỹ, nông, công, thương, binh…

Hỡi các bậc phú hào yêu nước thương nòi…

Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy… giờ giải phóng đã đến" .

Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân, mọi thành phần giai cấp của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ trong lời nói, bài viết, bằng việc làm hết sức cụ thể trong cương vị trọng trách đứng đầu Nhà nước, Người trực tiếp trân trọng mời vua, quan đại thần, chí sỹ yêu nước, lãnh đạo các đảng phái chính trị, nhà tư bản, trí thức, điền chủ… cùng Người ở những vị trí lãnh đạo cao cấp, điều hành đất nước, vượt qua muôn vàn khó khăn nguy hiểm đi đến thắng lợi. Nhiều bậc đáng kính làm việc tốt, được Nhà nước trao tặng huân chương và đánh giá cao như: Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Ngô Tử Hạ, Nguyễn Sơn Hà, Phan Kế Toại, Phan Anh…

Hiến pháp là văn bản pháp luật quan trọng nhất, khẳng định thể chế, chính sách và bản chất của một chính thể Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trực tiếp soạn thảo, chỉ đạo chỉnh sửa và ký lệnh ban hành một số văn bản Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam. Hiến pháp năm 1946, văn bản đầu tiên của Nhà nước Dân chủ Cộng hoà do Hồ Chí Minh soạn thảo, được Quốc hội thông qua khẳng định quyền lợi vị thế của các doanh nhân, trong chương 1, điều 1 ghi rõ: "Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hoà… không phân biệt nòi giống, trai gái, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo" và điều 13 đảm bảo quyền lợi: "Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm…".

Năm 1953, Hồ Chí Minh viết cuốn sách Thường thức chính trị lý giải, phân tích nhiều vấn đề, sự kiện, từ ngữ mang tính lý luận, cần thấu hiểu và vạch đường lối toàn diện cho cách mạng và công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam sau này. Trong mục Vì sao nhân dân Việt Nam cực khổ Người phân tích nguyên nhân căn bản nhất đã nêu trong Tuyên ngôn độc lập và nhiều bài viết khác: "Trước cách mạng tháng Tám, công nhân, nông dân, học sinh, công chức và nhà tư sản dân tộc Việt Nam không có quyền chính trị, không có quyền tự do… Người có tiệm buôn… thì bị hàng ngoại hóa đè lên… Những nhà tư sản dân tộc cũng bị đế quốc và phong kiến đè nén ngăn trở… Vì lẽ đó, muốn giải phóng thì nhân dân, tức là công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc, phải đoàn kết để đánh đổ đế quốc, đánh đổ phong kiến và tư sản mại bản".

Trong mục Dân chủ tập trung, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhận thức sâu sắc: "Chế độ dân chủ tập trung khiến cho toàn thể nhân dân (công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc) đều trở nên chủ nhân chính của nước nhà".

Từ những bài học phát triển đất nước trong quá trình lịch sử của nhân dân Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao tâm thế của các thành phần giai cấp trong xã hội, trong đó dân buôntư sản dân tộc đều trở nên chủ nhân chân chính của nước nhà. Hồ Chí Minh viết thư gửi các giới công thương Việt Nam với tấm lòng trân trọng: "Giới công - thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này…".

Hồ Chí Minh thật lòng: "Tôi sẽ tận tâm giúp giới công - thương trong công cuộc kiến thiết này", không ai khác, giới doanh nhân (Công nghiệp - Thương nghiệp) có vai trò quan trọng xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng cho đất nước. Bài học đau xót từ trong quá khứ lịch sử ở Việt Nam và một số nước khác trên thế giới, từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh tỉnh nhận thức và phê phán: “Chỉ đem lý luận khô khan nhét cho đầy óc họ… Nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng… Ta cũng phải kiên quyết chống những bệnh đó vì nhận thấy ta thường mắc phải và các bệnh này rất có hại cho công tác, rất hại cho Đảng”.

Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định tâm thế của các doanh nhân trong bản Hiến pháp ghi tại chương 2, điều 11: "… Các hình thức sở hữu chủ yếu về tư liệu sản xuất hiện nay là: hình thức sở hữu của Nhà nước…hình thức sở hữu của người lao động riêng lẻ, và hình thức sở hữu của nhà tư sản dân tộc ", điều 16 ghi rõ: "Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của nhà tư sản dân tộc". 

Trọn cuộc đời hy sinh cho dân tộc, Hồ Chí Minh chưa một lần kêu gọi tiến hành giai cấp đấu tranh, ngược lại Người luôn kêu gọi đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ sau công cuộc đổi mới do Đảng và Nhà nước lãnh đạo, đất nước ta đã có những bước tiến diệu kỳ, nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng gần đây ghi nhận Đảng viên phải là những con người ưu tú, chân chính cùng nhân dân phấn đấu cho một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều bài viết mang tầm tư tưởng, triết lý ghi nhận các nhà tư sản, dân buôn (công nghiệp - thương nghiệp) là những chủ nhân chân chính của nước nhà. Điều này phù hợp, cùng chung mục đích cao cả của những con người đều được đánh là chủ nhân chân chính của dân tộc và càng sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh mà nghị quyết gần đây của Đại hội Đảng lần thứ X  đã thông qua. Tại cuộc họp báo sau Đại hội, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nói rõ: "Vấn đề này cũng đã được nêu ra từ khá lâu và đã được Đại hội X quyết định. Đảng viên làm kinh tế tư nhân dù với quy mô nào ngoài việc chấp hành luật của Nhà nước còn phải thực hiện Điều lệ Đảng".

Hơn nửa thế kỷ, chúng ta càng thấu hiểu từng câu, từng chữ được dùng tinh tế, đầy tính triết luận, trong bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn nữa mở rộng giá trị trường tồn, vĩnh hằng, bổ sung nhận thức những giá trị căn bản vào hệ tư tưởng, triết học của nhân dân các dân tộc Việt Nam.

Lê Cường
(Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm