A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trần Duệ Tông (1336-1377)

Duệ Tông Hoàng đế - ông vua thứ 9 của thời đại nhà Trần, tên là Trần Kính, là con thứ mười một của Trần Minh Tông, em của vua Trần Nghệ Tông. Mẹ là Đôn Từ Hoàng Thái phi.

Vua sinh ngày 2-6-1336. Khi Trần Nghệ Tông tránh loạn, mọi vũ khí, quân đội đều do Trần Kính đảm nhận, do vậy, vua Nghệ Tông đã truyền ngôi cho em. Ba mươi sáu tuổi lên làm vua, ở ngôi 4 năm, thọ 41 tuổi.

Trong 4 năm cầm quyền, trị vì đất nước, Trần Dụê Tông đã cùng vua cha Trần Minh Tông (Thái Thượng Hoàng) tổ chức thi Đình tuyển chọn nhân tài cho quốc gia. Những nho sĩ thời đó như Đào Sư Tích ( Trạng nguyên), Lê Hiến Phủ (Bảng nhãn), Trần Đình Thám (Thám hoa)…đều xuất thân từ bình dân, không trong hàng ngũ hoàng tộc. Đức vua rất coi trọng nho sỹ, coi đó là đại diện văn hiến nước nhà, nên cho ăn yến, áo xấp, tước phẩm…

Đặc biệt nhà vua rất chú trọng trong việc xây dựng quân đội. Sử cũ chép lại rằng: “Mùa thu tháng tám (1374) cho dân đinh xung vào quân ngũ: hạng nhất xung vào Lan Đô, rồi đến hạng nhì, hạng ba. Người thấp bé nhưng mạnh khỏe cũng được xung lên hạng trên. Trước đây, quân Túc vệ có quân Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần. Sau đặt thêm các quân Uy Tiệp, Bảo Tiệp, Long Dực, Thần Dực, Ý Yên, Thiên Trường, Bắc Giang, Điện Hậu, Long Tiệp, thích ba chữ đen vào trán. Các quân Thị vệ, Tạc Ngạch, Hoa Ngạch, Tả Ban, Hữu Ban, Thanh Hóa Nghệ An, Hóa Châu, Thuận Châu, Lâm Bình đều đặt quân hiệu. Có đại đội trưởng, đại đội phó làm tướng hiệu”.

Tháng 12 năm 1376, vua tự cầm quân đi đánh giặc ở vào thời điểm quyết liệt, do có người cản ngăn nên vua nói với quân sĩ rằng: “ Ta mình mặc giáp, tay cầm gươm, dãi gió dầm mưa, lội sông, trèo núi, vào sâu trong đất giặc, không một người nào dám chống lại đó là trời giúp. Huống chi nay vua giặc nghe tiếng bỏ trốn, không có lòng đánh lại. Cổ nhân nói “Dụng binh quý ở nhanh chóng”. Nay lại dùng dằng không tiến nhanh, thế là trời cho mà không lấy, để nó lại có mưu khác, thì hối không kịp?”. Là ông vua, nhưng lại cùng quân sỹ xông pha nơi trận mạc, chỉ vì chủ quan, khinh địch, không nghe lời can gián, phân tích lợi hại của quần thần, cho nên Duệ Tông bị hãm trong trận và bị Chiêm Thành giết chết, các tướng lĩnh Đồ Lễ, Nguyễn Lạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh cũng đều bị giết hại.

Cũng trong thời kỳ làm vua, Trần Duệ Tông đã tiếp tục đường lối của cha ông mình là liên tục tuyển chọn nhân tài cho quốc gia. Sử cũ có chép lại rằng: “Ất Mão (năm 1375)…xuống chiếu chọn các quan viên, người nào có tài năng, luyện tập nghề võ, thông hiểu thao lược, thì không cứ là tôn thất đều làm tướng coi quân “, đồng thời cho ra khỏi quân ngũ những người lính già cả,  ốm yếu, bệnh tật…

Đặc biệt là ý thức dân tộc ở Trần Duệ Tông được đề cao. Ông hạ lệnh cho quân dân không được mặc áo kiểu người phương Bắc và bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm – Lào. Vừa bảo vệ được thuần phong mỹ tục, vừa biểu hiện ý thức tự lập, tự cường, ông còn quy định cụ thể về mẫu mã các loại thuyền, xe, kiệu, tán, nghi, trượng và y phục.

Thời gian trị vì đất nước rất ngắn ngủi, nhưng vua Duệ Tông đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về lòng quả cảm, về ý thức tự lập tự cường. Cũng thời gian đó, lịch sử còn ghi lại nhiều tư liệu về các hành động của quan quân, về đức tính trong sạch thanh liêm của quan lại thời ấy. Chẳng hạn như: Đỗ Tử Bình lãnh hậu quân không đến cứu được vua (đi đánh Chiêm Thành) thoát chết, khi trở về qua Thiên Trường, người ta tranh nhau lấy ngói, gạch ném vào thuyền mà chửi! Hoặc Trương Đỗ là một vị quan thanh liêm, mà tài cao đức trọng, khi vua đi đánh Chiêm Thành, ông đã ba lần dâng sớ can ngăn, vua không nghe, ông bèn treo mũ từ quan bỏ về…

Thượng hoàng Trần Minh Tông cho là vua Dụê Tông vì việc nước mà bỏ mình, nên chiêu hồn chôn ở Hy Lăng và cho lập con trưởng của Duệ Tông là Kiến Đức Đại vương Trần Hiện nối nghiệp nhà Trần.  

(1) Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Sđđ… trang 183


Tin liên quan

Tin tiêu điểm