A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mạc Đĩnh Chi (1280 – 1346)

1. Tướng mạo xấu, nhưng trí tuệ “đẹp”

Mạc Đĩnh Chi người làng Lan Khê, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương ngày nay, sau dời sang làng Luỹ Động, huyện Chí Linh. Thuở nhỏ, ông rất linh lợi, thông minh, nhưng tướng mạo xấu xí. Thân hình ông lùn, da đen, mồm rộng, mũi tẹt, trán dô...

Bấy giờ, thời nhà Trần có Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc, là người hay chữ, mở học đường, Mạc Đĩnh Chi xin vào học. Lúc đó cậu mới 4 – 5 tuổi, nhưng đã tỏ ra hết sức thông tuệ, được mệnh danh là thần đồng.

Đến năm 1304, đời  vua Trần Anh Tông, niên hiệu Hưng Long thứ 12, triều đình mở khoa thi, lấy 44 người đỗ Thái học sinh (tiến sĩ). Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu, chiếm học vị trạng nguyên, lúc này ông mới hơn 20 tuổi. Nhưng khi ra mắt, nhà vua thấy mặt mũi, thân hình ông xấu xí, không muốn cho đỗ trạng. Ông liền làm bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Hoa sen trong giếng ngọc), để nói lên phẩm  giá thanh cao của mình, dâng lên vua. Anh Tông xem bài phú thấy rõ tài hoa, tư cách của ông, nên cảm phục và cho đỗ trạng nguyên. Sau đó, để tỏ lòng ưu ái người tài, nhà vua cho dẫn ông và hai người khác đỗ Tam Khôi là bảng nhãn Bùi Mộ và thám hoa Trương Phóng ra phía cửa Long Môn Phượng Thành dạo chơi trên đường phố ba ngày liền.

Ông được cử giữ việc coi sóc thư khố của nhà vua, rồi chức Tả bộc xạ (Thượng thư)... Đặc biệt trong hai lần sang sứ Trung Quốc, ông đã dùng tài năng và phẩm chất cao đẹp của mình để làm rạng rỡ đất nước và khiến người nước ngoài phải khâm phục.

2. Mở cửa ải bằng một vế đối

Năm 1308, Mạc Đĩnh Chi được cử sang sứ Tầu, mừng vua Nguyên lên ngôi, để giữ mối hoà hiếu trong quan hệ bang giao giữa hai nước. Theo lịch thì đoàn sứ bộ nước ta sẽ đến cửa ải vào ngày giờ định trước. Không may hôm lên đường gặp trục trặc, nên đến sai hẹn. Khi đoàn sứ bộ ta tới nơi, thì trời tối, cửa ải đã đóng. Quân Nguyên canh gác bắt phải chờ đến sáng hôm sau. Thấy sứ bộ ta cứ biện bạch mãi, viên quan phụ trách canh ải mới thả từ trên lầu cao xuống một câu đối, thách sứ bộ ta nếu đối được thì họ sẽ mở cửa ải.

Câu đối như sau: “Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quen” (Tới cửa ải trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường cứ qua).

Một vế đối hắc búa có đến 4 chữ quan và 3 cữ quá! Mạc Đĩnh Chi thấy khó, nhưng ông đã nhanh trí dùng mẹo để đối như sau:

“Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối” (Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin mời ông đối trước!)

Tưởng lâm vào thế bí, thế mà lại hoá ra tìm được vế đối hay, khiến người Nguyên phải phục tài sứ giả nước Nam, liền mở cửa ải để đoàn sứ bộ nước ta qua biên giới.

3. Cuộc đấu trí ở nước ngoài

Sau khi khuất phục nhà Tống và đánh bại nhiều quốc gia từ Á sang Âu, vua Nguyên  đã cho các đạo quân rất hùng hậu và thiện chiến kéo sang xâm lược nước ta ba lần. Nhưng cả ba lần họ đều đại bại, đến nỗi viên tổng tư lệnh đạo quân khét tiếng này là Thoát Hoan đã phải chui vào ống đồng, sai quân khiêng trốn chạy mới thoát chết! Tuy thất bại, nhưng tư tưởng nước lớn, coi thường nước nhỏ ngày càng ăn sâu, bén rễ trong đầu óc vua quan triều Nguyên. Vì vậy, có lần Mạc Đĩnh Chi sang sứ, cưỡi lừa rong chơi đường phố Bắc Kinh, vô ý đụng phải ngựa một viên quan Tàu. Viên quan này vênh mặt hỏi bằng một câu đối:

“Xúc ngã kị mã, Đông di chi nhân dã, Tây di chi nhân dã?” (Đụng vào ngựa ta cưỡi, ấy là rợ phương Đông hay rợ phương Tây?). Viên quan Tàu dùng chữ trong sách Mạnh Tử, có ý khinh rẻ, cho người nước ta là mọi rợ.

Mạc Đĩnh Chi thấy viên quan Tàu giở giọng kẻ cả, bực lắm bèn đọc luôn:

“Át dư thừa lư, Nam phương chi cường dư, Bắc phương chi cường dư?” (Húc vào đầu lừa, hỏi phương Nam mạnh, hay phương Bắc mạnh?).

Trong vế đối, trạng nước ta cũng dùng chữ trong sách Trung Dung và ngụ ý để viên quan Tàu kiêu ngạo thấy: “Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào!”.

Lần khác, người Nguyên thấy đoàn sứ bộ ta chuyện trò với nhau, tiếng cứ ríu ra ríu rít như chim. Họ bèn ra câu đối để đùa:

“Quých thiệt chi đầu đàm Lỗ Luận: tri chi vi tri chi, bất vi tri bất tri, thị tri “(Chim chích choè đầu cành bàn sách Luận ngữ: biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết, thế mới là biết).

Đây là một vế đối khó. Người Nguyên đã chọn những từ vi, tri, chi... giống tiếng chim kêu để giễu người Việt khi phát âm.

Mạc Đĩnh Chi đã đối:

“Oa lâm trì thượng độc Châu thư: lạc dữ độc lạc nhạc, lạc dữ chúng lạc nhạc, thục lạc?”(Con chẫu chuộc ngồi dưới ao đọc sách nhà Chu: nghe nhạc vui cùng ít người, nghe nhạc vui cùng nhiều người, đằng nào vui hơn?).

Vế đối của trạng nước ta cũng dùng từ lạc, lạc, nhạc... giống tiếng chẫu chuộc, để chọi lại, chế người Nguyên nói ồm ộp như chẫu chuộc!

Lần khác, Mạc Đĩnh Chi ngồi uống nước với người Nguyên ở cạnh chùa. Họ bèn ra câu đối để thử tài sứ Việt Nam. Câu đối bằng chữ Hán, dịch ra như sau:

“Cây kỉ vốn là một loài gỗ. Cái chén không phải là loài gỗ. Tại sao lấy cây kỉ làm chén?”.

Trạng nhìn ngôi chùa, tức cảnh đối ngay:

“Tăng là người. Phật không phải là người. Sao lại lấy tăng thờ Phật?”.

Vế đối quả là chan chát và lập luận thật là chặt chẽ, chính xác!

Lại có lần Mạc Đĩnh Chi đi chơi cùng phái bộ triều Nguyên. Tới gần một chiếc cầu, do vô ý ông bị sa xuống hồ. Người Nguyên chạy đến đỡ ông. Để đùa, họ đã đọc câu đối:

“Can mộc, hoành cừ, lục giả tương như tự đạo” (Gỗ thẳng, cầu ngang, đường đi ngỡ là đất phẳng).

Câu đối rất khó, vì dùng toàn tên của một số nhân vật bên Tàu ghép lại (Đoàn Can Mộc, Hoành Cừ, Lục Giả, Tương Như và Tự Đạo).

Mạc Đĩnh Chi thấy bên kia sông có ngôi đình dưới chân núi, nẩy ý đối rằng: “Đại đình, an thạch, vọng chi nghiễm nhược thái sơn ”(Đình to, đá vững, nhác nom như thể Thái Sơn).

Vế đối của ông rất tài tình, vì cũng dùng toàn tên người ghép lại (Đại Đình là biệt hiệu của Thần Nông; Vương An Thạch, Vọng Chi...).

Có được tài năng ứng đối tuyệt vời như thế là nhờ tư duy của Mạc Đĩnh Chi cực kì linh hoạt. Truyện kể, một lần viên Tể tướng Tàu mời ông đến nhà chơi. Nhìn thấy nơi cửa sổ có bức trướng thêu một con chim sẻ đậu trên cành trúc, giống chim thật như đúc, Mạc Đĩnh Chi bèn tiến lại giơ tay ra bắt, khiến các quan khách có mặt trong phòng cười ồ, chê ông là ngớ ngẩn, quê  kệch. Biết mình nhầm, nhưng Mạc Đĩnh Chi đã kéo ngay bức trướng xuống xé toạc. Tất cả quan khách đều kinh ngạc, nhìn ông. Bấy giờ Mạc Đĩnh Chi mới hướng vào vị Tể tướng Nguyên, nói:

- Cổ nhân vẫn cho trúc là bản sắc người quân tử, còn chim sẻ là hình dáng kẻ tiểu nhân. Thế mà không hiểu sao quan Tể tướng lại cho treo trong nhà  bức tranh vẽ kẻ tiểu nhân đè đầu người quân tử. Tôi e rằng, ở quý quốc, đạo của tiểu nhân át mất đạo quân tử, nên tôi vì Thánh đế mà xé bức tranh này.

Câu giải thích của trạng Việt nam làm cho viên Tể tướng Nguyên và tất cả các quan khách có mặt đều thấy chí lí và phục trạng có tài hùng biện, hiểu biết uyên bác hơn người.

4. Trạng nguyên hai nước

Mạc Đĩnh Chi là trạng nguyên của nước ta, nhưng khi sang sứ Tàu, vua Nguyên phục ông đối đáp thông tuệ, học vấn uyên thâm, đã phong ông làm trạng nguyên Trung Quốc.

Có lần, muốn thử tài năng và khí tiết của vị Chánh sứ nước ta, vua nguyên ra một vế đối bằng chữ Hán, dịch ra như sau:

“Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy cung trăng”.

Nghe xong, Mạc Đĩnh Chi biết vua Nguyên tỏ vẻ kiêu ngạo, xem mình là mặt trời và xem nước ta như mặt trăng, nên đã đối lại:

“Trăng là cung, sao là đạn, tối đến bắn rơi mặt trời”.

Thoạt đầu, vua Nguyên nổi giận, nhưng qua vế đối biết tài năng, khí tiết của sứ thần nước ta không phải là vừa, nên đem lòng nể trọng, chuyển giận làm vui và sai lấy vàng lụa, rượu ngon thưởng cho trạng Việt Nam.

Có lần Mạc Đĩnh Chi sang sứ đúng vào dịp người Hậu phi của vua Nguyên mất. Lúc làm tế lễ, người Nguyên đưa cho Chánh sứ nước ta bài điếu văn viết sẵn, bảo đọc. Khi Mạc Đĩnh Chi mở giấy ra thì chỉ thấy viết có bốn chữ “Nhất” (là một). Ông chẳng hề lúng túng, vừa nghĩ vừa đọc thành bài điếu văn rất hay, đầy cảm động như sau:

“Thanh thiên nhất đoá văn
Hồng lô nhất điểm tuyết
Ngọc uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!”

Nghĩa là:

“Một đám mây giữa trời xanh |
Một bông tuyết trong lò lửa
Một bông hoa giữa vườn thượng uyển
Một vầng trăng trên mặt nước hồ
Ôi! mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!”.

Vậy là chỉ có bốn chữ “Nhất” mà trạng nước ta đã đọc thành một bài văn điếu tuyệt hay, khiến cho cả triều thần phương Bắc phải bái phục.

Lại một lần khác, Mạc Đĩnh Chi cùng với sứ thần một số nước ra mắt vua Nguyên. Nhân có nước nào đó dâng chiếc quạt,  vua Nguyên bắt sứ thần nước ta và sứ thần Triều Tiên đề thơ. Giữa lúc Mạc Đĩnh Chi còn tìm tứ thơ, thì sứ Triều Tiên đã viết liến thoắng. Ông nhìn theo quản bút đọc thấy sứ Triều Tiên viết hai câu chữ Hán, dịch nghĩa như sau:

Nóng nực oi ả, thì như Y Doãn, Chu Công (là những người được vua trọng dụng).
Rét buốt lạnh lùng, thì như Bá Di, Thúc Tề” (là những người bị ruồng bỏ).

Với sự nhanh trí kì lạ, Mạc Đĩnh Chi liền phát triển hai câu thơ trên thành một bài xuất sắc, mô tả chiếc quạt:

“Chảy vàng, tan đá, trời đất là lò lửa, thì lúc ấy ngươi (chỉ  chiếc quạt) như Y Doãn, Chu Công là những bậc cự nho (người tài giỏi).

Gió bấc lạnh lùng, mưa tuyết đầy đường, lúc ấy người như Bá Di, Thúc Tề là những ông già chết đói.

Ôi! Dũng thì thành đạt, bỏ thì xếp xó. Chỉ có ta và người là như thế chăng?”.

Bài của Mạc Đĩnh Chi làm xong trước, ý sắc sảo, văn lại hay, nên vua Nguyên xem xong cứ gật gù khen mãi. Nhân dân ta ngưỡng mộ, tôn xưng ông là: “Lưỡng quốc trạng nguyên” (trạng nguyên hai nước).

5. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”

Mạc Đĩnh Chi suốt đời sống rất liêm khiết, thanh bạch, nên tuy làm quan nhưng nhà vẫn nghèo. Vua Trần Minh Tông biết rõ sự tình đã sai người đang đêm đem 10 quan tiền bỏ trước cửa nhà ông, ngầm cho ông. Sáng mai, khi thức dậy, ông cầm số tiền đó vào triều tâu vua. Vua cười bảo: “Không ai đến nhận, cho khanh cầm lấy mà tiêu”. Vua khen ông trong sạch và tặng hai chữ “Lịch sử”.

Hồi đó, có một người tên là Lý Đạo Tái, ở làng Vạn Tải, thuộc tỉnh Hà Bắc [1] trước đây. Ông này đỗ trạng nguyên khoa Nhâm Tí (1252), niên hiệu Nguyên Phong thứ hai, đời Trần Thái Tông. Nhà vua thấy Đạo Tái là người tài đức, muốn gả công chúa Liễu Sinh cho, nhưng ông không ưng, tìm mọi cách từ chối. Sau đó, vì thấy cảnh đời đen trắng nên ông bỏ quan, xuất giá tu hành theo đạo Phật, mong tìm cách cứu vớt chúng sinh. Lý Đạo Tái được phong Phật hiệu là Huyền Quang, đạo pháp cao siêu, thoát khỏi lòng dục, khiến vua Trần có lần đã hỏi thị thần và tăng đạo rằng:

- Người ta sống ở trong đời đất đều thích ăn vị ngon, thích mặc màu đẹp, đều có tình dục cả... Tại sao mình lão tăng Huyền Quang từ trước tới nay chỉ sắc sắc không không, như nước chẳng gợn sóng, như gương chẳng mờ bụi. Đó là ngăn hãm lòng dục hay không có lòng dục vậy?

Bấy giờ, Mạc Đĩnh Chi đứng bên mới tâu rằng:

- Vẽ hổ chỉ vẽ được da, khó vẽ được xương. Biết người thì biết mặt không rõ được lòng. Xin cứ phải thử xem thì mới rõ.

Nhà vua cho lời ông nói là phải, bèn ngầm chọn một người cung nữ rất đẹp tên là Nguyễn Thị Điềm Bích và giao cho nàng nhiệm vụ tìm đến chùa Hoa Yên, núi Yên Tử - là nơi sư Huyền Quang tu hành - để thử lòng sư. Điểm Bích đã dùng đủ thuật quyến rũ, nhưng vẫn không sao khêu gợi được lòng dục của Huyền Quang. Việc làm trâng tráo của nàng đã được một bà già đến lấy thuốc nấp sau chùa chứng kiến.

Vì bị sư Huyền Quang chối từ, lại lo sợ không thực hiện được mệnh vua, nên Điểm Bích quyết định ra sau núi quyên sinh. Huyền Quang biết, bèn lấy lời lẽ khuyên can và hỏi rõ ngọn nguồn.  Bấy giờ, Điểm Bích mới thổ lộ rằng nàng được nhà vua giao tìm cách lấy được 3 nén vàng của sư ông đưa về. Huyền Quang nghe xong ái ngại, đã lấy 3 nén vàng giao cho Điểm Bích (vì trước đó nhà vua có cho sư ông 10 nén vàng, in dấu quốc khố). Khi thấy Điểm Bích đưa vàng về trình, kèm theo những lời thêu dệt sư ông ong bướm, nhà vua đã nổi giận, cho Huyền Quang là sư hổ mang, định trị tội. May sao có bà lão lấy thuốc làm chứng, vạch điều vu khống của Điểm Bích, nên vua mới hiểu sư Huyền Quang quả lòng trong sạch, không vết dục tình.

Con người giữ được cái tâm mới thật đáng quý. Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đã biểu lộ cái tâm trong sáng của ông từ thuở hàn vi, khi ông làm bài phú “Hoa sen trong giếng ngọc” dâng vua và ông đã giữ nó trong sạch suốt cả cuộc đời..., khiến cho người đời mãi tôn trọng, kính phục ông.

-------------------------------

* Chú thích:

 [1]  Nay là tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.

 (Theo Thần đồng xưa của nước ta - NXB Giáo Dục - 1998)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm