A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trịnh Thiết Trường (thế kỷ XV)

1. “Lũ trẻ chỉ mày khéo”

Trước chúng ta khoảng năm thế kỉ. ở làng  Nhân Lí, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hoá bây giờ, có một cậu bé tên là Trịnh Thiết Trường, mồ côi bố từ nhỏ. Trường rất hoạt bát, sáng tạo, học giỏi, được nổi tiếng là thần đồng.

Chuyện dân gian kể lại rằng: Trường và các bạn chăn trâu cùng tuổi vẫn thường lấy đất nặn các loại đồ chơi rất khéo. Có lần Trường nặn một con voi, và muốn voi cử động được như thật, cậu bèn nghĩ cách bắt một con đỉa làm vòi, 2 con bướm làm tai, 4 con cua làm bàn chân voi... Thế là con voi đất mà lại biết co vòi, vẫy tai, tự chuyển động. Đồ chơi do Trường sáng tạo ra rất hấp dẫn đối với trẻ em thời bấy giờ, nên chúng thích thú, đua nhau làm theo.

Có lần Trường cùng các bạn chơi trò chơi đất ở cánh đồng đầu làng, thì vừa lúc viên quan huyện sở tại hành hạt qua. Lính khiêng võng cho quan dừng lại để bắt trai đình làng Nhân Lí ra cáng tiếp. Quan huyện xuống võng, chắp tay sau lưng đi lại cho đỡ mỏi. Lúc đó có tiếng bọn trẻ nô đùa ầm ĩ phía trước. Quan tò mò đến xem thì thấy cả bọn đang chơi trò voi đất. Con voi giả, nhưng thật độc đáo,  cong vòi, vẫy tai, đi được...,  chưa thấy nơi nào có. Quan huyện buột miệng hỏi:

- Đứa nào làm khéo hè?

Bọn trẻ chỉ vào một cậu bé chứng 11 - 12 tuổi , có cặp mắt linh lợi, thưa:

- Bạn này đấy ạ!

Viên quan huyện nhìn Trường, ngỏ ý khen cậu bằng một vế đối:

“Lũ trẻ chỉ mày khéo!”

Rồi bảo Trường nếu biết chữ thử đối xem. Trường liền đọc ngay: “Quan huyện có ông...”.

Đọc đến đó, Trường dừng lại nhìn. Quan nhắc cậu còn thiếu một chữ.

Trường bèn đáp:

- Quan có thưởng thì tôi mới xin đọc hết!

Viên quan biết Trường là một đứa trẻ có tư chất, không phải là thường, bèn móc túi thưởng trước cho cậu mấy tiền. Bấy giờ Trường mới đọc cả vế đối:

“Quan huyện có ông hiền”.

Quan huyện gật gù, lấy làm vừa ý và hỏi thêm:

- Nếu ta không cho tiền thì mày sẽ đọc ra sao? Trường tinh nghịch cười đáp:

- Tôi sẽ đọc là: “Quan huyện có ông... tham” ạ [1]

Viên quan tỏ ra mến đứa trẻ thông minh, ngộ nghĩnh. Quan hỏi thêm bọn trẻ mới biết Trường là thần đồng làng Nhân Lí, hiện ở với mẹ và chị... Quan động lòng trắc ẩn, liền tìm đến nhà gặp mẹ Trường hứa sẽ chu cấp thêm tiền gạo để sinh sống và xin đưa Trường về nhà nuôi ăn học cho thành tài.

Thế là Trịnh Thiết Trường từ giã mẹ, chị và làng xóm, đi theo viên quan huyện giàu lòng thương người, để được học hành, thoả ước mơ sau này đưa được tài sức cống hiến cho đời.

2. Đỗ tiến sĩ vẫn chưa thoả sức

Chẳng mấy chốc Trịnh Thiết Trường đã cắp lều chõng đi thi Hương, rồi dự kì thi Hội, năm Nhâm Tuất (1442), dưới triều vua Lê Thái Tông – niên hiệu Đại bảo thứ 3. Đây là khoa thi đầu tiên, kể từ khi vua Lê Thái Tổ đánh đuổi được giặc  Minh, giành lại độc lập. Trong số 23 người đỗ tiến sĩ khoa này, có Trịnh Thiết Tường. Nhưng khi làm lễ xứng danh, gọi tên đến 3 lần vẫn không thấy ông Trường. Các sĩ tử có mặt và bá quan trong triều đều lấy làm tiếc, cho là vì đướng sá xa xôi, hoặc có điều gì bất trắc, nên vắng mất một tân khoa tiến sĩ.

Thực ra Trịnh Thiết Trường cũng có mặt trong số người đến nghe xướng danh. Song ông vẫn buồn rầu, vì không chiếm được bậc trạng nguyên, bảng nhãn như mong ước, mà chỉ đỗ tiến sĩ, chưa xứng với lực học của bản thân, nên quyết tâm chờ dự kì thi khác. Ông nói với mấy người bạn quen: ”Tôi muốn đỗ Đệ nhất giáp cho hiển danh, chứ Tam giáp thì chưa xứng với cái học bình sinh của tôi”.

Cái tin Trịnh Thiết Trường quyết thi lại và chiếm bảng Tam khôi, chưa chịu nhận mũ áo tiến sĩ vua ban là chuyện lạ, chưa bao giờ nghe, nên lan truyền rất nhanh trong giới sĩ tử cả nước. Người thì bảo ông Trường dại “thả mồi bắt bóng”, lần sau thi lại chắc gì đã đỗ tiến sĩ. Kẻ thì tấm tắc khen ông là người có chí lớn, thế nào cũng đỗ đạt cao, làm nên danh vọng cho xem...

Chỉ biết 6 năm sau, trong khoa thi Mậu Thìn (1448), niên hiệu Thái Hòa thứ 6, đời vua Lê Nhân Tông, Trịnh Thiết Trường lại về Kinh dự thi và ông đã chiếm được học vị bảng nhãn, bậc thứ hai trong Tam khôi, gây nên sự bàn tán sôi nổi, thán phục trong dư luận xã hội nước ta thời bấy giờ.

Cùng chiếm bảng vàng Đệ nhất giáp với ông có trạng nguyên Nguyễn Nghiêm Tư, người làng Phù Lương, huyện Vũ Giàng - Bắc Ninh và thám hoa Châu Thiên Uy, người làng Hương Quất, huyện Tứ Kì, tỉnh Hải Dương cũ.

Chuyện lạ về bảng nhãn Trịnh Thiết Trường đến tai vua Lê Nhân Tông. Nhà vua lấy làm vui lắm, bèn gia ân cho ông Trường và mấy vị đỗ Tam khôi được đi dạo chơi, thăm vườn Ngự uyển. Vua đích thân hướng dẫn họ xem và thưởng thức từng loại hoa. Trong khi hứng khởi. Vua Nhân Tông truyền cho phép các tân khoa được hái mỗi người một bông hoa tùy ý. Ai hái bông  nào thì vua sẽ lệnh xuất kho lấy vàng đúc bông hoa như thế để ban tặng.  Có một vị nào đó đã hái bông hoa bắp chuối, làm nhà vua phải xuất kho đúc hết 6 cân vàng. Riêng bảng nhãn Trịnh Thiết Trường đã tỏ ra khiêm tốn, chỉ ngắt một bông hoa nhài. Ông cho rằng loại hoa này tinh khiết, mùi hương thoang thoảng bền lâu...

Vua Lê Nhân Tông tỏ ra mến mộ tài đức của Trịnh Thiết Trường, nên đã đem công chúa Thuỵ Tân gả cho ông và trọng dụng ông, thăng ông đến chức Thượng thư bộ công, tước Nghi quận công.

3. Con ngựa ba chân

Mùa thu năm Đinh Sửu (1457) bấy giờ Trịnh Thiết Trường đang giữ chức Hàn  lâm viện thị giảng [2] được cử làm Phó sứ sang Tàu, mừng vua Minh mới lên ngôi. Tương truyền người Tàu bày trò tổ chức cho sứ bộ ta làm văn thi tài với nhau xem ai cao thấp. Ông tuy chỉ giữ chức phó sứ, nhưng học vị và văn chương hơn viên Chánh sứ là Lê Hy Cát. Nếu cứ thẳng thừng đua tài học thuật, thì phần thắng ông cầm chắc trong tay. Song ông nghĩ phải giữ quốc thể, không để người nước ngoài thấy sự ganh đua của đoàn sứ bộ nước ta, nên khi làm bài có câu “Thuyền phương Nam, ngựa phương Bắc”, ông Trường chủ ý viết chữ “mã” là ngựa sót đi một chấm. Khi người Tàu chấm, thấy văn ông đáng xếp loại nhất, nhưng chữ “mã” 4 chấm mà chỉ có 3, ấy là ngựa què, như tỏ ý khinh thường phương Bắc là nước họ, nên truất xuống một bậc.

Khi đoàn sứ bộ ta trở về nước, người Tàu cấp cho ông Trường một con ngựa què, có 3 chân và ra điều kiện không đi được thì ở lại Tàu. Ông liền lấy miếng gỗ giống chân ngựa buộc vào, rồi nhảy lên yên cầm roi quất. Con ngựa bị đau phải khập khiễng chạy. Người Tàu thấy, cười ồ lên, phục ông biết cách ứng xử, bèn đổi cho ông con ngựa lành. Tiếng đồn về tư cách của vị phó sứ nước ta vang khắp đến nước Tàu.

Trong suốt đời làm quan, Trịnh Thiết Trường luôn tỏ ra cương trực, không sợ kẻ cường quyền, dám phê phán những đại quan trong triều làm các việc sai trái. Khi là Gián quan trong Ngự sử đài [3], ông đã thẳng thắn vạch tội quan Hình bộ Đỗ Tông Nam ăn hối lộ, quan Lại bộ Nguyễn Như Đỗ đã cất  nhắc những kẻ kém tài đức vào bộ máy Nhà nước. Bởi thế, trong triều ngoài nội, ông đều được mọi người mến phục, kính trọng.

 ---------------------------------

* Chú thích:

[1] Giai thoại này có sách cho là của Nguyễn Hiền

[2] Tước quan thời Hậu Lê, phẩm trật xếp bậc thứ 5 (tòng ngũ phẩm)

[3] Cơ quan trong triều có nhiệm vụ cố vấn, can gián vua.

 

(Theo Thần đồng xưa của nước ta)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm