A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vĩnh Phúc- Đất và Người

Ai có dịp đến Vĩnh Phúc hẳn sẽ có ấn tượng sâu đậm về đất và người nơi đây bởi bề dày lịch sử, văn hoá và vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực.

Tỉnh Vĩnh Phúc thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, có diện tích tự nhiên 1.231 km2, dân số 1,02 triệu người, 8 đơn vị hành chính gồm thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên và 6 huyện với 137 xã, phường và thị trấn.


 
Khu du lich Tam Đảo


Vĩnh Phúc có tài nguyên thiên nhiên phong phú. Diện tích rừng trên 100 nghìn ha; rừng quốc gia Tam Đảo rất đa dạng với 260 loài thân gỗ. Vĩnh Phúc được thiên nhiên ban tặng cho những danh thắng đẹp như: núi Tam Đảo, Thác Bạc, hồ Xạ Hương, hồ Đại Lải, Đầm Vạc, Tây Thiên... Khu nghỉ mát Tam Đảo được coi như một danh thắng bậc nhất ở miền Bắc Việt Nam. Đó là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển du lịch.

Khi tái lập tỉnh năm 1997, Vĩnh Phúc là tỉnh thuần nông, công nghiệp chưa phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thấp kém. Vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối , chính sách của Đảng và Nhà nước, Vĩnh Phúc đã có hướng đi đúng, bước đi thích hợp, tìm ra các giải pháp đột phá, thu hút mạnh các nguồn lực bên trong và bên ngoài cho đầu tư phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng.

Thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc tăng mạnh. Đến hết tháng 3 năm 2010, toàn tỉnh đã thu hút được 480 dự án đầu tư trực tiếp, tổng vốn đăng ký gần 3,5 tỷ USD, trong đó có 111 dự án FDI đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, vốn đăng ký trên 2 tỷ USD.Vĩnh Phúc có 10 khu công nghiệp và cụm công nghiệp với hơn 3000 ha diện tích, là trung tâm sản xuất, lắp ráp ôtô xe máy lớn nhất cả nước với các công ty lớn của nước ngoài như Honda, Toyota, Daewoo…


 
Dây chuyền lắp ráp ô tô Honda tại khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc


Qua 13 năm tái lập tỉnh (1997-2010), Vĩnh Phúc đã có bước tiến nhanh và đạt được những  thành tựu to lớn, kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân đạt trên 17%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Năm 2009, công nghiệp xây dựng chiếm 58,3%, dịch vụ 28,4%, nông lâm nghiệp, thuỷ sản chỉ còn dưới 14%. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1997 xếp thứ 45, năm 2009 xếp thứ 7 trong cả nước. Thu ngân sách hiện nay xếp thứ 8 cả nước, xếp thứ 2 miền Bắc về thu nội địa. GDP bình quân đầu người năm 1997 chỉ đạt 144 USD, năm 2010 ước đạt 1.620 USD.Về văn hoá- xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Vĩnh Phúc định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng cao, ổn định, bền vững; phấn đấu cơ bản trở thành tình công nghiệp vào năm 2015.

 Phương Công Trọng


Tin liên quan

Tin tiêu điểm