A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vẻ đẹp mê hoặc ở Quảng Bình

Đó là những cảm nhận mà Đoàn thám hiểm do Tiến sĩ Howard Limbirt dẫn đầu gồm thành viên của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, các nhà khoa học về địa chất, sinh vật trong và ngoài nước và nhóm làm phim của Hội địa lý Mỹ... có được sau một tháng quay lại  khảo sát tại Quảng Bình. "Vườn Địa đàng" và 15 hang động mới cùng nhiều động, thực vật quí hiếm đã được Đoàn thám hiểm phát hiện trong chuyến khám phá này.

"Vườn Địa đàng ẩn giấu"

 Năm 2009, khi công bố Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh cho biết, chiều cao của hang này là 150 m. Cùng chiều rộng 200 m, dài ít nhất 6,5 km, các “số đo” của Sơn Đoòng đã vượt qua hang động tự nhiên lớn nhất thế giới trước đó là hang Deer của Malaysia (cao 100 m, rộng 90 m, dài 2 km).

Tuy nhiên, trong lần khám phá lại này, các nhà khoa học xác nhận: Sơn Đoòng dài ít nhất 8,5 km, cao 200 m, có nơi có thể lên đến 250 m. “Trong vòm hang cao 200 m, quang cảnh cực kỳ tráng lệ. Chúng tôi chưa từng chứng kiến điều gì tương tự và đã mất 2 ngày chỉ để tìm hiểu các vách đá của vòm hang”, Tiến sĩ Limbirt cho biết. Cũng theo Tiến sĩ Limbrit, chính kiểu kiến tạo địa chất kỳ lạ trong Sơn Đoòng đã làm nên kỳ quan này.


 Sơn Đoòng lớn hơn người ta tưởng. (Ảnh do đoàn thám hiểm cung cấp)

“Trong lần thám hiểm này, chúng tôi đã phát hiện Vườn Địa đàng ẩn giấu (lost Eden)”, Tiến sĩ Limbirt thông báo. “Địa đàng ẩn giấu” mà Tiến sĩ Limbirt thông báo chính là... 2 khu rừng trong hang Sơn Đoòng: một ở miệng hang và một ở sàn hang, dưới ống thông hơi. “Các khu rừng này giống như vườn được miêu tả trong kinh thánh, nó hoàn toàn mê hoặc chúng tôi. Vì thế chúng tôi gọi nó là Eden (Vườn Địa đàng)”, Tiến sĩ Limbirt cho biết.

Tại “Vườn Địa đàng”, các nhà sinh vật học Việt Nam (gồm Nguyễn Hữu Tứ, Nguyễn Anh Tài - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và New Zealand (Tiến sĩ Anette Becher) đã phát hiện 3 loài động vật mới. Đó là một loài cá, một loài nhện và một loài sâu cuốn chiếu chưa từng được ghi nhận. Mẫu vật của các loài này đã được gửi đi phân tích và sẽ được đặt tên để công bố trong thời gian tới.

Ngoài ra, đoàn thám hiểm còn phát hiện một bộ xương động vật có vú, chưa xác định loài nào, đã hóa thạch. Tại một hồ khô rỗng trong hang, đoàn thám hiểm cũng phát hiện một thứ nấm đẹp, rất cứng. “Nấm đá”, đó là tên mà các nhà sinh vật tạm đặt tên cho loài thực vật này.

Cùng với khám phá của các nhà sinh vật, các nhà địa chất còn phát hiện trong Sơn Đoòng một bãi ngọc, đường kính khoảng 5cm, cực kỳ tinh khiết. Đó là một mẫu vật được “tôi luyện” qua hàng trăm triệu năm kiến tạo địa chất trong hang. Các nhà địa chất nhận định, loại ngọc này rất cực hiếm và rất quý cho nghiên cứu.

Tiềm năng hang động vô cùng lớn



Cột đá tạo nên từ thành nhũ cao lớn 

15 hang động được khám phá đã đưa lại bản đồ kỹ thuật cho khoa học hang động thế giới thêm 11 km chiều dài. Trong đó, 3 hang thuộc huyện Minh Hoá, 12 cái khác ở Phong Nha - Kẻ Bàng.

Các hang động ở Minh Hoá gồm Tố Mộ (2 km), Tú Làn (4 km), Ken (200 m) từng được báo chí trong nước đề cập vào năm 2009, nhưng tư liệu 3 động trên chưa cập nhật. Vì thế, khi được đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh công bố chúng chúng hoàn toàn mới đối với thế giới.

Điều đặc biệt, các nhà khoa học xác định được rằng, con sông ngầm trong động Tú Làn nối thông với sông ngầm trong động Phong Nha. Tính đường chim bay từ Tú Làn về Phong Nha dài hơn 50 km. Đó là một thông số khoa học thú vị và cuốn hút.Cũng tại đây,các nhà khoa học còn phát hiện một loài cá bơi ngược thác nước trong động, chưa biết là loài nào nhưng việc bơi ngược thác nước là điều hiếm gặp.

Ngoài ra, 12 hang động khác được tìm thấy ở vùng lõi khối núi Kẻ Bàng có độ tuổi hàng trăm triệu năm nên rất quan trọng đối với việc nghiên cứu sự vận động, kiến tạo của vỏ trái đất.

Con số 15 hang động được khám phá cho thấy tại Quảng Bình, tiềm năng hang động là vô cùng lớn, là nơi hấp dẫn đối với các nhà khoa học thế giới. Đây là những phát hiện rất quan trọng cho khoa học địa mạo, địa chất thế giới bởi vẻ đẹp và tính cổ xưa do hàng trăm triệu năm hình thành. Với phát hiện đó, Howard Limbirt cho biết, đoàn sẽ trở lại sớm hơn dự định để tiếp tục khám phá về vùng đất này.



 Thác nước trong hang động, nơi phát hiện ra loài cá bơi ngược


Những kỷ lục thế giới và Việt Nam

Các nhà khoa học Anh đã tính toán sơ bộ những dữ liệu  khoa học khảo sát được tại 15 hang động này và chúng đều đáng được ghi nhận là những kỷ lục thế giới và kỷ lục Việt Nam.

Sau khi ngỡ ngàng với những viên ngọc đá như quả bóng tenis trong động Sơn Đoòng, các nhà khoa học lại kinh ngạc hơn khi tại hang 1987, cách Sơn Đoòng một ngày đi đường, những viên ngọc đá nằm trên sàn động to chưa bao giờ thấy, chúng có đường kính trên 20 cm, nằm hiền lành trong hang động đã hàng triệu năm mới được nhận dạng. Những viên ngọc đá ở hang 1987 được đánh giá là lớn nhất thế giới. Đoàn thám hiểm khẳng định, trong lịch sử khám phá hang động, chưa bao giờ nhìn thấy những viên ngọc đá khổng lồ như thế.

Tại thung lũng sông Chày, ở một ngọn đồi, đoàn thám hiểm phát hiện hang động sâu thứ 4 Việt Nam, hang sâu 310 m gần như thẳng đứng nhưng lòng hang lại dài 1,6 km. Đẹp mê hoặc. Hang được đặt tên Hạ Lau.

Vực Thắng, là một cái hang được đặt từ tên của người dẫn đường bản địa.Tại đây có một phòng hang rất lớn chưa xác định được số liệu, ở độ sâu 275 m, nhưng trong hang còn có chiều đi xuống sâu hơn nữa, các nhà khoa học chưa kết luận nó sâu như thế nào, nhưng cho rằng, trong tương lai nó sẽ là hang động sâu nhất Việt Nam.


 
Một cửa hang hình tròn, kỳ vĩ chưa bao giờ có.


15 hang động trên đều có cửa hang lớn, có nhiều cửa hang hùng vĩ, lạ thường. Điều đặc biệt, thạch nhũ của chúng đẹp lộng lẫy, hiếm gặp, và gây ngỡ ngàng đối với nhà thám hiểm, những con người nhà nghề trong khám phá hang động.

Thời gian tới, khi trở lại đây, đoàn thám hiểm sẽ khảo sát 12 khu vực quan trọng tại Phong Nha - Kẻ Bàng và các vùng phụ cận. Và những phát hiện mới sẽ lần lượt được công bố.

(Theo Đất Việt)
 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm