A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyền thoại Buôn Ma Thuột

Nhận lời mời của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đăk Lăk, tôi thay mặt Bộ Ngoại giao tham dự Lễ kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đăk Lăk (10/3/1975- 10/3/2010). Chuyến đi đã để lại ấn tượng sâu sắc về vùng đất, con người và truyền thống cách mạng hào hùng của miền đất Cao nguyên này.



Thành phố Buôn Ma Thuột

Cách đây 35 năm, ngày 10/3/1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân các dân tộc tỉnh Đăk Lăk cùng bộ đội chủ lực đã làm nên Chiến thắng Buôn Ma Thuột huyền thoại, giải phóng tỉnh Đăk Lăk, mở màn cho Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Buôn Ma Thuột có vị trí chiến lược quan trọng về địa lý, quân sự. Trận đánh mở màn Buôn Ma Thuột là trận đánh then chốt quyết định, là chìa khoá để mở cửa giải phóng Tây Nguyên. Từ Buôn Ma Thuột quân và dân ta phát triển, tiến công giải phóng Pleiku, cắt Đường 7 và Đường 19, là bàn đạp để mở rộng, tăng cường tác chiến trên chiến trường phía Đông và Đông Nam, tạo thế uy hiếp đối với chiến trường Đông Nam Bộ và Sài Gòn. Vì vậy, Chiến thắng Buôn Ma Thuột mang ý nghĩa chiến lược, góp phần quan trọng vào Đại thắng Mùa Xuân 1975.



Voi Bản Đôn

Đăk Lăk nằm ở trung tâm Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 13.085 km2, chiếm 3,9% diện tích cả nước, dân số trên 1,8 triệu người, 44 dân tộc, trong đó người Ê Đê và người M’Nông là những dân tộc bản địa chính. Đăk Lăk có 15 đơn vị hành chính gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 13 huyện. Là một tỉnh có tiềm năng để phát triển kinh tế, tuy nhiên khi mới giải phóng Đăk Lăk là một tỉnh nghèo nàn, lạc hậu. Với tinh thần chiến thắng Buôn Ma Thuột, nhân dân các dân tộc tỉnh Đăk Lăk đã phấn đấu vượt bậc, đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực nhất là về kinh tế. Năm 2009, mặc dù bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nhưng kinh tế Đăk Lăk vẫn phát triển, cơ cấu chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng của ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng của các ngành công nghiệp, dịch vụ; đạt tăng trưởng GDP 11%, tổng thu ngân sách đạt 2.357 tỷ đồng, sản lượng cà phê dẫn đầu cả nước với 380 ngàn tấn. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng, Đăk Lăk được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Buôn Ma Thuột là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh Đăk Lăk và là thành phố lớn nhất Tây Nguyên. Với nhiều tiềm năng, lợi thế, 35 năm qua, kinh tế của Buôn Ma Thuột đã không ngừng phát triển. Năm 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 20,09%, thu nhập bình quân đầu người đạt 24,7 triệu đồng, thu ngân sách đạt 747 tỷ đồng. Năm 1995, Buôn Ma Thuột được công nhận là đô thị loại 3, năm 2005 là đô thị loại 2 và nhân dịp kỷ niệm 35 năm Chiến thắng, Buôn Ma Thuột đã được nâng cấp lên đô thị loại 1 thuộc tỉnh và được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất.

Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk- một trong những cái nôi của không gian văn hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại, quê hương của Trường ca Đam San, Xinh Nhã dài hàng nghìn câu truyền miệng từ bao đời, nơi có những đàn đá, đàn T’rưng, đàn K’lông pút độc đáo say đắm lòng người, nơi có những đàn voi rừng của người Buôn Đôn nổi tiếng Đông Nam Á, nơi có cà phê Robusta cả thế giới biết đến - chắc chắn sẽ vươn lên trở thành đô thị hiện đại và tỉnh giàu có, giữ vị trí trung tâm về kinh tế, văn hoá, xã hội của Tây Nguyên trong tương lai không xa.



Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk- một trong những cái nôi
của không gian văn hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên

Phương Công Trọng


Tin liên quan

Tin tiêu điểm