A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ hội Xuân Ba Bể

Hồ Ba Bể là thắng cảnh đẹp nhất của tỉnh Bắc Kạn với một kho tàng văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số. Nơi đây đã thu hút rất nhiều khách du lịch trong ngoài nước tới tham quan. Lễ hội Xuân Ba Bể được tổ chức tưng bừng tại xã Nam Mẫu huyện Ba Bể vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây là Lễ hội truyền thống đầu năm, thể hiện những nét văn hoá đặc trưng của người dân địa phương.



Đi thuyền trên hồ để thả hồn giữa trời mây non nước

Vào những ngày này, bà con vừa ăn Tết, vừa chuẩn bị cho ngày hội. Bà con làm nhiều loại bánh khác nhau từ bột gạo nếp ngâm với các loại lá rừng như bánh trời, bánh khảo, bánh nếp... rồi đặc sản rượu Khưa Quang cất từ ngô trồng trên đỉnh núi được chưng cất bằng men lá, uống vào sẽ có cảm giác lâng lâng như đi trên mây suốt mấy ngày.
Vào ngày hội, mỗi xã, thị trấn trong huyện Ba Bể đều dựng trại và bày bán đủ thứ đặc sản của địa phương mình. Vải thổ cẩm, quần áo dân tộc, nấm hương, mộc nhĩ, mật ong, rượu ngô, măng khô, thậm chí cả khoai, sắn, bí ngô, đỗ mèo dân dã cũng được trang trọng bày ở bàn giới thiệu đặc sản địa phương.



Toàn cảnh hồ như một bức tranh thuỷ mặc

Hồ Ba Bể nằm ở phía Nam động Pông, còn gọi là hang Puông thuộc dãy núi đá vôi Lung Nham tỉnh Bắc Kạn.

Ba Bể là tên gọi chung của ba hồ thông nhau: Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng, có tổng diện tích mặt nước lên đến 500 ha. Hồ được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh mọc trên những sườn núi đá vôi dựng đứng. Chiều dài của hồ là 8km, chiều rộng trung bình là 1km, nơi rộng nhất tới 3km. Hồ sâu 30-40m, là môi trường lý tưởng cho 49 loài tôm, cá đang sinh sống, trong đó có tới 10 loài được ghi trong sách đỏ. Nhân dân quanh hồ thỉnh thoảng lại đánh được những con cá mè, cá chép nặng đến hai, ba chục cân. Những người dân địa phương di chuyển trên hồ bằng thuyền độc mộc, loại thuyền hẹp và dài được khoét từ một cây gỗ lớn.

Sáng ngày mùng Mười, lễ hội chính thức khai mạc. Mở đầu là màn dâng lễ của 16 xã. Lễ vật của các xã chỉ đơn giản có xôi, gà, nải chuối, bánh khảo và một chai rượu ngô. Mười sáu mâm lễ này được các thôn nữ kính cẩn dâng lên thần núi, thần sông, thần hồ để cầu một năm bình an với mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở.
Sau tiếng trống khai hội, các tiết mục văn nghệ chào mừng với những câu sli, điệu lượn, lời then, tiếng tính… làm say lòng du khách bởi sự hấp dẫn kỳ diệu, đượm bản sắc văn hoá vùng cao. Sau phần lễ là phần hội. Đã thành lệ, lễ hội năm nào cũng là nơi phô diễn những bản sắc dân tộc của đồng bào địa phương với nhiều trò chơi hấp dẫn như: đua thuyền độc mộc, ném còn, đấu võ dân tộc, bắn cung và biểu diễn múa, hát truyền thống của các dân tộc…, thu hút nhiều bà con các dân tộc trong vùng đến vui. Lễ hội cũng giúp cho khách thập phương hiểu thêm về con người và truyền thống văn hoá nơi đây. Sôi động nhất là đua thuyền trên hồ Ba Bể, một trong những trò chơi hấp dẫn thu hút nhiều người đến xem, đặc biệt là du khách đến tham quan du lịch tại vùng hồ, người xem vòng trong, vòng ngoài reo hò cổ vũ cho những “vận động viên” của làng mình, bản mình. Những cô gái dẻo tay trong bộ váy của dân tộc Tày, những chàng trai khỏe tay cùng nhau đua thuyền độc mộc trên hồ, những chiếc thuyền lao vun vút để lại phía sau dòng nước trắng xóa.



Xuân về trên hồ Ba Bể

Ném còn cũng là trò chơi thu hút nhiều nam thanh, nữ tú vì qua trò chơi này họ có thể giao duyên, tìm bạn, nếu nhặt được quả còn của nhau, họ sẽ có cuộc hẹn hò trong những ngày Xuân ấm áp. Thế nên mỗi khi mùa lễ hội đến, ở Ba Bể lại có thêm nhiều đôi nên vợ nên chồng.



Thiếu nữ dân tộc Tày múa quạt

Người đi trảy hội còn có thể tham gia các điệu hát và múa trong điệu nhạc dân tộc du dương trầm bổng.

Ba Bể là một khu du lịch hấp dẫn, đến với lễ hội du khách còn được chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt vời của hồ Ba Bể, “viên ngọc xanh” giữa đại ngàn và gặp gỡ, giao lưu với con người nơi đây. 



Hồ Ba Bể - “viên ngọc xanh” giữa đại ngàn

Lễ hội Xuân Ba Bể diễn ra bên hồ nước mênh mông, xanh biếc. Nước tràn ra các thung lũng tươi mát với những rừng tre nứa và cây lấy gỗ, nhiều loại cây và hoa phong lan, với tiếng chim hót ríu ran, tiếng hươu, nai, gấu và hàng đàn khỉ đi lại trong các bìa rừng rậm.
Đến lễ hội mùa Xuân, du khách còn có thể đi du lịch trên hồ bằng thuyền để ngắm cảnh hồ, thả mình giữa những rừng cây chen đá, lá chen hoa, đặc biệt là đi thuyền độc mộc giữa một vùng núi đá muôn hình, muôn vẻ. Mặc dù chỉ diễn ra trong 1 ngày nhưng Lễ hội Xuân Ba Bể đã thu hút hàng vạn du khách tới tham dự.



Thuyền độc mộc được khoét từ một cây gỗ lớn

Mỗi năm phong tục lễ hội càng thêm phong phú nhưng nét truyền thống vẫn được giữ gìn. Người dân nơi đây đang háo hức chuẩn bị cho một lễ hội mùa Xuân mới độc đáo và hấp dẫn.

Xuân Minh
(tổng hợp)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm