A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vùng đất xanh Trùng Khánh

Huyện Trùng Khánh thuộc tỉnh Cao Bằng được coi là vùng du lịch xanh khá hấp dẫn.



Thác Bản Giốc

Trước tiên là thác Bản Giốc nằm trên dòng sông Quây Sơn, một nhánh của sông Kỳ Cùng, bắt nguồn ở vùng Vĩnh Tây, Trung Quốc. Ở Bản Giốc, phần trên thác sông chảy trên một nền đá vôi cứng, phần dưới thác là phiến thạch mica dễ bị xâm thực, do đó dòng sông đã tạo ra ở đây một thác ba bậc chênh nhau tới 34 m. Vào mùa mưa, lũ thượng nguồn đổ về, nước ở các hang đá vôi tuôn ra, đổ xuống các bậc thác làm cho nước tung bọt trắng xóa. Đứng xa thác khoảng 100 m, các giọt nước nhỏ bắn vào người tựa như mưa phùn. Thác đổ nước ầm ầm như sóng rền, cách xa hàng cây số còn nghe thấy.

Sau khi đi thăm thác, ta đi tham quan rừng dẻ. Cây dẻ Trùng Khánh thuộc loài dẻ ôn đới, hạt to, quả có gai, lớn như quả chôm chôm, bên trong mỗi quả có 3,4 hạt kích thước gấp 4 - 5 lần hạt dẻ rừng. Quả dẻ có gai cứng. Vào mùa quả, người thu hoạch phải đi ủng để chống gai đâm vào chân. Nguồn gốc loài dẻ này còn chưa sáng tỏ. Có người cho rằng, những người Pháp đã mang giống sang vào những năm mới đặt chân tới Cao Bằng. Cũng có ý kiến cho rằng, giống hạt dẻ to này là do ai đó đem từ Trung Quốc về, từ bao giờ không rõ. Hạt dẻ Trùng Khánh thuộc loại dẻ ôn đới, hạt có nhiều chất đạm, đem rang lên ăn rất thơm ngon. Dân địa phương dùng loại hạt dẻ để ninh với chân giò lợn hoặc ninh với xương, một món ăn đãi khách quý. Cây dẻ Trùng Khánh rất khó đem trồng ở các địa phương khác. Nhiều nhà làm vườn đã mang loài dẻ này đem trồng ở các huyện khác thuộc Lạng Sơn và Cao Bằng nhưng rất ít người đạt kết quả như mong muốn.

Chợ Trùng Khánh cũng là một điểm không nên bỏ qua. Chợ rất đông, quán lợp ngói rộng rãi, chung quanh là những lèn núi đá vôi thấp. Chợ bán nhiều các sản vật địa phương như lê, mắc cọp, đào, thịt thú rừng, hạt dẻ...

Trên đường về, từ Trùng Khánh tới Mã Phục là một vùng núi đá vôi rất đẹp với các lèn núi đá thấp, đứng riêng rẽ trên những cánh đồng lúa xanh rờn, trông xa tựa như một vịnh Hạ Long trên cạn. Đây là một vùng núi đá vôi đã bị xâm thực, phá hủy vào giai đoạn cuối cùng của hiện tượng mạch ngầm. Các hang động đều "đã chết", không còn lưu thông nước ngầm, nên từ trần hang không có nước ngưng kết, nhỏ giọt tí tách xuống nền hang. Các thạch nhũ ở trần hang, vách hang và nền hang cũng khô ráo không bị rêu phủ và ướt át như các hang còn đang vào giai đoạn hoạt động, có nước ngầm lưu thông.

Còn cách Cao Bằng 22 km là đèo Mã Phục. Đèo cao 620 m, du khách phải vượt qua 7 vòng cua dốc nhẹ mới tới đỉnh. Đỉnh đèo là một bãi đất phẳng khá rộng, là nơi nghỉ chân của những khách bộ hành qua đèo. Gọi là đèo Mã Phục vì ở hai bên đường quốc lộ có hai khối đá vôi lớn, thành dốc đứng, chầu vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục. Đó là một nếp uốn đá vôi lớn mà đỉnh của nếp uốn đã bị phá hủy, hai cánh còn lại châu đầu vào nhau tựa như hai con ngựa.

(Theo Du lịch)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm