A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ gìn vẻ đẹp của Ðà Lạt

Từ thuở niên thiếu, hai tiếng Ðà Lạt đã tạo nên trong tôi thật nhiều cảm hứng. Tiếng gọi mơ hồ từ phương nam xa xôi cứ lôi cuốn và hấp dẫn cậu bé xứ Nghệ bằng ước nguyện sẽ có một lần trong đời đặt chân đến xứ sở bát ngát sương, hoa này.

Đà Lạt trong sương sớm

Thế rồi, tôi trở thành công dân của thành phố cao nguyên sau một chuyến lãng du đến nơi này, không định ngày rời xa. Thấm thoắt đã gần hai mươi năm, một khoảng thời gian đủ để hiểu, để yêu và gắn bó với vùng đất mộng mơ dưới chân dãy Trường Sơn nam...

Giã biệt vùng quê miền trung gió Lào, cát bỏng, tôi trở thành công dân của đô thị thấp thoáng bên những triền đồi, bát ngát những rừng thông, lãng đãng sương và ngút ngàn sắc hoa. Tôi được thở hít chung bầu khí trời thanh khiết và hòa nhịp sống thường nhật với hàng vạn người dân thành phố. Tôi sẻ chia với bạn bè, với đồng nghiệp, với những người thân thương và khách phương xa những xúc cảm tốt lành mà đất và người nơi này mang lại. Tháng sáu này, điểm mốc để nhớ về lịch sử 115 năm hình thành và phát triển thành phố, xin ôn lại đôi dòng ký ức của cao nguyên Ðà Lạt như nhắc nhở về một thời đã qua, để yêu thêm vùng đất nơi mình đang sống...   

Ngày xa xưa ấy, xứ Thượng mờ mây và heo hút như lạc giữa rừng già. Vài bộ tộc thiểu số miền cao sinh sống, một đời sống tương đối an bình nhưng lạc hậu, đói nghèo. Những thư tịch cổ về vùng đất này đã được lưu bút bởi Dương Văn An (thế kỷ 16), Lê Quý Ðôn (thế kỷ 18) và rồi nhà sử học Phan Huy Chú đã vẽ những ngọn núi, dòng sông vùng La Ngư Thượng trong "Ðại Nam thống toàn đồ" (in năm 1834).

Tiếp theo, chí sĩ Nguyễn Thông (1782 - 1867), vị quan triều đình nhà Nguyễn, một trung thần yêu nước và là thi nhân đã trèo đèo lội suối đến tận nơi này. Là một trong những thủ lĩnh của phong trào chống thực dân Pháp, lên với cao nguyên, ý đồ của ông là lập một căn cứ địa bí mật, nhằm quy tụ nghĩa sĩ gần xa cùng chống kẻ thù chung.

Việc lớn bất thành, nhưng tự đáy lòng nhà chí sĩ yêu nước đã dâng lên bao niềm cảm xúc. Với những trước tác còn lại, Nguyễn Thông đã dành cho vùng La Ngư Thượng những vần thơ, trang văn thật đẹp. Ðẹp và sáng nhất là khi ông diễn tả tấm lòng của đồng bào miền cao: "Na tu bản vũ man yên địa - Thượng hữu giang hồ lão khách tinh". (Tạm dịch: Ngờ đâu xứ Thượng mờ mây phủ - Gặp bạn tâm tình khách quý mong).

Thiên nhiên hữu tình và tâm tính cởi mở của con người nơi đây đã tạo nên ấn tượng mạnh trong lòng nhà bác học người Thụy Sĩ mang quốc tịch Pháp A.Yersin. Những xúc cảm tốt lành đã dẫn đến trong ông sự hình thành ý tưởng khởi lập đô thị giữa miền sơn cước.

Cùng với sự cống hiến trong lĩnh vực y học, sự gắn bó với đất nước và người dân Việt Nam, sự góp sức cho việc hình thành đô thị trên cao đã đưa tên tuổi A.Yersin vinh danh.

Ðà Lạt từng được mệnh danh với rất nhiều tên gọi:  vương quốc hoa, thành phố mộng mơ, thành phố trong rừng... Xin được đặt thêm đây là thành phố của cảm xúc và sáng tạo. Không gian Ðà Lạt là không gian đa tình, đa tâm trạng, nơi hội tụ những giây phút đam mê và thăng hoa. Một khung cảnh tự nhiên, phù hợp việc nuôi dưỡng tâm hồn sáng tạo nghệ thuật và nghiên cứu khoa học. Có lẽ là thông và hoa, là sương lãng đãng trên đồi cao, lũng thấp, là dòng suối trong xanh, mặt hồ gợn sóng hay bầu khí hậu nhuốm vẻ u hoài đã tạo nên những cảm xúc ấy.

Ít có nơi nào lại hấp dẫn giới văn nhân như đất Ðà Lạt. Khách văn mọi miền đến xứ này quanh năm. Nhà sáng tác của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trên đường Yên Thế ít lúc thưa vắng các đoàn văn nghệ sĩ đến giao lưu và sáng tác. 

Các đoàn làm phim liên tục chọn những cảnh quay ở Ðà Lạt, vì góc nào của thành phố cũng tạo nên những khuôn hình đẹp. Các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng như Võ An Ninh, Ðào Hoa Nữ và hầu hết những người cầm máy trong nước đều có những tác phẩm ấn tượng được sáng tác tại quê hương của thông và hoa. Ngay chính thành phố xinh đẹp này cũng sinh ra nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng. Còn sinh viên các trường mỹ thuật, trong thời gian thực tập, có thể ôm giá vẽ lê la suốt ngày trên các con đường uốn lượn hay lang thang bên những triền đồi rực mầu hoa dại, ngắm không biết chán những ngôi biệt thự cổ và thả sức phác thảo những họa phẩm tương lai...           

Ðà Lạt còn được coi là một trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Những viện nghiên cứu về canh nông, sinh học và nhất là khoa học hạt nhân ở Ðà Lạt từng nổi tiếng từ lâu. Ngày nay, những nền tảng đó đã và đang được phát huy, khi hầu hết các cơ sở đào tạo và nghiên cứu đều mở rộng quy mô, tầm vóc...

Di sản kiến trúc phối cảnh giữa thiên nhiên Ðà Lạt mang dáng nét kiêu sa quyến rũ. Ðó là định giá của nhiều người khi ngồi ở một nơi nào đó của thành phố và thư thái phóng rộng tầm mắt. Có lẽ, nét kiêu sa ấy phảng phất từ không gian khoáng đạt, từ bầu khí hậu, từ hệ thống những di sản kiến trúc và cả từ tâm tính hiền hòa, thanh lịch của con người.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ tới kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, nhà kiến trúc tài danh và khả kính đã quá cố. Dù đã đi khắp biển Á, trời Âu, từng đoạt giải Khôi nguyên La Mã và góp công mở mang nhiều vùng cư dân từ nông thôn đến đô thị Việt Nam, nhưng ông luôn nhớ bước khởi nghiệp đầu tiên của mình từ mảnh đất này.

Với Ðà Lạt, nhà kiến trúc họ Ngô luôn dành sự ưu ái đặc biệt. Ông từng nói: "Ðà Lạt có thế mạnh số một của vùng Ðông - Nam Á, đó là một cái máy lạnh khổng lồ. Nhà không thấy trọn, núi không thấy trọn, cảnh luôn ảo huyền. Thiên nhiên Ðà Lạt thanh thoát và uyển chuyển, núi nặng mà thấy nhẹ. Thiên nhiên ấy phảng phất như nét vẽ thủy mặc, nét kiêu sa của nghệ thuật Á Ðông. Quan điểm của tôi về sự tham gia của con người đối với Ðà Lạt là kiến trúc phải đi theo thiên nhiên, không được phá vỡ bố cục của Tạo Hóa."      

Kiến trúc sư Hoàng Ðạo Kính, cũng cùng chung quan điểm: "Rừng thông và kiến trúc những căn biệt thự cổ xưa xinh đẹp nhưng không bao giờ lạc thời đã sinh ra nỗi buồn "đặc sản", là "linh hồn" của Ðà Lạt. Có thể nói rằng, chỉ Ðà Lạt mới có, những tòa biệt thự cổ kiểu Âu, núp bóng dưới những tán thông cổ thụ, trong một không gian rợp mầu hoa dại và mơ màng khói sương, tạo nên những rung động mãnh liệt đối với người hưởng thụ và cả khách thưởng lãm. Ðó là kết quả kiến tạo của con người nhưng là sự sáng tạo "đi theo thiên nhiên" chứ không phá vỡ bố cục của đất trời.

Giới kiến trúc nhận định, có một "bảo tàng" kiến trúc Pháp thế kỷ 19 tại Ðà Lạt. Người Pháp thời đó quảng bá đô thị mới này như một trung tâm du lịch, văn hóa, khoa học và săn bắn. Năm 1949, toàn thành phố đã có hơn 1.000 biệt thự, dinh thự. Ðiều độc đáo là không có biệt thự nào giống biệt thự nào, mỗi công trình là một tác phẩm kiến trúc hoàn thiện, hoàn mỹ. Ðặc điểm chung: nhà - biệt thự luôn có vườn hoa, cách xa nhau, có tầm nhìn thoáng và hướng đẹp, nhìn ra rừng thông, nhìn về núi Lang Bian hoặc chín mươi chín điểm cao của thành phố, trông xuống các thung lũng đầy sương.

Tôi đã nhiều lần lang thang trên các con đường và ngắm không chán mắt. Thỉnh thoảng trên đường, tôi được gặp hình ảnh những du khách nước ngoài đứng lặng hàng giờ trước một tòa biệt thự mà ngắm, mà chụp hình và xuýt xoa khi được mời vào trong. 

Tháng sáu, ngồi trong không gian tĩnh lặng viết đôi dòng về thành phố nơi mình đang sống. Ẩn giấu phía sau mỗi con chữ là một tình yêu xứ sở và nỗi e ngại về những tác động xấu của con người đang làm cho Ðà Lạt  bị mất dần vẻ đẹp riêng có của mình. Cùng với việc môi trường mất dần sự trong lành, nắng nóng, mưa gió thất thường là những rừng thông bị thảm sát và nhà cửa mọc lên không theo một trật tự nào. Phố núi bây giờ cũng na ná miền xuôi.

Ðà Lạt đang đứng trước rất nhiều thách thức. Các nhà điều hành thành phố thật hạnh phúc khi đang được trao quyền trông coi một hệ thống di sản, nhưng cũng là gánh nặng đối với họ, vì Ðà Lạt luôn được dành sự quan tâm hết sức sâu sát của những người yêu nó. Các nhà quản lý đô thị cao nguyên hãy biết lắng nghe và kịp nắn dòng thủy lưu khi những điều bất thường ấy chưa trở thành cơn lũ.

Uông Thái Biểu
(Nhân dân)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm