A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Giang - lối cũ hồn xưa, bóng thời gian

Cách Hà Nội khoảng hơn 300km, Hà Giang là điểm đến đầy thử thách để dẫn thân và cảm nhận. Nơi đây có dinh nhà họ Vương nổi tiếng thu hút khách du lịch nhưng giờ vàng son đã lùi vào quá vãng…




Hàng samu cổ thụ rì rào trong gió


Chúng tôi chọn đi bằng xe máy để từ Hà Nội lên đến xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Hành trình là cả một sự khám phá chính bản thân mình sau mỗi thử thách của những cung đường cua ngoắt trên những triền núi cheo leo hay khoảng lặng vì bình yên thung lũng, vì khoảnh khắc trước mầm cây bật xanh trong cheo leo vách đá tai Mèo.

Nằm trong thung lũng bao vây bởi những trái núi như một pháo đài cố thủ và được bao bọc bởi hàng cây samu cổ thụ rì rào trong gió, Nhà họ Vương được xây dựng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Phải mất đến 8 năm và ngốn khoảng 150.000 đồng bạc hoa xòe Đông Dương công trình mới được hoàn thành với kiểu kiến trúc thời Mãn Thanh. Nghe đồn, nhà họ Vương cầu kỳ đến mức đón thợ chính từ vùng Vân Nam, Trung Quốc về để xây. Đây là di tích lịch sử được Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) công nhận vào năm 1993.

Dẫu cho thời gian đã kịp ghi dấu nơi này nhưng dinh nhà họ Vương vẫn tạo nên một sự uy nghiêm từ sâu thẳm. Bước lên những bậc thang đá, dẫn tới một cánh cửa gỗ dầy khép kín, và bức tường thành bằng đá cao khoảng 2m-3m trông rất chắc chắn. Bước tiếp sẽ dẫn tới cánh cổng thứ hai có tấm hoành phi sơn son thếp vàng ghi bốn chữ: “Biên chinh khả phong” do triều Nguyễn ban tặng cùng thẻ ngà và áo mũ cân đai triều phục. Mái nhà được lợp bằng ngói âm dương giờ xanh rì rêu phong. Chất liệu và kết cấu của khu nhà được làm bằng đá và gỗ thông. Họa tiết trên kèo cột, trụ cột được chú trọng tạo nên nét độc đáo.

Những năm thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, người Mèo ở vùng Hà Giang cũng không tránh khỏi chịu sự cai trị và ách áp bức của thực dân. Trước sự thống khổ của người Mèo, Vàng Dúng Lùng đã đứng lên lãnh đạo người Mèo chống lại quân xâm lược, khiến cho thực dân Pháp phải chịu không thể tiến sâu vào Đồng Văn và buộc phải ký hòa ước. Vàng Dúng Lùng tự phong thành vua của người Mèo với cái tên Vương Chính Đức.

Sau này, Vương Chí Sình, người con trai của Vương Chính Đức được kế nghiệp, và đi theo cách mạng, trở thành Đại biểu Quốc hội khóa I-II và được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất. Hồ Chủ tịch đã đặt cho ông cái tên Vương Chí Thành và trao tặng ông 8 chữ: “Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ” (Trung thành với đất nước, không chịu làm nô lệ) và một thanh kiếm. Hiện trong gian phòng chính vẫn trưng bày những kỷ vật đó.

Ngoài gian nhà tiếp khách, gian làm việc, gian ngủ, gian dành cho các gia nhân giúp việc, gian của vợ cả, vợ hai, vợ ba, còn có kho thuốc phiện, kho chứa vũ khí, kho lương thực… Làm vua một cõi, nên nhà họ Vương rất giầu và nhiều của cải. Đi lên phía trên gác áp mái, có những ô cửa như lô cốt để gác súng bắn ra ngoài bảo vệ toàn bộ khu dinh thự khi có biến. Phía dưới có hầm và đường hầm thoát thân rất kiên cố. Ngoài sân, có chiếc bồn tắm của chủ nhân chuyên tắm bằng sữa dê, nhưng hiện giờ nó nằm trơ chỏng, và trở thành cái bồn thoát nước một cách bi hài!

Ngay phía trước khu dinh nhà họ Vương, là khu lăng mộ với mộ cổ của dòng họ Vương, nằm trong cỏ lau và cây samu che chở. Chậm bước trong dinh nhà họ Vương, cảm nhận rõ nét sức công phá của thời gian. Tiếc thay, dấu ấn vàng son xưa đã lùi bước nhường lại cho những dấu ấn phế tàn mà sự trùng tu không đủ sức nối dài thời vang bóng nơi này...

Trong bóng chiều u tịch, du khách không khỏi hồi tưởng nơi bộ máy thống trị cai quản của người Mèo xưa, tưởng như mùi những con ngựa chiến còn vương vất quanh đây. Phảng phất điệu khèn trong bóng tối vắng lặng của dinh thự họ Vương. Sự tàn phá của tạo hóa và của chính con người vô tình hay cố ý, làm hỏng những gì còn sót lại. Nước chảy, đá mòn, giờ những người trong dòng họ Vương vẫn sống quanh khu dinh thự này, cuộc mưu sinh cũng chẳng từ bất cứ ai.

Chắc hẳn, cũng như tôi nhiều du khách từng đặt bước nơi này thầm hỏi, trước kia dinh nhà họ Vương đã tồn tại thế nào trong chuỗi biến động của lịch sử? Và giờ đây, nơi này dù đã được công nhận di tích, là điểm đến du lịch của Hà Giang mà cớ sao không thể tạo nên một sức sống kế thừa. Thầm tiếc cho một dấu ấn đang bàng bạc, lặng lẽ mòn dần với thời gian...!/.

(Doanh Nhân/Vietnam+)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm