A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công viên Thiên đường Bảo Sơn

Công viên giải trí và du lịch văn hóa Thiên đường Bảo Sơn rộng 20 ha tại km 8 đường Láng - Hòa Lạc, thuộc địa phận xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội là khu giải trí duy nhất tổng hợp cả kinh tế và du lịch. Tại đây đã và đang hình thành một điểm đến với nhiều loại hình dịch vụ cho mọi đối tượng, lứa tuổi: tham quan, tìm hiểu văn hóa cổ truyền, vui chơi, giải trí...



Cổng vào Thiên đường Bảo Sơn lộng lẫy ánh đèn trong đêm hoa đăng

Nơi đây hội tụ những mô hình, kiến trúc, công trình cổ đặc sắc của Việt Nam như phố cổ, làng nghề truyền thống đồng thời là nơi tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống với những nơi trưng bày sản phẩm thủ công, biểu diễn văn hoá nghệ thuật, giới thiệu văn hoá ẩm thực… và khai thác những nét độc đáo của thiên nhiên trong một quần thể du lịch.

Thiên đường Bảo Sơn cũng là điểm vui chơi, giải trí đa năng, hiện đại theo công nghệ cao của châu Âu và thế giới phục vụ nhu cầu du lịch giải trí của du khách trong và ngoài nước.



Những cô gái Thái biểu diễn múa sạp

Dự án Công viên Thiên đường Bảo Sơn gồm 16 hạng mục với hai phân khu lớn là khu bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa và công viên giải trí. Trong đó nổi bật là Thế giới Đại dương được xây dựng trong 2 quả núi nhân tạo, một thế giới của 2.000 loại cá đến từ các châu lục như cá mập, cá đuối, hải cẩu, sư tử biển và trưng bày nhiều loại san hô và sinh vật biển quý hiếm. Đặc biệt, khu giải trí đa năng dành cho mọi lứa tuổi gồm nhiều trò chơi như đu quay cưỡi ngựa, thám hiểm vũ trụ, đua ôtô điện, du thuyền cảm giác mạnh, tàu hoả lắc lư; đu văng và quay lắc lư; khu nhà ma...



Phối cảnh sân khấu nhạc nước, biểu diễn cá heo

Hạng mục hoành tráng nhất của công viên là khu sân khấu đa năng 7.000 chỗ với công nghệ nhạc nước màu, chiếu phim laser trên màn hình nước hiện đại, biểu diễn xiếc cá heo, hải cẩu... được xây dựng trên diện tích 30.000 m2. Nơi đây rất phù hợp tổ chức các chương trình giải trí và sự kiện lớn của Việt Nam và quốc tế.

Với diện tích 50.000 m2, vườn thượng uyển được thiết kế nhằm tái hiện kiểu vườn vua chúa ngày xưa. Du khách có thể thăm vườn thượng uyển với khoảng 500 loại lan quý của Việt Nam và Đông Nam Á, tượng đài Phật Di Lặc cao 20 m và tượng 12 La Hán, nhiều hồ nước với tượng đài Rồng ấp trứng, Rồng và Phượng... Nơi đây còn có vườn bướm và bảo tàng bướm với nhiều loài hoa rực rỡ của vùng ôn đới và nhiệt đới. 



Du khách được tham quan phố cổ trên những chiếc xe kéo trước năm 1945

Khu bảo tàng phố cổ (từ năm 2010 sẽ là Bảo tàng sáp phố cổ) có diện tích 5.000 m2 với hơn 20 căn nhà liền kề được thiết kế và xây dựng theo kiến trúc Hà Nội xưa, lợp ngói ta và vài ba nhà “tân thời” mang kiến trúc phương Tây. Mỗi căn nhà là một cửa hàng vải vóc, đồng hồ, mỹ nghệ, giải khát... tái hiện cuộc sống, sinh hoạt của người dân Hà Nội cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.



Các nghệ nhân ca trù biểu diễn trong không gian cổ kính đậm màu sắc tâm linh



Chị em phụ nữ bị “hút” vào các gánh hàng rong
bánh đúc, bún ốc, bánh cuốn... mang đặc trưng văn hóa
“ẩm thực vỉa hè” của Hà Nội  

Đặc biệt, phố cổ sẽ là mơi tập trung các hoạt động sinh hoạt và kinh doanh tại vỉa hè, tái hiện nét văn hóa Hà Nội xưa với các món ăn dân dã đậm chất Hà Nội như bánh đúc, chả cuốn chấm…. Và tại đây quý khách được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc như hát xẩm, chầu văn, lên đồng…

Khu ẩm thực với diện tích 5000m2 với nhà sàn và nhà cổ được bố trí trong không gian đậm nét văn hoá dân gian quy tụ các món ăn dân tộc đặc sắc nhất của ba miền đất nước... Ngoài ra tại khu ẩm thực du khách còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc của Nhà hát Tuổi Trẻ Bảo Sơn như: Hoà tấu nhạc dân tộc, dân ca, và các chương trình âm nhạc đặc sắc khác. Đây cũng là nơi sẽ liên tục diễn ra các ngày hội ẩm thực.



Khu làng nghề với những ngôi nhà cổ trên dưới 100 năm tuổi

Khu làng nghề truyền thống Việt Nam tái hiện các làng nghề nổi tiếng của Việt Nam như làng nghề gốm sứ Phù Lãng, làng nghề khảm trai và nội thất Đồng Kỵ, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho đến các làng nghề chế tác vàng bạc, đá quý, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, sơn dầu... Các ngôi nhà trong làng nghề là những ngôi nhà trên dưới 100 năm tuổi nguyên bản được chủ đầu tư mua về dựng lại giữa không gian cây đa, giếng nước, mái đình bình yên của miền quê đồng bằng Bắc bộ.



Phụ nữ làng tơ lụa Vạn Phúc tái hiện công đoạn xe sợi tơ từ các kén tằm

Du khách có thể cùng thợ thủ công dát bạc lên tượng...



...hoặc có thể mua ngay những bức tranh vừa được thêu

Tại Thiên đường Bảo Sơn du khách sẽ vừa được chiêm ngưỡng nền văn hóa và kiến trúc cổ Việt Nam, một mô hình Việt Nam thu nhỏ với những nét tinh hoa, đặc sắc mà thiên nhiên và tạo hóa đã ưu đãi cho riêng đất nước và con người Việt Nam vừa có thể sở hữu những sản phẩm tinh xảo mang đặc trưng văn hoá vùng miền được làm ra bởi những nghệ nhân tài năng, giàu kinh nghiệm trên cả nước.

Đến với Thiên đường Bảo Sơn du khách sẽ có những cảm giác thật thú vị và độc đáo.



Một du khách thử dệt vải với khung dệt cổ xưa

  



Trưng bày gốm cổ trong những ngôi nhà hơn 100 tuổi,
dưới không gian giếng nước, sân đình, con thuyền, đặc trưng đồng bằng Bắc Bộ

Xuân Minh (tổng hợp)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm