A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sắc thắm ở các làng nghề truyền thống Hà Nội

Làng nghề thủ công truyền thống với các bí quyết nghề nghiệp riêng là sản phẩm độc đáo của nền văn hoá Việt Nam - dân tộc có bề dày lịch sử hàng ngàn năm với nền văn hoá lấy cộng đồng làng làm đơn vị tổ chức xã hội cơ bản. Các làng nghề truyền thống đã tạo ra rất nhiều sản phẩm không chỉ đơn thuần là trao đổi thương mại mà còn có giá trị về văn hoá và lịch sử.





Hoàn thiện sản phẩm gốm Bát Tràng 


Hà Nội là nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống, với bề dày lịch sử hàng trăm năm, gắn với sự hình thành và phát triển của Thăng Long-Hà Nội. Nói đến làng nghề Hà Nội, không ai không biết tới gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, khảm trai Chuôn Ngọ, thêu Quất Động, lược sừng Thụy Ứng… Và cả hàng trăm nghệ nhân, thợ giỏi nghề thủ công mỹ nghệ đã được Nhà nước và thành phố tôn vinh bởi những tài năng, tâm huyết trong việc bảo tồn nghề truyền thống.

Đến với các làng nghề Hà Nội trong những ngày giáp Tết, chúng ta sẽ cảm nhận được không khí tấp lập, bận rộn của xưởng/cơ sở sản xuất và cả trong các hộ gia đình nơi đây.

Nơi lưu giữ nét văn hóa truyền thống

Việt Nam là một đất nước có nhiều nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là vùng châu thổ sông Hồng. Với đặc trưng của nền sản xuất nông nghiệp mùa vụ và chế độ làng xã, nghề thủ công xuất hiện khá sớm và gắn liền với lịch sử thăng trầm của dân tộc. Các làng nghề đã hình thành, tồn tại và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội, của đời sống cộng đồng và dần dần được qui về các khái niệm như nghề truyền thống, nghề cổ truyền, nghề gia truyền, nghề phụ, nghề thủ công... Các làng nghề chứa đựng trong nó những yếu tố nhân văn và những giá trị văn hóa truyền thống quý giá. Ngoài những yếu tố kinh tế cần được nghiên cứu phát triển thì làng nghề còn là một đối tượng quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phục vụ cho sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộc và xây dựng đất nước. Thăng Long – Hà Nội chốn kinh kỳ là nơi có nhiều làng nghề truyền thống lưu giữ nét văn hóa cha ông.

Các làng nghề thủ công truyền thống Hà Nội trước đây tập trung ở những khu phố cổ tạo nên các phường hội, ngành nghề khác nhau như nghề rèn, nghề kim hoàn, nghề làm tranh, nghề làm mành… Có lẽ cũng phần nào vì thế mà những con phố cổ có những cái tên bình dị như gắn với sản phẩm hàng hóa do những phường hội này sản xuất ra, như: phố Hàng Bạc, Hàng Đường, Lò Rèn, Mã Mây, Hàng Mã, Hàng Chiếu, Hàng Mành… Nhưng trước quá trình hiện đại đô thị hóa và sự mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội, các làng nghề truyền thống dần dần phát triển với sự phong phú, đa dạng hơn của các ngành nghề ở những khu vực ngoại thành.



Các nghệ nhân làng Quất Động đang hoàn thiện bức tranh thêu 


Với mỗi làng nghề Hà Nội, chúng ta sẽ tìm thấy những giá trị văn hoá truyền thống ẩn chứa trong cảnh quan quen thuộc của đồng bằng Bắc Bộ: cổng làng, đền thờ tổ nghề, nhà cổ hàng trăm năm tuổi, mái đình cổ kính, giếng nước hay trong từng sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo được lưu truyền qua bao thế hệ. Về với làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông - làng nghề nổi tiếng với tuổi nghề hơn 1.000 năm - chúng ta hiểu hơn về lịch sử và những trang phục cầu kỳ của các bậc vua chúa xưa qua những sợi tơ và hoa văn trên những thước vải. Cũng có bề dày lịch sử ngót 1000 năm, đến với làng nghề khảm trai của Chuyên Mỹ chúng ta sẽ cảm nhận nét tài hoa, khéo léo của những người thợ thủ công gắn bó với nghề qua từng chi tiết tỉ mỉ để tạo nên nhưng bức tranh khảm trai, ốc, lung linh sắc màu. Với một cây kim, một sợi chỉ, một miếng vải người thợ thêu Quất Động, huyện Thường Tín có thể làm ra những bức tranh thêu với mảng hoa văn mềm mại, đan xen kỳ lạ không nghệ thuật nào làm được. Các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai… cùng với bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công ở làng nghề Duyên Thái đã tạo nên những bức tranh sơn mài độc đáo- một sáng tạo nghệ thuật riêng có ở Việt Nam… Và còn biết bao làng nghề nổi tiếng khác như rèn Đa Sỹ, đúc đồng Ngũ Xã, nghề mộc Sơn Tràng, làng gốm Bát Tràng… đã góp phần tạo nên diện mạo đa dạng của các ngành nghề thủ công truyền thống của vùng đất kinh kỳ nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung.

Trong buổi tiếp thân mật 40 nghệ nhân đại diện cho các làng nghề trong cả nước ngày 24/11/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định làng nghề là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa dân gian được bồi đắp theo bề dày lịch sử, sản sinh và lưu giữ những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống có hàm lượng văn hóa tinh thần đặc sắc của dân tộc. Không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, hoạt động của làng nghề còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn, nâng cao đời sống người dân các làng nghề.



Làng lụa Vạn Phúc 


Phát triển, bảo tồn và tôn vinh văn hóa truyền thống làng nghề chốn kinh kỳ

Những năm gần đây, các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, loại hình du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của các làng nghề truyền thống Hà Nội. Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch là một hướng đi đúng đắn và phù hợp của Hà Nội.

Có một thời các làng truyền thống của chúng ta tưởng chừng như bị thất truyền, đứng trước nguy cơ mai một bởi nhiều nguyên nhân như sản phẩm làm ra không thể tiêu thụ, cơ chế chính sách có nhiều hạn chế. Nhưng những năm gần đây, trước sự phát triển của đất nước, nhiều làng nghề được khôi phục phát triển trở lại và đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế địa phương. Đến với làng nghề truyền thống những ngày Xuân mới chúng ta sẽ bắt gặp râm ran tiếng đục ở Sơn Tràng, tiếng rào rào mài tranh ở Duyên Thái, tiếng xe cút kít đưa sản phẩm vào lò ở Bát Tràng, tiếng ô tô tấp nập vào ra chở sản phẩm của làng đi khắp muôn nơi…

Những sản phẩm ở các làng nghề ngày càng phong phú, đa dạng kế thừa truyền thống và đã có những ứng dụng của công nghệ hiện đại bổ trợ nên thu hút không chỉ khách trong nước, mà còn tạo ấn tượng sâu sắc với du khách nước ngoài khi đến thăm. Mấy năm gần đây, Hà Nội cũng đã liên tục tổ chức Liên hoan du lịch làng nghề Hà Nội nhằm tôn vinh nghề và làng nghề thủ công truyền thống, khơi dậy và phát triển tiềm năng du lịch làng nghề Hà Nội. Tuy nhiên để đẩy mạnh và phát triển bảo tồn các làng nghề truyền thống ở Hà Nội cần phải có sự quan tâm vào cuộc của nhiều cơ quan hữu quan. Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc Liên hoan du lịch làng nghề Hà Nội 2014: “Du lịch làng nghề truyền thống Thủ đô chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hiện có, chưa hình thành được những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn du khách. Vì vậy, việc tiếp tục phát triển, quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề thông qua các cuộc triển lãm, hội chợ, các chương trình phát triển làng nghề truyền thống là việc làm thường xuyên, là động lực thúc đẩy du lịch và làng nghề cùng phát triển."

Tìm hiểu, thưởng thức những nét văn hóa đậm đà bản sắc của mỗi vùng miền thông qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo cũng là một điều hứng thú đối với du khách. Phát triển, bảo tồn và tôn vinh văn hóa truyền thống làng nghề chốn kinh kỳ vì vậy là việc làm rất cần thiết để những giá trị truyền thống của chúng ta không bị mai một, thất truyền. Thực tế đã cho thấy, bên cạnh nhiều làng nghề ở Hà Nội được khôi phục và phát triển trở lại thì nhiều nghề vẫn đứng trước nguy cơ chỉ còn lưu lại trong sách vở bởi thế hệ kế cận không ai mặn mà với nghề như làng nghề làm giấy dó Yên Thái (còn được gọi là Kẻ Bưởi), làng nghề làm giấy sắc phong ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy, sơn mài Ðông Mỹ (huyện Thanh Trì), giấy dó Vân Canh, tranh sơn mài Kim Hoàng (huyện Hoài Ðức), nhạc cụ Ðào Xá (huyện Ứng Hòa), dệt chồi, lượt Phùng Xá (huyện Thạch Thất)… Sự mai một của làng nghề truyền thống, không chỉ là mất đi một nghề gắn liền với kế sinh nhai của người dân, mà quan trọng hơn đó là mất đi một ngành nghề truyền thống lâu đời và truyền thống đó đã vượt qua giới hạn của một làng xã, trở thành văn hóa của cả vùng miền, làm ngời sáng thêm văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Chính bởi vậy, việc khôi phục, bảo tồn các làng nghề truyền thống rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương và cả người dân làng nghề.

Hương Xuân và không khí ấm áp của mùa Xuân đang đến với từng ngõ ngách của các con phố và làng quê Việt. Nó như làm bừng tỉnh vạn vật để đơm hoa kết trái mang đến hy vọng về một năm mới viên mãn. Những người thợ thủ công Hà Nội với sự sáng tạo và khéo léo của mình cũng đang thổi hồn vào các sản phẩm để góp phần bảo tồn, lưu giữ giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc đồng thời quảng bá tới bạn bè quốc tế. Hy vọng trong một tương lai không xa, hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung sẽ xuất hiện ở khắp năm châu bốn bể, để Hà Nội xứng danh với “mảnh đất trăm nghề”.

Diệp Hương (tổng hợp)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu