A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nét đẹp văn hóa đầu năm của đồng bào dân tộc thiểu số xứ Thanh

Thanh Hóa có 6 dân tộc thiểu số (Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú) với tổng số trên 64 vạn người. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của các dân tộc trên quê hương Thanh Hóa. Đặc biệt, vào mỗi dịp đầu xuân, những nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc lại thể hiện một cách đặc sắc, trang trọng, thiêng liêng hơn gắn với phong tục, lễ hội của từng vùng quê.


Đó là khi tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang, già, trẻ, trai, gái ở các bản cùng múa hát, nhịp nhàng, uyển chuyển với nhảy sạp, khua luống, hát khắp và tham gia các trò chơi dân gian.

Thanh Hóa có 6 dân tộc thiểu số (Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú) với tổng số trên 64 vạn người. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của các dân tộc trên quê hương Thanh Hóa.

Đặc biệt, vào mỗi dịp đầu xuân, những nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc lại thể hiện một cách đặc sắc, trang trọng, thiêng liêng hơn gắn với phong tục, lễ hội của từng vùng quê.

Hằng năm, cứ vào ngày mùng 8, mùng 9 tháng Giêng ở làng Lương Ngọc (xã Cẩm Lương, Cẩm Thủy) lại diễn ra Lễ hội khai hạ tại khu vực suối cá thần Cẩm Lương. 

Trong không khí những ngày đầu xuân ấm áp, lộc non cựa mình chào năm mới cũng là lúc hàng nghìn người vui hội khai hạ. Đây là một trong những lễ hội tiêu biểu, đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường ở Cẩm Thủy. 

Lễ hội gắn với suối cá thần và truyền thuyết dựng bản, lập mường nhằm tưởng nhớ các vị thần đã cứu làng khỏi hiểm họa, ban cho dòng suối mát, dân có nguồn nước sạch để sinh hoạt, mùa màng tươi tốt. Để rồi sau phần nghi lễ quan trọng thành tâm dâng lễ vật, báo công với Thành hoàng làng về một năm lao động sản xuất ấm no và ước nguyện năm mới đủ đầy cũng là lúc diễn ra phần hội sôi nổi, vui tươi, lành mạnh với các hình thức diễn xướng, các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi, trò diễn độc đáo như xường trai gái, hát ru, tung còn, phường bùa, trống dàm, múa pôồn pôông… do các nghệ sỹ không chuyên, người dân địa phương thể hiện mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Mường. 

Bên cạnh đó, còn có giao lưu, thi đấu bóng chuyền, chọi gà, bắn nỏ, đi cà kheo, chơi đu, thi dệt vải, dệt thổ cẩm và thưởng thức sản vật địa phương. 

Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để lễ hội khai hạ luôn có “sức sống” mãnh liệt trong tâm thức của mỗi người dân địa phương, du khách thập phương vào mỗi dịp đầu xuân. 

Không chỉ người Mường ở Cẩm Thủy mà ở các huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Lang Chánh… hiện vẫn còn gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mường vào những dịp đầu xuân thông qua các phong tục đặc trưng gắn liền với các lễ hội như Lễ hội Đền Tép (Ngọc Lặc), Lễ hội Chùa Mèo (Lang Chánh), Lễ hội Căm Mương (Bá Thước), Lễ hội Mường Đòn, Mường Đủ (Thạch Thành)… Chính các lễ hội đã góp phần làm phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa của dân tộc Mường. 

Ngược ngàn lên các huyện Thường Xuân, Như Thanh, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát ngắm sắc trắng, sắc hồng của đào, mận bên sườn đồi, trong mỗi góc vườn, thả hồn theo tiếng khèn, tiếng sáo du dương, trầm bổng của các chàng trai dân tộc Thái, dân tộc Mông mà lòng không khỏi xao xuyến. 

Đồng bào dân tộc Mông ở Thanh Hóa sinh sống chủ yếu ở các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát. Những năm trước kia đồng bào Mông thường tổ chức ăn tết cổ truyền riêng từ trước tết nguyên đán, còn những năm gần đây đồng bào Mông đã đồng thuận thực hiện chủ trương ăn tết nguyên đán chung của dân tộc. Bởi vậy, bắt đầu từ cuối tháng chạp đồng bào Mông đã rộn ràng chuẩn bị đón tết. Các cô gái chỉnh sửa lại trang phục cho cả gia đình, các chàng trai khỏe khoắn theo nhịp chày giã gạo làm bánh giầy - một món bánh không thể thiếu trong dịp tết của đồng bào Mông, cùng chum rượu ngô thơm lừng bên góc bếp. Vào những ngày đầu năm mới, các cô gái Mông váy áo xúng xính, điệu đà cầm khăn mỏng, chiếc ô nhỏ màu sắc hòa vào điệu nhảy, váy hoa bồng bềnh theo nhịp bước. Các chàng trai sẽ thổi những bài nhạc có giai điệu vui tươi, kể về lao động sản xuất, ca ngợi tình yêu đôi lứa, bạn bè thắm thiết và rồi trong tiếng khèn ấy còn chất chứa, ấp ủ mong tìm người bạn đời trong mùa xuân này. Địa điểm lý tưởng để đồng bào Mông tập trung vui chơi trong ngày xuân là những bãi đất trống bên sườn đồi. Ở đó họ chơi các trò chơi dân gian độc đáo của người Mông như ném pao, múa khèn, đánh cù, thi đấu bóng chuyền, đẩy gậy… 

Trong tiết trời vào xuân rực rỡ, các chàng trai, cô gái Mông rộn ràng chơi đánh cù, ném pao, tiếng cười rộn vang khắp bản, làng.

Không chỉ riêng đồng bào Mường, Mông, mà đồng bào Thái, Thổ, Khơ Mú, Dao cũng tưng bừng đón mùa xuân mới với nhiều lễ hội, trò chơi, phong tục tập quán tiêu biểu của dân tộc mình. Hiện nay, đồng bào Thái có Lễ hội Mường Xia, Lễ hội Cửa Đạt, Lễ hội cầu mưa (Thường Xuân, Quan Sơn). 

Bên cạnh việc tổ chức lễ tế các thần linh, người có công với dân với nước với ước mong những nhiều điều tốt lành, thì các hoạt động vui chơi cộng đồng cũng được người dân đón nhận hân hoan. 

Đó là khi tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang, già, trẻ, trai, gái ở các bản cùng múa hát, nhịp nhàng, uyển chuyển với nhảy sạp, khua luống, hát khắp và tham gia các trò chơi dân gian như đánh cù, đánh mảng, đi cà kheo, bắn nỏ thật náo nhiệt và vui nhộn trong những ngày đầu xuân. 

Ngoài các nghi lễ, các trò chơi dân gian, vào mỗi dịp lễ hội trong những ngày đầu xuân còn có nhiều tiết mục giao lưu văn hóa, thưởng thức món ăn đặc sản giữa các dân tộc trong vùng, đã tạo nên mối quan hệ khăng khít, đoàn kết của các dân tộc. 

Ở đó, họ có cơ hội giao lưu văn hóa, khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc, tiêu biểu, góp phần làm phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa mỗi dân tộc trên quê hương xứ Thanh./.

(Theo Báo Thanh Hóa)
 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu