A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tranh con giống của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm

Từ hành trang chu du ngày Tết, tranh con giống của Nguyễn Tư Nghiêm ra đời. 12 con giáp ông vẽ đủ cả bằng chất liệu bột màu. Bột màu một chất liệu trong tay Nguyễn Tư Nghiêm được biến hóa lạ thường. Một bộ 12 con giáp là một bằng chứng cho lối vẽ bậc thầy. Những con vật tiêu biểu cho tính cách của con người. Mỗi độ Xuân về, ông lại khai bút về con vật của năm đó với những hình thái dũng mãnh, uyển chuyển, ngộ nghĩnh...


Nhớ lại mấy chục năm về trước, cứ đến những ngày cuối tháng Chạp Âm lịch, bộ tứ nghệ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái lại gặp nhau ở quán cà phê Lâm số 60 Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội, bàn chuyện ăn Tết. Câu chuyện của họ thật giản dị, không có mục ăn mà chỉ có mục thưởng thức hương vị Tết xưa. Một lần, tôi cũng được hân hạnh ngồi nghe các vị thưởng thức hương vị Tết trong cái rét ngọt Hà Nội những ngày cuối Đông ảm đạm. Ấy vậy mà mọi người đều trăn trở nhớ tiếc những vẻ đẹp xưa trong ký ức dội về. Tôi hình dung bức tranh quê ấm áp dung dị từ ký ức nghệ sĩ tuôn trào trên tranh đã trở nên gần gũi.








Qua thảm ruộng lúa chiêm vừa cấy buông tay, mấy bà mẹ đon đả theo các ngả đường ẩm ướt vì mưa phùn, gồng gánh trên vai, họ đi sắm sửa với vẻ mặt lo lắng cho cái tết của mình được chu đáo. Trên đường cái quan trông xuống chợ đã họp đông nghịt dưới mấy gốc đa ở đầu làng, lan mãi từ dốc đến tận sân đình. Đình làng bao đời đã là một địa thế gần chợ, gần sông, nơi tụ họp dân làng những ngày lễ hội. Trong ngày cuối năm, sân đình là khu chợ lớn đa sắc. Cảnh đẹp nhất vẫn là mấy cụ đồ nho nằm xoài trên mảnh chiếu cũ thảo những nét Đại tự mực nho đen nhánh trên giấy hồng điều. Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã có nhiều bức thầy đồ như vậy, hòa sắc đỏ đen vùng vẫy gợi mở cho Nguyễn Tư Nghiêm suy ngẫm về một mảng đề tài khác cũng diễn tả không gian Tết. Từ những phiên chợ quê cuối năm, dãy hàng mã với hình ảnh chú ngựa, voi với những màu tươi rói, tranh Gà Lợn lấp ló trong bồ của nghệ nhân Đông Hồ, mũ ông Công ông Táo cánh chuồn lốm đốm sao, óng ánh trang kim, mặt kính lóng lánh. “Nhìn cảnh này, mấy ông Dã Thú Phương Tây khóc thét!”, một lần Nguyễn Tư Nghiêm đã thốt lên như vậy!.

Từ hành trang chu du ngày Tết, tranh con giống của Nguyễn Tư Nghiêm ra đời. 12 con giáp ông vẽ đủ cả bằng chất liệu bột màu. Bột màu một chất liệu trong tay Nguyễn Tư Nghiêm được biến hóa lạ thường. Một bộ 12 con giáp là một bằng chứng cho lối vẽ bậc thầy. Những con vật tiêu biểu cho tính cách của con người. Mỗi độ Xuân về, ông lại khai bút về con vật của năm đó với những hình thái dũng mãnh, uyển chuyển, ngộ nghĩnh... Tết Dậu vẽ gà, Hợi vẽ lợn, Thìn vẽ rồng, Mùi vẽ dê…, ông bộc lộ những tình cảm bâng khuâng chờ đợi trước tháng năm tưởng nhìn nó trôi đi trong hư vô, nhưng ta lại thấy được níu lại qua hình hài những con giống trên tranh ông thật gần gũi. Ta tìm thấy ý tứ dịch chuyển của một năm từ tốn cách điệu cao, bột màu trong trẻo nguyên sắc, 12 cung trong vòng tròn dịch lý thời khắc trong năm. Từng năm tháng tranh con giống của Nguyễn Tư Nghiêm về gà, lợn, trâu, rồng, dê, chó, ngựa… đều có đổi thay khi biến hóa lơ đãng khi hoạt khí tưng bừng, nhưng điều hiển hiện trên tranh ông không mặc cảm tôn giáo mà gửi gắm một đời sống tạo hình mới mẻ của riêng ông đã suy tư trên nền vóc văn hóa dân tộc.







Những thập niên trước đây, quen rồi, bạn bè lại đến ông nhận những tấm tranh hình hài con vật của năm mới, nét háo hức hồn nhiên từ những người bạn vong niên thôi thúc ông vẽ triền miên trên trong cảm thức sung mãn, hân hoan thắp lên những kỷ niệm, ước mơ, quên đi mọi vất vả nhỡ nhàng của năm qua để chỉ thấy trước mắt là niềm vui Xuân đến.

Khi được tiếp cận với triển lãm chuyên đề Điêu khắc gỗ dân gian đình làng của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 1972, Nguyễn Tư Nghiêm đã chiêm nghiệm vẻ đẹp tuy thô kệch của điêu khắc dân gian nhưng lại hàm chứa bao ý niệm của người bình dân về cội nguồn dân tộc. Hình ảnh gà đàn, lợn đàn, rồng ổ, mèo ngoạm cá, voi ngựa của điêu khắc đi vào tranh ông tự nhiên như hương đồng gió nội, chuyển động trong tranh ông lấp dần khoảng cách yêu cầu thẩm mỹ mới của thời đại.
Bộ sưu tập tranh con giống lớn nhất của Nguyễn Tư Nghiêm được công bố vào mùa Xuân năm Mậu Thìn 1988 tại Hà Nội gồm 42 tác phẩm sáng tác vào những năm 60, 70, 80. Đầy đủ tất cả các con vật của 12 cung: Tý (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Mão (mèo), Thìn (rồng), Tị (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê) Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất  (chó), Hợi (lợn) bằng bột màu. Kích thước bức tranh vừa phải cỡ 36x50cm, hồn nhiên, thanh thoát, biến ảo, đôi chút đủng đỉnh nhàn tản như chính cuộc sống trong tâm thức Nguyễn Tư Nghiêm vậy.

Bây giờ ông vẽ tranh giống hồn nhiên trong trẻo như trẻ thơ, những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, một chùm tranh con giống được vẽ trên lưng tấm giấy được ông tạo nên bằng những mảng màu nguyên sóng đôi nhau rực rỡ như màu nền tranh Đông Hồ truyền thống. Trên những mảng màu nền ấy là mùa bội thu của Nguyễn Tư Nghiêm về một đề tài những con vật tượng trưng cho từng năm Âm lịch lướt qua thời gian chầm chậm trôi đi, chỉ còn lại trong ký ức chúng ta mỗi độ Xuân về.


Nguyễn Hải Yến
Nhà nghiên cứu phê bình  Mỹ thuật


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu