A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quả pao duyên tình

Dân tộc Mông ở Tây bắc có rất nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như đánh tu lu, đẩy gậy, leo cây, đánh cầu lông gà... nhưng phổ biến nhất vẫn là trò chơi ném pao. Quả pao gắn bó với người Mông từ trẻ thơ cho đến cuối đời và trở thành một niềm khắc khoải khôn nguôi trong tình yêu.


Quả pao được người Mông khâu nối các miếng vải lanh thành trái tròn, to bằng quả cam, bên trong nhồi hạt lanh. Theo quan niệm của người Mông, hạt lanh tượng trưng cho sự sinh sôi và phát triển. Ngày nay, để tạo sắc màu cho quả pao, các thiếu nữ Mông còn dùng thổ cẩm của người Thái, hay lụa tơ tằm để tạo sự mềm mại cho quả pao.

Trò chơi ném pao được diễn ra ở những khu đất rộng tương đối bằng phẳng, người chơi được chia làm hai bên nam – nữ. Khoảng cách hai đội cách nhau khoảng 5 – 7 mét. Tài khéo léo của người ném pao là không để cho pao rơi xuống đất và được giao ước với nhau bằng về số lần ném, số lần bắt được pao, nếu bên nào thua thì phải hát một bài hoặc làm một điều gì đó do đội thắng quy định.

Trò chơi ném pao thường được tổ chức trong các ngày Tết, các lễ hội truyền thống của người Mông như Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Lào Sồng, ngày mừng nhà mới hay Lễ cúng bản. Lên vùng cao Tây Bắc, bạn còn có thể bắt gặp những đôi nam thanh, nữ tú người Mông chơi ném pao trong ngày Tết Độc lập ở Mộc Châu (Sơn La), ở chợ tình Khâu Vai (Hà Giang), chợ tình Sa Pa (Lào Cai).



 Trò chơi ném pao đối với người Mông ai cũng biết, rất đơn giản chỉ ném quả pao từ khoảng cách 5 -7 mét từ tay người này sang tay người kia



 Những quả pao rực rỡ sắc màu đã trở thành hàng lưu niệm
cho du khách đến Mai Châu (Hòa Bình)



 Quả pao như một vật trang sức tô điểm vẻ đẹp của những người phụ nữ
dân tộc Mông



 Sau cuộc chơi ném pao, quả pao được tặng lại cho bạn chơi để có cớ đến thăm nhà nhau và tìm hiểu nên duyên


Theo bà Sùng Thị Sông (77 tuổi) ở xã Lóng Luông (Mộc Châu – Sơn La), người đã khâu hàng nghìn quả pao cho người Mông trong vùng thì: “Chẳng biết quả pao và trò chơi ném pao có từ khi nào nữa, nó có từ lâu lắm rồi. Chỉ biết rằng, người đàn ông Mông đi tìm vợ, đi hội đều mang theo khèn và biểu diễn những điệu múa khèn mạnh mẽ thể hiện sự dũng mãnh thì người phụ nữ phải mang theo quả pao để đối xứng. Quả pao thể hiện sự mềm mại, vừa là trò chơi, vừa là vật trang sức của phụ nữ Mông trong các cuộc vui”.

Cũng theo bà Sông, công việc quan trọng nhất của thiếu nữ Mông là phải biết xe lanh dệt vải may váy và làm quả pao. Người đàn ông Mông đi tìm vợ thì việc đầu tiên họ xem là khả năng làm quả pao. Một quả pao tốt thì các đường khâu phải kín, khi cầm quả pao không được cứng hoặc mềm quá. Một người phụ nữ Mông giỏi giang, đảm đang thì phải biết làm quả pao tốt.

Sau khi chơi ném pao đã tìm được bạn tình thì người Mông bắt đầu kéo vợ, nhưng đa số các cuộc tình ném pao đều không trọn vẹn bởi chỉ là tình cảm bột phát nhất thời, nhưng để lại những hoài niệm khó phai trong cuộc đời người Mông.

Tôi đã từng gặp cụ già người Mông là Mùa A Sấu trên tay cầm quả pao đã cũ lang thang ở chợ tình Khâu Vai (Mèo Vạc – Hà Giang) đi tìm hoài niệm một cuộc tình. Ông già đến chợ tình Khau Vai chỉ với một ước nguyện là được chơi ném pao với bạn tình thời còn trẻ để còn niềm tin đi nốt quãng đời còn lại. Chính vì thế, đối với nhiều người Mông, quả pao không chỉ còn là trò chơi mà còn là là hoài niệm về tình yêu./.

Thông Thiện (Báo Ảnh Việt Nam)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu