A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ thuật bài chòi

Bài chòi là loại hình nghệ thuật gắn bó với đời sống văn hóa, tinh thần, không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về của người miền Trung nước ta nhiều thế kỷ qua. Hiện Nhà nước ta đang làm hồ sơ trình tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đề nghị ghi nhận và vinh danh Bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.



Hội Bài chòi phố cổ Hội An

Nghệ thuật Bài chòi còn có các tên gọi khác như Hô Bài chòi, Hát Bài chòi hay Chơi Bài chòi, là một loại hình nghệ thuật âm nhạc cổ truyền gắn với trò chơi dân gian được sinh ra và phổ biến ở miền Trung Việt Nam, đặc biệt vùng Nam Trung bộ, từ Quảng Bình đến Phú Yên, Khánh Hòa.

Đi tìm nguồn gốc nghệ thuật Bài chòi

Hiện nay, chưa có nguồn tài liệu chính sử nào ghi chép Bài chòi có từ khi nào trong lịch sử, tuy nhiên, theo một số nguồn tư liệu của người làm nghiên cứu về văn hóa và âm nhạc dân gian thì giả thuyết mang tính phỏng đoán là Bài chòi được mang từ vùng đất khác đến. Cụ thể là người truyền bá loại hình nghệ thuật Bài chòi cũng như đưa loại hình nghệ thuật này từ miền Bắc vào miền Trung là cụ Đào Duy Từ (1572 - 1634). Bên cạnh nguồn tài liệu với giả thuyết này, một học giả nước ngoài - nhà nghiên cứu Bắc-măng-phi-ơ của Pháp cho rằng nguồn gốc của Bài chòi được phát triển từ trò chơi dân gian kèm theo những làn điệu dân gian.

Theo chúng tôi, ý kiến thứ hai đáng chú ý vì trên thực tế, nghệ thuật Bài chòi bản thân nó là nghệ thuật dân gian, do đó việc người bản địa sáng tạo tập thể và đưa nó vào đời sống của chính họ là một giả thuyết đáng suy nghĩ. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, cuộc Nam tiến của người Việt bắt đầu từ thời Nhà Trần đến cuối thế kỷ XVIII, mà trong những người đi tiên phong có các trí thức, nhà yêu nước thì việc dân gian truyền rằng chính cụ Đào Duy Từ - một trong những nhân vật được coi là đã có công truyền bá Bài chòi vào đây, cũng là nhận định không thể không chú ý.



Mọi người cùng tham gia Hát Bài chòi

Dù nghệ thuật Bài chòi có “khai sinh” từ khi nào và đâu là gốc của Bài chòi là vấn đề quan trọng chưa có lời giải đáp thì vấn đề này là một trong những mục tiêu cần tiếp tục đi sâu giải mã, tìm hiểu trong tương lai. Nhưng quan trọng hơn, đồng thời là yếu tố quyết định danh phận của Bài chòi là hiện nay loại hình nghệ thuật còn đang hiện diện trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân miền Trung. Bài chòi đã và đang còn sống, gắn bó một cách tự nhiên với đồng bào nơi đây hằng thế kỷ qua.

Loại hình nghệ thuật độc đáo kết hợp giữa âm nhạc và trò chơi truyền thống

Bài chòi là loại hình nghệ thuật dân gian cổ truyền, phối hợp giữa âm nhạc và trò chơi truyền thống. Nó rất cần được tôn vinh, lưu giữ và quảng bá trong đời sống văn hóa đương đại. Để có thể thưởng thức trọn vẹn vốn di sản văn hóa truyền thống quý báu này của dân tộc, cần hiểu tương đối sâu về Bài chòi trên các khía cạnh dưới đây.

Thứ nhất, đã nói đến Bài chòi là nói đến cách thức tổ chức. Ở đây, tổ chức chơi Bài chòi mang đậm dấu ấn địa phương. Nó thể hiện rất rõ ở chỗ, cũng là chơi/ hô trên các chòi nhưng có địa phương chơi 9 chòi, có địa phương chỉ chơi 7 chòi, nhưng có địa phương chơi đến 11 chòi. Song song với việc tổ chức chòi là việc sử dụng và sắp xếp các con bài chòi (quân bài). Ở phương diện này cũng thể hiện rõ tính địa phương. Ví dụ trong số bài ấy, cũng có nơi chia 7 câu, nhưng có nơi chỉ chia chỉ có 5 câu. Đó là những vế hô, đối đáp gắn bó chặt chẽ với trò chơi – và đương nhiên là có thắng, thua và có người/chòi đứng ra làm “cái”, gọi là chòi trung tâm để “lãnh đạo”.

Thứ hai, bên cạnh cách thức tổ chức chơi là thể lệ cuộc chơi. Như trên đã nói, do tính địa phương nên số lượng chòi khác nhau. Nếu như làng/ địa phương nào tổ chức 11 chòi thì họ ổn định số lượng đó và trở thành truyền thống địa phương. Ở đây, 11 chòi được hiểu là 11 chòi bài cùng chơi. Một chòi trung tâm, ngoài một số chức năng khác còn có chức năng cử nhạc, tức là báo hiệu cuộc chơi bằng âm nhạc. Thông thường, mỗi làng có một đội nhạc cổ truyền của làng để phục vụ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống địa phương, đặc biệt là trong việc tổ chức Bài chòi.

Liên quan trực tiếp đến các chòi là con bài. Khi chơi thì một bộ bài - chia làm hai phe - có 60 con được chia và sử dụng. Tuy nhiên, tùy từng địa phương, mỗi làng chơi số lượng bài khác nhau. Nếu như làng có 11 chòi thì người ta chơi 56 con bài. Ở đây, người ta tổ chức rút ra bốn con bài bất kỳ, nghĩa là 2 cặp bất kỳ, giữ lại 56 con. Sau đó người ta phát cho 11 chòi, mỗi chòi 5 con, còn một con của ban tổ chức. Chòi nào bốc trúng quân bài theo quy định lựa chọn của ban tổ chức thì chòi đó đánh lên một tiếng mõ, rồi kẹp con bài vào chơi. Các con bài bí mật lần lượt được đưa ra thách đố làm cho không khí náo nhiệt lên.

Thứ ba, một trong những khía cạnh đặc biệt quan trọng của nghệ thuật Bài chòi chính là các làn điệu âm nhạc. Tùy từng địa phương, có nơi sử dụng các bài Vè, có nơi dùng các bài Hò, nhưng có khi ở một vài nơi lại dùng cách nói lối, nói có vần điệu. Cụ thể ở Bài chòi, những khái niệm như "hô Bài chòi", "hô thai" thường được hiểu là gắn bó chặt chẽ và bắt nguồn từ tên "quân bài" trong bộ bài trùng, bài tới, với việc "hô" câu thai về tên quân bài, trong trò chơi Bài chòi. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Trương Đình Quang và nhiều nguồn ca, hát, diễn xướng dân gian cổ truyền, thì "hô" không hoàn toàn chỉ là việc gọi (có mầm mống ca xướng) tên quân bài, mà là một thể loại trong diễn xướng dân gian gồm: hò, hô, lý, v.v... Việc dùng câu thơ 6/8 (lục bát) hoặc bài thơ 6/8 biến cách hô các làn điệu trong trò chơi Bài chòi, hình thành thể loại "hô" trong dân ca miền Nam Trung bộ. Cách hô và giọng điệu nguyên sơ gắn bó với sắc thái "tấu" hơn là ca hát. Nhà nghiên cứu Trương Đình Quang cho biết thêm, trong diễn xướng dân gian, các thể loại hò, hô được áp dụng cho những diễn xướng tự do, chưa có khúc thức chặt chẽ như ở các thể loại hát, lý, ca dân gian.

"Hô" câu thai, câu bài là thế "tấu" thơ cổ truyền, là nền móng cho "kịch Bài chòi", rồi đi đến "kịch hát Bài chòi", vào giữa những năm 50 của thế kỉ trước. Ở đây, đặc trưng của thể loại "hô-tấu thơ" là không phát triển về giai điệu, mà phát triển về ngữ điệu, ngữ khí và tiết tấu. Trong âm nhạc dân tộc, ở phạm vi giai điệu, thể loại làn điệu, giọng có cái khả năng chuyển hóa tài tình. Ở đây, giai điệu có thể thay đổi cung bậc ở vào những phách nhất định, miễn là một cung bậc chính vẫn giữ tương đối nguyên vị. Và, bất cứ một khổ thơ nào của dân tộc cùng thể nào, gắn với giai điệu gốc, cũng có thể ngâm, hát, hô, hò theo làn điệu đó, giọng đó, tất nhiên là có sự chuyển hóa bên trong, do tài năng và tâm hồn người và nhóm diễn xướng... Khả năng khắc họa hình tượng, nếu như để tạo một không khí, thể hiện một tâm trạng, thì thật là sở trường.

Đặc trưng của thể loại "hô – tấu thơ" (làn điệu, giọng) là cùng với sự phát triển về giai điệu, chú trọng phát triển về ngữ điệu, ngữ khí 2 và tiết tấu. Từ lúc hô trong hội chơi, do tiết tấu của thể thơ lục bát thuần hơi đơn điệu, các nghệ nhân dân gian hô thấy cần dặm thêm từ vào câu thơ gốc, nhằm biến cách nó về tiết tấu. Do đó, thể thơ thích ứng cho hô không phải là lục bát thuần, mà là lục bát biến cách. Đấy là đặc trưng rất cơ bản của thể thơ hô, cần được bảo tồn và phát huy. Vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, các nghệ nhân hô tập kết ra miền Bắc, ít người giỏi về hô biến cách. Cho đến nay, những người chuyển biên và tác giả sân khấu này cũng chưa thành thạo viết lục bát biến cách, và trong vài đoàn kịch hát Bài chòi, ít diễn viên giỏi hô thể biến cách.

Ngoài ra, thêm một đặc trưng quan trọng của thể điệu trong hò, hô, đó là về âm nhạc. Nó chỉ có yếu tố điệu thôi, nên sự vận động của điệu hoàn toàn tùy thuộc vào lời thơ. Trổ thơ dài bao nhiêu, người hô hô bấy nhiêu. Câu thơ mấy từ, người hô hô từng ấy từ.

Trương Đình Quang đã nghiên cứu một trổ từ câu hô cổ "Ông Xã ve Mụ Đội", thì đã cho thấy rõ luận điểm này. Chẳng hạn:

Ông Xã hô: ... Mụ chỉ lo son điểm phấn tô/ nhỏng nha nhỏng nhảnh tựa như đồ lầu xanh/ Hèn chi thiên hạ họ nói hành/ rằng vợ ông Xã Bảy như con tinh trên đầu đèo/ Xưa rày, hàng xóm họ đồn reo/ Tao chỉ mong cho mụ chết quách đặng tao vật heo ăn mừng/...

Ở lối hô biến cách không làm hỏng nội dung trong lời thơ. Nếu ta thử thu gọn về lục bát thuần, như sau: Mụ lo son điểm phấn tô/ nhỏng nha nhỏng nhảnh tựa đồ lầu xanh/ Hèn chi thiên hạ nói hành/ Vợ ông Xã Bảy con tinh đầu đèn/ Xưa rày, hàng xóm đồn reo/ Tao mong mụ chết, vật heo ăn mừng/... thì trổ hô kém hấp dẫn, do tính đơn điệu về tiết tấu của thể lục bát thuần. Mà, ở sàn hô diễn hoặc sân khấu, tính tiết tấu song song với tính hành động, tính giai điệu song song với sự thể hiện tình cảm.

Như vậy, giá trị của nghệ thuật Bài chòi không chỉ thể hiện ở nguồn gốc, phương thức trình tấu mà còn thể hiện trên phương diện làn điệu. Nói cách khác, cái làm nên nét độc đáo của Bài chòi chính là ở phần âm nhạc, nơi hội tụ và thể hiện nhiều bài bản độc đáo của nghệ thuật Bài chòi.

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là trước bối cảnh hội nhập và hợp tác quốc tế toàn diện như hiện nay, văn hóa truyền thống dân tộc nói chung, nghệ thuật Bài chòi của người dân Nam Trung bộ nói riêng cần được bảo tồn, tôn vinh và giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và như vậy, mỗi con dân Việt Nam dù ở nơi đâu cũng đều nhận thấy trách nhiệm này cùng dân tộc. Đây cũng là nguyện vọng không chỉ của những nghệ nhân – những người đang sở hữu và thực hành loại hình di sản này - mà là của toàn xã hội, kể cả những người con đất Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài, đều cùng nhau bảo vệ và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Tùng
Viện Âm nhạc Việt Nam


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu