Đầu Xuân nghe nhịp chiêng độc đáo của đồng bào dân tộc Êđê Bih
|
Đây là vùng đất duy nhất ở Tây Nguyên có các đội chiêng nữ diễn tấu cồng chiêng và là điểm nhấn sinh động trong dàn hợp xướng cồng chiêng Tây Nguyên, một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Theo các nhà nghiên cứu, với các dân tộc thiểu số ở Bắc Tây Nguyên và Trường Sơn, diễn tấu cồng chiêng trong các lễ hội là công việc của đàn ông, phụ nữ thì múa, nhưng với đồng bào dân tộc Êđê Bih ở buôn Trấp (Đắk Lắk) thì phụ nữ lại đánh cồng chiêng, nam giới thì múa khiên, múa kiếm theo nhịp chiêng của đội chiêng nữ.
Người dân tộc Êđê Bih cư trú chủ yếu ở khu vực buôn Trấp, bên dòng sông Krông Ana hiền hoà quanh năm nước xanh biêng biếc. Tên gọi buôn Trấp có nguồn gốc là buôn T’rấp, theo tiếng Êđê thì “T’rấp” có nghĩa là “sình lầy”.
Theo các nhà nghiên cứu, đây là tộc người có mặt ở Tây Nguyên vào hàng sớm nhất, họ sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp làm lúa nước, ven những cánh đồng phù sa màu mỡ của dòng sông Krông Ana.
Nét khác biệt của người dân tộc Êđê Bih trước hết là trang phục của người phụ nữ. Chiếc váy của phụ nữ dân tộc Êđê Bih thường ngắn hơn, cao ngang đầu gối, với nhiều hoa văn sặc sỡ, trong đó màu đỏ là chủ đạo.
Đặc biệt, dàn chiêng của đồng bào dân tộc Êđê Bih khá độc đáo, mang đặc thù riêng biệt. Khi diễn tấu cồng chiêng, các nghệ nhân đội chiêng nữ Êđê Bih thường di chuyển theo vòng tròn từ phải qua trái theo hướng ngược chiều với thời gian có nghĩa ngược về nguồn cội. Đây cũng là một trong những nét đặc thù mà người dân tộc Êđê Bih còn giữ được nguyên gốc.
Dàn chiêng nữ của đồng bào dân tộc Êđê Bih thường có 6 chiếc và một chiếc trống. Trống có vai trò giữ nhịp cho toàn bộ dàn chiêng theo bài bản. Chỉ những bàn tay mềm mại nắm lại rồi gõ lên những chiếc chiêng núm mà tạo ra những âm thanh trầm, bổng xao xuyến lòng người.
Nghe nhịp chiêng nữ của đồng bào dân tộc Êđê Bih vang lên như thấy được cả núi rừng Tây Nguyên, như tiếng vọng linh thiêng của tổ tiên, ông cha từ ngàn xưa truyền về hay như không gian lễ hội của đồng bào mừng năm mới…
Đội chiêng nữ của đồng bào dân tộc Êđê Bih không những diễn tấu, biểu diễn trong các mùa lễ, hội ở trong nước mà còn được mời tham gia biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới, được khách quốc tế đánh giá cao.
Nghệ nhân Amí Đoan, gần 70 mùa rẫy (70 tuổi) là người diễn tấu chiếc chiêng thứ hai cho biết, để có dàn chiêng nữ của đồng bào dân tộc Êđê Bih diễn tấu thành công, có “thương hiệu” như hôm nay là nhờ góp công lớn của già làng Y Rem.
Cũng vì yêu chiêng, say chiêng mà Y Rem ngày đêm đi từng nhà trong buôn, trong xã, vận động đồng bào khôi phục lại cồng chiêng, các bài chiêng “báu vật” của buôn làng.
Trong không khí Xuân, Y Rem vui vẻ cho biết, những ngày đầu phải đi gõ cửa từng nhà, thuyết phục đồng bào phục dựng các bài chiêng, giữ các dàn chiêng không được bán, Y Rem chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Đồng bào lúc đó nói rằng, phải dành thời gian đi làm nương rẫy gieo trồng cây ngô, cây lúa…để kiếm cái ăn, no cái bụng, chứ học đánh chiêng làm sao no cái bụng được.
Không nản lòng, Y Rem đứng ra mời các già làng, các nghệ nhân biết đánh chiêng giỏi trong xã, trong buôn đến nhà sinh hoạt cộng đồng để sinh hoạt, nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm, ôn lại những nét văn hóa truyền thống cho con cháu.
Trong mỗi cuộc họp với chính quyền địa phương, Y Rem cũng chủ động đề xuất việc phục dựng và bảo tồn cồng chiêng cho buôn làng. Thế rồi, chỉ một thời gian sau, các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào dân tộc Êđê Bih được mở ra, thu hút ngày càng đông các cháu đến học.
Hiện nay, ở Krông Ana có 47 buôn đồng bào dân tộc Êđê còn lưu giữ 300 bộ cồng chiêng, trong đó có nhiều bộ chiêng quý hiếm. Ngoài 20 đội chiêng của các nghệ nhân cao tuổi, huyện cũng đã có 20 đội chiêng trẻ trong đó có các đội chiêng nữ là thiếu niên.
Hàng năm, các đội cồng chiêng trẻ cũng đã tham gia hội thi, hội diễn về diễn tấu cồng chiêng trong, ngoài huyện được người xem đánh giá cao, góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hóa nhân loại./.
(Theo TTXVN)