A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những phong tục cổ truyền trong ngày Tết

Đã là người Việt Nam hẳn không một ai lớn lên mà không khắc ghi trong tim hình ảnh hương vị ngày Tết cổ truyền. Sắc vàng rực rỡ hoa mai, sắc đỏ phong bao lì xì, sắc hồng đượm của nhành đào, màu xanh mơn mởn bánh chưng, bánh tét, màu trắng củ kiệu dưa hành... Đến nay, dù trải qua bao thời gian biến đổi, người Việt ta vẫn giữ được nhiều nét đẹp phong tục trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.



Trong những ngày Tết, cả gia đình sum họp bên nhau chuẩn bị mừng năm mới

Tiễn ông Công ông Táo lên trời

Tương truyền, trong mỗi gia đình, kể từ khi loài người biết dùng lửa để ăn chín đến nay, luôn luôn có ông Công ông Táo. Ông Công được xem là thần đất giữ nhà và biểu tượng của ông là cây nêu ngày Tết. Còn ông Táo được dân gian gọi là “ông vua bếp”. Vua bếp là vị thần cai quản việc nấu ăn trong mỗi gia đình gắn với câu ngạn ngữ “có thực mới vực được đạo”. Một cỗ bếp có ba ông vua bếp được nắn bằng đất thó (đất sét) có hình chóp cụt uốn cong cúi đầu vào nhau tạo thành thế “kiềng ba chân”.

Việc tiễn đưa ông Táo về trời là một phong tục đẹp với ý nghĩa tâm linh. Không tiễn ông Táo về trời là có gì đó khuất tất đối với trời nên sợ không dám làm lễ. Lễ ông Táo về trời bao giờ cũng có việc thả cá chép làm phương tiện cho ông. Đây cũng là mặt đời sống tâm linh thiêng liêng của cư dân sông nước.

Cây nêu ngày Tết

Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5–6 mét. Ở ngọn thường treo nhiều thứ (tùy theo từng điạ phương) như vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng, bầu rượu bện bằng rơm, hình cá chép bằng giấy (để Táo quân dùng làm phương tiện về trời), giải cờ vải tây, điều (màu đỏ), đôi khi người ta còn cho treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung, mỗi khi gió thổi, những khánh đất va chạm nhau tạo thành những tiếng kêu leng keng nghe rất vui tai... Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm tiếng động của khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu...

Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm Trừ Tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không may. Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp, là ngày Táo quân về trời, chính vì từ ngày này cho tới đêm Giao Thừa vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Đến hết ngày mùng Bảy thì cây nêu được hạ xuống.

Hiện nay, phong tục cây nêu ngày Tết đã bị mai một và chỉ một số ít địa phương vẫn còn giữ lại.

Cúng Giao Thừa hay lễ Trừ Tịch

Thời điểm bắt đầu giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mồng Một tháng Giêng) là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết. Nó đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, được gọi là Giao Thừa.

Các cụ ta quan niệm: Mỗi năm Thiên Đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom thiên hạ dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có vị trí như quan toàn quyền. Và các cụ hình dung phút Giao Thừa là lúc bàn giao - các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ. Vì vậy, ngoài mâm cỗ cúng gia tiên tại bàn thờ trong nhà còn có một mâm cúng thiên địa được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, nước, vàng mã... ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới để mong các quan phù hộ cho một năm mới mọi sự tốt lành. Ở một số gia đình thì còn có một phần cỗ dành để cúng chúng sinh, cúng những cô hồn lang thang không nơi nương tựa.

Sau khi các nghi lễ cúng Giao Thừa đã hoàn tất, có thể coi như mọi việc đã xong, và mọi người trong gia đình cùng nhau sum vầy đón Tết.

Xuất hành và hái lộc

Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm, thường được thực hiện vào ngày tốt đầu tiên của năm mới để đi tìm may mắn cho bản thân và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần... Tại miền Bắc, nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một cành lộc để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục hái lộc. Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si... là những loại cây quanh năm tươi tốt và nảy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới.

Tuy nhiên việc hái lộc ngày nay đã có những quan niệm trái chiều so với trước, do đó chỉ còn ít người thực hiện. Theo tính duy tâm, việc hái lộc không nên vì có thể có những cành lộc có "vong" (linh hồn) bám theo. Khi chúng ta hái lộc về vô tình sẽ mang "vong" về theo, nếu "vong" tốt thì không sao nhưng nếu "vong" xấu thì có thể làm cho nhà cửa chúng ta không may mắn. Tiếp theo, ở các thành phố, việc hái lộc đôi khi làm ảnh hưởng đến cây xanh cảnh quan đô thị vì tâm lý mọi người đều muốn đem thật nhiều lộc về nhà cầu may, do vậy đã không ít trường hợp làm hỏng hết cây cối gây ảnh hưởng đến môi trường.

Xông nhà, xông đất

Xông đất (hay đạp đất, mở hàng) là tục lệ đã có lâu đời ở Việt Nam. Nhiều người quan niệm ngày Mồng Một "khai trương" một năm mới. Họ cho rằng vào ngày này, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn, cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi. Ngay sau thời khắc Giao Thừa, bất cứ người nào bước từ ngoài vào nhà với lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia chủ. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên cứ cuối năm, mọi người có ý tìm xem những người trong bà con hay láng giềng có tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc Tết chừng 5 đến 10 phút chứ không ở lại lâu, cầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt.

Người đi xông đất xong có niềm vui vì đã làm được việc phước, người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới.

 


Mừng tuổi và chúc Tết

Tết Nguyên Đán là dịp để mọi thành viên trong gia đình vui vầy sum họp. Đó là thời gian bày tỏ sự thương yêu thắm thiết và mong muốn cho mọi người được như ý. Sáng Mồng Một, sau khi lễ gia tiên thì cha mẹ được mời ngồi vào ghế để các con cháu lần lượt mừng tuổi chúc Tết. Đổi lại, người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, gọi là "lì xì" với những lời chúc mừng hay ăn, chóng lớn.

Trong những ngày Tết, làng xóm, bạn bè nô nức đến thăm nhau, chúc nhau sức khỏe, phát tài phát lộc, vạn sự như ý, an khang thịnh vượng… Đây cũng là dịp gắn kết mọi người với nhau, những cái bắt tay dường như đã xóa hết sự hiểu lầm, hờn giận của năm cũ và mời nhau ly rượu nồng ấm để hướng đến những điều tốt đẹp trong năm mới.
Khai ấn và khai bút

Đầu Xuân, nhằm vào ngày tốt, giờ tốt, người có chức tước thường khai ấn -đóng con dấu lần đầu tiên trong năm. Những người học trò, sĩ phu thì khai bút -viết bài hoặc một đoạn văn, một câu thơ... đầu tiên trong năm. Nhà nông khai canh cày ruộng, làm đất, trồng, cấy… lần đầu tiên trong năm. Người buôn bán thì "khai thương" - mở hàng lần đầu tiên trong năm...

Sau ngày Mồng Một, dù có mải vui cũng chọn ngày để khai nghề, làm lấy ngày. Nếu như Mồng Một tốt thì chiều Mồng Một bắt đầu. Riêng khai bút thì Giao Thừa xong, chọn giờ Hoàng đạo không kể Mồng Một là ngày tốt hay xấu. Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu Xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người ta thường đi chợ Tết cùng với du Xuân.


Đi lễ chùa

Không ai biết chắc chắn phong tục này có từ bao giờ và tại sao nhưng trong những ngày đầu năm Âm lịch thì rất nhiều người thích đi lễ ở các lăng tẩm, đền chùa để cúng bái, xin mọi điều tốt lành, an khang thịnh vượng cho bản thân và gia đình.
Trước kia, người ta đi chùa còn hay có tục lệ xin xăm. Xin xăm là một hình thức tin vào các thẻ xăm có ghi lời sấm báo trước điềm lành hay dữ trong năm và thường cần có thầy bàn xăm. Ở miền Bắc có tục "bốc quẻ thẻ" giống như tục "xin xăm" ở phía Nam. Người xin thẻ dâng một lễ mọn rồi chọn lấy một quẻ thẻ bằng tre viết chữ Hán. Trên quẻ thẻ thường ghi một câu văn ngắn, căn cứ câu văn ấy, người xin thẻ có thể luận ra "tiền định" cuộc đời mình trong năm đó. Nếu không thông thạo Hán Văn, có thể thuê thầy đồ luận giải giúp. Ngày nay, người ta thường bỏ thẻ tre và thay vào đó bằng những tờ bướm in chữ quốc ngữ với lời giải được soạn sẵn.

Những kiêng kỵ trong ngày Tết

Theo quan niệm trong ngày đầu năm mà có nhiều điều tốt đẹp thì cả năm đó chắc chắn sẽ có nhiều điều tốt đẹp đến cho mọi người, do đó, người Việt có một số kiêng kỵ không nên làm trong ngày Tết.
Ngày Mồng Một Tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình, vì quan niệm lửa là đỏ, là may mắn. Cho người khác cái đỏ trong ngày Mồng Một Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may như làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai bay vạ gió...

Trong 3 ngày đầu năm, người ta kiêng quét nhà vì nghĩ rằng nếu quét nhà thì năm đó gia cảnh sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Khi hốt rác trong nhà đổ đi thì thần Tài sẽ đi mất.

Ngày đầu năm cũng như ngày đầu tháng, người ta rất kiêng kỵ việc vay mượn hay trả nợ, cho vay. Người xưa quan niệm không nên vay tiền hoặc đồ đạc vào những ngày đầu năm mới, điều đó có thể làm chúng ta rơi vào cảnh túng thiếu cả năm, không may mắn. Chính vì vậy, mà vào những ngày cuối năm, mọi người thường trả lại các khoản vay nợ cũ để năm mới có nhiều điều tốt lành hơn.
Trong ăn uống, người ta kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt... Nếu ăn những thứ này vào dịp đầu năm hay đầu tháng sẽ "xúi quẩy".

Ngoài ra, người già cũng khuyên con cháu trong ngày này không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, cãi nhau, chửi nhau, kiêng những điều không vui xảy ra với gia đình.

Theo quan niệm của người xưa, màu trắng và đen là màu của tang lễ, chết chóc, vì vậy những ngày đầu năm thì phải mặc trang phục với những màu sắc sặc sỡ và thu hút sự chú ý, tạo nên sự phấn khởi và vui vẻ để đón chào năm mới, như: màu hồng, đỏ, vàng, xanh.

Những điều kiêng cữ này ngày nay không còn được tin như trước nữa, nhưng vẫn còn nhiều người giữ những tục lệ này.

Hà Trang (tổng hợp)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu