A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đi lễ đầu năm – Nét đẹp văn hoá tâm linh của người Việt

Đi lễ đầu năm là truyền thống lâu đời và trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống tâm linh của người Việt Nam cứ mỗi độ Tết đến Xuân về. Phong tục này đã thấm nhuần vào sâu trong tâm trí của mỗi người dân, để rồi khi không khí Tết ùa về, mọi người lại chuẩn bị sắm sửa lễ quả, cùng gia đình bạn bè, nguời thân nô nức đến các nơi thờ phụng linh thiêng.

 



Đền Ngọc Sơn - Hà Nội thu hút đông người dân đến tham viếng đầu năm


Thể hiện khát vọng và ước muốn của người Việt

Tục lệ đi lễ đền, chùa, phủ… đầu năm không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà đây còn là dịp để người dân Việt tìm về với cội nguồn dân tộc. Có lẽ trong từng nhịp thở của tiết Xuân, chúng ta lại cảm nhận được sự giao hoà của trời đất. Sự linh thiêng của những bức tượng Phật, mùi hương trầm lan tỏa, hương hoa ướt đẫm mưa Xuân, mùi của đất mới hòa trong sắc màu rực rỡ của đèn, hoa… tất cả quyện vào nhau tạo nên một không gian thanh tịnh, để lại trong lòng người sự thanh thản và bình yên. Sau một năm cố gắng hết mình vì công việc, chìm trong những bộn bề lo toan của cuộc sống hàng ngày thì đây là thời khắc mọi người dân Việt được lắng lòng lại, một lòng hướng về nơi linh thiêng, cầu nguyện một cuộc sống sung túc đủ đầy hơn cho năm sau.

Theo quy luật của tự nhiên “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng” (mùa Xuân là mùa sinh sản, mùa Hạ tăng trưởng, mùa Thu thâu rút lại, mùa Đông ẩn tàng, chất chứa...), mùa Xuân được coi là mùa của sự sinh sôi nảy nở, vừa là sự khởi đầu của một năm, vừa là khởi đầu của sự sống. Đi lễ đền, chùa vào thời điểm này vừa để đánh dấu sự khởi đầu của một năm, vừa để cầu xin khởi đầu của sự sống mới. Nó gắn liền với văn hoá tâm linh, tín ngưỡng lâu đời của người Việt.

Vào thời khắc thiêng liêng của trời và đất, năm nào cũng vậy, vào tối Ba mươi Tết, tôi cùng mẹ chuẩn bị trầu cau, hoa quả để đi lễ đình, chùa nơi chúng tôi sống, trước lễ Giao thừa gia tiên. Mẹ tôi vẫn thường bảo, mình đến với những nơi linh thiêng này phải với tất cả lòng thành kính, tri ân, lắng lại lòng mình với những ý nghĩ tốt lành. Tôi cũng gặp nhiều gia đình trong làng với nhiều thế hệ cùng nhau đi lễ chùa, ông bà bố mẹ đi trước, con cháu bưng lễ hương hoa theo sau, ai cũng thành kính và hân hoan đón chào năm mới.



Chùa Trấn Quốc- Hà Nội rực rỡ cờ hoa những ngày đầu Xuân 


Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cứ vào dịp đầu Xuân, chúng tôi thường cùng gia đình, bạn bè đi lễ ở chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Ngọc Sơn, đền Quán Thánh và phủ Tây Hồ… những nơi được coi là linh thiêng của đất Hà Thành để lễ tạ coi như lời tri ân với năm cũ và ước nguyện cho năm mới được bình an, hạnh phúc. Đất trời vào Xuân, hòa cùng dòng người đi lễ, đến với chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao bộn bề trong cuộc sống mưu sinh, tôi thấy lòng mình thật nhẹ nhàng, thanh thản. Chúng tôi ai nấy đều mang trong mình một lòng thành kính sâu sắc, tâm tưởng hướng về nơi linh thiêng và tin rằng khi đi lễ, không cần gì nhiều, chỉ cần có tâm là Phật đã phù hộ cho rồi.

Không chỉ lễ ở gia tiên hay đình, chùa tại nơi mình ở, người dân Việt còn có thói quen đi du Xuân ngày Tết, đến với những ngôi đền, chùa ở xa và nổi tiếng để vừa xin lộc, vừa thưởng thức cảnh đẹp. Bước qua Rằm tháng Giêng cho đến những tháng tiếp theo, hầu như những ngôi chùa này đều tấp nập người đến cầu xin phước lành. Đi kèm với việc lễ bái, bao giờ người dân cũng làm các việc từ thiện như: giúp đỡ người nghèo, cúng chúng sinh hoặc phóng sinh chim, cá, rùa... để tích đức. Họ tin rằng khi mình làm nhiều điều thiện thì Phật sẽ chứng giám và đổi lại cho họ một cuộc sống nhẹ nhàng và bình an hơn. Với chút lộc mang về đầu năm, tất cả mọi người dường như đều lạc quan, vui vẻ hơn và ít nhiều sẽ làm những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống hàng ngày.



Em cùng bố mẹ đi lễ đầu Xuân 


Nét văn hóa riêng từng vùng miền

Dù cùng là tục lệ đi lễ chùa đầu năm nhưng bản sắc văn hóa của từng vùng miền có những nét khác nhau. Người miền Bắc có quan niệm càng đi nhiều chùa càng tốt, mỗi khi đi xin lộc đầu năm thì thường phải có đồ lễ, hương hoa… kèm lá sớ viết bằng chữ Nho trong đó có ghi tên tuổi của gia chủ cùng những mong muốn, nguyện vọng cho năm mới. Đặc biệt, lễ xong, người đi lễ thường xin nhà chùa một thứ gì đó về làm lộc đầu năm như một cành hoa, một loại quả… Ngoài ra trong tháng Giêng Âm lịch, các gia đình hay lên chùa nhờ các sư thầy trụ trì cúng sao giải hạn cho cả gia đình, người nào trong năm đó gặp phải sao xấu thì phải cắt sao để giảm nhẹ bớt đi những ảnh hưởng xấu mà họ cho là sao xấu mang lại. Lời văn khấn của người miền Bắc cũng có vần điệu, rất bài bản, kêu cầu chính xác các Thánh Mẫu, ông thần Hoàng, các vị Phật… trước khi khấn xin việc của gia đình mình. Có nhà cẩn thận hơn còn mời thầy cúng, vì thế nên trong dịp này các thầy cúng thường rất “đắt sô”, muốn hẹn lịch thường phải sắp xếp từ trước cả tháng.

Người miền Nam thì cho rằng đầu năm phải đi lễ thập tự (10 chùa), việc hành lễ vô cùng đơn giản, không cần phải có đồ lễ, nếu có cũng chỉ cần hương và hoa quả chứ không quá rườm rà. Họ cầu gì khấn nấy, lời văn đơn giản, cốt lấy cái tâm làm trọng. Tuy mỗi miền có một cách thức đi lễ khác nhau nhưng đều có một điểm chung đó là một lòng hướng về nơi cửa Phật và ước mong có một năm mới an vui, sung túc.



Gia đình nhiều thế hệ đi lễ chùa Bút Tháp - Bắc Ninh 


Chị Phương Chi, sinh ra và lớn lên ở xứ Huế, theo chồng sống ở Hà Nội, chia sẻ: Đi lễ chùa ở Huế gắn với việc xuất hành đầu năm, nên tôi cùng gia đình và người dân Huế thường đi chùa lễ Phật ngay từ Mồng Một Tết để bày tỏ lòng thành của mình lên cõi Phật với nguyện cầu những điều tốt lành cho năm mới. Bây giờ theo chồng sống ở Hà Nội, tôi vẫn giữ tập tục này. Sáng Mồng Một Tết, tôi cùng mẹ chồng đi lễ Phật ở chùa Bồ Đề và đi lễ Đền Ghềnh ở Long Biên, Hà Nội, cũng là để hòa mình cùng bản sắc văn hóa quê chồng”.

“Trong năm, ngày Mồng Một Tết và Rằm tháng Giêng là hai ngày lễ lớn theo tín ngưỡng Việt Nam, được coi là ngày của Phật, bởi vậy tôi thường đi lễ chùa để để được Phật chứng độ lòng thành. Ngày này, các chùa cũng thường tổ chức lễ cúng Rằm tháng Giêng nguyện cầu cho quốc thái dân an, xã hội an bình, nhà nhà an vui... nên dù bận rộn tôi cũng cố gắng thu xếp công việc để được đến nơi cửa Phật”, chị Nguyễn Thu Trang ở Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ.

Bà Quyên - Phật tử chùa Lệ Mật (Long Biên, Hà Nội) - tâm sự: “Tôi vẫn thường đi lễ chùa, đặc biệt là những ngày đầu năm Xuân mới, tôi tìm về cửa Phật để nguyện cầu cho năm mới thời tiết thuận hòa, mùa màng tươi tốt và để lòng mình hướng thiện theo lời răn của Phật. Bước ra ngoài cửa Phật, tôi mong mình cùng con cháu làm được nhiều việc thiện để hy vọng nhận lại cho mình những điều tốt lành”.



Chùa Phật Tích ngày đầu Xuân 


Sinh sống ở Canada, về thăm quê hương đón Tết cổ truyền dân tộc, anh Lê Xuân Tuấn chia sẻ: “Trong dịp về quê ăn Tết với gia đình, tôi đã đưa con trai đi lễ đền Hùng du Xuân đầu năm với mong muốn các cháu hiểu hơn về phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của Việt Nam. Và trên hết, tôi muốn để các cháu tìm về cội nguồn dân tộc, khẳng định được chân lý “cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ, có tông” và hiểu hơn đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt”.

Có thể nói, đi lễ đền, chùa đầu năm ngoài ý nghĩa tín ngưỡng còn là một nét đẹp văn hóa, là truyền thống lâu đời mỗi dịp Xuân về của người dân Việt, giúp vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị thuộc về cội nguồn.

Phương Anh


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu