A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phố xưa vắng tiếng cưa bào

Trong gian hàng chưa đầy 15m2 chất đầy gỗ xà cừ, người đàn ông dính đầy phoi gỗ với chiếc máy tiện lọt thỏm giữa con phố sầm uất của Thủ đô. Từng được coi là “phố mộc” nổi tiếng với nghề tiện và khắc gỗ cổ truyền, phố Tô Tịch nay chỉ còn duy nhất một người thợ lặng lẽ bám trụ với nghề.

Người duy nhất còn giữ nghề

“Cha tôi truyền lại nghề cho các anh em, nay chỉ còn mình tôi giữ nghề, dù có khó khăn nhưng đây là nghề cổ truyền của cả dòng họ, cả con phố nên tôi sẽ cố gắng bám trụ…”. Đó là chia sẻ của anh Lê Đình Thắng, người thợ tiện duy nhất còn lại của phố Tô Tịch. Theo anh, nghề tiện đã có từ đời ông cha - những người dân Nhị Khê đầu tiên, đến đời bố anh, cũng nhờ niềm đam mê với nghề mà ông đã nuôi ba anh em anh khôn lớn, trong số đó cũng chỉ có anh học được và cố bám trụ với nghề cho đến bây giờ.

Anh Lê Đình Thắng đang thực hiện từng đường tiện. Ảnh: Tú Mai

Anh Lê Đình Thắng đang thực hiện từng đường tiện. Ảnh: Tú Mai


Theo anh Thắng, trước đây những nhà số lẻ ở phố Tô Tịch, như nhà số 15, 21, 25, 27… đều của người làng anh - làng Nhị Khê. Họ mang theo nghề tiện, khắc gỗ lên đây lập nghiệp. Với tay nghề của mình, người làng Nhị Khê có thể tiện, khắc mọi thứ, từ khắc mộc bản in sách chữ Nho, chữ Nôm cho các cửa hàng sách bên Hàng Gai hay làm hàng thủ công mỹ nghệ; những chiếc mâm gỗ, ống hương, bàn tròn, đài rượu, song cửa, các con dấu, đồ chơi trẻ em họ đều làm được. Chính nhu cầu của các sản phẩm tiện thời bấy giờ cộng với tay nghề cao của người làng mà con phố này dần trở thành phố tiện nổi tiếng, khách khứa đến đặt hàng đông như hội. Thậm chí đã có lúc nghiệp đoàn thợ tiện được hình thành trên phố Tô Tịch.

Nhưng giờ mọi thứ thay đổi, nhu cầu của người dân với nghề tiện, khắc gỗ cũng ít đi, nên anh Thắng phải tìm nhiều cách sáng tạo để giữ nghề. Ngoài các sản phẩm thường ngày do khách đặt, anh còn làm một số sản phẩm thủ công để bán như gạt tàn, các loại hộp đựng bằng gỗ. Trong căn phòng hơn 15m2 chất đầy các loại gỗ, nhưng chủ yếu là gỗ xà cừ anh mua lại từ công ty cây xanh Hà Nội. Đối với anh bất cứ sản phẩm nào, dù lớn hay nhỏ, dưới bàn tay của anh làm ra thì đều phải thứ thật tâm huyết, thật xứng đáng với công sức mình bỏ ra. “ Không phải món đồ nhỏ nào cũng dễ làm, nhiều món dù giá chỉ vài chục ngàn nhưng để làm được nó tốn rất nhiều công sức, ví dụ như cái chân lồng chim, hay đỉnh của đồng hồ lắc… Tiện không khéo thì gãy vỡ là chuyện thường. Hay đơn cử như loại kèn dùng trong các đám ma, đám giỗ, đã từng có người lặn lội từ Hải Dương lên nhờ anh làm hàng chục cái, nhìn bề ngoài thì chỉ đơn giản là khoan một lỗ từ đầu này sang đầu kia là xong, nhưng lúc làm mới thấy khó. Gỗ họ đưa cho rất cứng, lại dày, khoan không cẩn thận chệch đường khoan là coi như hỏng cả cái kèn.  Nói chung làm nghề này phải thật cẩn thận, tỉ mỉ, nếu không chỉ một sai sót trong lúc tiện, lúc khoan cũng làm hỏng cả sản phẩm của khách, đến lúc đó mình phải làm lại, vừa mất thời gian, công sức lại ảnh hưởng đến uy tín của mình…”.

… lặng lẽ bám trụ với nghề

Đã có lúc con phố này tấp nập nhờ nghề tiện, nghề khắc gỗ. Nhưng đó là những năm 60 hoàng kim của thế kỷ trước…Giờ khi người dân không còn “mặn mà” với nghề thì sự lụi tàn cũng là điều tất yếu, tất cả các hộ gia đình xung quanh đã chuyển nghề hoặc cho thuê. Khách sạn du lịch, quán ăn mọc lên thế chỗ cho những cửa hàng tiện, khắc gỗ cổ truyền. “Giờ tôi sống chủ yếu nhờ khách quen, có những người từng là khách tiện của bố tôi, đến đời tôi thì họ lại đến nhờ. Ít khách như vậy nên tôi chuyển sang tiện những món nho nhỏ, cứ ai nhờ gì là tôi tiện, từ những thứ nhỏ, lặt vặt như tay nắm, bàn xoay, những hộp gỗ nhỏ đến chiếc kèn, nắp đồng hồ... Tất cả cũng chỉ vì mưu sinh. Nhưng ngay cả như vậy mà cũng có những hôm tôi không có người khách nào”. Anh ngậm ngùi chia sẻ.

Sau khi dừng chốc lát để trò chuyện, anh tiếp tục bắt tay vào công việc. Trong tiếng máy, tiếng phoi gỗ rơi lách tách, người thợ ấy luôn tỉ mẩn với từng đường tiện… Và phải tận mắt chứng kiến sự khéo léo, tập trung của anh để giữ sản phẩm đi đúng đường tiện mới hiểu được kỹ năng và tình yêu của người thợ Nhị Khê tốt đến mức nào. “Tiện cái gì cũng phải thật cẩn thận, kĩ càng. Dù đó chỉ là những vật dụng hàng ngày như đôi chùy cho người già chạy bộ hay chiếc ống đựng tăm…

Khi được hỏi về tương lai của nghề tiện, khắc gỗ cổ truyền, về ý định truyền nghề của mình cho con cháu sau này, vẫn một giọng ngậm ngùi, anh Thắng cho biết: “Có lẽ nghề cổ truyền này chỉ nên truyền đến đời tôi, còn thế hệ các con của anh sẽ cho chúng đi học để làm nghề khác. Bám vào nghề này rồi sẽ có lúc không tồn tại được, giờ thực trạng đã rất khó khăn, nếu tiếp tục truyền nghề e sẽ không đủ để mưu sinh…”

Được biết hiện nay, Hà Nội hầu như không còn phố nghề với tính chất vừa bán hàng vừa sản xuất. Ngoài nghề tiện, một số nghề khác như làm chiếu hoặc làm da… cũng đang bị mai một nghiêm trọng.

 Phố Tố Tịch (thường gọi là Tô Tịch) dài 95m từ phố Hàng Quạt đến phố Hàng Gai, thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Một nửa phố Tô Tịch, đoạn giáp Hàng Gai dãy số lẻ, là gia đình những người làng Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội) đã mang nghề tiện gỗ, khắc gỗ ra đây lập nghiệp. Công việc này đòi hỏi kỹ thuật tay nghề cao như khắc mộc bản in sách chữ nho, chữ nôm cho các cửa hàng sách bên Hàng Gai trước đây hay làm hàng thủ công mỹ nghệ; những chiếc mâm gỗ, ống hương, bàn tròn, đài rượu, song cửa, các con dấu, đồ chơi trẻ em... 

Nghề tiện có quy mô sản xuất nhỏ, sử dụng ít nhân công. Quy trình sản xuất đơn giản và cũng ít gây ô nhiễm. Lúc đầu, việc sản xuất là những chiếc máy tiện thô sơ, hoạt động bằng sức đạp của đôi chân, và mãi sau này mới có môtô điện để sản xuất.  

 (Theo chinhphu.vn)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu