A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khơi dậy nguồn lực của kiều bào ở Hawaii

Theo thống kê chính thức của chính phủ Mỹ, số lượng người Việt Nam sang làm ăn, định cư sinh sống ở Hawaii hiện trên dưới 15.000 người. Đa số sống rải rác tại thành phố Honolulu thuộc đảo Oahu (trên 12.000 người). Ở những đảo khác cũng có người Việt nhưng không nhiều.

Trong đó nghề làm nails cũng giống như nhiều nghề khác trên toàn nước Mỹ, người Việt ở Hawaii luôn chiếm vị trí tuyệt đối. Hầu như tất cả các cửa hiệu nail ở Hawaii đều của người Việt và rất nhiều người cũng nhờ làm nail đã có cuộc sống sung túc. Tương tự, có tới khoảng một nửa số tài xế lái taxi ở Hawaii cũng là người Việt. Vì đây là nghề chỉ cần biết tiếng Anh chút đỉnh nhưng đem lại thu nhập khá. Anh Thái Hồng Kiệt, một tài xế taxi cho biết, trước kia anh lái cho Hãng taxi The Cab - một trong những hãng taxi lớn nhất và hiện đại của Hawaii với số lượng  hơn cả nghìn xe được trang bị hệ thống định vị trị giá hàng chục triệu USD. Nhiều người dân ở Hawaii cho biết người Việt lái xe rất cẩn thận, bản tính lại thật thà, nhiều du khách bỏ quên đồ đạc có giá trị lớn trên xe nhưng đều được các bác tài Việt trả lại nên du khách rất thích đi xe của người Việt, dần dần tạo nên “thương hiệu” riêng cho taxi Việt.


Một cửa hiệu tạp hóa và trái cây của người Việt ở Hawaii 


Cũng tại Honolulu có ChinaTown (phố Tàu). Nếu so sánh với các thành phố lớn khác cũng tại Mỹ như San Francisco hay Los Angeles thì “phố Tàu” Honolulu quy mô không bằng. Mặc dù vậy, nếu thoạt nghe đến từ ChinaTown, hầu như ai cũng nghĩ đây là nơi tập trung buôn bán và sinh sống của người Hoa. Song điều này chỉ đúng cách đây vài chục năm về trước, bởi đối với hầu hết người dân bản xứ, ChinaTown giờ đây đáng lý mang tên gọi khác là VietnamTown (phố Việt). Vì hiện không còn bao nhiêu người gốc Hoa làm ăn buôn bán ở khu vực này và hầu như các cửa hàng, tiệm ăn ở đây đều do người Việt làm chủ. Số còn lại thuộc về người Lào, Campuchia, Indonesia và Malaysia. Một trong những lý do chính giải thích cho việc người Hoa di chuyển khỏi ChinaTown là thế hệ con cháu của họ không còn muốn nối nghiệp bố mẹ. Họ có học vấn và muốn theo đuổi con đường riêng của mình. Một lý do khác là giá thuê mặt bằng ở đây tăng cao trong những năm gần đây, khiến nhiều người Hoa phải đóng cửa tiệm và chuyển sang làm ăn ở khu vực khác. Không ít dân bản xứ tại Hawaii cho rằng chính sự xuất hiện của cộng đồng Việt đã góp phần làm thay đổi phần lớn bộ mặt nơi đây. Chẳng hạn ở đường King, các cửa hàng Việt Nam đang thi nhau mọc lên. Còn nếu vòng xuống đường River kế bên, các cửa hàng Việt Nam mở san sát nhau, hầu như tên tiệm nào cũng bắt đầu từ chữ “Phở”: phở Kim Hà, phở Tô Châu, phở Sài Gòn... Tất nhiên những tiệm này không chỉ bán có món phở, mà có đủ các loại thức ăn từ cơm, bún, miến đến mì xào, hủ tiếu... Không chỉ dân Việt Nam mà cả cư dân bản xứ cũng rất thích ăn món Việt, vì chúng vừa ngon miệng lại ít cholesterol hơn thức ăn người Hoa. Một trong những tiệm ăn Việt mà người Mỹ hay lui tới là Hà Lê, nhà hàng chuyên thức ăn mang hương vị miền Nam. Một số nhà hàng khác mà dân bản địa cũng ưa thích vì giá cả phải chăng là phở Hà Biên hay phở Hương Lan, phở 97... Đáng chú ý, trong số những người có công quảng bá thức ăn Việt Nam trên đất Hawaii, có lẽ người nổi tiếng hơn cả là ông Lâm Quốc Thanh, đồng thời cũng là chủ nhân chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh mang tên Ba Lẹ. Kể từ khi tiệm ăn Ba Lẹ đầu tiên được khai trương vào năm 1984 tại đây, tính tới nay đã có tổng cộng tới 25 tiệm Ba Lẹ mọc lên trên khắp tiểu bang này. Sự thành công vượt bậc của chuỗi tiệm thức ăn nhanh Ba Lẹ đã giúp ông Thanh nhận được giải thưởng Doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ vào năm 2002.

Sinh Nguyễn (Đại đoàn kết)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm