A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuan V. Nguyen: "thương hiệu" Việt trong ngành loãng xương

Cuộc hành trình gian nan và kỳ thú của một nhà khoa học Việt. Từ một cậu bé nhà quê viết đơn cho làng xóm đến ba chữ "Tuan V. Nguyen" như một thương hiệu quen thuộc trong ngành loãng xương trên thế giới.

 Tôi biết giáo sư Tuấn một cách tình cờ. Và tôi quý anh chỉ vì một chuyện, đơn giản đến cỏn con: tôi thích hình ảnh một ông anh "đi Tây hà rầm" chui về một làng quê hẻo lánh ở Kiên Giang ngồi lóc cóc viết sách.

Lại là quyển sách về chất độc da cam - viết cho "người mình". Ô hay, hoá ra sau bao thăng trầm nơi quê người, Tuấn vẫn vẹn nguyên là một "khách ở quê ra"…

Tôi năm nay đã trên 50 tuổi, thuở nhỏ lớn lên dưới quê (xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang), nhưng nguyên quán thì phải nói là Bình Định.  

Nhà tôi nằm gần bờ sông, và láng giềng tôi phần lớn là người dân tộc Khmer; thành ra, bao nhiêu kỷ niệm và ấn tượng tuổi thơ của tôi gắn liền với cái dòng sông hiền hoà đó và những người Khmer chân chất đó. 

Lúc tôi còn học tiểu học, tôi có tiếng là đứa học trò viết chữ đẹp, và đã từng viết đơn cho hàng xóm. Năm đó tôi mới học lớp bốn, một người hàng xóm người Khmer tôi quen gọi là Củ Tư đến nhà nhờ tôi viết đơn khiếu nại về một vụ tranh chấp đất đai.  

Không biết có phải vì chữ nghĩa của tôi hay vì lẽ phải mà kết cục sự việc là Củ Tư giành phần thắng lợi. Và thế là cả làng đồn ầm rằng tôi là "thằng hay chữ", và thế là tự nhiên thằng bé có thêm việc làm ngoài học: viết đơn.  

Khi sang Úc năm 1982, tôi bắt đầu đi học và lấy bằng thạc sĩ về toán thống kê năm 1986. Đến năm 1990 tôi xong luận án tiến sĩ thống kê. Năm 1991 tôi đi làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ ở Thuỵ Sĩ được 9 tháng thì quay về Úc để làm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu y khoa Garvan. 

Năm 1997 tôi xong luận án tiến sĩ y khoa chuyên về di truyền dịch tễ học và loãng xương. Đầu năm 1998 tôi được bổ nhiệm làm phó giáo sư dịch tễ học phụ trách chương trình nghiên cứu loãng xương tại trường y Đại học Wright State (Ohio, My).

Năm 2000 tôi lại quay về Viện Garvan làm việc cho đến nay, với chức vụ nhà nghiên cứu cấp cao (Senior Fellow) và phó giáo sư y khoa trường Đại học New South Wales. Từ đầu thập niên 1990 cho đến nay tôi chỉ quan tâm một việc duy nhất: loãng xương.  

Trong cuộc đời học hành và làm khoa học, tôi cũng có may mắn và vinh dự có vài giải thưởng. Tôi được hai giải thưởng có tên là Outstanding Research (xuất sắc trong nghiên cứu) do trường Đại học New South Wales và Bệnh viện St Vincent's trao tặng.  

Trước đó tôi được trao một giải Young Investigator Award (giải thưởng dành cho các nhà nghiên cứu trẻ) của Hội nghiên cứu xương bên Mỹ.  

Rồi đến năm 1997 tôi lại nhận giải thưởng Best Doctoral Thesis (Luận án tiến sĩ xuất sắc) do Viện nghiên cứu y khoa Garvan và Đại học New South Wales trao tặng (họ còn khắc tên tôi trên bảng vàng danh dự ở đại sảnh của viện cho đến nay).  

Mới đây thì tôi có vinh dự được mời phục vụ trong một số ban biên tập các tập san y học liên quan đến loãng xương trên thế giới. Mới đây, báo Vietnamnet trao giải Vinh danh nước Việt năm 2005.  

Mấy cuốn sách tôi xuất bản ở trong nước cũng được nhắc đến nhiều lần với sự trân trọng, và cho đến nay tôi vẫn thỉnh thoảng nhận được nhiều lời khen tặng. Tôi cảm động khi đọc những lá thư như thế từ những người mình chưa hề gặp mặt hay quen biết.  

Anh quay về Việt Nam nhiều lần lắm, tổ chức hội thảo khoa học, nói chuyện chuyên đề với sinh viên y khoa… nhưng người ta chủ yếu biết anh như một "chuyên gia về chất độc da cam".  

Ngay lúc vụ kiện của các nạn nhân bắt đầu được dư luận quan tâm, Tuấn dành phân nửa thời gian của mình để lao vào nghiên cứu, báo cáo và viết không biết bao nhiêu bài báo trong và ngoài nước về tác hại của chất độc này.  

Cái đêm phiên toà có kết quả, anh thức trắng cùng chúng tôi để theo dõi và lặng lẽ suy nghĩ về phán quyết của toà án dừng phiên xử… 

“Vâng, nhiều người trong nước cho rằng tôi là "chuyên gia" về chất độc da cam, nhưng như anh thấy đó, tôi không phải là chuyên gia về lĩnh vực này, hiểu theo nghĩa có đào tạo qua về hoá học. Thực ra mà nói, không có cái gọi là "chuyên gia về chất độc da cam", chỉ có người quan tâm đến vấn đề mà thôi.  

Tôi xem chất độc da cam là một vấn đề, và mỗi người quan tâm có thể sử dụng năng khiếu của mình để tiếp cận vấn đề. Tôi vì có huấn luyện và kinh nghiệm khá lâu năm trong ngành dịch tễ học và y học, nên tôi có khả năng hệ thống hoá những thông tin này một cách chuyên nghiệp.  

Thêm vào đó là tôi có may mắn biết đôi điều về thống kê học, cho nên tôi có thể đọc một bài báo về chất độc da cam rất nhanh và có thể diễn đạt lại cho người khác hiểu những con số trong đó có ý nghĩa gì.  

Tôi viết về chất độc da cam từ 20 năm qua. Tôi không nhớ mình viết bao nhiêu bài, nhưng những gì tôi lên tiếng đều có cơ sở khoa học 100%, chứ không phải nói suông. Nhiều khi tôi như "sống" với vấn đề.  

Tôi quan tâm đến vấn đề chất độc da cam từ thập niên 70 của thế kỷ trước, và mối quan tâm đó xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân. Lúc còn nhỏ ở trong quê thời còn chiến tranh, thường hay tản cư nay đây mai đó, có vài lần tôi chứng kiến cảnh phun chất da cam.  

Có lần nghe tiếng máy bay tôi trốn trong bụi rậm, nhưng máy bay không dội bom mà rải một chất gì màu trắng đục. Chỉ sau vài ngày cây cỏ chung quanh những nơi bị rải đều bị tiêu huỷ sạch. Lúc đó tôi đã tò mò muốn biết chất này độc hại ra sao mà lại có "hiệu quả" nhanh như thế. Sau này theo dõi báo chí tôi mới biết đó là chất độc da cam.  

Tôi để tâm theo dõi chất độc da cam từ đó, nhưng lúc đó và ngay cả sau 1975 thông tin rất hiếm, muốn tìm hiểu cũng chẳng biết đâu mà tìm và chẳng biết ai để hỏi. Đến khi ra nước ngoài, tôi tra cứu tài liệu từ các thư viện đại học mới biết đây là một vấn đề lớn, từng gây ra nhiều tranh cãi trong giới khoa học. 

Thành ra, tôi bỏ ra khá nhiều thì giờ để nghiên cứu, phân tích, và viết bài về vấn nạn da cam và ảnh hưởng của nó trên con người. Nói ra thì chắc có người thấy khó tin, nhưng có nhiều lúc tôi chẳng suy nghĩ gì ngoài suy nghĩ về độc chất da cam, cứ như là người bị ám ảnh vì nó!  

Mà những thông tin này chưa từng được nói đến ở nước ta. Do đó, tôi nghĩ mình phải hệ thống lại những thông tin đó cho bà con trong nước biết được và suy nghĩ về nó.  

Hai mươi mấy năm sống xa quê, nhưng Tuấn vẫn chẳng "tây" xíu nào. Anh giữ cho mình chất giọng chân chất của dân Nam bộ, giữ nguyên cảm giác "tôi là người Việt". Và hình như, chính niềm tự hào dân tộc một cách chân chính này nâng anh lên rất nhiều so với bạn đồng trang lứa ở nước ngoài.  

Choáng ngợp và bỡ ngỡ. Đó là cảm giác lúc mới đến trung tâm thành phố Sydney, vì thấy cái gì cũng to lớn, hoành tráng hơn, trật tự hơn, sạch sẽ hơn xứ mình.

Tôi thấy sao người Tây phương vĩ đại quá, thông minh quá, rồi đâm ra nể nang, sợ sệt họ. Đến nỗi có lần một viên chức đại học hỏi tôi "Mày biết làm phân số không?", tôi cũng nghĩ phân số của họ chắc phức tạp hơn của mình nhiều!

Thế nhưng sau này có dịp làm việc chung với người Tây phương từ Úc sang Mỹ và Âu châu tôi mới thấy họ cũng chẳng phải thông minh gì hơn mình. Vậy tại sao họ làm được những công trình vĩ đại?  

Tôi nghiệm ra một phần là họ biết cách làm việc chung với nhau, làm việc theo nhóm; họ có kỹ thuật hoà giải những xung đột (conflict resolution) cực hay. Và đó cũng chính là nỗi trăn trở của tôi làm sao đào tạo một thế hệ trẻ Việt Nam năng động, biết làm việc chung với nhau và biết nhường nhịn nhau.  

Trở thành một nhà khoa học - điều đó có vẻ quá xa vời với cậu bé nhà quê. Nhưng với Tuấn, mọi chuyện giản đơn là vì anh thích đi học. Anh nói về những ngày đi học của mình, an lành như chính nụ cười rất hiền trong góc khuất của một quán cà phê mang cái tên rất quê mà anh chọn: Đất. 

Đi học - đó là quyết định quan trọng nhất cuộc đời tôi. Thời đó trong hoàn cảnh túng quẫn và phải kiếm tiền gửi về nhà bên Việt Nam, rất nhiều bạn bè tôi đã đi làm trong các hãng xưởng hay làm bất cứ việc gì để sống. Mà đã đi làm thì cám dỗ rất lớn, và việc đi học có thể bỏ bê. Một tuần lương dạo đó khoảng 200 đô la, còn đi học thì nhà nước chỉ cấp khoảng 70 đô la một tuần mà thôi.

Môi trường học tập rất quan trọng. Ông bà mình hay nói "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Tôi nghiệm câu nói đó rất đúng. Có dịp gần gũi và tiếp xúc giới khoa bảng trong đại học và các viện nghiên cứu, mình mới thấy kém cỏi, và từ đó có mục tiêu để vươn lên, có cái đích để phấn đấu. Tôi nghĩ môi trường trong nhà bếp lúc đó chỉ cho tôi làm ra tiền, chứ không phải là nơi để mình cố gắng học hành. 

Có lần tôi cũng được hỏi tại sao lại dấn thân làm khoa học trong khi làm cái khác có khi đem lại danh vọng tiền bạc hơn. Lại có người hỏi tại sao phải khổ công tiêu ra nhiều giờ trong phòng nghiên cứu, mày mò sách vở, bận tâm với từng con số, quan tâm đến từng biểu đồ, trong khi họ có thể tiêu thì giờ với gia đình để làm cỏ trong vườn, hay tiêu ra thì giờ với bè bạn trong quán cà phê, quán nhậu?!  

Đúng là tôi cũng có thể có một cuộc sống gia đình như hàng triệu triệu người khác, tức là làm những việc trong gia đình như bao nhiêu người khác trên thế giới này, nhưng cái khác nhau là thay vì làm những việc đó, tôi có thể làm việc trong một phòng thí nghiệm, trong phòng máy tính, trong thư viện, bên giường bệnh với bệnh nhân, hay thậm chí trong chuồng… chuột… nơi mà tôi có thể khám phá những điều thú vị nhất trên đời mà chưa có người nào biết đến.  

Theo tôi, làm được những việc đem lại hiệu quả cho người bệnh, đem lại một suy nghĩ mới cho chuyên ngành, và gây ảnh hưởng trong bộ môn loãng xương trên thế giới... đó chính là niềm vui của mình rồi, còn gì vui hơn nữa?  

Trong tâm thức của một người xa xứ, có một tiếng gọi quê hương ẩn sâu và vang vọng khôn nguôi. Với Tuấn, điều đó hiện lên rất rõ. Có lần, anh ngồi và thẫn thờ nhắn tin vào máy: "Tôi thường tưởng tượng ra một ngày nào đó tôi sẽ về ở hẳn bên nhà, tôi sẽ sống trong cái làng quê nhỏ bé của tôi bên dòng sông, sáng đi dạy học ở một đại học nào đó trong vùng, chiều về nằm võng đọc sách, tối ngồi viết sách".  

Tôi mơ ước lập một trung tâm nghiên cứu y khoa ở trong nước ta, không cần lớn, nhưng chất lượng phải cỡ đẳng cấp quốc tế, đào tạo nghiên cứu sinh đàng hoàng sao cho họ có thể hãnh diện mang cái bằng tiến sĩ ra nước ngoài mà không mặc cảm.  

Tôi muốn viện nghiên cứu đó phải làm những nghiên cứu từ cơ bản như sinh học phân tử đến các nghiên cứu lâm sàng, để chuyển giao công nghệ và tri thức đến việc điều trị bệnh nhân. Dự định và ước mơ thì nhiều và tham vọng đấy, nhưng bây giờ thì vẫn chưa làm gì được, mà thời gian thì chẳng còn bao lâu…

(Sài Gòn Tiếp thị)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu