A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiến sĩ Thái Hồng Lam (Việt kiều Mỹ): Trở về vì lời hứa với quê hương

Tiến sĩ Thái Hồng Lam trao đổi thẳng thắn: Nếu Nhà nước chưa có chính sách thật thoáng để giải quyết những khó khăn của kiều bào khi về nước như vấn đề nhà cửa, thủ tục hành chính, môi trường giáo dục, đầu tư, hồi hương... thì nên tạo cầu nối để Việt kiều đóng góp từ nước ngoài hơn là kêu gọi họ về nước...


 TS Thái Hồng Lam hướng dẫn
sinh viên tại Công ty Sáng tạo

Đến Mỹ du học vào đầu thập niên 1970 và trở thành kỹ sư Công nghệ Thông tin và lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Nam California, bang California, Hoa Kỳ, từng giữ nhiều chức vụ quan trong trong các tập đoàn kinh tế của Mỹ, nhưng năm 2003 Tiến sĩ Thái Hồng Lam quyết định trở về VN làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Công nghệ Hà Nội, hiện nay ông là Phó chủ tịch và là người đồng sáng lập Công ty công nghệ Sáng tạo tại TP.HCM.

Nhà nước phải tìm ra mẫu số chung về kiều bào 

“Cần phải có một bức tranh tổng quát về kiều bào, tìm hiểu họ là ai? Nghĩ gì? Muốn gì? Từ đó Nhà nước mới đưa ra một chính sách cụ thể để thu hút họ”. Đó là phát biểu của Tiến sĩ Thái Hồng Lam tại cuộc Hội thảo “Phát huy hơn nữa tiềm năng chất xám của cộng đồng kiều bào trong công cuộc phát triển đất nước”. Tiến sĩ Thái Hồng Lam cho rằng tấm tranh của kiều bào cũng phức tạp, nhiều gam màu như bức tranh về người Việt trong nước. Nếu không hiểu được kiều bào muốn gì, nghĩ gì thì sẽ khó tìm được sự cộng tác. Tiến sĩ Lam lập luận: “Xét về nhu cầu, người Việt trong và ngoài nước đều giống nhau. Nếu Nhà nước có chính sách đưa trí thức thành phố về nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì cũng cần có một chính sách tương tự khi mời gọi Việt kiều về nước”.

Để tìm ra “mẫu số chung” của bức tranh kiều bào, Tiến sĩ Thái Hồng Lam đã phác họa “chân dung” bốn thế hệ Việt kiều.

Thế hệ những người trên 65 tuổi tuy hạn chế về tuổi tác, ngoại ngữ, sống phụ thuộc vào con cháu và trợ giúp của xã hội nhưng họ là những “cây cổ thụ, là nguồn nước, là giống nòi. Không nhiều thì ít, sự suy nghĩ của họ ảnh hưởng đến những quyết định của hậu duệ, những người có thể đóng góp rất nhiều trong tiến trình làm giàu, đẹp cho quê hương”. TS Lam đề nghị: “Với thế hệ này, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc cần đi kèm chính sách cụ thể giúp họ giữ gìn truyền thống và vạch lối cho con cháu tìm về với Tổ quốc. Cụ thể, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ những người này có không gian xanh, dịch vụ y tế chu đáo để họ dễ dàng gia nhập. Điều quan trọng nhất là chính sách cho họ thường trú không hạn định”.

Thế hệ từ 45 đến 65 tuổi đại đa số vẫn còn khỏe mạnh, khá thành đạt nhưng điều làm họ trăn trở nhiều nhất là cuộc sống “một cảnh hai quê” vì vậy họ vẫn khao khát được sở hữu một ngôi nhà ở quê hương để trở về không chịu những cám cảnh trên. TS Lam cho biết: “Những năm gần đây, vấn đề tạo điều kiện cho kiều bào sở hữu một ngôi nhà ở quê hương vẫn còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó các vấn đề như thủ tục đăng ký tạm trú, thường trú, kinh doanh cũng như phục vụ y tế… kiều bào vẫn còn “chạm trán” với thói quan liêu, vô cảm… Có một điểm tôi muốn nói thẳng, đó là những người này đã sống, chứng kiến hoặc tham gia trong cuộc chiến tranh nên ít nhiều còn định kiến, mặc cảm, có khi là sự hồ nghi vào những gì mà lãnh đạo Nhà nước đang làm. Vì vậy không chỉ là “tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác giữa trí thức Việt kiều với trí thức trong nước” mà xóa bỏ những định kiến, hố ngăn cách trong đầu họ để sự quay về của họ thật sự thoải mái, là trách nhiệm của những người con Việt. 

Với thế hệ Việt kiều từ 25 đến 45 tuổi, họ là những người đang miệt mài với công việc mưu sinh, sáng tạo, quản lý. Nói chung họ rất bận rộn nên vấn đề tạm gác công ăn việc làm đối với họ rất  khó khăn. Hơn nữa đại đa số thế hệ này là những trí thức đang tiếp thu những tinh hoa của công nghệ tiên tiến ở xứ người. Vì vậy chính sách thu hút với những người này là việc đầu tư ở chính nơi họ đang sống. Nhà nước cần tạo cầu nối để họ đưa công việc phụ về nước đồng thời gởi người đi tu nghiệp chuẩn bị cho công nghệ chuyển giao. Một số trong số họ rất thành đạt, có công ty riêng hoặc nắm nhiều vai trò quan trọng trong các tổ chức kinh doanh nên nếu thu hút họ, Nhà nước phải có chính sách thông thoáng về đăng ký kinh doanh, thuế, chuyển ngân. Nếu không tìm được cách giải quyết thì không những không tìm được sự hợp tác mà nguy cơ chảy máu chất xám càng tăng khi du học sinh sẽ trở thành những kiều bào mới.

Cuối cùng là thế hệ Việt kiều từ 25 tuổi trở xuống, họ ít bị ràng buộc về mặt gia đình và muốn hy sinh cho những lý tưởng cao quý. Kiều bào thuộc lứa tuổi này về thăm quê cha đất tổ là do sự tò mò. Nếu không có sự chia sẻ nhận thức và ảnh hưởng từ cha mẹ, đối với họ Tổ quốc là nơi sinh ra và lớn lên. Họ là những người đất nước cần trong tương lai. Nếu chính sách không quan tâm đến họ ngay từ bây giờ thì chính sách sẽ mãi mãi luẩn quẩn về sau”. 

Mời gọi về nước hay làm cầu nối để kiều bào đóng góp từ nước ngoài 

Một trong những quan điểm mà TS Thái Hồng Lam nhấn mạnh là Nhà nước làm sao chăm lo cuộc sống người dân trong nước đầy đủ, tạo mọi điều kiện cho người dân trong nước làm giàu chân chính. Anh cho biết: “Một khi dân tin vào đường lối của Nhà nước, tuân theo pháp luật nghiêm chỉnh, hết mình hậu thuẫn cho các chính sách của Nhà nước thì lúc ấy không cần kêu gọi, kiều bào sẽ hết mình hợp tác.” Anh cũng đề nghị: “Nhà nước cũng không nên đề cao thái quá về sự hợp tác của kiều bào bởi trong nước có nhiều nghĩa sĩ, hiền tài nhưng đôi khi bị bỏ quên, làm như thế vô tình sẽ cô lập kiều bào. Nếu chính sách với hiền tài trong nước còn chưa rõ ràng thì khó có thể thuyết phục trí thức Việt kiều nhập cuộc hết lòng”. TS Lam đặt vấn đề: “Đa số Việt kiều về nước gặp những khó khăn về nhà cửa, thủ tục hành chính, môi trường giáo dục, đầu tư, hồi hương. Nếu chưa có chính sách thật thoáng về những vấn đề này thì nên tạo cầu nối để Việt kiều đóng góp từ nước ngoài hơn là kêu gọi họ về nước”.

Thưa Tiến sĩ, vậy bản thân ông đã được đáp ứng các nhu cầu trên chưa? 

Có lẽ tôi may mắn nên không chạm trán với những vấn đề “hóc búa” như các Việt kiều khác. Việt Nam đã có sự thay đổi lớn nhưng cũng có những nhân viên Nhà nước làm việc ngẫu hứng mà nếu Việt kiều gặp phải những người này thì…dễ nản lòng lắm. Bản thân tôi đi du học từ năm 19 tuổi. Khi xách valy bước lên máy bay, tôi có một lời hứa là sẽ trở về nơi tôi đã sinh ra. Khó khăn đấy nhưng tôi hài lòng với lựa chọn của mình và chứng minh với những người từng ngăn cản (dĩ nhiên vì tình cảm bạn bè và vì sự lo lắng, sự chưa thấu hiểu của họ về tình hình đất nước) rằng tôi đã tìm được cứu cánh. 

Xin hỏi thật, là một trong những Việt kiều đầu tiên về nước khi Nhà nước ban hành chính sách đổi mới, cho phép bà con Việt kiều về thăm quê hương, lúc đó điều gì làm ông lo lắng nhất? 

Năm 1986, VN thực hiện chính sách mở cửa, đầu năm 1987, tôi về nước. Lúc đó bạn bè, gia đình ở Mỹ không ai ủng hộ và cho tôi là quá vội vàng, họ sợ tôi về VN sẽ không trở lại và đặt ra nhiều giả thuyết khác. Bản thân tôi cũng có một ít hoang mang là những dự đoán của bạn bè sẽ thành sự thật nhưng rồi tự hỏi, mình là ai, tại sao phải sợ? Ngoài ra như tôi đã nói, vì lời hứa phải trở về quê hương luôn nung nấu trong tim. Sự thật khi về nước đã đánh tan mọi hoang mang trong tôi. Nhìn thấy sự tụt hậu của quê nhà về mọi mặt mà nhói đau trong tim. Tôi đã gặp được nhều bạn bè là các giáo sư, trí thức trong nước và tìm giúp cho họ một số tài liệu cần thiết trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Từ đó hình thành một mối liên hệ công việc và cũng là cơ sở cho công việc của tôi về nước sau này. 

Theo TS, đâu là chỗ “bế tắc” trong việc thực hiện chính sách dành cho kiều bào?  

Sự đóng góp của kiều bào phải đặt trong tổng thể, trong sự đoàn kết của cả dân tộc, với những người trong nước. Việt kiều về nước trước hết là do vấn đề tâm linh, nguồn cội, muốn trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Vì vậy họ muốn được đối xử như người trong nước. Ai cũng muốn đất nước phát triển đi lên, lãnh đạo cũng muốn tìm ra đường lối thúc đẩy sự phát triển của đất nước nhưng sự “bế tắc” ở đây chính là người dẫn đường, họ không thể vượt qua được các rào cản. Chính phủ phải giải quyết cái khó cho người dân, đưa cái khó về cho Chính phủ, chính sách dành cho Việt kiều cũng thế. 

Là một trí thức Việt kiều, vấn đề gì trong cuộc sống hiện tại ở trong nước làm TS trăn trở nhiều nhất? 

Vấn đề mà mọi người vẫn thường hay nói nhất “biết rồi, nói mãi”. Đó là tình hình giáo dục của nước nhà. Chính sách trong nước không phát huy được thiên bẩm của học sinh, chưa thấy mục đích của giáo dục. Phải dạy cho học sinh hiểu học không phải để biết đọc, biết viết, để có công ăn việc làm mà phải thấy được cái hay, yêu cái tốt đẹp và đóng góp vào xã hội. Học không phải là cứu cánh mà là phương tiện và mục đích cuối cùng là tìm được hạnh phúc cho mình và đem hạnh phúc cho người khác. 

Xin cám ơn buổi trò chuyện với Tiến sĩ! 

Hồ Duyên/Người viễn xứ

 

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu