A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Tôi chỉ muốn mọi người hiểu hơn về Tổ quốc tôi”

Ước vọng muốn xây dựng một "ngôi nhà" Việt tại thủ đô Berlin của Hùng cũng sắp thành hiện thực. Anh phấn khởi: "Một nước Việt thu nhỏ sẽ được xây dựng ngay tại đường phố Leiziger, một trong những tuyến phố trung tâm nhất của thủ đô Berlin. Hàng ngày, lá cờ của Việt Nam sẽ tung bay trên bầu trời Berlin".


Từ trái qua phải: Anh Nguyễn
Xuân Hùng, Bộ trưởng Kinh tế
bang Berlin Harald Wolf,
Đại sứ Trần Đức Mậu

Lần đầu tiên đặt chân đến nước Đức, quy mô quá hoành tráng của sân bay Frankfurt, vốn tiếng Anh lại quá ít ỏi khiến tôi thực sự lo lắng. Vì từ đây, tôi phải đi thêm gần 1.000 km nữa mới tới được nơi cần đến. Thấy tôi lơ ngơ, một Việt kiều đã tận tình giúp đỡ. Anh dẫn tôi vào tận chỗ mua vé tàu, rồi đưa tôi lên tàu. Trước lúc tàu chạy, anh chàng Việt kiều trẻ tuổi này mới bật mí: "Người mà anh cần tìm đã quá nổi tiếng đối với cộng đồng người Việt ở Đức. Nói đến "Hùng râu" thì nhiều người biết lắm".

Hầu hết bà con Việt kiều mà tôi có dịp tiếp xúc trong những ngày ở Đức đều cho rằng: về kinh tế, "Hùng râu" chưa nằm trong số  những người Việt giàu có nhất ở Berlin, mọi người biết đến "Hùng râu" vì những hoạt động mang tính cộng đồng, những cố gắng không mệt mỏi trong việc tạo dựng hình ảnh nước Việt. Ông Trần Đức Mậu, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức nhận xét: "Mỗi người hướng về Tổ quốc theo cách riêng của mình, trong đó cách của Nguyễn Xuân Hùng là rất nổi bật. Hoạt động của Hùng đã góp phần quan trọng cho việc quảng bá hình ảnh Việt Nam tại Đức".

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa cử, bố là một nhà khoa học có uy tín trong ngành giao thông vận tải, ngay từ lúc còn nhỏ, Hùng đã nổi trội hơn so với bạn bè về sự thông minh, hóm hỉnh. Bố mẹ đặt niềm tin vào Hùng, với mong muốn sau này sẽ cho cậu đi theo con đường khoa học. Nhưng niềm đam mê âm nhạc của Hùng đã thuyết phục được cả gia đình đồng ý cho anh theo con đường nghệ thuật. Đầu những năm 1980, Hùng trở thành một trong những thành viên có tên tuổi của ban nhạc Tổng công ty Du lịch Hà Nội.

Năm 1987, Hùng sang Đức với hy vọng được tiếp cận những điều kiện tốt hơn trong đời sống âm nhạc. Thời thế thay đổi, cuộc sống không cho phép anh đi tiếp con đường nghệ thuật. Hùng lựa chọn việc buôn bán quần áo để mưu sinh. Cuộc sống sẽ cứ như thế trôi đi cho đến một ngày Hùng chợt nảy ra quyết tâm "phải làm được cái gì đó để mọi người ở Đức hiểu thêm về Việt Nam, biết được người Việt là như thế nào". Cách đây 6 năm, có mặt tại Liên hoan bia quốc tế Berlin lần thứ 4, Hùng nhận ra rằng, đây chính là nơi mà anh có thể quảng bá được hình ảnh của quê hương mình. Nơi đây, mỗi lần lễ hội diễn ra có đến hàng vạn người dân Đức và các nước lân cận tập trung đến. Chẳng bàn cùng ai, không cần biết nó khó khăn ra sao, Hùng gặp Ban tổ chức liên hoan, đăng ký tham gia Liên hoan bia quốc tế lần thứ 5. Khi ban tổ chức đồng ý cũng là lúc Hùng hoàn thành ý tưởng của mình.

Uống bia là nét văn hóa, tính cách của người Đức, và Hùng đã khôn khéo dùng chính điều này để giới thiệu về văn hóa, đất nước con người, các sản phẩm của Việt Nam. Chính vì thế, tiêu chí đầu tiên khi Hùng yêu cầu mọi người thiết kế, trang trí gian hàng của mình là phải toát lên được cái "hồn" của dân tộc. Những mái nhà

rông của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Khuê Văn Các được dựng lên ngay đường phố Berlin. Sự độc đáo này khiến người Đức, người Tiệp, người Đan Mạch đi qua đều... thắc mắc. Lúc đó, Hùng, rồi những người bạn, người đồng hương của anh có dịp... hồ hởi mà giải thích rằng, nhà rông là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên, là nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng của người dân, biểu hiện tình đoàn kết; còn Khuê Văn Các biểu tượng cho tinh thần hiếu học của người Việt...

Không ngờ chiếc nón của các bà, các chị đội mưa, đội nắng, gắn bó với cuộc sống của người nông dân Việt lại được người dân châu Âu ưa thích đến lạ thường. Tại lễ hội bia, người ta xếp hàng, đợi đến lượt để có được chiếc nón. Hùng còn bỏ tiền túi ra để mời các đoàn nghệ thuật trong nước sang biểu diễn tại liên hoan bia. Tôi thực sự xúc động khi tận mắt chứng kiến những tốp người nước ngoài kéo đến, ngồi đội mưa xem các nghệ sĩ múa của Đoàn ca múa nhạc Việt Nam biểu diễn màn múa Con Lạc, cháu Rồng. Hai ông bà Thomas, sống ở phố Leiziger, Berlin đã phải thốt lên rằng: "Các bạn có những điệu múa tuyệt vời. Tôi rất ấn tượng với cách ăn mặc đậm màu sắc dân tộc của các nghệ sĩ". Năm năm qua, Hùng đã bỏ cả trăm nghìn euros để đưa hàng chục ca sĩ, diễn viên sang Đức biểu diễn miễn phí.

Đại sứ Trần Đức Mậu cho biết: "Quảng bá thương hiệu ở thị trường châu Âu là rất khó và cực kỳ tốn kém, và quan trọng là phải tìm ra được cách quảng bá độc đáo, thiết thực. Liên hoan bia quốc tế là nơi có thể làm được. Hiện tại người Đức đánh giá rất cao sự tham gia của Việt Nam vào lễ hội này, người có công lớn trong sự kiện này là anh Nguyễn Xuân Hùng. Đây là một thành công rất lớn trong việc quảng bá hình ảnh nước Việt".

Ước vọng muốn xây dựng một "ngôi nhà" Việt tại thủ đô Berlin của Hùng cũng sắp thành hiện thực. Anh phấn khởi: "Một nước Việt thu nhỏ sẽ được xây dựng ngay tại đường phố Leiziger, một trong những tuyến phố trung tâm nhất của thủ đô Berlin. Hàng ngày, lá cờ của Việt Nam sẽ tung bay trên bầu trời Berlin". Theo Đại sứ Trần Đức Mậu, "hình ảnh nước Việt, các sản phẩm của ta sẽ được giới thiệu rộng rãi hơn ở Đức, nếu anh Hùng có thêm sự giúp đỡ từ các doanh nghiệp, các cơ quan trong nước".

Xuân Toàn (TN)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu