A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thầy hiệu trưởng người Việt trên đất Bỉ

Tốt nghiệp nhiều ngành học tại Bỉ (thương mại, ngoại giao, thăng tiến xã hội, hợp tác quốc tế, báo chí, giáo dục tâm lý), nhưng ông lại là người thầy dạy xuất sắc môn Pháp văn.



 Thầy Dư Thanh Khiêm

Để có được thành quả như ngày hôm nay, ông đã nỗ lực phấn đấu và lao động gấp... 5 lần so với những đồng nghiệp người sở tại.

Gặp nhau trong một cuộc họp báo và như một sự ngẫu nhiên của những người con xa xứ, cái chất giọng miền Trung đã kéo câu chuyện của chúng tôi đi xa hơn những câu hỏi xã giao.

“Tôi là thầy giáo dạy tiếng Pháp” - ông giới thiệu. Một ông giáo người Việt đi dạy tiếng Tây cho người Tây, thú vị thật, tôi nghĩ.

Câu chuyện giữa chúng tôi phải dừng lại trong mấy phút giải lao hiếm hoi. Và khi biết được ông là người gốc nước ngoài duy nhất giữ cương vị hiệu trưởng ở một viện giáo dục trên đất Bỉ, tôi đã không bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi này. Ông đã dành cho tôi một cuộc hẹn.

Từ dải đất gió Lào

Ông là Dư Thanh Khiêm, sinh năm 1951 ở Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình nổi tiếng nhiều đời: “Họ Dư giàu chữ, họ Lữ giàu tiền”. Ông may mắn được làm con của một người bố vừa “giàu chữ” vừa có lối suy nghĩ rất mới mẻ: “Nếu chỉ có chữ sẽ không làm nên chuyện lớn”.

Ông cụ đổi nghề và trở thành thương gia buôn bán phụ tùng xe hơi nổi tiếng ở cố đô Huế thời bấy giờ. Làm kinh tế, ông cụ đã hoạch định tương lai cho các con với lời nhắn nhủ: “Cha muốn các con đi khắp năm châu, lĩnh hội kiến thức khoa học để thành con người có ích”.

Mang theo những lời nhắn nhủ của bố, năm 1974 ông sang Bỉ du học. Và chỉ trong vòng 5 năm, ông hoàn thành xuất sắc 4 ngành học khác nhau. Thế nhưng ông lại say mê và có năng khiếu với môn tiếng Pháp.

Chất giọng miền Trung “trọ trẹ” không là rào cản, ông lĩnh hội và hòa nhập nhanh chóng vào dòng ngôn ngữ Tây phương. Nó như chiếc chìa khóa vạn năng, giúp ông giao lưu và phát huy các ngành, lĩnh vực khác đã được học.

Và rồi chính sự say mê, chiếc chìa khóa vạn năng ấy đã gắn chặt vào cuộc đời ông một cách thú vị. Nói về cơ duyên đứng trên bục giảng, ông cho biết: “Tôi không tốt nghiệp ngành tiếng Pháp chính quy. Nhưng năm 1978 tôi gặp được vị giáo sư dạy Pháp ngữ theo phương pháp “Tập thể cấu trúc nghe nhìn” rất hiệu quả, phá bỏ cách truyền thụ cổ điển.

Tôi mê phương pháp này. Và khi trường rao tuyển giáo viên dạy tiếng Pháp không chính quy, tôi đã tham gia”.

Không ngờ, ông trúng trong kỳ tuyển chọn giáo viên Pháp văn gắt gao ấy. Cho đến nay, ông đã đứng trên bục giảng gần 30 năm và 5 năm giữ cương vị lãnh đạo ở Viện Giáo dục Woluwe. Saint-Pierre Bruselles (Bỉ).

Suốt quãng thời gian ấy, ông không nhớ nổi đã bao lần đứng lớp truyền thụ kiến thức cho các ngoại giao đoàn. Ông tâm sự: “Để có được thành quả như ngày hôm nay, tôi đã phấn đấu và lao động gấp 5 lần đồng nghiệp sở tại”.

Gìn giữ và phát huy văn hóa Việt

Khi đã thân thiện hơn, tôi thú thật với ông rằng lúc đầu tôi không nghĩ ông là một Việt kiều bởi vẻ giản dị, giọng nói và trên danh thiếp, tên ông cũng không chêm tiếng Tây như thường thấy với những Việt kiều sống lâu năm ở hải ngoại.

Ông cười và cho rằng tính ông xưa nay vốn thế. Ở Bỉ, mỗi khi có dịp tiếp đãi bạn bè hay quan khách ông đều tranh thủ giới thiệu về ẩm thực, văn hóa, tập tục của người Việt Nam.

Cái tính cách rất riêng biệt mà bè bạn thường trêu rằng “nhà quê” của ông đã chinh phục người nước ngoài. Nhiều vị “Tây gốc” trở thành bạn tâm giao với ông. Họ tò mò và thích khám phá một người bạn mà không thể lẫn vào đâu được giữa nhịp sống hối hả và vô vàn thứ na ná nhau.

Và như một hệ quả tất yếu, cuối cùng những người bạn ấy đã chung sức giúp ông tổ chức “Dạ tiệc Việt Nam” tại Bỉ (tháng 11-1993) với 3 đầu bếp nấu những món ăn dân tộc như phở, cá kho... được mời từ Việt Nam sang. Buổi dạ tiệc đã thu hút giới quan chức và báo chí tham dự.

Nhiều vị khi tan tiệc vẫn còn tiếc nuối. Chính điều này đã động viên ông, và đến tháng 3-1996, được sự hậu thuẫn của bộ trưởng bộ giáo dục, ông đăng cai tổ chức “Tuần lễ ẩm thực Việt Nam” tại Bỉ rất thành công. Cánh cửa giao lưu văn hóa đã mở ra những cơ hội kết giao, đem đến cho ông những người bạn, những chuyên gia đầu ngành...

Trở về

Nhiều lần ông là một trong những thành viên của phái đoàn Bỉ sang Việt Nam công tác với tư cách là công dân Bỉ. Vinh danh đấy, nhưng có cái gì nhói lòng khi phải làm khách ngay trên đất mẹ!

Năm 1997, ông là 1 trong 4 thành viên của phái đoàn Bỉ đến Việt Nam tham gia “Hội nghị các nước nói tiếng Pháp”.

Trăn trở từ lâu, nhân cơ hội này ông đứng ra thuyết phục bạn bè trong đoàn nán lại tham quan và truyền dạy nghiệp vụ cho Trường Du lịch Hà Nội. Ông đứng ra kết nghĩa giữa trường này và Trường Nghiệp vụ khách sạn và du lịch thành phố Liège.

Trở về Bỉ, ông huy động tất cả các mối quan hệ và nhờ họ giúp đỡ ngành du lịch Việt Nam. Những người bạn đã không thể từ chối trước tấm chân tình của ông dành cho quê hương.

Để thực hiện được dự định của mình, ông đã mạnh dạn gõ cửa thuyết phục những bộ trưởng, trình dự án xin kinh phí ăn ở, đi lại cho đoàn. Trước việc làm đầy trách nhiệm ấy, Chính phủ Bỉ đã không thể chối từ và ông được tạo điều kiện tối đa.

Tháng 7/2004, tranh thủ kỳ nghỉ hè, ông thực hiện chuyến hành hương đúng nghĩa đầu tiên với một lực lượng giáo viên của Viện Heusy cùng “vua bếp” Bỉ - Pierre Fonteyne, Chủ tịch Hiệp hội Các đầu bếp ngoại hạng Bỉ, sang giúp ngành du lịch TPHCM tổ chức các lớp bếp Âu, bàn và cắm hoa, ngoại ngữ...

Cũng từ đây vào mỗi kỳ hè ông đều trở về quê cùng bè bạn của mình đóng góp thầm lặng cho ngành du lịch Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông còn dành nhiều thời gian tham gia công tác xã hội. Ông lặng thầm nhận đỡ đầu cho những sinh viên nghèo của dải đất miền Trung trong nhiều năm qua. Biến những day dứt, trăn trở thành hành động cụ thể nhưng trong ông lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm của người con xa xứ!

Ông bảo: “Thèm lắm, thèm đến ngẩn ngơ cái món đọt khoai lang chấm mắm tôm, thèm một ly cà phê ở quán cóc, một bản nhạc Trịnh Công Sơn và thậm chí một tiếng rao mơ hồ nào đó trong đêm”.

Có lẽ, cũng chính những điều đó mà trong những lần trở về, ông đều lang thang trên mọi ngõ ngách phố phường với bộ cánh giản dị, cách nói chân phương và không muốn ai nhận ra mình là khách ngay trên đất mẹ!

(Theo Người Lao Động)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu