A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về nước kinh doanh... “gốc rạ”

Năm 1999, nghe tin đồng bào miền Trung chìm trong cơn lũ dữ, ông cùng bảy y bác sĩ khăn gói bay từ Mỹ về với hàng hóa trị giá hàng trăm triệu đồng cứu trợ đồng bào quê nhà... Trong một lần lang thang qua Cẩm Nam, nhìn mảnh đất hoang bên sông Hoài quanh năm ao tù nước đọng, ông nhận ra rằng đây sẽ là nơi để ông thực hiện ước mơ “làm nông dân thời hiện đại: kinh doanh gốc rạ...”.



 Giám đốc Nghĩa (bên trái) trao đổi
với nhân viên

Năm 1987, ông là người Việt đầu tiên nhận chiếc chìa khóa vàng, biểu tượng cho nhà doanh nghiệp  xuất sắc nhất trong năm của thành phố Stockton (California, Mỹ).

Một điều khá bất ngờ là chúng tôi thử hỏi nhiều Việt kiều Mỹ có biết ông Đặng Xuân Nghĩa không thì hầu hết đều lắc đầu. Nhưng khi chúng tôi đưa tấm hình  ông chụp ở khu du lịch làng quê VN bên bờ sông Hoài thì tất cả đều “ồ” lên, bảo:

“Ông Nguyễn Văn Cu Tý đây mà”. Thì ra, ông giải thích: “Ở Mỹ, tôi vẫn giữ cái tên tục của mình (để nhớ về quê hương ấy mà) và chọn luôn tên Cu Tý để giao dịch trên thương trường Mỹ...”.

Chuyện đời của ông lão Việt kiều

Quả là ông giống nông dân thật: cái dáng thô mộc “diện” bộ quần áo nâu sồng, mang đôi guốc gỗ, tay xách chiếc giỏ lác đi chợ mỗi ngày. Hơn sáu năm qua, lúc nào người dân Hội An cũng thấy ông như vậy...

Trò chuyện cùng ông trong căn lều tranh bên sông Hoài, tôi mới biết cuộc đời ông cũng lắm gian truân: cả thời niên thiếu cũng mò cua bắt ốc, cũng no bụng nhờ củ sắn, củ khoai, người mẹ cũng tảo tần, chắt chiu nuôi con ăn học... Rồi ông cũng lấy được tấm bằng dược sĩ, niềm mơ ước lớn của nhiều gia đình ở Điện Bàn, Quảng Nam.

Sau giải phóng, không chịu nổi những đố kỵ của một số lãnh đạo chính quyền địa phương, ông vào Sài Gòn dạy học. Đến năm 1979, một cô học trò của ông tìm đường cho ông vượt biên. Nhớ lại những ngày tháng ấy, ông nói: “Mọi chuyện cũng do hoàn cảnh đưa đẩy. Sống trên đất người mới thấy hết nỗi buồn tủi. Không ở mô bằng quê mình...”.

Nhớ quê, ông quyết tìm đường trở về. Ngày đi cũng lắm gian truân, ngày về... phải chờ đợi. Ông kể, bắt đầu từ năm 1980, ông đặt kế hoạch mỗi ngày phải làm việc 12-16 giờ, vừa làm vừa học. Làm để có tiền, còn học là học cái tinh hoa, cái cách làm giàu của họ.

Khắp trên đất Mỹ, ông đã trải qua nhiều nghề: bắt đầu là rửa chén thuê trong các nhà hàng, rồi dọn vệ sinh, hái trái cây, giữ trẻ, cắt cỏ... “Suốt trong bốn năm trời tui trải qua dễ chừng cũng 10 nghề” - ông nói.

Khi đã quen vùng đất mới và am hiểu cuộc sống công nghiệp nơi đất Mỹ, năm 1984, tích cóp từ những đồng tiền làm thuê và vay mượn bạn bè, ông thành lập trung tâm phân phối bán sỉ thực phẩm tại San Jose (California). Ông làm giám đốc và nắm giữ 51% cổ phần của Công ty Ifsco. Chưa đầy ba năm sau, ông mở rộng kinh doanh và đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng ở một số thành phố lớn của Mỹ.

Năm 1995, ông hợp tác với Trung tâm Hội chợ triển lãm VN (VEFAC), Bộ Văn hóa - thông tin VN biên soạn và xuất bản đặc san tiếng Anh Vietnamese Business to Business Directory để giới thiệu tiềm năng kinh tế VN đến các quốc gia Anh, Mỹ, Nhật, Pháp... Đồng thời xúc tiến mở ba trường Anh ngữ quốc tế đầu tiên tại TP.HCM để “góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho hội nhập kinh tế” - ông nói.

Và giấc mơ làm nông dân

  Ông Nguyễn Sự, bí thư Thị ủy Hội An, bảo rằng lúc đầu ông còn hồ nghi, đến khi ông Nghĩa làm thật ông vẫn chưa tin. Mãi đến lúc khu làng quê VN đưa vào hoạt động, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan và làm nông dân cùng ông Nghĩa, ông mới thật sự “tâm phục, khẩu phục cái ông lão có dáng dấp quê mùa ấy”. Ông Sự khẳng định: “Cái tâm và cái tầm nhìn xa trông rộng của ông Nghĩa là một dẫn chứng về cách nhìn mới về phát triển kinh tế, xã hội; không cần ở đâu xa, ngay nơi đất cày gốc rạ cũng có thể làm giàu được...”. 
Năm 1999, nghe tin đồng bào miền Trung chìm trong cơn lũ dữ, ông cùng bảy y bác sĩ khăn gói bay từ Mỹ về với hàng hóa trị giá hàng trăm triệu đồng cứu trợ đồng bào quê nhà... Dịp này, ông về Hội An thăm lại ngôi trường thuở nhỏ ông học (trường Trần Quí Cáp). Trong một lần lang thang qua Cẩm Nam, nhìn mảnh đất hoang bên sông Hoài quanh năm ao tù nước đọng, ông nhận ra rằng đây sẽ là nơi để ông thực hiện ước mơ “làm nông dân thời hiện đại: kinh doanh gốc rạ...”.

Sau chuyến cứu trợ, ông đặt thẳng vấn đề với chính quyền Hội An. Ông Nguyễn Sự, hồi ấy là chủ tịch UBND thị xã, nhìn ông ngạc nhiên bảo: “Cái mảnh đất ni hồi xưa đến chừ có ai đụng đến đâu, chú muốn thì Hội An giao cho chú. Nhưng liệu có làm ăn gì được không?…”.

Chừng ba tháng sau, ông quay trở lại Hội An với đề án thành lập khu du lịch làng quê VN từ mảnh đất ao tù ven sông. Cuối năm 2000, ông quyết định về ở hẳn VN lo xây dựng khu làng quê VN. Các lão nông làng nghề truyền thống đất Quảng được ông mời về trực tiếp xây dựng làng.

Chỉ trên khoảnh đất rộng 12.000m2, hơn bốn năm sau, 21 làng nghề truyền thống được xây dựng, với cây đa giếng nước, lũy tre, đền thờ thành hoàng, ruộng lúa, nương dâu, cô hàng nước chè xanh nơi đầu làng cùng những lớp học chữ nho với ông đồ già... Tất cả “cư dân” trong làng đều làm bánh, làm nghề truyền thống và đều bận một thứ quần áo vải nâu sồng thô mộc được dệt từ làng nghề ở Duy Xuyên. Một làng quê VN nguyên mẫu thế kỷ 19 được tái hiện bên khu đô thị cổ Hội An.

Tôi còn nhớ ngày hoàn thành vào cuối năm 2005, ông kéo tôi ra đầu làng chỉ hàng chữ Nho và dịch nghĩa: Ông cha sáng lập truyền lưu lại/ Bảo tồn cơ nghiệp nhớ ơn xưa. Ông tâm sự: “Toàn bộ gia sản bên Mỹ tôi bán hết, đem về đầu tư vào cái làng ni. Lòng tôi tâm nguyện một điều là toàn bộ lợi nhuận thu được trích một phần trả lương cho nông dân của làng, còn lại tôi sẽ đầu tư xây dựng một nhà dưỡng lão. Khi không còn làm được nông dân trong làng nữa, tôi sẽ về nhà dưỡng lão để sống với các cụ không nơi tương tựa đến cuối đời...”.

Hoài Nhân (Tuổi trẻ)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu