A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếng Việt hiện đại đến Úc

Mặc dù vẫn tồn tại nhiều khó khăn, tiếng Việt hiện đại đã và đang len lỏi vào cộng đồng Việt ở Úc nhờ vào sự nỗ lực của các giáo viên tại đây.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Quốc tế giáo dục Úc (AEI) thuộc Tổng lãnh sự quán Úc tại TP.HCM, tính đến cuối năm 2009, có hơn 21.000 học sinh-sinh viên Việt Nam đang du học tại các trường phổ thông và đại học ở Úc. Họ đến Úc để học tập và khá nhiều người đã chọn ở lại Úc làm việc và sinh sống sau khi hoàn tất khóa học. Một số người đi dạy tiếng Việt tại các trường cộng đồng trong thời gian đi học. Cũng có một số người trở thành giáo viên dạy tiếng Việt sau khi tốt nghiệp. Tiếng Việt hiện đại đã và đang theo chân các sinh viên này đến Úc và len lỏi vào cộng đồng Việt ở đây.

Điều không thể...

Trong thời gian đầu khi mới sang Úc du học, anh Tùng đã tham gia dạy tiếng Việt cho các em người Việt từ lớp 6 đến lớp 10 trong các lớp học cộng đồng ở St. Vincent Liem tại Flemington. Anh dạy ở đây được gần một năm, vào các ngày thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần.

Anh cho biết đa số các giáo viên dạy học ở đây sinh ra hoặc lớn lên ở Úc. Mọi người dạy tiếng Việt theo giáo trình đã có sẵn. Tuy nhiên, có những khác biệt rõ rệt trong cách dạy tiếng Việt ở Úc và Việt Nam. Khi học tiếng Việt ở Việt Nam, dù là tiếng mẹ đẻ nhưng học sinh phải học đánh vần, những môn như từ ngữ, ngữ pháp... Ở Úc, giáo trình không cập nhật những vấn đề này mà dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai, đưa ra những mẫu câu và các ví dụ để học sinh thực tập. Điều này cũng tương tự như người Việt học tiếng Anh, khi bắt đầu học cũng chỉ học những mẫu câu có sẵn mà không biết tại sao những từ đó đi với nhau lại đọc như thế. Nói tóm lại là người học không hiểu được cái gốc của ngôn ngữ đó.

Anh Tùng đã mang những từ ngữ mới đang được sử dụng ở Việt Nam vào chương trình dạy. Tuy nhiên, anh đã gặp một số khó khăn nhất định.



 Tiếng Việt được giảng dạy như ngoại ngữ tại Úc. (ABC)


“Khi nói chuyện đùa giỡn với các đồng nghiệp thì việc cập nhật tiếng Việt mới không có vấn đề gì. Tuy nhiên, để đưa các từ ngữ mới đó vào giáo trình chính thức để dạy thì đó là điều không thể xảy ra. Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở chỗ khi cập nhật tiếng Việt đương đại cho các em học sinh, các em ấy về nhà nói chuyện với ba mẹ thì chưa chắc ba mẹ đã hiểu. Đó là chưa kể đến khả năng tiếp thu những từ ngữ mới bởi dù sao tiếng Việt cũng chỉ là ngoại ngữ, tiếng Anh mới là ngôn ngữ chính của các em”, anh Tùng cho biết.

Chủ động về giáo trình và phương pháp dạy

Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, Phương tiếp tục chương trình Master of Arts in TESOL ở Brisbane (Teachers of English for Speakers of Other Languages - Giáo viên dạy tiếng Anh cho người nước ngoài). Sau khi tốt nghiệp, Phương hiện đang dạy tiếng Việt tại Trung tâm Giáo dục của Đại học Sydney (Centre for Continuing Education at University of Sydney) cũng như dạy tiếng Anh cho sinh viên quốc tế.

Phương cho biết các giáo viên ở trung tâm, không chỉ tiếng Việt mà cả các ngôn ngữ khác, được giao trọng trách tìm kiếm những giáo trình phù hợp với đối tượng người học để giúp họ đạt kết quả tốt nhất. Cô đã tham khảo nhiều sách dạy tiếng Việt khác nhau và cuối cùng chọn bộ giáo trình của tác giả Phan Văn Giưỡng của trường Đại học Victoria.

Phương nói: “Đây chưa hẳn là sự lựa chọn tốt nhất nhưng nó phù hợp với mục đích dạy của các khóa học tiếng Việt tại đây. Cuốn sách này đã được soạn cách đây khá lâu, khoảng 15 năm, nên Phương cập nhật thêm các từ ngữ và khái niệm mới trong quá trình dạy, đồng thời cung cấp các từ đồng nghĩa với những từ được sử dụng trong giáo trình để người học hiểu rõ hơn.”

Trước mỗi khóa học, Phương cho hay cô thường chuyện trò với học sinh để từ đó có cách dạy thích hợp. Dạy ngôn ngữ không chỉ là dạy tiếng mà còn giới thiệu những nét về văn hóa và đời sống người dân của đất nước đó. Phương giới thiệu cho người học về áo dài, sưu tập những mẫu hình áo dài, đám cưới Việt để họ hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Khi học sinh đã có thể đọc tiếng Việt lưu loát, cô tiếp tục giới thiệu những đoạn phim ca nhạc có phụ đề tiếng Việt bên dưới giống như karaoke để người học có thể hát được những bài hát Việt Nam. “Học viên rất thích những hình thức học như thế”, Phương kể.

Kết hợp giáo trình giảng dạy

Anh Đào dạy môn tiếng Việt tại các trung tâm ngôn ngữ tiểu bang Victoria (Victorian School of Languages - VSL) từ năm 1995. Anh cho biết hiện nay tại bang Victoria, không như các môn học khác, chưa có một giáo trình chung chính thức nào cho môn tiếng Việt. Các giáo viên dựa trên các tiêu chuẩn do chính phủ tiểu bang quy định được gọi là VELS - Victorian Essential Learning Standards rồi tự tìm giáo trình hoặc soạn các bài học. Các sách dạy tiếng Việt phổ biến ở Úc chủ yếu là của ông Thái Đắc Nhương và ông Phan Văn Dưỡng, thế nhưng hai bộ sách này cũng đã được soạn thảo cách đây 10-15 năm, cho dù có cập nhật mới thì cũng chỉ là đảo thứ tự các chủ đề. Vấn đề giáo trình chung đã được đưa ra tại các buổi họp ở Victoria trong một thời gian dài nhưng hiện vẫn chưa giải quyết xong.

Trong hoàn cảnh đó, một số giáo viên vẫn sử dụng những giáo trình đã được biên soạn sẵn ở Úc. Một số khác kết hợp các nguồn giáo trình khác nhau cùng với những kiến thức thu nhận được trong các chuyến đi về Việt Nam.

Với mục đích là nhằm giúp các em học sinh tiếp thu tiếng Việt một cách hiệu quả nhất và theo kịp sự phát triển của ngôn ngữ Việt, anh Đào đã kết hợp các giáo trình ở Úc, Mỹ và Việt Nam trong khi dạy học. “Ngôn ngữ phải phản ánh được nhận thức của xã hội và gắn với cuộc sống của người dân. Dạy cho các em nói và hiểu được tiếng Việt dù ở bất cứ nơi đâu là trách nhiệm của người dạy, nếu không thì dạy để làm gì...”, anh Đào nói.

(Theo Bayvut) 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu