A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lớp học trên Biển Hồ

Giữa mênh mông sóng nước tại Biển Hồ (Campuchia) có một ngôi trường dạy tiếng Việt.

 Cách trung tâm TP Siem Reap (Campuchia), nơi có đền Angkor Wat nổi tiếng khoảng hơn nửa giờ đồng hồ đi bằng ô tô qua những con đường ngoằn ngoèo, bụi bặm, chúng tôi đặt chân đến bến đò Changknia. Từ đây, bắt thuyền máy chạy khoảng 30 phút nữa thì đến ấp 7, xã Chanknia, TP Siem Reap nơi hiện có khoảng 2.000 người Việt đang sinh sống trên những căn nhà nổi tạm bợ lênh đênh theo con nước của Biển Hồ.


 
Ngôi trường trên sóng nước

Qua một vài khu nhà nổi, có một ngôi trường dạy tiếng Việt với dòng chữ “Trường Việt Nam”, đây được xem là ngôi trường duy nhất dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt sinh sống trên Biển Hồ. Nói là trường học nhưng thực ra đó chỉ là một căn nhà bè nổi làm bằng gỗ rộng khoảng 70m2 do ông Nguyễn Văn Đầy (Sáu Đầy), nguyên Chủ tịch Hội Việt kiều ấp 7, người đã bỏ nhiều công sức để vận động các tổ chức gây dựng trường học.

Trường hiện có 4 lớp dạy cho học sinh tiểu học với 210 em, do hai thầy giáo cùng quê ở tỉnh Tây Ninh tình nguyện sang Biển Hồ dạy từ thiện. Đó là thầy gáo Nguyễn Minh Luân (24 tuổi) và thầy Trần Văn Tư; thầy Tư dạy lớp 1, thầy Luân đảm nhận 3 lớp còn lại, mỗi lớp các em chỉ học 2 tiếng rưỡi/ngày vì phải nhường phòng cho các lớp khác học.

Trước đây, các em chỉ được dạy Toán và Tiếng Việt, nay được học thêm môn Lịch sử; học sinh ở đây được học miễn phí hoàn toàn. Nhìn lên bảng thông báo trên vách lớp học có ghi rõ: “Học sinh từ lớp 1 đến lớp 4, nếu thiếu sách vở, dụng cụ học tập thì hãy gặp thầy Tư - Quản lý nhà trường để nhận miễn phí”.

Em Lê Thị Thúy (14 tuổi), học lớp 4 cho biết: “Nhà có 3 anh em nhưng chỉ có một mình em được đi học, hai người anh còn lại phải theo ba đi chài lưới để kiếm tiền đổi gạo. Thúy cho biết nhà em cách trường học rất xa, vì vậy để đến lớp kịp học lúc 7 giờ sáng thì em phải thức dậy lúc 5 giờ để chuẩn bị mọi thứ rồi tự chèo ghe đến lớp hoặc đi ké ghe của những người bán cá”.

Công việc dạy học gặp nhiều khó khăn như thế nhưng khi chúng tôi đề cập đến vấn đề tiền lương, thầy Luân cũng như thầy Tư đều cho biết, các thầy ở đây dạy từ thiện, không nhận lương. Thầy Luân thì tâm sự về sự có mặt của mình ở ngôi trường này: “Khi còn học THPT ở quê nhà, mình có nghe nhiều người kể về những đứa trẻ là con em ngư dân người Việt sinh sống ở Biển Hồ không có điều kiện đi học do gia đình quá khó khăn, vì vậy khi học xong lớp 12, nhân dịp qua thăm ông bác ruột đang sống ở Biển Hồ, thấy cảnh thất học của các em tội nghiệp quá, mình quyết định ở lại dạy chữ cho các em. Lúc đầu thì phụ cho thầy giáo Tư, sau đó trở thành “giáo viên chính” của trường”.

(Theo Thanh Niên) 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu