A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đầu quân cho BP, "cửa khó" với ngư dân gốc Việt

Chiều 11/5, hãng dầu khí BP (Anh) tổ chức khóa huấn luyện đối phó tràn dầu trên vịnh Mexico cho các ngư dân Việt Nam tại thành phố New Orleans, Louisiana (Mỹ). Tuy nhiên, cơ hội việc làm cho ngư dân gốc Việt vẫn hết sức mơ hồ.


 
Ngư dân người Việt cho rằng họ không được quan tâm. Ảnh: Nola.

Để được tham gia chương trình đối phó dầu tràn, chủ tàu, thuyền trưởng và thuyền viên phải cùng tham gia vào khóa huấn luyện. Tuy nhiên, việc hoàn thành khóa học không đảm bảo thuyền của họ sẽ được sử dụng.

Tình nguyện viên Vien Nguyen đã chờ đợi hàng giờ cuộc đối thoại với hãng BP, Bảo vệ bờ biển, giới chức bang và liên bang để nêu một câu hỏi: “Liệu hãng BP có thuê hơn một nửa số ngư dân mất việc là người gốc Việt hay không?”. Hugh Depland, đại diện BP được cử đến thương lượng với cộng đồng người Việt tại New Orleans cho rằng: “Có thể là không”. Ông Depland cũng cho biết, đến nay trong số 900 ngư dân đủ điều kiện thì mới có gần 100 người được hãng thuê. Như vậy, phần lớn ngư dân người Việt bị ảnh hưởng do dầu tràn vẫn đang bị đẩy ra ngoài phạm vi quan tâm của hãng BP cũng như giới chức khu vực. Luật sư Joel Waltzer, đại diện cho một số ngư dân nói, hơn một nửa số ngư dân bị ảnh hưởng từ thảm họa dầu tràn là người Việt và chính họ là những người chịu thiệt hại nhiều nhất.

Rào cản lớn nhất đối với người Việt tham gia chương trình của BP là ngôn ngữ khi phần lớn trong số họ không nói được hoặc chỉ nói chút ít tiếng Anh khiến các buổi thương lượng kéo dài gấp đôi, gấp ba so với thông thường. Công ty ESIS Delaware, được BP ủy quyền giải quyết khiếu nại không có phiên dịch tiếng Việt. Việc này ảnh hưởng đến những ngư dân chỉ nói được tiếng Việt. Đối với lệnh đóng cửa ngư trường, nhiều ngư dân bày tỏ bất bình khi cho rằng, tại sao cấm đánh bắt mặc dù dầu chưa tràn đến nơi. 

Trong phiên điều trần trước Quốc hội hôm 11/5, tập đoàn BP cho rằng thảm họa tràn dầu là do trục trặc kỹ thuật của bộ phận an toàn do một công ty khác chế tạo. Ngược lại, công ty Transocean khẳng định, BP là chủ sở hữu nên phải có trách nhiệm và công ty Halliburton được giao lấp giếng khoan thử không hoàn thành công việc. Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ tách Cơ quan quản lý khoáng sản, vốn kiêm cả xây dựng chính sách và khai thác dầu mỏ, thành hai cơ quan riêng lẻ, một phụ trách thực thi an toàn và môi trường công cộng, một đảm nhiệm cho thuê và thu thuế.

(Theo Đất Việt) 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu