A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về thăm Trường Huyền Tụng B

Mùa Xuân này, chúng tôi có dịp đến Bắc Kạn cùng với đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Cũng nhờ có chuyến công ác ấy mà tôi được tới thăm Trường Phổ thông cơ sở Huyền Tụng B ở thị xã Bắc Kạn. Tôi đã từng được nghe câu chuyện về ngôi trường này - ngôi trường được xây dựng bằng tiền ngân sách nhà nước và một phần từ tiền quyên góp ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam ở CHLB Đức.



Trường Huyền Tụng B

Tháng 9/2008, ông Trần Đức Mậu, khi đó là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại CHLB Đức và hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, đã cùng với một số kiều bào ở Đức thay mặt cho toàn thể cộng đồng người Việt Nam ở Đức trao số tiền quyên góp được cho Ủy ban Nhân dân thị xã Bắc Kạn để góp phần xây dựng trường. Bây giờ, khi tôi tới thăm, ngôi trường đã hoàn thành và các em học sinh đã được học năm thứ hai ở ngôi trường mới, chấm dứt cảnh học nhờ suốt bao năm qua.

Tấm biển ghi nhận sự đóng góp của
cộng đồng người Việt Nam ở CHLB Đức

Trước mắt tôi là toàn cảnh ngôi trường khang trang. Trong đoàn chúng tôi, chỉ có ông Trần Đức Mậu đã tới đây. Nhưng ngay cả ông Mậu cũng ngạc nhiên. Đoạn dốc từ đường quốc lộ dẫn lên cổng trường đã được làm phẳng để các em học sinh dễ đi lại. Các hạng mục công trình trong trường đã hoàn tất. Sân trường được trồng cây. Vườn thực vật của trường đã kín các loại cây. Các phòng học, phòng giáo vụ và nhà ăn cho học sinh bán trú sạch sẽ. Cách cổng vào không xa, ở vị trí dễ nhận biết nhất có tấm bảng gắn trên tường ngoài ngôi nhà với các phòng học của học sinh ghi rõ ngôi trường được xây dựng với sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở CHLB Đức.

Tôi được biết người Việt Nam ở CHLB Đức, như bà con Việt Nam ta ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ bao năm nay luôn thể hiện tình cảm gắn bó với quê hương đất nước bằng nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có quyên góp giúp đồng bào ở trong nước. Trong câu chuyện với chúng tôi, các vị lãnh đạo chính quyền của Thị xã Bắc Kạn và các cô giáo ở trường đều nhắc lại sự hỗ trợ thiết thực này của cộng đồng người Việt Nam ở CHLB Đức với sự biết ơn chân thành. Tất cả đều nói rằng sớm hay muộn thì Nhà nước cũng sẽ chi tiền cho việc xây dựng Trường Phổ thông Cơ sở Huyền Tụng B vì không thể để các em học sinh của trường phải đi học nhờ ở nơi điều kiện vật chất tồi tàn mãi được, nhưng cũng không thể chắc chắn được là đến bao giờ. Sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt Nam ở Đức đã tạo động lực quyết định để chính quyền địa phương quyết tâm xây dựng ngôi trường này nhanh chóng hơn.

Có đi về vùng miền núi và vùng sâu, vùng xa mới thấu hiểu việc dạy và học ở các trường khó khăn, vất vả và tốn kém như thế nào. Chi phí để xây dựng được Trường Phổ thông cơ sở Huyền Tụng B Bắc Kạn vào khoảng hơn 5 tỷ đồng vì gần như tất cả nguyên vật liệu đều phải vận chuyển từ miền xuôi lên. Phần đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở CHLB Đức khoảng hơn 900 triệu đồng. Danh sách tất cả những cá nhân và tập thể ở CHLB Đức đóng góp thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức được trao cho trường và hiện được giữ ở trường. Hôm trao số tiền này hồi tháng 9/2008 có sự chứng kiến của ông Hoàng Ngọc Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn, đại diện những ban ngành liên quan của tỉnh và thị xã cũng như của giới báo chí truyền thông.



Thăm cơ sở vật chất của nhà trường



Phòng thư viện của Trường Huyền Tụng B

Đối với các em học sinh, việc kiếm được cái chữ cũng thật gian nan. Có được ngôi trường này, các em không chỉ không còn phải đi học nhờ ở những nơi điều kiện vật chất tồi tàn, mà còn không phải đi quãng đường xa hàng chục km hàng ngày đến trường nữa. Có nghe kể về gia cảnh và lộ trình đi học hàng ngày của các em mới thấy hết được nghị lực bền bỉ của học sinh nơi đây để vươn tới chân trời tri thức. Có đến tận đây chứng kiến niềm vui của các thày cô và các em học sinh thì mới thấu hiểu khát vọng bao năm qua của thày cô và các em về một ngôi trường khang trang đáp ứng các tiêu chuẩn của trường học được công nhận là trường chuẩn quốc gia, mới ý thức được giá trị của sự đầu tư từ chính quyền tỉnh và thị xã cho việc xây dựng ngôi trường này và ý nghĩa của sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức.

Tôi được biết ngoài số tiền đã quyên góp nói trên, bà con Việt Nam ở CHLB Đức còn quyên góp gây một quỹ học bổng hàng năm cho các em học sinh của trường và mùa Hè này sẽ trao học bổng đợt đầu tiên. Ông Mậu cho biết đã vận động được doanh nghiệp ở Đức và Việt Nam ủng hộ trường một số máy tính để xây dựng phòng máy tính cho các em. Ông còn mơ ước quyên góp đủ tiền để xây dựng một thư viện cho các em trong trường và cả các trường khác nữa.

Lúc chia tay, chị Thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Bắc Kạn và cô Hưng, Hiệu trưởng nhà trường, nhờ tôi thông qua Tạp chí Quê Hương gửi lời cảm ơn sâu sắc tới cộng đồng người Việt Nam ở CHLB Đức và Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức cùng với lời mời chân thành bà con có dịp hãy về thăm ngôi trường này.

Phương Thuận


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu