A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Việt ở Nga 20 mùa gió tuyết - Kỳ cuối: Qua Volga làm chủ trang trại

Volgagrat rất giống làng quê VN ở vẻ thanh bình và những dấu tích chiến tranh. Có lẽ từ sự đồng cảm đó mà một cựu chiến binh VN đã dừng chân lại mảnh đất này, lập ra trang trại đầu tiên có quy mô nhất của người Việt trên đất Nga.



 Ông Dương Hải An thăm nông trang hơn 200ha của mình


Làm nông, nghề mới của người Việt

Volgagrat nằm cách Matxcơva khoảng 1.000km về phía nam, là địa bàn tương đối ấm trong số hơn 20 thành phố có cộng đồng người Việt sinh sống. Thành phố này nổi tiếng với dòng sông Volga yêu kiều trong sắc vàng thu, với tượng đài “Người mẹ Tổ quốc” và đồi Mamaev. Nó được biết đến như một địa điểm mà cộng đồng người Việt hình thành khá sớm trên đất Nga.

Từ năm 1961 đã có nhiều người Việt đến đây, chủ yếu là đi theo diện trao đổi đào tạo và nghiên cứu sinh. Hiện tại có khoảng 1.000 người Việt, phần lớn làm việc trong khu thương mại Tractornưi, nông trang do Công ty Volga - Việt quản lý. 

Ông Dương Hải An, người được gọi vui là “địa chủ” Việt ở Nga, cho biết: “Nhu cầu rau Việt của cộng đồng ở Nga lớn lắm, lại được giá. Mỗi ký rau muống ở đây có giá đến 10 đô vào mùa đông. Bầu bí, mướp, khoai lang... cũng là mặt hàng khá được bà con ưa chuộng.

Mặt khác, người Nga cũng có nhu cầu về rau củ nhưng nền nông nghiệp của họ chưa đáp ứng đủ. Suốt nhiều năm trời tôi bị dằn vặt bởi câu hỏi: Liệu người Việt mình có thể làm giàu từ những cánh đồng tuyết trắng này không?

Tôi bắt đầu mày mò, thử nghiệm trên vài hecta. Thấy có triển vọng nên mua luôn 200ha, xem nghề nông như một hướng làm giàu mới. Một phần ba diện tích tôi trồng rau Việt phục vụ cộng đồng, số còn lại thì trồng khoai tây, bắp, cà chua, dưa leo, ớt... đưa vô siêu thị bán cho người Nga”.

Ông Dương Hải An đến Nga từ năm 1989, khởi nghiệp bằng những đồng lương khiêm tốn của một công nhân xây dựng. Tích cóp từ nghề buôn, ông mở ra Trung tâm Thương mại Tractornưi để giải quyết việc làm hợp pháp cho hơn 500 lao động Việt. Năm 1998, ông thành lập Công ty Volga - Việt, mở ra một lối đi mới cho cộng đồng.

Ông chia sẻ: “Xu hướng các chợ bán lẻ dần thay thế bởi hệ thống siêu thị, nghề buôn của người Việt đang vào lúc khó khăn. Đầu tư vào nông nghiệp vừa tốn kém lại không thu lợi nhanh như buôn bán. Nhưng tôi vẫn tin đó là một lĩnh vực đầy tiềm năng. Để đầu tư nhà kính như kiểu nông trang thời Liên Xô thì mình không đủ vốn, vì chi phí cho mỗi hecta như thế lên đến hàng chục triệu đôla. Tôi chọn giải pháp truyền thống: mua hàng ngàn mét khối gỗ, xẻ ra rồi dựng thành luống, phủ nilông lên để trồng trọt, chi phí ban đầu giảm đáng kể”.

Nhưng để được ngắm nhìn những giàn bí trĩu quả, những cánh đồng cà chua đỏ rực, ông cùng những cộng sự đã trải qua rất nhiều chua chát. Những ngày đầu do chưa quen trồng những loại cây hàn đới nên không nắm được lịch canh tác. Nhiều khi gieo trồng muộn, đến vụ thu hoạch thì tuyết đã rơi, rau trái hư hết. Không nản, ông tìm đến các chuyên gia nông nghiệp Nga thuê họ tư vấn. Sau nhiều lần thất bại, đến năm 2004 mới căn bản hoàn thiện được quy trình canh tác.

Nói về những khó khăn, ông chia sẻ: “Khó nhất là làm sao sản xuất được rau củ trái vụ, khi đó lãi suất mới cao. Vì giá nông sản ở Nga vào mùa đông cao gấp tám lần mùa hè. Rồi việc bảo quản và vận chuyển các loại củ ở Nga dưới cái rét -20oC cũng là bài toán nan giải. Mới đây công ty chúng tôi đã mua thêm một hầm trữ đông có khả năng chứa đến 40.000 tấn rau củ. Nhưng khó nhất vẫn là hệ thống phân phối. Người Việt mình vẫn bỏ trống mảng kinh doanh nông sản, vì thế chúng tôi phải dựa chủ yếu vào hệ thống phân phối trong siêu thị của người Nga...”.

Ngồi trên xe đi tham quan cánh đồng ngút ngàn phủ đầy tuyết trắng của ông chủ trang trại Việt, tôi mới cảm nhận được hết sự vất vả và táo bạo của ông. Từ mảnh đất hoang tuyết, hàng ngàn tấn rau củ đã tỏa đi khắp nơi để phục vụ cộng đồng hoặc đưa vào siêu thị bán cho người Nga với thương hiệu Việt.

Đường tắt cho nông sản Việt?

Có thể nói ông Dương Hải An, Giám đốc Công ty Volga - Việt, là người mở đầu phong trào “xuất khẩu nông dân” với lối làm ăn quy củ của người Việt. Để phát triển nông trang rộng 200ha của mình, ông đã về tận Nghệ An hợp đồng với nhiều chuyên gia, nông dân Việt qua làm việc với mức lương từ 400-1.000 USD/tháng.

Ông cho biết: “Hiện có hơn 100 chuyên gia và nông dân Việt làm việc tại nông trang. Thế mạnh của họ là xuất thân từ nông thôn nên rất am hiểu việc trồng trọt, lại chịu khó. Ngoài số đó, tôi còn thuê thêm hàng trăm người Nga và Azerbaijan làm việc theo thời vụ. Tôi vẫn mơ một ngày nào đó trên cánh đồng xanh mướt này chỉ có người Việt. Thử tưởng tượng xem, được ngắm nhìn những giàn mướp dài tít tắp bên dòng Volga với một cánh đồng rộn ràng người Việt cười nói thì sung sướng biết bao...”.

Đưa tay điều chỉnh lại nhiệt độ cho vườn ươm, anh Nguyễn Văn Nam - người ở huyện Nam Đàn, Nghệ An - nói: “Trước đây tôi làm thuê tại một nông trang của người Uzbekistan, vất vả nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Nghe bạn bè giới thiệu, tôi tìm về Volgagrat xin vào làm ở đây được hai năm nay với mức lương 400USD/tháng. Vườn rau cách trung tâm thành phố chỉ 40km nên chúng tôi được về nhà hằng ngày chứ không phải ngủ lại giữa ruộng như ở nơi khác. Chỗ ở, ăn uống, giấy tờ... được Công ty hỗ trợ với giá rẻ. Mỗi tháng tôi cũng dành dụm được vài trăm USD gửi về nhà nuôi vợ con và gia đình”.

Dẫn tôi đi tham quan cái hầm khổng lồ chứa đầy khoai tây và bí đao, anh Phạm Quang Diệm, một cộng sự của Công ty Volga - Việt, cho biết thêm: “Chúng tôi đang học tập và nghiên cứu mô hình nuôi bò sữa. Có lẽ không xa nữa, sẽ có thêm hàng trăm nông dân Việt được tuyển qua để đảm trách việc này. Không chỉ có tham vọng chinh phục cộng đồng, chinh phục thị trường Nga mà chúng tôi luôn mơ một ngày nào đó sẽ đưa được nông phẩm qua các nước châu Âu. Xét về vị trí địa lý là rất thuận lợi. Chi phí sản xuất ở Nga lại thấp so với các nước Tây Âu, vì thế giá cả là hoàn toàn cạnh tranh. Nếu mô hình thành công, khi đó sẽ có hàng ngàn nông dân Việt được đưa đến Nga để làm nghề nông. Người Trung Quốc đã thành công với mô hình này ở vùng lạnh giá Siberia”.

Chiều Volgagrat nắng vàng len qua những cành cây óng ánh tuyết, tôi ghé thăm một chung cư của nông dân Việt. Tiếng trẻ con cười đùa, mùi ngò gai, rau húng phảng phất từ bữa cơm chiều làm quên đi cảm giác đang ở xa quê đến hàng chục ngàn kilômet.

Thế Anh (Tuổi trẻ)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu