A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Việt Nam trong con mắt người Séc (*)

Ngày 11/2/2010 tại Hanoi litte trong khu vực TTTM Sapa, Hội Thanh niên Sinh viên VN tại CH Séc phối hợp cùng Tiểu ban Hội nhập Đa văn hóa quận Libus tổ chức buổi đón Tết Nguyên đán Canh Dần cho người dân Libus và các phóng viên báo, đài, truyền hình của Séc.

Hoạt động nhận được sự tài trợ của công ty SAPARIA a.s.

Nữ phóng viên Daniel Vrbová của Đài Phát thanh Séc đã có mặt tại chỗ và tường thuật về sự kiện này. Buổi tường thuật được phát ngày 16/2/2010, trong đó nói lên một phần không khí đón Tết của người Việt Nam ở Teplice. Sau đây chúng tôi xin đăng tải toàn bộ nội dung buổi tường thuật đó được dịch sang tiếng Việt.

Chiều 13 tháng 2, Hổ đã "ăn thịt Trâu" và một năm mới theo Âm lịch đã bắt đầu - không chỉ ở châu Á, chẳng hạn ở Trung Quốc và Việt Nam, mà cả ở Séc, trong cộng đồng người Việt sống tại đây. Chương trình của chúng tôi hôm này sẽ được dành cho buổi lễ đón Tết năm Dần của người Việt Nam. Chúng tôi mời các bạn đến khu Trung tâm Thương mại Sapa ở Praha 4 và sẽ giới thiệu với các bạn về lễ đón Tết tại Teplice.

Tại cả hai thành phố, người Việt đã mời cả những khách mà họ gọi là “những người bạn Séc” đến dự lễ đón Tết. Những người bạn Séc này có thích các buổi lễ hay không, và những người Việt Nam và người Séc đã cùng sống với như như thế nào trong năm Sửu và năm Dần, tức là năm 2009 và 2010?

Theo các nhà thiên văn học và những người hiểu biết về những con giáp thì năm Dần sẽ là một năm nhanh nhẹn và linh hoạt, có thể đem lại thay đổi hay những phát hiện mới và đem lại may mắn cho những người có tham vọng, tự lập và nhất là kiên trì. Và khi tôi hỏi về lễ đón Tết của người Việt Nam thì cô Duong Thuy cũng đã trả lời khá tỉ mỉ.

“Có khoảng 300 đến 500 người đã đến dự. Tôi cho rằng đa số mọi người đã rất vui và rất thích thú. Một điều rất tích cực nữa là có rất nhiều vị khách người Séc, những người chúng tôi quen biết, cũng đã đến dự, điều đó làm chúng tôi rất vui mừng.”

“Những vị khách người Séc như bạn nói là những ai vậy?”

“Một phần trong đó là những người chúng tôi quen biết, mỗi người đều có thể mời bạn đi cùng. Và một số khách mời khác như ông Chủ tịch Ủy ban Dubí, hay các phóng viên người Séc làm việc tại khu vực.”

“Tại buổi lễ đã có những gì, chương trình như thế nào?”

“Chương trình tập trung giới thiệu nền văn hóa của chúng tôi, có một số điệu múa và một đoạn kịch. Một số ca sĩ sẽ biểu diễn. Ngoài ra, tại đó cũng có màn biểu diễn của các cô gái múa gậy đến từ Dubí và một đội múa dân tộc. Và còn có một ca sĩ... đó là một ca sĩ chuyển giới, anh ta cũng mặc trang phục đóng giả người khác, chẳng hạn như Tina Turner, Madonna, và anh ta đã rất thành công.”

“Anh ta là người Việt hay người Séc?”

“Anh ta là một người Séc.”

“Tại sao các bạn lại quyết định tổ chức buổi lễ này?”

“Các thành phố xung quanh năm nào cũng tổ chức và chúng tôi lấy làm tiếc là ở Teplice chưa bao giờ có hoạt động tương tự, bởi vì với chúng tôi đây là ngày lễ lớn nhất trong năm, giống như khi tại Séc các bạn có Lễ Giáng sinh thì chúng tôi có ngày Tết. Và đây cũng là cơ hội gặp gỡ với bạn bè sau một thời gian dài.”

“Tại sao các bạn lại mời cả người Séc đến dự?”

“Bởi vì họ cũng là bạn của chúng tôi. Tôi cũng phải nói rằng, người VN ở Séc, nhất là những sinh viên đều có nhiều người bạn, cả người Séc và người Việt Nam. Các phương tiện truyền thông thường nói về chúng tôi như là một cộng đồng khép kín và chúng tôi muốn thay đổi quan điểm đó. Chúng tôi không muốn là một cộng đồng khép kín và muốn cởi mở hơn với xã hội Séc, và có thể cũng truyền đạt lại cho những người bạn Séc một số phong tục của chúng tôi cũng như giới thiệu nền văn hóa của chúng tôi với họ.”

Đó là lời cô Duong Thuy nói về lễ đón Tết ở vùng Bắc Séc.

Người Việt Nam sống tại Praha cũng đã tổ chức một buổi lễ lớn, đặc biệt dành cho những người hàng xóm Séc vào hôm thứ năm tuần trước, tức là 2 ngày trước Tết tại Sapa - Trung tâm lớn nhất của người Việt ở Praha 4. Vào năm 2008 tại đây đã xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may và Sapa, trước kia vốn là một khu kho đổ hàng khép kín dành riêng cho người Việt Nam, sau đám cháy đã ngày càng mở cửa hơn với người dân Séc. Nếu các bạn chưa có dịp đến đây thì trước tiên sẽ là một chuyến đi dạo bằng âm thanh với lời giới thiệu từ chính đại diện ban quản lý Trung tâm - ông Hùng.

“Trước mặt các bạn là nơi đã bị cháy vào ngày mùng 7 và mùng 8 tháng 11 năm 2008. Trên thực tế với Sapa thì đây chỉ là một đám cháy nhỏ, vì chúng tôi sở hữu 350 nghìn mét vuông đất, và tại đây chỉ là khoảng 3 nghìn mét vuông. Tôi nói vậy để các bạn biết thêm. Đôi khi các phương tiện truyền thông đưa tin chính xác, nhưng đôi khi cũng thổi phồng sự việc.”

“Đây là trường mẫu giáo dành cho các em nhỏ. Bên dưới là các phòng học - nơi những trẻ em Việt Nam đến học tiếng Séc, và nhất là tiếng Việt, vì các em sinh ra ở Séc, đa số chỉ nói tiếng Séc và cần phải đến đây để học được tiếng mẹ đẻ của mình. Mời các bạn đi tiếp!”

Tại đây chúng tôi bắt đầu tiến vào khu chúng tôi gọi là Chợ. “Đây là nơi mọi người bán hàng, phía đằng kia là nơi cung cấp các dịch vụ. Chúng ta sẽ đi vào trong chợ.”

“Vào mùa đông, kể cả khi bên ngoài lạnh tới âm 15 độ, người Việt Nam vẫn phải làm việc. Họ không có lựa chọn nào khác.”

“Đây là nơi chúng tôi gọi là chiếc miếu nhỏ. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị, đã mua đất ở bên cạnh, khu vực đó đã là của chúng tôi, và chúng tôi muốn xây dựng tại đó một ngôi chùa lớn. Các bạn sẽ có thể đến thăm chùa bình thường, vì ngôi chùa sẽ được mở cửa cho tất cả mọi người. Ngôi miếu nhỏ này cũng mở cửa cho tất cả mọi người, ai muốn đều có thể vào đây được.”

“Khi họ làm động tác như vậy là họ đón khách, tức là các bạn vào đây đều được đón tiếp.”

Tiến sĩ Pavla Jedličková là Chủ tịch Ủy ban Hội nhập Đa văn hóa thuộc quận Praha 4 – Libuš. Ủy ban này được thành lập cũng chính là nhờ đám cháy tại Sapa hồi năm 2008.

“Sau đám cháy tình hình ở đây không được tốt cho lắm. Tất nhiên người dân trong khu vực lo sợ, và chúng tôi ở Ủy ban quận thì lo ngại về sự xuất hiện của thái độ bài ngoại. Đám cháy đó đã làm tê liệt khu vực mất mấy ngày và là một sự can thiệp lớn vào cuộc sống của người dân trong khu vực. Tất nhiên người dân bức xúc vì họ lo sợ không biết khi nào lại xảy ra đám cháy nữa và họ không biết trong khu Sapa rất rộng kia có chuyện gì xảy ra. Sapa - Xaverov nằm trên khu đất có diện tích 35 héc-ta, và đó không phải là một lãnh thổ nhỏ.”

“Người Việt Nam phản ứng như thế nào?”

“Sapa đã rất sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi. Sự hợp tác này quả thực rất đúng mực. Chưa bao giờ tôi gặp phải chuyện người Việt Nam không giữ đúng lời hứa hay thỏa thuận cả. Và đến nay, sau hơn một năm, khi có ai đó – không phải là tất cả, nhưng hội nhập là một quá trình lâu dài – khi ai đó có vấn đề với những người hàng xóm Việt Nam, thì ngày càng có nhiều người không chửi bới trong quán bia mà họ đã nhấc điện thoại gọi cho tôi để giải thích về vấn đề họ mắc phải và nhờ tôi liên lạc với Sapa. Và Sapa đã cho dịch nội quy nhà ở ra tiếng Việt, dịch những quyết định, thông báo cho người Việt biết. Và nếu cần thì họ có người đến tận nhà những người Việt Nam nọ để nói chuyện.”

“Bà có thể kể ra những lý do cụ thể khiến người Séc phàn nàn hay không?”

“Tiếng ồn, hoặc việc người Việt Nam gặp rào cản ngôn ngữ rất lớn. Họ không đọc được thông báo khi nào là ngày đo đồng hồ điện nước, họ không tôn trọng những nguyên tắc sống chung, chẳng hạn họ sửa nhà không có giấy phép.”

“Đã có trường hợp người Việt Nam nhờ đến bà vì có vấn đề với hàng xóm người Séc chưa? Bà đã chẳng nói đến thái độ bài ngoại sau đám cháy mà.”

“Tôi chưa bao giờ gặp phải chuyện này.”

“Bà có thấy việc tạo lòng tin là rất khó không?”

“Điều này thì phải hỏi họ trực tiếp. Tôi không thấy khó.”

“Bà có thấy là nói chuyện với thế hệ người Việt lớn tuổi và lớp trẻ khác nhau không?”

“Thế hệ người Việt thứ hai sống tại đây, nhiều khi sinh ra tại đây, thì hoàn toàn khác. Đó là những người đã hoàn toàn hội nhập vào xã hội Séc. Với thế hệ lớn tuổi hơn thì có vấn đề với rào cản ngôn ngữ, và tôi thì không biết nói tiếng Việt.”

“Năm ngoái tôi đã đến đây quay phim cảnh đám cháy và khi đó có những tin đồn là Ủy ban quận Praha 4 muốn đóng cửa Sapa. Bà có thể nói gì về điều này không? Bà có thể khẳng định hay phản bác điều này không?”

“Vậy chị hãy thử giải thích cho tôi xem làm thế nào để đóng cửa được Sapa? Khu vực Sapa và Xaverov là tài sản tư nhân, chúng tôi phải quốc hữu hóa ư?”

“Tức là Sapa sẽ vẫn tiếp tục tồn tại.”

“Trừ khi lại có thay đổi chế độ. Tất nhiên ở đây có vấn đề với việc tuân thủ luật xây dựng và nhiều vấn đề khác nữa mà tôi phải giải quyết cùng với cảnh sát, với các công sở cũng như với cộng đồng người Việt. Chúng tôi chỉ có thể yêu cầu Sapa-Xaverov đảm bảo cho tất cả các công trình xây dựng tại đó đều hợp lệ. Cảnh sát ngoại kiều có kiểm tra giấy tờ tùy thân của người Việt Nam. Có thể đưa ra sức ép như vậy. Và như thế là đúng, vì ai sống tại Séc cũng đều phải tuân thủ luật pháp của Séc. Nhưng đóng cửa Sapa-Xaverov ư? Cần phải giải thích cho những người dân hiểu rằng điều này không thể làm được.”

Đó là lời bà Pavla Jedličková từ ủy ban quận Praha 4 – Libuš.

Nhưng chúng ta hãy cùng đi vào dòng chảy của sự kiện, đến đại sảnh của hiệu ăn Little Hanoi, nơi có những quầy hàng với các món ăn truyền thống của người Việt, những chương trình biểu diễn hát múa, và những người dẫn chương trình, Igor và Dương.

“Dương à, để mở đầu bạn có thể nói thêm vài câu về ngày Tết được chăng?”

“Tết là ngày lễ có ý nghĩa nhất ở Việt Nam để đón chào năm mới và mùa xuân đến. Khác với ngày lễ năm mới của các bạn, ngày lễ này mỗi năm rơi vào một ngày khác nhau, vì chúng tôi tính theo Âm lịch.”

Bên cạnh tôi là ông Trần Việt Hùng ở Hội Doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế tôi đã hỏi ông mong muốn gì ở năm mới này.

“Người Việt Nam chúng tôi khi đến năm mới bao giờ cũng mong muốn tất cả mọi người trong gia đình, họ hàng, cha mẹ và những người bạn, người quen khác năm mới có nhiều may mắn, sức khỏe và nhất là nhiều thành công trong cuộc sống cũng như trong công việc.”

“Khi tổ chức đón Tết năm ngoái cũng tại Sapa thì tất cả đều chịu ảnh hưởng của khủng hoảng, nhiều người Việt Nam bị sa thải và điều đó cũng thể hiện trong không khí của buổi lễ. Ông có nghĩ rằng năm nay sẽ tốt đẹp hơn không? Tình hình có thay đổi gì không?”

“Theo Âm lịch của người Việt Nam thì năm ngoái là năm Sửu, mà con Trâu thì liên tục phải làm việc vất vả ngoài đồng và không làm ra nhiều tiền. Nhưng năm nay là năm Dần, và khi con Hổ đến thì chắc sẽ đem lại cho chúng tôi nhiều may mắn.”

“Cám ơn ông và chúc ông một năm mới nhiều may mắn!”

“Vâng, cám ơn chị rất nhiều!”

Đó là lời của ông Trần Việt Hùng.

Lúc này chị Trần Hiền, một cô gái trẻ mặc bộ quần áo truyền thống, người phụ trách toàn bộ buổi lễ, đang đi ngang qua.

“Buổi lễ này được tổ chức nhân danh các sinh viên, nhưng có rất nhiều người và tổ chức tham gia: Hội người Việt Nam, Hội doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp. Họ đã đóng góp bằng tiền, góp sức hoặc cho mượn hàng hóa.”

“Chị đã biết toàn bộ sẽ tốn khoảng bao nhiêu tiền chưa? Vì nếu tại đây có 120 khách mời cộng với các phóng viên thì đây là một hoạt động khá lớn.”

“Tại đây có đúng 200 người. Chi phí sẽ hết khoảng 200 nghìn. Chi phí thấp như vậy là vì những người phục vụ ở đây đều không lấy tiền công, đồ uống cũng không mất tiền, chúng tôi chỉ phải trả tiền cho đồ ăn chính. Điều đó có nghĩa là những người phục vụ ở đây không được gì cả.”

“Những khách mời là ai? 120 người đó là những ai?”

“Đó là những người dân ở Libuš. Chúng tôi đã mời họ bằng cách thông qua bà Jedličková chúng tôi đã gửi giấy mời cho khu vực Praha 4, tức là Libuš, Kunratice và Písnice. Và những người có hồi âm đầu tiên là những người may mắn và được mời đến dự buổi lễ này. Số người được mời là 100 người, thêm vào đó 20 người đến từ các ủy ban ở Praha 4.”

“Như vậy là hoạt động đã thu hút rất nhiều người?”

“Chắc chắn là như vậy.”

“Tôi cũng muốn hỏi riêng: Chị cũng sẽ đón Tết Việt Nam như là năm mới của Séc chứ?”

“Đáng tiếc là tôi đã không đón năm mới của Séc, vì tôi mong chờ ngày Tết Việt Nam đến mức tôi dành tất cả cho ngày Tết này. Nhưng chủ nhật tôi sẽ về nhà và tôi đang rất mong đến ngày đó.”

“Về nhà với chị tức là về đâu?”

“Với tôi đó là về Jičín, vì bố mẹ tôi đều sống tại Jičín. Tại đó tôi có em trai, em gái, cháu họ, thế cho nên tôi rất mong được về nhà.”

“Tôi cũng muốn hỏi là thế hệ trẻ Việt Nam vẫn giữ truyền thống đón Tết Việt Nam hay cuộc sống tại châu Âu đã dịch chuyển năm mới của họ vào giữa tháng 12 và tháng 1. Nhưng nhìn vào bạn thì tôi thấy rằng có lẽ không có dịch chuyển đó.”

“Tôi cho rằng chị không nên lấy tôi làm ví dụ, vì nhiều người bạn cũng tặng quà cho nhau cả trong dịp Lễ Giáng sinh và chúng tôi có đón Năm mới Dương lịch, vì thế không thể nói là chúng tôi chỉ giữ truyền thống đón Tết Việt Nam được.”

Đó là lời nói của Trần Hiền, đại diện cho Ban tổ chức và cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Và những khách mời thì đánh giá buổi lễ như thế nào?

“Tôi rất thích! Rất tuyệt vời, rất đẹp. Chúng tôi rất cảm ơn những người đã mời chúng tôi đến dự.”

“Bà sống ngay ở gần đây chứ?”

“Vâng, tôi sống ngay tại Libuš.”

“Như vậy là bà đã nhận được giấy mời...”

“...đến tận hòm thư.”

“Bà đã đến đây lần nào chưa?”

“Tôi chưa bao giờ đến đây cả.”

“Còn bà?”

“Tôi cũng chưa đến bao giờ cả, vì tôi vẫn đi làm nên không có nhiều thời gian. Nhưng hôm nay tôi đã tận dụng cơ hội và đến đây.”

“Các bà chờ đợi là sẽ thấy gì khi tới đây?”

“Chúng tôi đã bắt đầu học được cách sống cùng với họ. Chúng ta phải chấp nhận họ, vì họ sống ở đây. Chúng tôi hài lòng với họ, họ đều rất tốt bụng, tôi cũng không biết gì hơn.”

“Bà có kinh nghiệm xấu gì với họ khi họ gây vấn đề không?”

“Không, quả thực chúng tôi không gặp vấn đề gì. Họ là những người dễ mến, tốt bụng. Không, không có vấn đề gì.”

“Bà Jedličková có nói rằng khi xảy ra vụ hỏa hoạn cách đây 1 năm 3 tháng thì nhiều người dân tại đây rất bực bội với người Việt Nam và ủy ban lo ngại sẽ xuất hiện thái độ bài ngoại.”

“Không có, chúng tôi chỉ thấy thương hại họ thôi. Chỉ có một vài cá nhân, những người đấy thì bao giờ chẳng có. Còn đa số chúng tôi đều chấp nhận họ.”

“Tôi chỉ có thể đồng ý với điều này.”

Đó là lời của hai khách mời là phụ nữ.

Còn các khách mời nam giới thì sao? Trong số hai người được hỏi thì một người là ủy viên Ủy ban Praha 4 thuộc Đảng Cộng sản, kỹ sư František Hertz.

“Tôi đã có mặt tại đây cả hôm mùng 7 tháng Giêng. Tôi cho rằng bầu không khí tại đây rất vui vẻ và quan hệ giữa chúng ta và cộng đồng người Việt ngày càng tốt đẹp hơn.”

“Hôm mùng 7 tháng Giêng đã có hoạt động gì?”

“Đó cũng là một hoạt động dành cho những người cao tuổi ở đây, ở Libuš và Písnice. Chúng tôi cũng đã đến thăm ngôi chùa Phật và đi tham quan chút ít tại đây, cũng rất thú vị. Họ đã cho chúng tôi xem những điệu múa và những người Việt còn hát cả những bài hát tiếng Séc. Hôm đó cũng rất hay.”

“Ông nói rằng mối quan hệ với họ ngày càng tốt đẹp hơn và cởi mở hơn. Ông cho rằng đó là vì ông quen biết họ đã lâu hay là tự họ ngày càng cởi mở hơn với những người hàng xóm Séc?”

“Tôi cho rằng những người ở đây thì tốt cả. Nhưng cũng có một số người Việt Nam làm xấu mặt cả cộng đồng. Chẳng hạn khi chị nhìn họ đi xe từ Kačerov về đây và họ ngồi ghế suốt cả quãng đường mà không nhường chỗ cho người già, hoặc họ ào ào chen lên xe và chiếm hết chỗ ngồi. Tôi cho rằng những người đó làm xấu mặt cả cộng đồng. Hoặc đôi khi... tôi cũng chả muốn nói... đôi khi ở đây cũng có xảy ra án mạng.”

“Đôi khi là như thế nào?”

“Ít khi lắm, đó chỉ là ngoại lệ.”

Cũng xin nói thêm rằng từ các phương tiền truyền thông chúng ta có thể biết được rằng một vụ án mạng đã xảy ra tại Sapa vào mùa hè năm ngoái. Cảnh sát cho biết từ năm 2004 đến năm 2009 tại Sapa đã xảy ra 5 vụ án mạng.

Với khách mời nam giới thứ hai được hỏi thì Sapa hoàn toàn không phải là nơi xa lạ.

“Chúng tôi đi vào đây bình thường. Bây giờ ai cũng có thể vào Sapa mua hàng được. Ở đây có nhiều mặt hàng để lựa chọn.”

“Ông thường đến mua gì?”

“Quần áo thì không, chủ yếu là những đồ điện. Hoặc là đồ ăn cũng mua được ở đây, họ có những đồ ăn châu Á rất ngon. Mà tôi đang quảng cáo luôn cho họ ở đây còn gì.”

“Nhưng ông vẫn chưa nói tên cụ thể một ai cả... Ông có hàng xóm người Việt Nam không? Như ngay cùng khu nhà hay cùng phố chẳng hạn?”

“Không, trong phố nhà tôi thì không. Nhưng gần đó thì họ ở khắp mọi nơi.”

“Ông có cho rằng người Séc và người Việt Nam sống cùng nhau tại Praha 4 mà không gặp vấn đề gì không?”

“Tôi cho rằng không có gì. Đây là một cộng đồng không gây phiền phức.”

“Người Séc cũng là một cộng đồng không gây phiền phức.”

“Cũng tùy, không thể nói như vậy về những người hàng xóm của tôi được, tức là về những người Séc ấy.”

“Vậy ông có cho rằng những hoạt động tương tự như ở đây có tác dụng tốt với việc sống cùng nhau không? Tức là chúng cải thiện đáng kể quan hệ hay chỉ giữ vững những quan hệ vốn đã tốt sẵn rồi?”

“Tôi cho rằng chúng có cải thiện, vì đa số người dân ở Libuš đây là người cao tuổi, họ sống theo một quán tính lớn, không biết gì về môi trường này. Khi người ta biết thêm những thông tin mới thì họ sẽ cảm thông với những con người này, hiểu họ hơn và tôi cho rằng chắc chắn là có cải thiện.”

Hai mươi phút dành cho lễ đón Tết do người Việt Nam tại Séc tổ chức cho bản thân và cho những người hàng xóm Séc đến đây là hết. Xin chúc họ trong năm mới con Hổ sẽ chỉ gặp những điều tốt đẹp trong cuộc sống chung giữa hai cộng đồng.

Nguyễn Bảo Ngọc – lược dịch

-----------------------

Chú thích:

(*): Tên bài viết do Quê Hương đặt


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu