A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trải lòng của những người về cội nguồn, khép thương đau

Biến cố năm 1975 khiến không ít kiều bào lần đầu tiên quay về nước đã phải đối mặt với nhiều rào cản. Nhưng dần dà, họ nhận ra đã "mọc rễ" trên mảnh đất quê hương. Và nay, lứa con, cháu họ cũng đang hướng về nguồn cội.

Hỏi đến dự kiến cho tương lai, chị Vũ Thị Kim Hương, chủ nhân khách sạn Boutique hotel trên đường Phạm Viết Chánh (Q1. Sài Gòn) bỗng phấn chấn hẳn lên. Con rể thứ hai của chị- một bác sĩ người Mỹ cũng vừa chấp thuận theo ý nguyện của vợ là sẽ về Việt Nam sinh sống.

Ra đi vào thời điểm năm 1975, chị Hương là một trong số Việt kiều hồi hương sớm.

Những năm trở lại đây, đang ngày càng nhiều người Việt xa quê về nước thăm gia đình, đầu tư, giảng dạy hoặc làm từ thiện. 35 năm sau biến cố năm 1975, lớp kiều bào trở về mỗi năm càng đông hơn, cũng phần nào xóa đi khoảng cách người Việt trong và ngoài nước.

Những chuyến đi - về đã thành chuyện thường ngày. Nhưng với những người đầu tiên về nước khi bắt đầu đổi mới thì quyết định ấy không hề dễ dàng.

Có cả những trở ngại vì chính sách, chủ trương của một thời. Cũng có không ít nghi ngại do định kiến và từ lòng người...

"Về rồi có đi được không?"



Chị Vũ Thị Kim Hương. Ảnh: Lê Nhung

Về nước lần đầu tiên thăm người mẹ đang lâm bệnh nặng, chị Kim Hương xuống sân bay Tân Sơn Nhất trong tâm trạng phấp phỏng âu lo. Có một nỗi sợ mơ hồ vì không hiểu tình hình trong nước ra sao, người ta sẽ đối xử với Việt kiều thế nào?

Đó là quãng năm 1986.

Thông tin về Việt Nam hạn chế. Bạn bè chị ở Pháp đều có ý "cản" vì không hiểu "về rồi có đi được nữa không? Nhỡ xảy ra chuyện gì rồi thì biết đi đâu?".

Đời sống Sài Gòn những năm đó còn lắm gian nan. Người dân chạy gạo ăn từng bữa. Cuộc cải tạo công thương đẩy không ít người vào cảnh tay trắng. Trước đó vài năm, làn sóng vượt biên ra đi trong những nghịch cảnh khác nhau khiến người ở lại cũng không thể an lòng.

"Nhưng về đến quê nhà thêm mấy lần nữa thì tôi thấy mình như đã mọc rễ ở Việt Nam mất rồi", chị Hương hồi tưởng.

Dần dà, những chuyến trở về ngày càng nhiều hơn. Chị Hương mua một căn hộ ở Singapore để tiện đi lại.

Khi kinh tế thành phố bắt đầu khởi sắc, đón bắt nhu cầu của bà con, chị đã "đánh" những chuyến hàng đầu tiên từ Singapore về Sài Gòn. Sẵn kinh nghiệm kinh doanh bên Pháp, lại chưa có đối thủ cạnh tranh nên việc buôn bán ngày thêm suôn sẻ.

Lãnh đạo thành phố khi đó cũng cởi mở hơn: "Các cháu cứ về đây làm ăn giúp đất nước. Các chú, các bác giỏi đánh giặc chứ làm kinh tế chưa giỏi".

Chị Hương nhớ lại, một trong những động lực thôi thúc chị quyết tâm về nước hẳn năm 1999 đó là, mỗi năm đời sống người dân cải thiện hơn, kinh tế thành phố khởi sắc. Chính sách cho bà con người Việt xa quê mỗi ngày thêm thông thoáng.

Đôi mắt chị thoáng ưu tư khi nói về quãng thời gian mười ba năm đắn đo cân nhắc để có được quyết tâm về sống hẳn tại quê nhà.

"Tôi chính là sợi dây mạnh mẽ nhất, là lý do neo các con lại với Việt Nam"

Đối với chị Kim Hương, điều mãn nguyện hơn hết là chị đã "neo" được các con mình ở lại Việt Nam. Cuộc trở về của các con chị không có những e dè, ngỡ ngàng như chị đã từng phải trải qua.

Nhưng chị Hương cũng cho hay, nhiều bạn bè chị muốn được về nước, được mua nhà để con cháu còn có chỗ đi về, mà sao vẫn thấy chật vật. Nhà nước đã mở cửa cho Việt kiều mua nhà. Tuyên bố của lãnh đạo Đảng, Nhà nước vẫn là "không phân biệt giữa người trong và ngoài nước" nhưng để chính sách tốt đẹp đó đi vào thực tiễn cuộc sống vẫn còn không ít khó khăn.

Điều khổ tâm với những người như chị, là nếu thế hệ cha mẹ không mua được nhà ở ngay chính quê hương mình, thì ắt tình cảm lứa cháu con với Tổ quốc sẽ ngày càng phai lạt.

Một nghịch lý với chị Kim Hương, là kiều bào cớ sao không được tạo điều kiện mua nhà ngay tại quê hương, lại phải lặn lội mua nhà ở Singapore, Thái Lan chỉ để rút ngắn khoảng cách về Việt Nam.

Dường như, vẫn còn một chút ngại ngần của người trong nước mỗi khi nhắc đến những người ra đi bất kể vì lý do gì.



GS Phan Văn Trường. Ảnh: Tuổi Trẻ

Xa quê học tập từ những năm 1950, GS Phan Văn Trường, cố vấn tài chính cho Chính phủ Pháp, người bấy lâu vẫn thường xuyên về Việt Nam làm việc cũng có chung tâm trạng: "Tôi chính là sợi dây mạnh mẽ nhất, là lý do neo các con lại với Việt Nam".

Với một thoáng nhíu mày, GS Trường trầm giọng: "Những người Việt xa quê, họ yêu đất nước hơn chính bản thân mình. Chừng nào đất nước còn cần đến tôi, tôi còn làm việc ở Việt Nam thì chừng đó các con tôi còn là người Việt".

"Hãy nhìn tôi như một người Việt Nam"

Sau mỗi chuyến làm việc, GS Phan Văn Trường lại quay về nhà mình ở Malaysia. GS Phan Văn Trường cho hay, ông luôn sẵn sàng làm nhiều hơn sức khỏe cho phép để cống hiến cho Việt Nam.

"Mỗi gia đình Việt Nam đều có một bề dày lịch sử với nhiều mất mát... Nhưng đất nước hãy nhận chúng tôi như một người Việt Nam", GS Phan Văn Trường tâm sự.

... Và hiển nhiên, đường về nhà với những người Việt ra đi trong biến cố năm 1975 không hẳn đã hết những cản ngại.

Ở tuổi gần 90, Nguyên Phó Thủ tướng, Nguyên Tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam cộng hòa, tướng Nguyễn Hữu Có lặng lẽ sống trên một căn gác đường Nguyễn Đình Chính (Sài Gòn).

Bà Tín, vợ ông cho hay, bạn của hai ông bà, một cựu dân biểu chính quyền cũ hiện đang sống bên Mỹ giờ chỉ mong được về sống ở Việt Nam.

Vợ chồng tướng Có sẵn sàng dành một căn phòng cho hai người bạn già. Song, vì nhiều lý do, thủ tục để bạn ông về quê không dễ dàng.

Từ chính sách hay đến triển khai trên thực tiễn không phải không có những khoảng cách nhất định, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ưu tư.

Và còn có một thực tế phải đối diện là những khoảng cách đang tồn tại trong lòng người. Khoảng cách ấy mới không dễ gì xóa bỏ.

Trong một cuộc trò chuyện với VietNamNet, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng (Bỉ) kể rằng rất nhiều người Việt trẻ ở hải ngoại đã tới tìm ông với mong muốn tìm một cách thức đóng góp cho đất nước. Họ day dứt vì cha ông họ vẫn mang nặng định kiến và những mặc cảm quá khứ nên quyết liệt ngăn cản con cái về nước. Thậm chí, sự khác biệt trong cách nhìn nhận đó đã dẫn tới những xung đột nhỏ nhưng âm ỉ trong gia đình.

Nếu những người cha, người ông đó xóa được định kiến và khép lại quá khứ, thì lớp con cháu của họ sẽ có thể hướng về quê hương dễ dàng hơn và nhanh hơn đến mức nào, ông Hưng trăn trở.

Ông Nguyễn Cao Kỳ: "Tôi đã khóc lần thứ hai trong đời"

 

"Hàng triệu kiều bào ta, mà đa số đã ra đi cách đây ngót 30 năm trong những hoàn cảnh và nghịch cảnh rất khác nhau. Con cháu họ, nay tuyệt đại đa số, nếu không nói là tất cả đều một lòng một dạ hướng về quê hương, với ước nguyện cháy bỏng được góp phần hàn gắn những vết thương chiến tranh, tô thắm non sông, làm giàu cho dân tộc" - ông Hồ Ngọc Nhuận, Phó Chủ tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ quốc TP. HCM, một dân biểu đối lập thời chính quyền Nguyễn Văn Thiệu nói.
Với ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ, đường về quê mẹ ấy không dễ dàng như chị Hương mà kéo dài hơn hai chục năm.

Còn nhớ, tháng 1/2003, dư luận trong và ngòai nước xôn xao khi ông Nguyễn Cao Kỳ được Nhà nước Việt Nam cho phép về thăm quê hương. Người ủng hộ cũng nhiều, nhưng người không đồng thuận cũng không ít bởi họ chưa quên những gì mà "tướng râu kẽm" từng gây ra thời chiến tranh.

Khi kể về lần đầu tiên đặt chân xuống sân bây Tân Sơn Nhất cách đây 7 năm, ông Nguyễn Cao Kỳ vẫn chưa hết bồi hồi.

"30 năm trước tôi khóc vì tôi đã phải rời bỏ quê hương. Có thể nói đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi khóc. Và khi tôi nhìn thấy TP.HCM từ trên máy bay trong lần trở về này thì cũng là lần thứ hai trong đời tôi nước mắt lại tuôn ra. Lại một lần khóc nữa vì tôi tìm lại quê hương", giọng ông Kỳ chùng xuống.

Sau chuyến trở về đầu tiên đó, năm nào ông Kỳ cũng bay qua bay lại giữa Việt Nam và Mỹ, tích cực lên tiếng về hòa hợp dân tộc. Ông cũng không giấu diếm nguyện vọng muốn được định cư tại quê hương.

Sau 2 năm trở về Việt Nam với tâm trạng mừng rỡ mà vẫn có lúc "chưa thể nào tin được", đến nay, nhạc sĩ Phạm Duy đã khẳng định: "Tôi về ở hẳn Việt Nam". Với người khác thì không có gì để nói, nhưng với một con người phức tạp như ông thì điều giản dị ấy đã đi qua cả một đời người. Vì sao? Ông già 87 tuổi cười sảng khoái: "Tôi yêu tiếng nước tôi/Từ khi mới ra đời"...

Thứ thuốc tinh thần khiến ông vui nhất - ông khoe - đó chính là tấm chứng minh thư Việt Nam. "Tấm chứng minh thư nói lên một điều gì đó... Tôi là một trong những người được trở về quốc tịch Việt Nam rất dễ dàng. Luật tự nhiên, lá nào cũng rụng về cội, con chim bay đâu thì bay, cuối cùng cũng về xứ. Mọi điều đều giản dị".

Sự trở về của những nhân vật từng được xem là phức tạp, nhạy cảm như ông Nguyễn Cao Kỳ, nhạc sĩ Phạm Duy đã nói thay tất cả về truyền thống hòa hiếu, khoan dung của dân tộc Việt Nam cũng như về chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Nhà nước Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhận xét.

Ba mươi lăm năm đã qua, với từng người, dấu vết chiến tranh đã nhòa, chỉ có quê hương, Tổ quốc còn mãi. Nhưng dường như vẫn còn những khoảng cách vô hình, không phải sự xa xôi cách trở giữa hai nửa bán cầu mà là khoảng cách từ lòng người khiến con đường hòa giải hòa hợp dân tộc vẫn chưa đi được tới đích. Nói như bà Nguyễn Thị Bình, vẫn cần lắm những nỗ lực từ cả hai phía vì hiện tại và tương lai chung của cả dân tộc, trong đó sự chủ động thuộc về những người đang thực thi chính sách hòa hợp.

Thu Hà - Lê Nhung (Vietnamnet)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu