A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những lần đi đáp nghĩa (Phần 2)

Mỗi lần đến ngày thương binh liệt sỹ, tôi lại nhớ đến mảnh đất Củ Chi, nhớ đến những bà mẹ anh hùng ở An Nhơn Tây đã sinh ra những người con đã cống hiến máu xương của mình cho Tổ quốc.

Ngay từ sau Tết năm 1999, Lãnh đạo Tổng Công ty Bến Thành Matxcơva đã lên kế hoạch từ thiện về Việt Nam giúp đỡ các bà mẹ anh hùng ở Củ Chi, nhưng mãi đến tháng 7 chúng tôi mới thực hiện được nhiệm vụ đó.

Đất thép Củ Chi vào cuối những năm 90 trở thành tâm điểm hoạt động tài trợ cho các bà mẹ anh hùng của các trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh và các đơn vị kinh tế khắp cả nước. Không ít những bà mẹ anh hùng được hết đơn vị này đến đơn vị khác quan tâm thăm hỏi; nhưng cũng không ít các bà mẹ và chiến sỹ khác lại chưa hề một lần được trợ giúp và quan tâm. Vì vậy trước khi bay vào Củ Chi, tôi điện cho nhà báo Tôn Hiền ở Đài Truyền hình TPHCM và anh Nguyễn Văn Thông ở báo Thanh Niên là hai người hiểu rõ địa bàn Củ Chi, giúp tôi chọn những địa chỉ tài trợ có ý nghĩa nhất.

Giữa tháng 7 năm 1999, nhà báo Tôn Hiền gọi điện sang Matxcơva báo cho tôi biết đã tìm được 11 bà mẹ anh hùng ở xã An Nhơn Tây - huyện Củ Chi là những người chưa hề nhận được một đồng tiền từ thiện nào. Chị Tôn Hiền cung cấp cho tôi tên tuổi, địa chỉ, công trạng và hoàn cảnh của 11 bà mẹ anh hùng đó.

Tôi gặp anh Võ Văn Hồng – Tổng Giám đốc Công ty Bến Thành Matxcơva trao đổi để lên kế hoạch về tài chính. Anh Võ Văn Hồng nhất trí cam kết một khoản tài trợ bằng cách lập cho mỗi bà mẹ một quyển sổ tiết kiệm ba triệu đồng và hàng năm bổ sung đều đặn một triệu để các mẹ có khoản tiền nhất định và một khoản lãi chi tiêu hàng tháng.

Tôi và anh Sửu - cán bộ Bến Thành - bay từ Matxcơva về TPHCM trước ngày 27/7 – ngày thương binh, liệt sỹ. Anh Sửu vốn là một thợ quay phim, nhiếp ảnh của cộng đồng người Việt. Việc cùng anh Sửu về thăm Củ Chi là để có thêm tư liệu sống cung cấp cho Đài Truyền hình và các báo về hoạt động của cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga.

Đặt chân đến TPHCM, tôi liên hệ ngay với đồng chí Trưởng phòng Thương binh Xã hội huyện Củ Chi bàn về kế hoạch trao tiền từ thiện. Lúc đầu, Phòng Thương binh Xã hội huyện Củ Chi đề xuất một cách ngắn ngọn là gửi thẳng tiền cho họ rồi họ sẽ có trách nhiệm trao đến từng bà mẹ. Tôi điện cho anh Võ Văn Hồng ở Matxcơva, anh Hồng không nhất trí. Anh nói với tôi rằng việc trao tiền chỉ là một động tác, điều quan trọng là phải thay mặt cộng đồng gặp gỡ, thăm hỏi sức khoẻ các bà mẹ anh hùng.

Tôi báo lại cho Phòng Thương binh Xã hội Củ Chi, yêu cầu họ viết thư mời 11 bà mẹ anh hùng An Nhơn Tây tới hội trường của Phòng dự buổi gặp mặt và trao quà từ thiện. Nếu các bà mẹ khó khăn trong việc đi lại chúng tôi sẽ tạo điều kiện phương tiện taxi đón các mẹ. Buổi lễ yêu cầu phải có đại diện của Phòng và của UB Huyện. Còn phía chúng tôi đã có báo Thanh Niên và Đài Truyền hình TPHCM đến đưa tin.

Tôi chuẩn bị 11 phong bì in sẵn tên từng bà mẹ, một thùng quà để uý lạo các mẹ và  Phòng Thương binh Xã hội. Nhưng chị Tôn Hiền, một người rất có kinh nghiệm, từng lăn lộn ở các tỉnh miền Đông và miền Tây cho tôi biết, cần phải bổ sung quà để tránh sự đơn điệu khi đưa phong bì cho các mẹ. Đó là phải mua 11 thùng mỳ tôm (!) và 11 hộp bánh bích quy gói lại cho thật đẹp kèm theo 11 phong bì đựng sổ tiết kiệm mang tên từng mẹ . Chị Tôn Hiền nói: “Anh không biết chứ em thì biết rất rõ. Cả 11 bà mẹ này đều rau cháo qua ngày, mỳ tôm đối với các mẹ cũng quý như là sơn hào hải vị !”. Về sau, khi các bà mẹ ôm bọc quà rời khỏi hội trường, nhìn gương mặt và động tác của các bà mẹ, tôi ngẫm thấy rằng chị Tôn Hiền nói đúng.

Hôm đến Củ Chi trao quà, trời mưa như trút nước. Rời taxi đến hội trường, anh em chúng tôi đều ướt như chuột lụt. Anh Sửu phải cới áo ra để che máy móc, còn tôi cũng phải cởi áo ra để che các văn bản ký kết, thành thử, khi bước vào hội trường, chúng tôi đều ướt lướt thướt từ đầu tới chân.

Các bà mẹ ở cách xa 5, 6 km đã đến từ sáng, ngồi bỏm bẻm nhai trầu ở bậc thềm hội trường. Mẹ cao nhất 91 tuổi, còn mẹ trẻ nhất là 62; có mẹ cả ba con đều hy sinh, mẹ ít nhất có một con đã ngã xuống. Tất cả các mẹ đều sống rất khó khăn.

Sau khi ông Trưởng Phòng Thương binh Xã hội giới thiệu các đại biểu và đọc tên từng mẹ một, tôi thay mặt Tổng Công ty Bến Thành Matxcơva trao tặng mỗi mẹ một quyển sổ tiết kiệm 3 triệu đồng và một hộp quà được gói rất đẹp theo sáng kiến của chị Tôn Hiền mang đến. Các bà mẹ rất xúc động. Một mẹ trẻ nhất, thay mặt những bà mẹ anh hùng An Nhơn Tây phát biểu “Tui không biết cái Công ty của các anh bên Tây như thế  nào, nhưng tôi rất cảm ơn bởi vì các anh không biết tui là ai mà tìm đến đây để cho tiền, để giúp đỡ. Tui mong các anh thật thành đạt, làm được nhiều tiền để những người như tui còn được nhờ”.

Đó là những lời mộc mạc chân chất nhưng rất đỗi chân thành. Có một bà cụ không tự lên được, phải nhờ một đứa bé hàng xóm đưa đến. Cụ nói “Nếu hai đứa con tui còn sống, thì chắc chắn tui có nhà cao cửa rộng. Nhưng chúng nó chết rồi, vợ con không có, tui chẳng biết nương nhờ vào ai. Các anh cho tiền thế này tui mừng lắm. Mong các anh nói với những người khác làm ăn được nên giúp đỡ cho những người không nơi nương tựa như bọn tui.”

Chúng tôi đã giữ đúng lời hứa và thực hiện niềm mong mỏi của các mẹ. Từ đó về sau, những lần tranh thủ về được, tôi lại bay vào Củ Chi, đến tận An Nhơn Tây thăm hỏi và trao tiền cho các mẹ. Những lần không về được, tôi nhận tiền ở tài vụ Tổng Công ty Bến Thành qua bưu điện gửi về cho chị Tôn Hiền. Từ TPHCM, chị Tôn Hiền cùng anh Nguyễn Văn Thông lại bắt xe vào tận Củ Chi trao tiền tận tay các mẹ.

Trong số các mẹ, giờ đây chỉ hai người còn sống, những bà mẹ khác đã ra đi vì bệnh tật tuổi tác. Mỗi lần đến ngày thương binh liệt sỹ, tôi lại nhớ đến mảnh đất Củ Chi, nhớ đến những bà mẹ An Nhơn Tây đã sinh ra những người con đã cống hiến máu xương của mình cho Tổ quốc.

Tôi nghĩ rằng dù tuổi cao sức yếu, các mẹ vắng những bàn tay của cháu con chăm sóc, thì vẫn còn có biết bao bàn tay và những tấm lòng nhân hậu của những người con nước Việt sẽ đỡ đần cho các mẹ. Những bàn tay và tấm lòng như thế vẫn còn nhiều và nhiều lắm!

Nguyễn Huy Hoàng (LB Nga)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu