A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đi tìm người giúp

... Một buổi chiều thu rét mướt, nhà báo Trần Quang Vinh đưa một người bạn đến. Sau một vài câu chuyện với tôi và anh Bùi Văn Hòa, anh Trần Quang Vinh cho biết là hai ngày trước, anh nhận được một lá đơn kêu cứu của hai đôi vợ chồng bị lừa sang làm ăn, hiện đang tá túc tại ốp Phương Đông và ngày mai buộc phải rời ốp vì đã hơn một tuần qua không có một đồng nào, không có giấy tờ và mùa mưa lạnh đã đến, nhưng quần áo chỉ phong phanh một bộ mặc từ trong nước sang.

Khi chợ Vòm chưa vỡ, Văn phòng Trung tâm Thương mại Emeral là nơi thường xuyên hội tụ của anh em văn nghệ, báo giới.

Một buổi chiều thu rét mướt, nhà báo Trần Quang Vinh đưa một người bạn đến. Sau một vài câu chuyện với tôi và anh Bùi Văn Hòa, anh Trần Quang Vinh cho biết là hai ngày trước, anh nhận được một lá đơn kêu cứu của hai đôi vợ chồng bị lừa sang làm ăn, hiện đang tá túc tại ốp Phương Đông và ngày mai buộc phải rời ốp vì đã hơn một tuần qua không có một đồng nào, không có giấy tờ và mùa mưa lạnh đã đến, nhưng quần áo chỉ phong phanh một bộ mặc từ trong nước sang.

Anh Trần Quang Vinh ngỏ ý nhờ anh Hòa giúp, vì anh đã đặt vấn đề với một vài nơi nhưng đều chỉ nhận được sự chối từ.

Anh Hòa hỏi tôi, tôi cũng như anh Vinh, muốn anh Hòa giúp cho, vì hoàn cảnh người ta đã rơi vào đường bĩ cực rồi. Anh Hòa nhất trí.

Hết giờ làm việc, chúng tôi đi trên cùng một xe của anh Bùi Văn Hoà đến ốp Phương Đông. Trời mưa tầm tã, tắc đường, xe dò dẫm như đi bộ. Mãi đến tối chúng tôi mới đến được ốp Phương Đông.

Ra đón chúng tôi là anh Lâm, Giám đốc ốp. Chúng tôi được biết là những cảnh cơ nhỡ như thế này xảy ra như cơm bữa. Hầu như dịch vụ đưa người sang đây đều bỏ mặc họ ở sân bay, họ tự lần mò đến ốp xin ở. Nếu chỉ một ngày, một bữa thì ốp còn cưu mang được, còn lâu hơn thì Ban Quản trị đành bó tay, vì kinh doanh ốp đang bị lỗ.

Anh Lâm đưa chúng tôi đến phòng 21. Ở đó có hai đôi vợ chồng ngồi co ro trên hai tấm đệm trải trên nền nhà. Đồ đạc không có gì ngoài hai cái xoong cũ, vài vỏ gói mì tôm lăn lóc, có vẻ họ chỉ sống bằng nguồn thực phẩm duy nhất đó.

Họ cư ngụ ở đây đã chục ngày. Ở quê, họ cầm hết nhà cửa, gửi con cho ông bà, gói ghém lên đường, nhưng khi sang thì không liên hệ được đầu mối tuyển dụng, coi như bị bỏ rơi.

Tôi xin họ số điện thoại và bấm máy gọi về nước. Phía đầu dây không có tín hiệu, chỉ có lời nhắn là: Số máy quý khách vừa gọi, hiện không liên lạc được…

Anh Bùi Văn Hòa đề nghị họ nêu lên yêu cầu để anh tạo điều kiện giúp đỡ. Hai đôi vợ chồng cho biết là nhờ người quen đã tìm được việc, nhưng giấy tờ hiện tại vẫn còn nằm trong tay anh Tr. Anh Tr. giúp làm hộ khẩu cho họ, nhưng họ không có tiền lấy. Nếu có giấy tờ, họ sẽ được nhận đi làm.



Anh Bùi Văn Hoà (bên trái) và tác giả bên tượng đài Bác 


Do quen với anh Tr., tôi gọi điện ngay. Anh Tr. xác nhận đúng như vậy. Tôi xin anh Tr. giúp cho, anh Tr. sẵn lòng giúp, không lấy tiền dịch vụ, công xá, chỉ lấy tiền chi trả vào nhà băng thôi. Ngày mai, sẽ có người của ốp Phương Đông mang tiền đến lấy hộ chiếu về.

Họ đã ăn ở tại ốp gần một tháng, anh Lâm báo cho anh Hùng chủ ốp, anh Hùng đồng ý chỉ tính họ ba tuần. Số tiền phải trả là 18 000 rúp, theo thời giá lúc đó gần 700 đô la, anh Hòa nhận trả giúp cho họ. Còn số tiền trả cho bốn quyển hộ khẩu, đăng ký ba tháng hết 21 000 rúp, anh Hòa cũng quyết định chi trả để họ còn có giấy tờ tìm công ăn, việc làm. Khi chia tay, anh Hòa còn đưa cho họ thêm 4000 rúp để họ giắt lưng trong mấy ngày tìm việc.

Ban Quản trị và bà con trong ốp, ai cũng cảm phục sự hào phóng một cách vô tư của anh Bùi Văn Hòa. Còn bốn nạn nhân cơ nhỡ thì xúc động không nói nên lời, chỉ biết cảm ơn Trời Phật đã run rủi họ.
Chúng tôi đội mưa ra về và cảm thấy ấm lòng, vì đêm nay, có thêm bốn người Việt có điều kiện thoát khỏi cảnh chui lủi và đói khát.

Tôi tin rằng đến bây giờ, anh Hòa không còn nhớ tên của họ, và có lẽ cũng chỉ còn nhớ mang máng câu chuyện này thôi.


Nguyễn Huy Hoàng (Liên bang Nga)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu