A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những lần đi đáp nghĩa (Phần 1)

... Lần đầu tiên trong đời, tôi đến một Hội trường không có bậc thang lên xuống. Chỉ có một lối dốc lên và một lối xuống, vì 100% anh em thương binh đều phải dùng xe lăn... Tôi thầm nghĩ, chẳng có gì xứng đáng và bù đắp được những hy sinh lớn lao mà các anh đã dành cho Tổ quốc.

Vào một buổi sáng đầu hè năm 1997, anh Võ văn Hồng, Chủ tịch Tổng Công ty Bến Thành gọi điện cho tôi, mời tôi đến ăn trưa và bàn chút việc.

Lúc đó, tôi còn thuê nhà trên phố Panphiorova gần đôm 5 cũ, đi metro đến Xaliut 2 mất chừng một tiếng.

Trong bữa cơm, anh Hồng muốn tôi về nước mấy tuần, mọi chi phí vé máy bay, phương tiện anh sẽ lo tất cả. Anh muốn tôi tìm một địa điểm thương binh cần tài trợ và giúp đỡ nhất.

Theo tinh thần của anh Hồng, sau khi về nước, tôi cùng anh Nguyễn Anh Tuấn, đại diện của Bến Thành tại Hà Nội, lên Trại Thương binh nặng Thuận Thành- Hà Bắc để thăm anh em thương binh và tìm hiểu thêm cuộc sống của họ.

Tôi báo sang Matxcơva cho anh Hồng kể cụ thể về hoàn cảnh, số lượng và những đặc điểm riêng của Trại Điều dưỡng Thương binh nặng, anh cho rằng, nơi tôi chọn là đúng, là nơi cần phải quan tâm và giúp đỡ nhất.

Hội trường không có lối bậc thang

 Kế hoạch chuyến đi đã được chuẩn bị sẵn trước ngày 27-7.

 Tôi cho mời chị Kim Dung- Báo Hà Nội Mới, chị Nguyễn Thị Sánh -Tổng Công đoàn Việt Nam, chị Kim Oanh- Đài Truyền hình Việt Nam cùng các anh Sửu, anh Cảnh Nam, anh Nguyễn Anh Tuấn tổ chức thành một đoàn cùng đi.

Đoàn chúng tôi đến Trại Thương binh Thuận Thành đúng hẹn lúc 11 giờ, trời nắng như đổ lửa. Xe chúng tôi đến thẳng Ban Giám đốc Trại. Ban Giám đốc báo cáo qua tình hình của Trại, của anh em, về lịch trình làm việc. Tôi đề nghị mọi việc sẽ trao đổi với anh em và toàn thể Ban Giám đốc tại Hội trường.

Chúng tôi đi bộ đến Hội trường, cách nơi làm việc của Ban Giám đốc chừng 300 mét. Có 112 anh em thương binh đã có mặt chỉnh tề, ngồi trên những chiếc xe lăn.

Lần đầu tiên trong đời, tôi đến một Hội trường không có bậc thang lên xuống. Chỉ có một lối dốc lên và một lối xuống, vì 100% anh em thương binh đều phải dùng xe lăn.

Những thương binh ở đây đều là những người mang thương tật từ 80% đến 92%. Họ sống với chế độ phụ cấp và nuôi dưỡng hoàn toàn.

Có những người cụt một chân, một  tay, có những người bị cụt hai tay; hoặc hai chân; có người hỏng cả hai mắt, mặt mũi biến dạng... Những thương binh ở đây gồm cả những người bị thương từ thời chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới, có cả nam lẫn nữ với tuổi đời khác nhau và ở đủ mọi miền đất nước.

Nhìn những thương binh tàn phế ngồi trên những chiếc xe lăn, các chị phóng viên khóc òa nức nở.

Sau khi Ban Giám đốc giới thiệu Đoàn Đại biểu của Tổng Công ty Bến Thành tới thăm, tôi thay mặt Đoàn đọc lời chúc mừng anh em thương, bệnh binh Trại Điều dưỡng Thương binh nặng Thuận Thành nhân ngày Thương binh Liệt sĩ.

Tôi giới thiệu sơ qua về tình hình người Việt tại Liên bang Nga, bày tỏ lòng tri ân của những người xa đất nước đối với những người con đã hiến máu xương mình cho Tổ quốc.

Thay mặt Tổng Công ty Bến Thành, tôi trao tặng toàn thể anh em thương bệnh binh món quà 120 triệu đồng. Do anh em thương binh mỗi người một hoàn cảnh, những người không thể đi lại, không thể đến Hội trường để xem phim và nghe tin tức, Lãnh đạo Tổng Công ty Bến Thành quyết định tặng mỗi người một máy nghe nhạc, nghe thời sự.

Đồng thời anh Võ Văn Hồng ủy quyền cho tôi ký với Ban Giám đốc một văn bản tài trợ đều đặn cho Trại mỗi tháng 5 triệu đồng dành để mua báo chí cho anh em đọc.

Lúc đó có rất nhiều anh em xin được phát biểu. Các anh kể về nỗi đau, về chiến công, về tình cảm, tâm tư và nguyện vọng của mình.

Chị Nguyễn Thị Hồng một thương binh cụt cả hai tay, vốn là một văn công nghiệp dư của Sư đoàn công binh hát bài "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát", làm cho cả hội trường trào nước mắt xúc động.

Không biết chuẩn bị từ bao giờ, anh Tạ Thịnh đã sáng tác bài thơ "Hai người lính"(*) nói về Tổng Công ty Bến Thành và sự quan tâm của cộng đồng người Việt đối với thương, bệnh binh. Bài thơ này về sau đã được đăng trên các báo trong nước và trên Tạp chí Đất nước của Sứ quán.

Để đáp lại tình cảm của họ, tôi dành trọn một tiếng nói về thơ ca viết về người lính. Lẽ ra theo kế hoạch, buổi gặp mặt chỉ diễn ra chừng 45 phút, nhưng lại kéo dài tới 2 giờ vẫn không dứt.

Kết thúc ở Hội trường, chúng tôi đến tận phòng thăm những bệnh binh không thể đi lại được. Có ba người tất cả, nhưng nặng nhất là một bệnh binh bị đạn pháo bắn nát người, bị cắt bỏ từ thắt lưng xuống. Trời nóng, anh nằm trên một chiếc giường nhỏ, chiếc chăn mỏng đắp ngang bụng. Anh đã nằm một chỗ như vậy suốt sáu năm, kể từ khi rời bệnh viện. Những món quà nhỏ của chúng tôi mang từ nước Nga xa xôi đến làm anh rưng rưng nước mắt.

Tôi thầm nghĩ, chẳng có gì xứng đáng và bù đắp được những hy sinh lớn lao mà các anh đã dành cho Tổ quốc.

Nguyễn Huy Hoàng (LB Nga)

* Bài thơ " Hai người lính" của anh Tạ Thịnh

Các anh đã một thời là lính

Cũng đã từng xẻ dọc Trường Sơn

Đã có người từng mang nặng vết thương

Và những nỗi đau mà quân thù để lại

Anh đến thăm tôi khi đang mùa gặt hái

Chỉ nhìn nhau mà không nói nên lời

Anh em chúng tôi, có người liệt nửa người

Người để lại cho đời xương máu

Người để lại đôi chân quý báu

Người mất đôi tay tạo hóa dành cho

Cảm ơn các anh, cảm ơn tất cả

Những người con của quê hương Bác Hồ

Dù đi đâu, ở đâu vẫn hướng về Tổ quốc

Chẳng nhiều lời, tôi chỉ biết lặng im

Nắm tay nhau, nước mắt chảy từ tim.


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu