A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Việt ở Séc đoàn kết hướng về quê hương

Thập kỷ qua, đặc biệt là từ khi Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 về công tác đối với NVNONN của Bộ Chính trị ra đời, cộng đồng NVNONN nói chung và người Việt Nam tại CH Séc nói riêng được Nhà nước tạo nhiều thuận lợi hơn và hỗ trợ làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Bà con ngày càng hướng về quê hương, đất nước với những tình cảm chân thành, có những đóng góp thiết thực với mong muốn góp phần xây dựng đất nước Việt Nam mạnh giàu.

Cộng đồng ổn định cuộc sống, hội nhập vào đời sống xã hội Séc

Cộng đồng người Việt tại CH Séc hiện nay có khoảng hơn 62.000 người, phân bổ ở khắp nơi trên lãnh thổ Séc, nhưng chủ yếu sống tập trung ở những thành phố lớn, như thủ đô Praha, Plzen, Cheb, Bruno, Ostrava… và các vùng biên giới giữa CH Séc với Đức, Áo. Hơn 2/3 bà con kiều bào đã được hưởng qui chế định cư dài hạn tại Séc, trên 90% người Việt cư trú hợp pháp. Đa số kiều bào làm nghề kinh doanh, buôn bán ở một số trung tâm thương mại (TTTM) như Praha 10, Sa Pa… Số người mới sang tập trung làm công nhân, lao động phổ thông trong nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp tư nhân theo ký kết của các hợp đồng xuất khẩu lao động.



Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm
gặp gỡ cộng đồng người VN tại Séc tháng 9/2010

Hiện tại, ở Séc có khoảng trên 1.000 người Việt Nam có trình độ đại học và trên đại học. Tuy nhiên, phần lớn đã chuyển sang kinh doanh, làm ăn. Số trực tiếp làm trong lĩnh vực khoa học, giảng dạy rất ít.

Doanh nghiệp Việt Nam tại CH Séc trên 90% làm nghề buôn bán, còn lại là các dịch vụ khác. Trong số các chủ doanh nghiệp có một số người hoạt động kinh doanh khá thành đạt, hiện có khoảng 100 người có tài sản hàng chục triệu USD, số doanh nghiệp còn lại hầu hết có số vốn từ vài chục đến hàng trăm ngàn USD. Một số công ty lớn của người Việt khá nổi tiếng như: Công ty Saparia (sở hữu TTTM Sapa, diện tích khoảng 334.000 m2, lớn nhất trong số bất động sản người Việt Nam sở hữu tại CH Séc), công ty Sportisimo (có doanh thu hàng triệu USD mỗi năm, đứng trong tốp đầu về doanh thu trong lĩnh vực thiết bị thể thao tại Séc), công ty Epiag Lofida sản xuất gốm sứ, công ty Dịch vụ - Du lịch Biển Đông…

Số sinh viên Việt Nam sang CH Séc theo dạng lưu học sinh và du học tự túc có khoảng trên 1.000 sinh viên, chủ yếu học tại các trường đại học ở khu vực Praha và Ostrava. Cho đến nay, số người sang CH Séc theo hình thức lao động xuất khẩu tiếp tục tăng. Điều này dẫn đến hình thành một bộ phận cấu thành lớn của người lao động trong cả cộng đồng người Việt ở Séc.

Số người Việt ở lại Séc cư trú lâu dài chiếm phần lớn số kiều bào, xuất xứ từ những người đi học tập, lao động, học nghề, thực tập sinh, nghiên cứu sinh, du lịch, thăm thân.

Nhìn chung, đại bộ phận bà con có đức tính cần cù, chịu khó kinh doanh, buôn bán. Một số kiều bào kinh doanh thành đạt, là những doanh nghiệp có uy tín, có tiếng, được phía Séc đánh giá là những đối tác có tiềm năng.

Hai năm qua, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên hàng nghìn người Việt cùng những người nước ngoài khác ở Séc bị sa thải, thất nghiệp, hoặc việc làm không ổn định. Có nhiều lao động người Việt không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, không đảm bảo chi phí ăn ở… Mặc dù khó khăn nhưng bà con vẫn cố gắng tìm kiếm cơ hội làm việc để có thu nhập. Một số ít đã về nước theo Chương trình hồi hương tự nguyện của chính phủ Séc.

Việc làm ăn, kinh doanh của đa số bà con tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những bà con kinh doanh tại các chợ vùng biên giới, hoặc những bà con vẫn kinh doanh các hàng hóa truyền thống như quần áo, giày dép… Nguyên nhân do sức mua giảm, thị trường thu hẹp và sự cạnh tranh quyết liệt bởi hàng hóa giá rẻ trong các siêu thị của các tập đoàn bán lẻ thế giới xuất hiện ngày càng nhiều tại CH Séc. Mô hình kinh tế chợ vẫn là chủ yếu nhưng nhiều bà con đã chuyển đổi sang các hình thức kinh doanh mới theo hướng đa dạng hóa ngành nghề như làm dịch vụ (bán hoa quả, thực phẩm, quán ăn nhanh, làm móng chân, móng tay…), đầu tư phát triển các cửa hàng bán lẻ trong thành phố, thị trấn… Cho đến nay mạng lưới cửa hàng bán lẻ của người Việt Nam lớn nhất tại Séc, theo thống kê cứ 1 cửa hàng bán lẻ của người Séc thì có từ 6 đến 7 cửa hàng là của người Việt Nam. Đây là một thế mạnh của cộng đồng. Hội Doanh nghiệp người Việt Nam tại Séc đã có nhiều biện pháp hỗ trợ cộng đồng phát triển hệ thống kinh doanh này, bước đầu đã có kết quả nhất định.



Đại hội Hội Phụ nữ VN tại Séc năm 2009

Để phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và cùng hướng về quê hương, đất nước, cộng đồng người Việt Nam tại Séc đã và đang có nhiều hình thức tập hợp, phương thức hoạt động phong phú thông qua các tổ chức quần chúng rộng rãi như: Hội người Việt Nam tại Séc được thành lập từ năm 1999, hiện nay đã phát triển được hơn 40 Chi hội ở các cấp địa phương. Các tổ chức khác như: Hội Doanh nghiệp VN, Hội Phật tử VN, Hội Phụ nữ VN, Hội Văn học nghệ thuật VN, Hội người môi giới lao động… là thành viên tập thể của Hội người VN tại Séc.

Ngoài ra, cộng đồng người Việt còn có 3 tờ báo điện tử và 8 tờ báo viết bằng tiếng Việt của người VN, thường xuyên chuyển tải thông tin về tình hình trong nước đến đồng bào; phản ánh đời sống phong phú của bà con trên nhiều lĩnh vực.

Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Séc cho biết: Trong những năm qua, Hội người Việt Nam tại Séc nhận thức sâu sắc rằng cần vận động được những người tâm huyết, hết lòng vì bà con. Bởi vậy, Hội người Việt Nam tại Séc không ngừng tự động viên nhau làm vô điều kiện cho cộng đồng. Các cá nhân lấy nhiệt huyết về tinh thần, đóng góp tiền tài vật chất của mình để gây dựng phong trào cộng đồng, tổ chức các hoạt động và phát triển các chi hội, đoàn thể. Hội còn tích cực vận động xây dựng quỹ từ thiện của cộng đồng, phát động quyên góp tài chính giúp đỡ các bà con cộng đồng gặp hoạn nạn hoặc các cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những người bị thất nghiệp. Bà con luôn động viên nhau thực hiện tốt các quy định về phát luật của nước sở tại, duy trì và phát triển các mối quan hệ hợp tác, đoàn kết giữa người VN và nhân dân Séc.

Hướng về quê hương

Trong những năm qua, bà con kiều bào tại Séc tuy xa quê hương, đất nước nhưng vẫn gắn bó, hướng về quê Cha đất Mẹ bằng những suy nghĩ, tình cảm và hành động cụ thể.

Một bộ phận cộng đồng đã đầu tư về trong nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau như xây dựng, du lịch, viễn thông, giáo dục, gia công hàng dệt may, hàng thủy tinh cao cấp, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm xuất khẩu, bất động sản, tham gia các công ty đầu tư tài chính, thị trường chứng khoán... Cộng đồng người Việt Nam ở Séc đã góp phần rất tích cực vào việc thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng Việt Nam sang CH Séc và từ Séc đi một số nước khác và ngược lại. Tuy nhiên, sự phát triển của hàng Việt Nam tại Séc rất chậm do rất nhiều mặt hàng không cạnh tranh được về giá cả, chất lượng, mẫu mã so với hàng Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ…

Cộng đồng người Việt tại Séc cũng luôn tích cực hưởng ứng các cuộc vận động quyên góp giúp đỡ đồng bào các vùng bị thiên tai, ủng hộ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, chương trình “Trái tim cho em”, Quỹ Khuyến học ở trong nước… với tổng số tiền hàng trăm ngàn USD. Riêng các Hội đồng hương tỉnh cũng đã gửi về ủng hộ đồng bào quê nhà để xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ người nghèo, tu sửa trạm xá, xây dựng nhà trẻ… hơn 300.000 USD.

Gìn giữ bản sắc văn hoá Việt Nam

Mặc dù sống xa quê hương, bà con kiều bào ở Séc luôn tự tôn dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc Việt Nam. Vào các ngày lễ lớn của đất nước như ngày Quốc khánh, Tết Nguyên đán, ngày thống nhất đất nước, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tết Trung thu…, Hội người Việt Nam tại Séc cùng các Hội, Đoàn đều tổ chức những hoạt động phong phú để bà con cùng chung vui và cùng ôn lại truyền thống văn hoá Việt Nam.



Thiếu nhi Việt kiều tại Séc đón Tết Trung thu

Hội cũng luôn quan tâm, chăm lo tới đời sống tinh thần của cộng đồng. Hàng năm, Hội đã mời và tổ chức thành công các đợt biểu diễn văn nghệ phục vụ cộng đồng với sự tham gia của các ca sỹ Việt Nam tại Séc, hoặc các đoàn nghệ thuật từ trong nước sang. Được sự giúp đỡ của Đại sứ quán, Bộ Ngoại giao và Bộ Thông tin - Truyền thông Việt Nam, Hội đã chuyển một số phim từ Việt Nam sang Séc, tổ chức chiếu phục vụ bà con cộng đồng và công chúng Séc; giúp đỡ các đoàn làm phim Séc và Việt Nam xây dựng nhiều bộ phim giới thiệu về đất nước con người Việt Nam, tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Hội cũng hỗ trợ tổ chức triển lãm tranh “Sắc màu Việt Nam qua con mắt người hoạ sỹ” và hỗ trợ tài chính cho việc dịch sang tiếng Séc và xuất bản tập thơ “Nhật ký trong tù’’ của Hồ Chủ tịch, tập “Thơ Hồ Xuân Hương’’ tại Séc…

Để các thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Séc không quên tiếng mẹ đẻ, bà con kiều bào ở Séc luôn coi trọng việc dạy và học tiếng Việt cho con em mình. Hội người VN tại Séc đã phối hợp với các chi hội xây dựng các lớp học tiếng Việt và trường Mẫu giáo Việt Nam tại Séc.

Hội đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Séc lập dự án Hỗ trợ việc duy trì và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng, và đã được Quỹ Hỗ trợ, Vận động cộng đồng NVNONN thuộc Uỷ ban Nhà nước về NVNONN hỗ trợ mở ba lớp học tiếng Việt cho con em cộng đồng tại Praha, Cheb và Plzen.

Các lớp học tiếng Việt trong cộng đồng đã thu hút đông các em nhỏ tham gia. Chỉ sau một thời gian học, các em đều nói, đọc, hiểu được tiếng Việt. Bên cạnh đó, các em còn được tìm hiểu phong tục tập quán của quê hương, được học tiếng Việt qua những bài hát, bài đồng dao Việt Nam... Qua những bài học, ca khúc tiếng Việt, các em thấy quê hương gần gũi hơn, thân thương hơn và thấy lòng mình ấm áp mỗi khi nghĩ về.

Bằng những việc đã làm được, người Việt Nam tại CH Séc đã đóng vai trò quan trọng và thiết thực đối với cộng đồng, từng bước khẳng định vị thế của mình tại CH Séc cũng như trong nước. Cộng đồng người Việt tại Séc đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa hình ảnh đất nước, truyền thống văn hóa và con người Việt Nam ra nước bạn, tạo cầu nối và tăng cường mối quan hệ trong nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và CH Séc. Với những kết quả hoạt động và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Séc, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho Hội người VN tại Séc và kỹ sư Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội.

Thu Trang
(Tổng hợp)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu