A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cộng đồng người Việt tại Pháp: Một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc

Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp hiện có hơn 300.000 người, gồm nhiều thành phần khác nhau, chủ yếu là công chức, lao động, doanh nghiệp nhỏ, học sinh, sinh viên phần lớn đã vào quốc tịch Pháp, là một trong số 80 cộng đồng nhập cư tại Pháp. Đa số kiều bào ta có tinh thần dân tộc, luôn tự hào với cội nguồn của mình, gắn bó với đất nước, tích cực tham gia các hoạt động hướng về quê hương.

Đồng hành cùng dân tộc

Có mặt tại Pháp từ cuối thế kỷ 19, những người Việt Nam ở Pháp là một trong những cộng đồng NVNONN được hình thành sớm nhất, da dạng, nhiều hội đoàn cũng như có nhiều gắn bó với quê hương. Có thể kể đến Hội người VN tại Pháp, Hội sinh viên VN, Hội Huynh đệ VN, Hội Phật tử, AREBCO, Hội Văn hoá Việt –Pháp thành phố Perpignan, Xuân, Amitié, Solidarité- France, Hội cứu trợ người tàn tật tỉnh Troyes, Passion du Vietnam…


 
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn phát biểu tại Đại hội lần thứ 12 Hội người VN tại Pháp


Lớn nhất và có truyền thống lâu đời nhất là  Hội người VN tại Pháp. Hội được thành lập năm 1976, kế  tục phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp, tiền thân là “Nhóm người An Nam yêu nước” do Bác Hồ sáng lập năm 1919. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hội đã có nhiều đóng góp to lớn góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Với nòng cốt là những Việt kiều cũ yêu nước và các thanh niên Việt kiều, lưu học sinh, Hội luôn là điểm tựa cho bà con kiều bào, tập hợp, đoàn kết và giúp đỡ bà con làm ăn, sinh sống, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; hoà nhập với văn hoá và thực hiện luật pháp của nước sở tại; luôn hướng về Tổ quốc, góp phần tăng cường hữu nghị giữa hai nước Pháp- Việt.

Hội sinh viên VN tại Pháp có hơn 5 nghìn lưu học sinh được thành lập năm 2004, cho tới nay đã có 14 chi hội ở các địa phương. Bên cạnh đó là rất nhiều tổ chức phi chính phủ của kiều bào hoặc do kiều bào thành lập. Và dù đứng trong Hội đoàn, tổ chức nào hay chỉ là cá nhân tự nguyện đóng góp cho quê hương, đa phần những người con xa xứ  sinh sống, học tập và làm việc trên đất Pháp đã và đang đồng hành cùng dân tộc vượt qua khó khăn đi tới thắng lợi hoà bình, thể hiện tình yêu với quê cha đất tổ  bằng nhiều cách khác nhau, góp phần dựng xây và phát triển đất nước.

Nhớ lại những năm tháng đất nước còn chiến tranh, nhiều kiều bào đã từ bỏ cuộc sống sung túc nơi đất Pháp, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ trở về tham gia kháng chiến, những tấm gương như giáo sư Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ… vẫn luôn được mọi người nhắc đến với lòng kính trọng, tự hào. Thật đẹp sao nghĩa cử của linh mục Nguyễn Đình Thi cả đời mình gắn bó với đất nước; ông cùng Hội Huynh đệ VN đã có bao chuyến trở về, mang những đóng góp thiết thực và đầy ý nghĩa cho quê hương. Và còn những kiều bào, thanh niên, sinh viên Việt Nam đã xuống đường đấu tranh cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và cùng chung tay giúp đất nước hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Có thể nói thắng lợi của cuộc cách mạng Việt Nam có phần đóng góp lớn về vật chất và tinh thần kể cả xương máu của kiều bào trong đó có những Việt kiều tại Pháp.

Đất nước hoà bình, mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt – Pháp ngày càng phát triển, những chính sách thông thoáng của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là việc triển khai Nghị quyết 36 của Bộ chính trị về công tác đối với NVNONN đã giúp cho cộng đồng người VN tại Pháp được tiếp cận nhiều hơn nguồn thông tin về tình hình, chính sách của đất nước, phần nào đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của kiều bào. Hơn 40.000 giấy miễn thị thực đã được cấp, nhiều biện pháp mang tính đột phá như vấn đề quốc tịch, cư trú, mua và sở hữu nhà trong nước… đã  tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống, hội nhập với xã hội sở tại và có thêm nhiều hoạt động hữu ích trên quê hương Việt Nam.

Nhiều bà con trong cộng đồng được mời về nước tham gia các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước, dân tộc như chương trình “Xuân quê hương” được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, Quốc lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Quốc khánh mùng  2/9, Đại hội NVNONN lần thứ nhất, tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa,  tưởng nhớ và tri ân những anh hùng liệt sĩ đã quên mình hy sinh vì Tổ quốc cũng như nhiều hoạt động văn hoá khởi xướng trong nước như thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Thanh niên kiều bào về tham dự các hoạt động “Trại hè Việt Nam” suốt dọc chiều dài đất nước, dự cuộc gặp gỡ thanh niên sinh viên trong nước và ngoài nước tại châu Âu. Bao cảm nhận mới mẻ và thiêng liêng đã giúp mọi người gắn bó với đất mẹ hơn, khơi dậy tình yêu quê hương và lòng tự hào dân tộc.


 
Hoạt động thể thao của sinh viên Việt Nam tại Pháp


Những ngày tháng 10 lịch sử này, cùng đồng bào trong cả nước và cộng đồng người Việt trên toàn thế giới, kiều bào tại Pháp đã tưng bừng  tổ chức nhiều hoạt động mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Những buổi  giao lưu văn hoá nghệ thuật với chủ đề “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, triển lãm, nói chuyện, giới thiệu sách về Thủ đô nghìn tuổi không chỉ thu hút bà con trong cộng đồng mà còn là dịp để bạn bè Pháp hiểu thêm về vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam.

Kết nối với quê hương

Trải qua hàng chục năm cần cù lao động, học tập phấn đấu, cộng đồng người Việt tại Pháp đã tạo dựng được cho mình những tiềm lực đáng kể về tri thức và kinh tế, ngày càng có nhiều người thành đạt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hoá và xã hội Pháp cũng như đóng góp công sức vào sự nghiệp phát triển đất nước như GS Trần Văn Khê, GS Trần Thanh Vân, GS Nguyễn Quí Đạo, Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo, Họa sĩ Lê Bá Đảng, bà Thật Peel... Và mới đây, GS Ngô Bảo Châu được nhận giải thưởng Fields- giải thưởng danh giá được trao cho những nhà toán học có công trình xuất sắc trên thế giới, người con ưu tú làm rạng danh đất nước Việt Nam, đã tạo nên một luồng sinh khí mới cho nền giáo dục Việt Nam, là niềm tự hào dân tộc trong đó có những trí thức Việt kiều tại Pháp, nơi giáo sư Châu và gia đình có thời gian dài sinh sống, học tập và nghiên cứu khoa học.

Trong nhiều năm qua, những tấm lòng hướng về đất nước của bà con kiều bào tại Pháp đã được cộng đồng đánh giá cao qua các hoạt động thiết thực và hiệu quả. Những tấm Huân, Huy chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Giấy khen của Uỷ ban Nhà nước về NVNONN được trao tặng, là sự ghi nhận, khen thưởng của Đảng và Nhà nước đối với những kiều bào đã có những thành tích xuất sắc trong công tác cộng đồng và đóng góp cho quê hương.

Trên những nẻo đường đất nước từ Lào Cai, Yên Bái đến Tây Nguyên, An Giang đã ghi dấu chân của những bác sĩ tình nguyện từ Hội người VN, Hội sinh viên VN tại Pháp. Nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã được trợ giúp, người khuyết tật được tặng xe lăn, người nghèo dọn đến ở trong những căn nhà tình nghĩa, đồng bào bị thiệt hại vì bão lụt cũng ấm lòng hơn vì có sự  sẻ chia từ  đồng bào mình ở Pháp cùng nhiều dự án hỗ trợ, xoá đói giảm nghèo, hoạt động từ thiện đã được triển khai. Và rất nhiều sinh viên nghèo, hiếu học có thêm điều kiện để thực hiện ước mơ học tập, nghiên cứu khoa học của mình nhờ Quỹ học bổng Đồng hành của lưu học sinh VN tại Pháp cũng như từ tổ chức Gặp gỡ Việt Nam của giáo sư Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc và GS Odon Vallet.


 
Múa sạp của người Việt trong ngày hội âm nhạc tại Pháp


Với hình thức hoạt động đa dạng và phong phú, những người con xa xứ đã thể hiện tấm lòng hướng về Tổ quốc cũng như kết nối cộng đồng với quê hương qua việc giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc, duy trì tiếng Việt trong cộng đồng, đóng góp vốn và tri thức góp phần dựng xây đất nước.

Phong tục tập quán được bà con trân trọng, lưu giữ và những nét đẹp văn hoá được quảng bá tới bạn bè quốc tế. Ngày lễ Tết, mùa Vu Lan là dịp để bà con gặp gỡ, trao đổi cùng hướng về Tổ quốc và tri ân công đức của tổ tiên. Thật cảm động làm sao khi bước vào căn nhà của nhiều gia đình kiều bào, ta bắt gặp hình ảnh một Việt Nam thu nhỏ, từ những đồ đạc bày biện trong nhà đến bữa ăn giản dị với rau muống luộc và đậu phụ chấm tương. Ngày Tết, trên bàn thờ Tổ tiên ông bà không thể thiếu chiếc bánh chưng xanh truyền thống, những em bé xúng xính áo dài và cả gia đình cùng quây quần bên mâm cỗ chờ đón phút giao thừa thiêng liêng. Những người con xa xứ ấy đang gìn giữ cái hồn cốt dân tộc bằng những việc làm rất đỗi bình dị như thế.


 
Lớp học tiếng Việt của thiếu nhi Việt kiều tại Pháp


Xác định sự tồn tại của cộng đồng NVNONN phụ thuộc vào việc giữ gìn bản sắc văn hoá và duy trì tiếng Việt trong cộng đồng cùng việc đưa Nghị quyết 36 vào cuộc sống, nhiều tổ chức, trung tâm văn hóa Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình dạy và học tiếng Việt cho thế hệ kiều bào thứ ba, thứ tư. Cho tới nay, nhiều em có thể nói tốt tiếng Việt và gắn bó với những sinh hoạt trong Hội đoàn và cộng đồng.

Ngày càng nhiều trí thức Việt kiều tại Pháp trở về tham gia các chương trình hợp tác, trực tiếp giảng dạy cho các sinh viên trong nước; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ hoặc làm cầu nối đưa các dự án, các nguồn tài trợ nhiều công trình có giá trị cho đất nước.

Được sự động viên, quan tâm và hỗ trợ từ Đại sứ quán, nhiều doanh nghiệp kiều bào tại Pháp cũng đã về nước tham gia Hiệp hội Doanh nghiệp người VN ở nước ngoài, triển khai các dự án đầu tư, kinh doanh trong nước, bước đầu làm ăn có lãi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho địa phương.

Việt Nam đang trong xu thế hội nhập, toàn cầu hoá. Sự đổi mới, phát triển nhanh chóng của đất nước và đặc biệt sự lớn mạnh của cộng đồng NVNONN đang tạo sức cuốn hút ngày càng nhiều kiều bào về với quê hương. 



 Tiến Minh (Tổng hợp)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu