A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làn sóng người Việt về nước kinh doanh

35 năm về trước, hàng triệu người Việt Nam đã rời khỏi đất nước đầy bất ổn và chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế sau chiến tranh...Thế nhưng ngày nay, nhiều người ra đi vào những năm ấy lại đang nhìn Việt Nam như một mảnh đất màu mỡ đầy cơ hội. Mỗi năm, có ít nhất 500.000 Việt kiều đã quay trở lại.

Từng chứng kiến nhiều cảnh tượng vô cùng đau thương, nhưng Johnny Trí Nguyễn vẫn hy vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước mình. Và sau 17 năm sống trên đất Mỹ, anh đã trở về.

Anh nói: “Rất nhiều thứ đã thay đổi, và tất cả lý do buộc chúng tôi rời khỏi đây đã không còn tồn tại nữa. Giờ tôi lại thấy sống ở đây rất thoải mái”. Anh là một cascadeur ở Mỹ, từng tham gia đóng thế cho nhân vật chính trong bộ phim Người nhện. Ở Việt Nam, anh cũng là một diễn viên kiêm nhà sản xuất phim nổi tiếng qua bộ phim Dòng máu anh hùng.


 
Một cảnh trong phim Dòng máu anh hùng với sự tham gia
của Johnny Trí Nguyễn

35 năm về trước, hàng triệu người Việt Nam đã rời khỏi đất nước đầy bất ổn và chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế sau chiến tranh, để tìm kiếm một cuộc sống mới tươi đẹp hơn cho mình ở Mỹ, Canada và châu Âu. Johnny Trí Nguyễn cũng theo gia đình sang Mỹ trên một chiếc tàu cá để rời xa mảnh đất nghèo khó bị chiến tranh tàn phá, khi anh mới 9 tuổi.

Thế nhưng ngày nay, nhiều người ra đi vào những năm ấy lại đang nhìn Việt Nam như một mảnh đất màu mỡ đầy cơ hội. Mỗi năm, có ít nhất 500.000 Việt kiều đã quay trở lại.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư trường Đại học George Mason ở Fairfax, Virginia nói: “Sự cải tổ và phát triển kinh tế ở Việt Nam cũng như cuộc suy thoái tại Mỹ có thể là một phần nguyên do tại sao ngày càng nhiều Việt kiều quay trở về quê hương. Dĩ nhiên là cũng có nguyên do về tình cảm nữa, đó là cảm xúc được trở về với văn hóa và lối sống quen thuộc”.

Sự trở về của các Việt kiều tại Mỹ xảy ra trong bối cảnh Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục nới lỏng việc kiểm soát kinh tế trong nỗ lực nâng cao chất lượng sống tại đây. Hiện nay, Việt Nam là một trong số những nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Và theo hãng PricewaterhouseCoopers, có lẽ Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế mới nổi phát triển nhanh nhất, dựa trên tốc độ phát triển trong thời kì 2007 – 2050.

Trong số những người quay về, có nhiều người trước đây từng liều mạng để trốn đi. Bà Đặng Tuyết Mai là vợ của cựu thủ tướng Việt Nam cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ. Bà sang Mỹ bằng máy bay chỉ hai ngày sau khi chiến tranh chấm dứt. Sau 30 năm, bà quay về Việt Nam và mở một quán phở. Bà nói: “Cảm xúc của tôi rất lẫn lộn. Nhưng một khi đã là người Việt Nam, thì ai cũng mong được quay về nơi chôn rau cắt rốn của mình”.

Giờ ăn trưa tại nhà hàng Phở Ta của bà tại TP HCM đông nghẹt các doanh nhân Việt Nam. Những bát phở nghi ngút khói được đặt ngay trước mặt họ cùng với với rau sống để ăn kèm với nước dùng. Ở một đất nước mà phở trở nên quá đỗi phổ biến như hamburger của Mỹ, thì phở của bà lại trở nên nổi bật vì sợi phở tự làm, ít béo và nước dùng thì được đun sôi bằng lửa nhỏ suốt 12 giờ. Bà kể quán từng tiếp cả quan chức cao cấp của chính phủ.

Bà Mai là một trong số những người nổi tiếng có nhan sắc ở Việt Nam vào những năm 1960 khi còn là tiếp viên hàng không. Kể cả bây giờ, cũng có rất nhiều người đến đây chỉ với mục đích là nhìn tận mắt vẻ đẹp của bà. Bà cũng hy vọng một ngày nào đó, bộ trưởng ngoại giao Mỹ Hillary Clinton sẽ ghé thăm nhà hàng của mình vì “Tôi thật sự ngưỡng mộ và muốn bắt tay với bà ấy”.

Bà Clinton đã đến Hà Nội vào tháng 7 vừa rồi để tham dự một cuộc họp của ASEAN nhưng không dừng chân tại TP HCM. Ở đây còn có một quán phở khác với tên gọi Phở 2000 thu hút được rất nhiều thực khách, quán phở này còn có khẩu hiệu: “Phở cho tổng thống” sau khi tổng thống Mỹ Bill Clinton ghé vào dùng bữa tại đây 10 năm trước.



 Bà Tuyết Mai (áo hồng, thứ hai từ trái sang) tiếp đón khách
tại quán phở của mình


Giống như nhiều người quay về khác, bà Mai chưa có ý định ở hẳn Việt Nam. Mỗi năm bà vẫn sang California sống cùng con gái và cháu ngoại 3 tháng. Khả năng sống đồng thời tại 2 quốc gia và hòa hợp với cả 2 nền văn hóa đối với bà là không phù hợp vì phải di chuyển khá nhiều.

Nhưng đối với những Việt kiều như anh Trung Dũng – người sáng lập ra Công ty thanh toán điện tử Mobivi, sự tự do này lại là một điều hạnh phúc. Anh nói: “Tôi có được những gì tốt nhất từ cả hai thế giới”. Anh dành tới 80% thời gian của mình ở Việt nam và 20% còn lại sống với con trai và các chị tại California.

Điểm thu hút nhất ở Việt Nam chính là cảm giác như ở nhà. Nhưng những doanh nhân như anh cũng bị hấp dẫn bởi cơ hội kinh doanh tại một quốc gia thuộc thế giới thứ ba đang chuyển dịch thành một trong số những nền kinh tế triển vọng nhất khu vực. Anh cũng đánh cược rằng khi kinh tế bùng nổ, phần lớn tiền mặt trong xã hội sẽ được chuyển vào hệ thống thanh toán điện tử, và việc này sẽ rất có lợi cho những công ty như anh.

“Tôi đã rất may mắn khi chứng kiến sự bùng nổ của Internet tại Mỹ và đó là khoảng thời gian tuyệt vời đối với những người trong lĩnh vực công nghệ cao”, anh nói. Dũng trở thành tỷ phú trong độ tuổi 30 khi bán công ty phần mềm OnDisplay của mình cho tập đoàn Vignette ở bang Texas. Anh cho biết việc tương tự cũng đang diễn ra ở Việt Nam và anh mới đang ở giai đoạn đầu cho việc tạo ra những thứ sẽ tồn tại lâu dài ở đây.

Khi Việt kiều đổ xô về Việt Nam, chính phủ cũng khuyến khích họ khởi nghiệp và mua bất động sản để tăng cường nền kinh tế. Họ cũng đẩy mạnh nỗ lực thu hút các công ty nước ngoài. Các công ty của Mỹ như Intel hay General Electric cũng đã có mặt ở Việt Nam và một số khác thì đang trong giai đoạn thăm dò. Họ bị hấp dẫn bởi trình độ giáo dục cao, sự điêu luyện và sức trẻ của lao động tại đây (một phần tư dân số Việt Nam dưới 15 tuổi).

Thuy Vo Dang, một học giả tại Trung tâm nghiên cứu châu Á của của Đại học California tin rằng sự thành công của chính phủ Việt Nam trong việc thu hút Việt kiều phụ thuộc một phần vào khả năng “vượt qua được những căng thẳng tồn tại giữa cộng đồng hải ngoại và người dân trong nước”.

Bà nhấn mạnh đó là một yếu tố để thu hút, nhưng chính phủ cũng phải sớm giải quyết tệ nạn tham nhũng đang hoành hành tràn lan ở đây.

Một lượng lớn Việt kiều đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo thêm nhiều việc làm và tăng sức mạnh cho nền kinh tế. Nhưng Vo Dang cảnh báo rằng thay vì để giải quyết khó khăn, thì việc đầu tư mù quáng vào quê nhà lại có thể gây ra nhiều vấn đề khác.

Tuy nhiên, sức hút của quê hương vẫn hết sức mạnh mẽ đối với một số Việt kiều. Johnny Trí Nguyễn nhớ rằng sau chiến tranh, gia đình anh nghèo đến nỗi anh phải tự làm đồ chơi cho mình bằng đất sét đào được ở cái ao gần nhà. Nhưng lần đầu tiên trở về Việt Nam, cái mà anh nhìn thấy không phải là dấu tích của chiến tranh, mà là cảnh quê hương tươi đẹp. Anh nhận xét: “Triển vọng làm phim ở đây rất sáng sủa”. Và trong một ngày hè oi ả của tháng 7, giữa những bãi đá cổ Ninh Bình, anh rể của Johnny Trí Nguyễn – nhà làm phim Jimmy Nghiêm Phạm, cũng đang tìm kiếm cơ hội làm phim ở đây.

Trong bộ phim hợp tác với Việt Nam mang tên Khát vọng Thăng Long – một bộ phim để kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội – Jimmy Nghiêm Phạm đã miêu tả Việt Nam như một “mảnh đất đầy cơ hội” cho các nhà làm phim khác. Anh nói: “Nếu bạn không có nhiều tiền, thì Việt Nam là nơi tốt nhất để làm phim”. Anh từng tốt nghiệp một trường dạy làm phim tại California và đã sống tại nam California – nơi có đông đảo Việt kiều – được hơn 10 năm rồi. Anh gắn bó với cả hai đất nước, nhưng anh nói: “Nếu sự nghiệp của tôi có tiến triển tốt, thì tôi sẽ ở lại đây”.

Với Henrry Hoàng Nguyễn, sự gắn bó với Việt Nam thậm chí còn mạnh hơn nhiều so với Mỹ. Năm 2001, anh được nhận vào làm tư vấn viên cho McKinsey & Associates ở New York, nhưng ngày làm việc đã bị trì hoãn tới 6 tháng vì tàn tích mà sự bùng nổ của Internet để lại cho nền kinh tế. Điều này đã tạo cơ hội cho anh khám phá thị trường viễn thông mới nổi của Việt Nam. 9 năm trôi qua, giờ anh đã là Tổng giám đốc điều hành của IDG Ventures Việt Nam – một quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên về công nghệ và truyền thông với số vốn ban đầu lên đến 100 triệu USD. Anh đã lấy vợ Việt Nam và vợ anh cũng không có ý định rời khỏi quê hương.

Anh cho biết: “Tôi không hề bị đè nặng bởi những cảm xúc tiêu cực, tôi chỉ thấy mình vô cùng gắn bó và yêu mến đất nước mình”.


 
Anh David Thái đang thành công với chuỗi cửa hàng Highlands Coffee


David Thái cũng cảm nhận được điều tương tự. Anh lớn lên ở Seattle nhưng đã quay trở về quê hương để học văn hóa Việt. Và chính những cơ hội kinh doanh đã níu chân anh ở lại đây, đó chính là chuỗi cửa hàng Highlands Coffee và Hard Rock Cafe.

Tất nhiên, không phải Việt kiều nào cũng thành công khi kinh doanh tại Việt Nam. Nguyễn Quý Đức đã đến Hà Nội và mở khu triển lãm kèm quán bar Tadioto. Nhưng anh vẫn thấy thiếu sự tự do sáng tạo so với nước Mỹ. Anh đã từng làm chủ một chương trình radio về các vấn đề tại châu Á và anh cũng đang học để thích nghi được với hệ thống ở đây.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng anh Đức vẫn rất vui khi quay về vì nó cho phép anh khám phá ra sự đơn giản của cuộc sống. Anh tâm sự: “Tôi đã 50 tuổi rồi và tôi vẫn đang đi xe máy. Ở Mỹ, tôi cảm thấy thật mệt mỏi khi sống một cuộc sống mà chẳng bao giờ nói chuyện được với hàng xóm, tôi thích cuộc sống ở đây vì có thể đi dạo trên đường và bắt chuyện với mọi người”.

 (Theo USA Today/VnExpress)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu