A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cộng đồng người Việt tại Romania: Cầu nối góp phần thúc đẩy mối quan hệ hai nước

Cộng đồng người Việt tại Romania hình thành cách đây hơn hai thập niên, theo thống kê hiện có khoảng 1.000 người Việt Nam đang định cư, sinh sống tại thủ đô Bucharest và một số vùng lân cận. Mặc dù số lượng người không đông, chủ yếu làm nghề buôn bán nhỏ song ngay từ những năm đầu của thập niên 1990, những người Việt tại Romania đã tập hợp và thành lập ra Hội người Việt Nam tại Romania.

Kể từ ngày thành lập (tháng 12/1994), bằng những hoạt động cụ thể, sự năng động, tinh thần đoàn kết, luôn tôn trọng luật pháp nước bạn và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, Hội đã thật sự trở thành nhịp cầu hữu nghị góp phần thúc đẩy mối quan hệ và hợp tác giữa hai dân tộc Việt Nam và Romania.



 Câu lạc bộ Phụ Nữ Việt Nam tại Romania trong lễ khai trương


Anh Nguyễn Văn Tới, đại diện Hội người Việt Nam tại Romania nhận xét: “Vốn là cộng đồng còn non trẻ với số lượng người Việt không nhiều, nhưng rõ ràng đây là một cộng đồng mang tính gia đình, rất đoàn kết và được đánh giá có tính ổn định nhất khu vực Đông Âu. Tại Romania, đa số bà con làm ăn buôn bán tại các chợ, trung tâm thương mại và tập trung đông nhất tại chuỗi Trung tâm Thương mại Dragonul Rosu ở thủ đô Bucharest. Thời gian gần đây, để thích nghi hơn với những điều kiện mới khi thu nhập từ việc buôn bán nhỏ ngày càng ít đi, đồng thời nhằm hội nhập sâu hơn với đời sống xã hội nước bạn, một bộ phận cộng đồng đã và đang tìm hướng đi mới như đầu tư bất động sản, kinh doanh nhà hàng, khu giải trí và một số lĩnh vực khác mang tính ổn định hơn, lại không phụ thuộc vào mùa vụ (việc mua bán kinh doanh tại Romania thịnh đạt nhất thường vào mùa hè, khoảng tháng 3 đến cuối tháng 6 hàng năm). Anh Phạm Lịch Sự, quê tỉnh Thanh Hoá, định cư ở Romania được hơn 12 năm, buôn bán tại Trung tâm thương mại Dragonul Rosu, cho biết: “Nét đặc trưng của cộng đồng người Việt ở đây là tính ổn định cả về công việc kinh doanh lẫn địa vị pháp lý. Vì hầu hết những người bên này đều có giấy tờ cư trú hợp pháp, khoảng 60% đã có nhà riêng, cửa hàng mua bán kinh doanh. Số còn lại là người mới sang tuy chưa có quầy hàng, ở nhà thuê nhưng tất cả đều làm ăn chính đáng đúng với luật pháp của đất nước Romania”.

Bên cạnh những hoạt động mưu sinh, cộng đồng người Việt tại Romania vẫn luôn thể hiện rất tốt tinh thần đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt cộng đồng. Dù số lượng người không đông, song mọi người vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, chào mừng các ngày lễ lớn mang tính truyền thống của dân tộc tại “ngôi nhà chung” - trụ sở Đại Sứ quán Việt Nam tại Bucharest. Thông qua tổ chức Hội, các thành viên đã nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao với Đại sứ quán các nước trong khối ASEAN. Ngoài ra, Hội còn tích cực, thường xuyên mở các lớp tiếng Việt cho con em người Việt Nam thế hệ thứ 2 đang sinh sống, học tập tại Romania.

Tờ “Nội san” của Hội ra mắt gần đây đã phản ánh các hoạt động của cộng đồng, kịp thời phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước... Đáng chú ý mới đây, vào ngày 22/1/2011,  Hội người Việt tại Romania đã long trọng tổ chức lễ khai trương Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Romania. Việc thành lập CLB đã tạo cơ hội để chị em phát huy truyền thống hào hùng của người phụ nữ Việt Nam, cổ vũ, động viên vai trò tích cực của chị em trong việc xây dựng khối đoàn kết, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng người Việt Nam tại Romania.  CLB cũng sẽ là địa điểm, sân chơi dành cho chị em giao lưu, rèn luyện sức khỏe, chia sẻ kinh nghiệm, tình cảm và đảm bảo quyền lợi cho các chị em.

Sau khi Hội Người Việt Nam ở Romania được thành lập, Hội Doanh nghiệp người Việt Nam tại Romania cũng đã ra đời (vào cuối năm 2007). Lúc đầu có hơn 10 công ty, đến nay đã có hơn 60 công ty TNHH, trong đó có khoảng 20 công ty là thành viên trực thuộc Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Romania. Đây cũng là lực lượng nòng cốt tham gia các hoạt động chung của bà con người Việt ở nước bạn. Đặc biệt, từ khi Romania tham gia vào EU và Việt Nam gia nhập WTO, các công ty của người Việt đã nhạy bén hơn trong việc nghiên cứu, tìm kiếm hướng đầu tư kinh doanh ổn định, có chiều sâu và lâu dài. Thành công bước đầu là lượng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, chủ yếu là hàng dệt may vào Romania ngày càng tăng đã góp phần thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của nước ta. Tiếp đó là những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc tăng cường hợp tác nhiều mặt, nhất là về kinh tế để các doanh nghiệp triển khai thuận lợi hơn, phát huy vai trò cầu nối cho mối quan hệ và hợp tác giữa Việt Nam và Romania...

Như Quỳnh (Đại đoàn kết)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu